Tôi có may mắn và vinh dự được tham gia vào Trung tâm Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu – ITIMS (nay gọi là Viện ITIMS) ngay từ những ngày đầu thành lập. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập Viện ngày 17/12/1992 như một cơ sở đào tạo sau đại học trực thuộc Bộ. Đây thực sự là mô hình đào tạo mới bởi vào thời điểm đó, ở nước ta hiếm thấy một cơ sở độc lập chỉ thuần tuý đào tạo trên đại học và nghiên cứu khoa học. Mục tiêu đào tạo của Viện là tập trung vào một lĩnh vực “nóng” trên thế giới nhưng còn rất mới mẻ ở Việt Nam là Khoa học Vật liệu, mà chủ yếu là Vật liệu Điện tử. Cơ sở này phải có tính chất “quốc tế” với nghĩa là để thu hút sự tài trợ của phía Hà Lan và sự giúp đỡ quốc tế khác và phải đào tạo được các thạc sĩ và tiến sĩ có chất lượng cao. Để thực hiện được cả ba mục tiêu mới mẻ này, ITIMS đã phải sáng tạo hàng loạt các cách làm mới và đưa vào chương trình đào tạo và nghiên cứu của mình hàng loạt điểm mới.

Về mặt tổ chức, ITIMS ngay từ đầu đã có một chiến lược dài hạn cho nhiều năm. Chiến lược này một mặt dựa vào kế hoạch phát triển khoa học công nghệ của nước ta, một mặt dựa trên khả năng giúp đỡ trong chương trình hợp tác với các nước đang phát triển của phía Hà Lan (do cơ quan NUFFIC quản lý). Đề án xây dựng ITIMS là một kế hoạch gồm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 4 năm. Dựa trên kế hoạch này, lúc đầu việc đào tạo của ITIMS trông cậy vào hệ thống mạng lưới các phòng thí nghiệm  (PTN) “phối thuộc” gồm 14 nhóm các nhà khoa học tại các trường đại học và viện nghiên cứu ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó, sau khi hoàn thành toà nhà riêng tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, ITIMS sẽ trở thành một cơ sở tự chủ hơn nhưng vẫn luôn là một đơn vị mở. Kế hoạch này cũng dự kiến mỗi năm sẽ đạo tạo 4 nghiên cứu sinh (NCS) trong chương trình “phối hợp” (sandwich) và một số NCS “song song” (parallel) sao cho đến cuối đề án, sẽ có khoảng 20 cán bộ khoa học chủ chốt. ITIMS không chỉ hoạch định chương trình đào tạo tiến sĩ cho mình, mà còn có kế hoạch ngay từ đầu đào tạo các kỹ thuật viên cho việc đảm bảo kỹ thuật của Viện. Đây là một điểm quan trọng mà ITIMS đã thực hiện rất thành công. Biên chế hành chính của ITIMS rất gọn nhẹ, một người làm nhiều chức năng và có chế độ giao ban thường xuyên. Điều này được thực hiện rất tốt và ITIMS đã duy trì được mối quan hệ giữa các thành viên của mình trong không khí rất hoà thuận và thân thiết. Một đồng nghiệp nhiều năm của ITIMS gọi đây là “Văn hoá ITIMS”.

Nếu như với các nhà khoa học trong nước, ITIMS mở rộng cánh cửa hợp tác thông qua mạng lưới các PTN phối thuộc thì trong quan hệ quốc tế, ITIMS ngay từ đầu không chỉ hạn chế hợp tác với hai “đối tác chiến lược” ở Hà Lan là Trường Đại học Tổng hợp Amsterdam và Trường Đại học Tổng hợp Twente mà còn thiết lập quan hệ khoa học của mình thông qua một Hội đồng Tư vấn Quốc tế (IAB: International Advisory Board), đứng đầu là giáo sư Jaap Franse, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Amsterdam. Hội đồng bao gồm 14 giáo sư có tiếng từ nhiều nước cả ở châu Á lẫn châu Âu.

Lúc đầu chúng tôi thấy cách làm này thật vất vả và tốn kém vì mỗi năm phải tổ chức một cuộc họp giữa Ban Giám đốc và các Chủ trì đề án hợp tác ITIMS phía Hà Lan (ông F.F. Bekker, P. de Goeje và J. Holleman) với các thành viên của IAB hoặc tại Việt Nam hoặc tại Hà Lan. Nhưng càng về sau càng thấy các “ông thợ da” của Hội đồng này đã thực sự tụ hội với nhau trong những cuộc gặp gỡ này để thành một “Gia Cát Lượng” giúp chúng ta trong việc sáng suốt hoạch định các công tác đào tạo và nghiên cứu. Không những thế, các giáo sư cũng nhận NCS của ta, tạo cơ hội cho các chuyến thực tập của cán bộ, giúp mua sắm máy móc hoặc tặng nhiều tài liệu quý. Việc ITIMS có một Hội đồng Tư vấn Quốc tế cũng là một cách làm khá độc đáo vào thời điểm đó.

Có lẽ những cái mới nhất của ITIMS nằm ở chương trình đào tạo và các hướng nghiên cứu của nó. Tôi còn nhớ mãi thời kỳ những năm 19921993, là thời kỳ Ban Giám đốc ITIMS cùng các đồng nghiệp quốc tế hoạch định chương trình đào tạo cao học. GS Popma – Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Twente đề nghị nên đưa vào chương trình này một môn học gọi là modeling (mô hình hóa). Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng tư vấn IAB tại Hà nội, chúng tôi thảo luận khá nhiều về khái niệm và nội dung của môn học còn quá mới mẻ này đối với các trường đại học Việt Nam, nhưng mãi mà không ngã ngũ. Mọi người bèn quyết định fax sang Hà Lan để hỏỉ ý kiến GS Popma. Gíáo sư đã fax trả lời ngay với một vài dòng định nghĩa rất ngắn gọn nhưng vẫn rất trừu tượng đối với chúng tôi! Chỉ sau đó nhiều tháng, khi chúng tôi tiếp xúc thêm với các nhà khoa học nước ngoài và các đồng nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt là GS Nguyễn Văn Liễn, GS Nguyễn Mạnh Đức, GS Phạm Khắc Hùng…, nội dung môn học này của ITIMS mới được hình thành cụ thể. Giờ đây, modeling đã được giảng dạy và nghiên cứu ở khắp các trường, các viện trong nước trong nhiều lĩnh vực.

Cũng chính tại ITIMS, PGS Lê Viết Dư Khương đã lần đầu tiên giảng dạy phần mềm MATLAB cho các học viên cao học ngay từ những năm 1994-1995. Tôi còn nhớ trong thời gian làm việc tại Hà Lan theo chương trình ITIMS vào năm 1996, các đồng nghiệp ở Amsterdam đã đề nghị anh chuyển sang dạy phần mềm MAPLE như họ đang làm. Tuy nhiên, PGS Khương đã thuyết phục được các bạn Hà Lan “chiều ý” mình và tiếp tục nhiều năm dạy MATLAB tại ITIMS. Phần mềm này ngày nay đã được giảng dạy và sử dụng rất rộng rãi ở nước ta.

ITIMS cũng đầu tư từ rất sớm một mạng LAN với một dàn máy tính AT386 mạnh đi kèm với hai PTN thực tập điện tử cơ sở và thực tập ghép nối (interfacing) mà cả những cơ sở chuyên dạy về Điện tử-Viễn thông thời đó cũng phải mơ ước! PGS Trần Quang Vinh, ThS Vũ Anh Minh, và KS Nguyễn Văn Hoàng cùng các chuyên gia Ben Bruidegom và Erric Henes đã phối hợp vô cùng ăn ý để thực hiện những công việc này. Việc gắn liền học lý thuyết kết hợp với thực hành không chỉ được thực hiện trong các môn tin học và điện tử cơ sở mà còn rất được nhấn mạnh trong các môn học về khoa học vật liệu. Với sự giúp đỡ của các Thầy trong các phòng thí nghiệm phối thuộc, một loạt các bài thực tập có chất lượng về hoá vật liệu, vật lý chất rắn, khoa học vật liệu và công nghệ chế tạo vật liệu đã được xây dựng rất công phu và tạo hứng thú học tập và nghiên cứu cho các học viên trong chương trình cao học của ITIMS.

Về giáo vụ, ITIMS ngay từ đầu đã chú trọng khâu tuyên truyền tuyển sinh từ nhiều nguồn khác nhau, thực hiện cẩn thận việc in ấn chương trình và các tài liệu học tập. ITIMS cũng đã mạnh dạn khuyến khích sinh viên viết luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh. Ngày nay, tại nhiều cơ sở đào tạo trong nước, việc này cũng đã trở thành phổ biến.

Trong việc xây dựng các thiết bị nghiên cứu của mình, ITIMS tập trung rất mạnh vào việc xây dựng một phòng sạch (clean room) có diện tích trên 100m2, với những thiết bị ngoại vi và các máy móc bên trong khá đồng bộ. Phòng sạch này được khánh thành cùng với toà nhà ITIMS năm 1997, đã làm cho ITIMS trở thành cơ sở hàng đầu trong nghiên cứu các vật liệu bán dẫn và các cảm biến (sensor). Cũng chính nhờ có phòng sạch mà ITIMS đã đi đầu, thông qua 3 đề tài khoa học do Bộ GD&ĐT tài trợ, trong việc nghiên cứu về các hệ vi cơ điện tử (MEMS) một lĩnh vực còn rất mới mẻ ở Việt Nam lúc đó.

Ngày nay, MEMS đã được nghiên cứu cả về thiết kế chế tạo lẫn các ứng dụng tại nhiều cơ sở khác ở nước ta. Về phương diện vật liệu từ, ITIMS đã đầu tư cho một từ kế VSM và tự xây dựng một hệ từ trường xung với từ trường kỷ lục trên 20 Tesla. Nhiều công trình nghiên cứu màng mỏng từ đơn lớp và đa lớp cũng được khởi nguồn từ những thiết bị ở ITIMS.

Một giáo sư ở Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia, người đã gắn bó nhiều năm với ITIMS, nói với tôi là ITIMS đã ra đời vào đúng thời điểm khi chúng ta rất cần phát triển ngành khoa học vật liệu và nó đã giúp các nhà khoa học Việt Nam vượt qua những khó khăn ban đầu. Anh cũng nói rằng các hội nghị IWOMS’95 và IWOMS’99 do ITIMS tổ chức thực sự là những đóng góp rất có giá trị cho giới khoa học nước ta. Cách đánh giá đó có phần ưu ái với ITIMS. Tôi thấy cần phải bổ sung vào đánh giá này một điều là ITIMS đã thực hiện được các ý tưởng mới trong đào tạo và nghiên cứu của mình với sự ủng hộ của bao người.

Các cán bộ Viện ITIMS trong phòng sạch bán dẫn. Ảnh: PGS Mai Anh Tuấn

Bộ GD&ĐT, đặc biệt vụ Sau Đại hoc (GS Phạm Sĩ Tiến) và vụ Quan hệ Quốc tế (GS Trần Văn Nhung và KS Võ Thế Lực), Ban Giám hiệu Trường ĐHBK Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (đặc biệt là GS Hoàng Trọng Yêm, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội và PGS Nguyễn Xuân Chánh, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật của Trường) cùng rất nhiều các Thầy và các nhà khoa học ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về Vật lý, Hoá học cả về thực nghiệm lẫn lý thuyết từ Bắc tới Nam đã đóng góp bao công sức để tạo dựng nên ITIMS. Đúng như Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã nói trong lễ kỷ niệm 10 năm ITIMS: “Mỗi người đều thấy ITIMS là của chính mình”.

Thời gian đã trôi qua, ITIMS đã đào tạo nhiều thế hệ thạc sĩ và tiến sĩ. Ngành Khoa học Vật liệu nước ta đã phát triển mạnh mẽ với nhiều cơ sở rất hiện đại khác ở các trường đại học và các viện nghiên cứu. Đối với một nước đang phát triển và hội nhập quốc tế nhanh chóng như Việt Nam, đây là một điều tất yếu và rất đáng mừng. Tuy nhiên, các thế hệ tiếp theo tại ITIMS vẫn tiếp tục làm việc với tinh thần “đốt cháy mình” cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học và Viện ITIMS vẫn tiếp tục là nơi khởi nguồn của những ý tưởng mới!

MỘT SỐ THÀNH TỰU CỦA VIỆN ITIMS

Năm 2011, 2013: Bộ GD&ĐT trao tặng danh hiệu Tập thể xuất sắc

Năm 2013:
– Huân chương lao động hạng Ba
– Đào tạo được  366 ThS, 40 Nghiên cứu sinh được đào tạo hợp tác liên kết với nước ngoài, 25 Nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án TS trong nước.

Từ năm 2012 – 2017: 173 bài báo ISI 30 đề tài NAFOSTED 9 đề tài cấp Bộ 2 đề tài cấp Nhà nước 25 đề tài cấp Trường

 

Cố GS.TSKH Nguyễn Phú Thuỳ – Nguyên Phó Viện trưởng Viện ITIMS

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here