Hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những tâm điểm quan trọng trong mục tiêu đào tạo và NCKH của Trường ĐHBK Hà Nội. Không chỉ giúp sinh viên làm quen với công việc nghiên cứu, chủ động tư duy, sáng tạo, hình thành phương pháp làm việc khoa học mà thông qua hoạt động NCKH còn có nhiều đề tài được chuyển giao công nghệ. Trong số những đề tài được chuyển giao ấy, có không ít đề tài được chính doanh nghiệp đặt hàng sinh viên nghiên cứu. Việc nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp sẽ là hướng đi mới cho hoạt động sinh viên NCKH, góp phần gia tăng hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu của sinh viên.
DOANH NGHIỆP ĐẶT HÀNG SINH VIÊN
Không chỉ xuất sắc giành giải Nhất tháng sinh viên NCKH và sáng tạo năm học 2016-2017, đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống tự động cấp phôi trong dây chuyền sản xuất đồ dùng inox cho nhà bếp” của nhóm sinh viên năm thứ 3 Viện Cơ khí động lực còn là một đề tài được Công ty TNHH đồ dùng nhà bếp Đông Sơn (Đồng Nai) đặt hàng nghiên cứu. Dưới sự hướng dẫn của PGS Hoàng Sinh Trường, cùng sự nỗ lực của các thành viên, sau 6 tháng tập trung nghiên cứu, nhóm đã chế tạo thành công hệ thống tự động cấp phôi trong dây chuyền sản xuất đồ dùng inox cho nhà bếp; đồng thời đáp ứng được yêu cầu của đơn vị đặt hàng.
Cũng gây được sự chú ý của các nhà khoa học, sinh viên và giới truyền thông tại triển lãm sinh viên NCKH năm học 2016-2017, sản phẩm Máy làm giá đỗ tự động của nhóm sinh viên K59 Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm đã xuất sắc giành giải Nhất. Với nhiều ưu điểm vượt trội như rút ngắn thời gian được thu hoạch từ 20-24 giờ; tiết kiệm được khoảng 150 lít nước/1kg nguyên liệu đỗ so với các phương pháp thủ công; phù hợp với những bếp ăn ở các khu công nghiệp, doanh trại quân đội hoặc sử dụng cho các hộ kinh doanh vừa và nhỏ… chiếc máy làm giá đỗ tự động của sinh viên đã được một đơn vị quân đội đặt mua. Đó là hai trong rất nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên được chuyển giao công nghệ. Việc doanh nghiệp đặt hàng sinh viên nghiên cứu không chỉ là lời giải cho bài toán nghiên cứu gắn liền với thực tiễn mà còn khuyến khích sự đam mê, sáng tạo của sinh viên, gắn việc học đi đôi với thực hành. Tuy nhiên, làm thế nào để hướng đi này thực sự hiệu quả? Đó là trăn trở của không ít các nhà khoa học, giảng viên hướng dẫn – những người trực tiếp định hướng sinh viên NCKH.
TẠO KÊNH THÔNG TIN KẾT NỐI DOANH NGHIỆP VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Với kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, PGS Hoàng Sinh Trường – Viện Cơ khí Động lực cho biết, thực tế những đề tài được doanh nghiệp đặt hàng hiện nay đều xuất phát từ mối quan hệ của các thầy với doanh nghiệp. Khi biết vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải, các thầy cung cấp thông tin đến sinh viên, đề xuất phương án giải quyết, sau đó thuyết phục doanh nghiệp đặt hàng.
