Những người thầy của Olympic Vật Lý Bách khoa

0
149

Một buổi chiều cuối thu, khi tiết trời Bách khoa đang vào những ngày đẹp nhất, nắng trong và nhẹ, tôi hẹn gặp hai người thầy của Olympic Vật lý Bách khoa. Không chỉ giỏi chuyên môn, nhiệt huyết, sáng tạo, có tâm, biết truyền lửa, làm bùng lên ngọn lửa đam mê của học trò, họ còn là những người “mát tay” khi huấn luyện, đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên giành giải cao ở các kì Olympic Vật lý sinh viên. Đó là PGS Dương Ngọc Huyền và TS Hà Đăng Khoa của Viện Vật lý Kỹ thuật – Trường ĐHBK Hà Nội.

ĐEM “MĂNG” ĐI ĐÁNH “TRE GIÀ”

Khi biết tôi có ý định viết bài về những người đã gắn bó với hoạt động thi Olympic Vật lý của Trường ĐHBK Hà Nội, thầy Dương Ngọc Huyền xua tay từ chối: “Chúng tôi chỉ là những người đi sau, có rất nhiều cây đa, cây đề của Viện Vật lý kỹ thuật đã từng bước tạo nên thương hiệu của Olympic Vật lý Bách khoa, lớp chúng tôi chỉ là những người đi sau, tiếp nối truyền thống đó thôi!”. Nhưng sau một hồi thuyết phục kèm năn nỉ, người viết đã có cuộc trò chuyện đầy thú vị về hành trình “toàn Nhất” của Olympic Vật lý Bách khoa.

PGS Dương Ngọc Huyền

Năm 2003, PGS Dương Ngọc Huyền chính thức tham gia hoạt động thi Olympic Vật lý sinh viên của Trường với vai trò giảng viên hướng dẫn và dẫn đoàn đi thi. Gần 15 năm gắn bó với Olympic Vật lý sinh viên Bách khoa là gần 15 năm thầy Huyền chứng kiến sự trưởng thành của các sinh viên đi ra từ cuộc thi. Kể về hành trình dài đó, thầy Huyền vui vẻ cho hay: “Nhiều sinh viên đi tham gia thi Olympic Vật lý nay đã trưởng thành, vững vàng trên những con đường mới, nhưng đối với tôi, những gương mặt thông minh và nhanh nhẹn ấy, quãng thời gian thầy trò miệt mài ôn tập kiến thức lý thuyết, giải bài tập, rồi làm thí nghiệm… đến những buổi tiễn đoàn lên đường đi thi đầy quyết tâm, đến nụ cười chiến thắng khi giành giải cao nhất sẽ mãi là những khoảnh khắc tuyệt vời trong suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề “làm thầy””.

Khi được hỏi yếu tố khác biệt của đội tuyển Olympic Vật lý Bách khoa với các đội tuyển đến từ các trường khác, thầy Huyền hóm hỉnh đó chính là một hiện tượng thú vị những “chiếc măng” chiến thắng “những cây tre già”. PGS Dương Ngọc Huyền cho biết: “Là truyền thống của hoạt động thi Olympic Vật lý sinh viên, các em đã đoạt giải tại các kỳ thi Olympic Vậy lý các bậc học dưới thì sẽ không được tham dự, vì vậy, hàng năm để lựa chọn đội tuyển đi thi, hầu như chúng tôi phải chọn lại từ các em sinh viên mới vào. Có một đặc điểm khác biệt của đội tuyển đến từ Bách khoa Hà Nội đó là hầu hết các em là sinh viên năm nhất, năm hai. Rất ít các bạn học các năm thứ 4, năm cuối. Trong khi đó, một số trường khác, đa số thành viên đội tuyển là các sinh viên năm cuối. Một thực tế cho thấy, mỗi lần ra quân, đội tuyển Olympic Vật lý Bách khoa đều giành chiến thắng ròn rã, được đánh giá rất cao về khả năng xử lý bài thi”.

NHỮNG PHÚT… HỒI HỘP CHẢY MỒ HÔI

Đến với hoạt động Olympic Vật lý muộn hơn PGS Dương Ngọc Huyền, một người thầy được các bạn sinh viên nhận xét là có “tinh thần thép” đó chính là TS Hà Đăng Khoa. Nguyễn Văn Tâm – thành viên đội tuyển Olympic Vật lý năm 2013 cho biết: “Ở phần thi trắc nghiệm của kì thi năm đó, diễn ra tại Đại học Mỏ – Địa chất, trong mười câu tiên, các đội tuyển khác đã giành đến 9, 10 điểm thì đội chúng em mới đúng được 6 câu. Cả đội biết vậy nên lo lắng lắm, chốc chốc lại ngoái lại phía thầy, vẫn thấy thầy giơ tay ra dấu yên tâm. Mặc dù rất lo lắng nhưng nhìn thấy nụ cười và ánh mắt động viên của thầy, cả nhóm lại yên tâm làm bài”.

Khi nhắc lại kỷ niệm này, TS Hà Đăng Khoa cười xòa: “Thật sự lúc đó mình căng thẳng lắm, trên mặt đã toát cả mồ hôi, chắc các em sinh viên ở xa nên không nhìn thấy, chứ cứ nhìn lên bảng điểm thấy học trò của mình làm bài chưa đúng là tim lại đập rộn lên vì lo lắng, nhưng thấy mấy đứa quay ra nhìn, mình phải động viên “từ xa” ngay. Sau khi kết thúc 10 câu hỏi đầu tiên, theo thông lệ sẽ có giải lao tại chỗ một khoảng thời gian ngắn, nhưng lại nhận được thông tin từ Ban tổ chức là làm luôn 10 câu còn lại, mình đã đứng lên đề nghị phải có thời gian giải lao vì thực sự các em sinh viên đã rất căng thẳng, ngay lúc đó, cả hội trường vỗ tay ủng hộ. Thế là cả thầy và trò được nghỉ một vài phút và chính vài phút ngắn ngủi đó đã mang lại 10 điểm tuyệt đối cho đội tuyển Bách khoa. Nhờ đó, kết quả chung cuộc của đội tuyển Olympic Trường vẫn là Nhất toàn đoàn”.

Ts Hà Đăng Khoa

Theo TS Khoa, sinh viên Bách khoa Hà Nội nói chung đều giỏi, có quyết tâm phấn đấu và đam mê khoa học. “Thành viên của đội tuyển Olympic Vật lý được lựa chọn từ tất cả sinh viên trong Trường (không quy định ngành học), do vậy không chỉ có sinh viên Viện Vật lý kỹ thuật tham gia mà còn có sinh viên của các Viện khác như: Điện tử Viễn thông, Cơ khí, Điện, Công nghệ thông tin và Truyền thông… điều này cho thấy tính chất toàn diện của sinh viên Bách khoa”.

Để có được thành công và mang đến chất lượng của Olympic Vật lý Bách khoa, theo TS Hà Đăng Khoa đó là tổng hòa của nhiều yếu tố. Thứ nhất, chính là lòng ham học và đam mê học tập của các em sinh viên, chính sự nỗ lực của các em đã đem đến sức mạnh của toàn đội tuyển. Thứ hai là sự ủng hộ và quan tâm của các thầy, cô giáo, của Ban lãnh đạo Trường ĐHBK Hà Nội, và hơn hết là lòng tự hào, tình yêu và sự tự tin khẳng định thương hiệu sinh viên Bách khoa Hà Nội của các em sinh viên.

 “Trong hành trình nghề nghiệp của mình có một điều tôi luôn tâm niệm và thường xuyên nhắc nhở các em sinh viên đó là bài học về làm việc nghiêm túc và trách nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm, các em sẽ đặt yêu cầu công việc phải có kết quả cao, như vậy mới thấy mình thiếu cái gì, từ đó đưa đến động lực tìm tòi, học tập, thông qua đó bổ sung khiếm khuyết của mình, không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng. Hãy làm giám khảo cho cuộc đời của chính các em”. TS Hà Đăng Khoa chia sẻ.

Bài & ảnh: Sáng Nguyễn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here