“Cái khó nhất chính là nguồn thông tin, các nhà khoa học, sinh viên thì không biết vấn đề doanh nghiệp gặp phải là gì? Nhu cầu của doanh nghiệp ra sao? Trong khi doanh nghiệp không biết ai có thể giải quyết được bài toán mà mình đang gặp phải. Do đó, để gia tăng hiệu quả ứng dụng NCKH của sinh viên, cần nhất vẫn là cầu nối trường ĐH – doanh nghiệp. Trường nên chủ động tạo một kênh thông tin để các doanh nghiệp có thể chia sẻ nhu cầu một cách nhanh nhất đến các nhà khoa học, kể cả sinh viên. Chẳng hạn như việc thành lập cổng thông tin điện tử nhằm tạo nên một diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, sinh viên và doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp do cựu sinh viên quản lý, điều hành. Từ đó, hình thành các ý tưởng nghiên cứu gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp” – PGS Hoàng Sinh Trường đề xuất.
“Trong hoạt động sinh viên NCKH, giảng viên hướng dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện vấn đề doanh nghiệp gặp phải. Thông qua các dịp đưa sinh viên đi thực tập, thăm quan, ngoại khóa… giảng viên hướng dẫn cần nhạy bén phát hiện vấn đề phù hợp, khuyến khích sinh viên phân tích và đề xuất giải pháp, từ đó hình thành đề tài NCKH…” – TS Phạm Ngọc Hưng, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mạng lưới cựu sinh viên cũng là một trong những giải pháp quan trọng đẩy mạnh hoạt động NCKH sinh viên. Đây không chỉ là nơi lan tỏa, truyền lửa cho các thế hệ sinh viên mà còn là diễn đàn trao đổi về chuyên môn, ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp.
Khi đã có thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp thì làm sao để doanh nghiệp tin tưởng đặt hàng sinh viên nghiên cứu. Theo TS Hưng, trước hết các Viện đào tạo phải có chủ trương, tích cực hợp tác với doanh nghiệp, tìm hiểu những khó khăn của doanh nghiệp trong kỹ thuật và công nghệ để đề xuất các hướng nghiên cứu, cung cấp giải pháp đột phá cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Ngoài ra, kinh nghiệm và uy tín của giảng viên hướng dẫn cũng là điểm cộng để doanh nghiệp tin tưởng đặt hàng sinh viên nghiên cứu. Phía doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn và tin tưởng, thông qua Viện đào tạo, giảng viên hướng dẫn gửi đến sinh viên các bài toán vừa và nhỏ để nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu có thể chưa đủ để doanh nghiệp sử dụng ngay nhưng những sinh viên tham gia nghiên cứu là những người có tư duy khoa học, sáng tạo, có nền tảng kiến thức tốt và doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm tuyển dụng cho tương lai.
HỖ TRỢ KINH PHÍ CHO NHỮNG ĐỀ TÀI CÓ TÍNH THỰC TIỄN CAO
Đó là mong muốn của PGS Hoàng Sinh Trường khi đề cập đến những khó khăn mà sinh viên gặp phải trong quá trình nghiên cứu. “Đối với những đề tài mang tính thực tiễn cao, được doanh nghiệp đặt hàng, Trường cần có những chính sách cụ thể như hỗ trợ một phần kinh phí nhằm khuyến khích, động viên sinh viên nghiên cứu. Nguồn kinh phí ấy tuy nhỏ nhưng sẽ tạo động lực lớn để phát huy khả năng sáng tạo, tư duy khoa học của sinh viên” – PGS Trường chia sẻ.
Là người gắn bó và tâm huyết với hoạt động sinh viên NCKH nhiều năm, theo TS Hưng để có nguồn kinh phí cho sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu, bên cạnh sự hỗ trợ của Trường thì bản thân các nhà khoa học, giảng viên hướng dẫn cũng cần tìm các giải pháp khác giúp sinh viên như kêu gọi doanh nghiệp tài trợ, thậm chí đầu tư 100% kinh phí để sinh viên thực hiện đề tài.
Hy vọng rằng, với những giải pháp cụ thể, hoạt động sinh viên NCKH ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt sẽ có nhiều đề tài được chuyển giao công nghệ, được doanh nghiệp đặt hàng. Đây sẽ là hướng đi mới cho hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường ĐHBK Hà Nội.
Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi