Đi qua… năm nhất

0
115

Hạ Minh (ghi)

Ảnh: Kim Chi

Bách khoa, ngày… tháng… năm…

Bố vừa ra xe để về nhà, chỉ còn lại một mình ở lại trong căn phòng trọ nhỏ bé và xa lạ. Đứng nhìn theo dáng bố, mình càng cảm thấy lo âu và lạ lẫm Hà Nội rộng lớn, ồn ào và mới mẻ quá! Giữa mảnh đất không quen, với những người không quen, mình phải sống tự lập, không có bố mẹ ở bên. Nhưng bố đã bảo: “Con đã là sinh viên rồi, phải tự mình bước vào cuộc sống. Bố tin ở con”. Nhớ lại ánh mắt nghiêm nghị mà ấm áp của bố, mình như vững tâm hơn. Niềm vui và một chút hồ hởi xen nhẹ trong lòng. Bởi lẽ ngày hôm nay là ngày đầu tiên mình chính thức trở thành sinh viên. Thân thương bao nhiêu những từ sinh viên năm nhất.

Bách khoa, ngày… tháng… năm…

Điều thú vị đầu tiên mà mình nhận thấy ở Hà Nội là có thật nhiều xe buýt. Hết tuyến xe này đến tuyến xe khác nườm nượp qua lại. Ở miền quê nhỏ bé xa xôi nơi mình sinh sống không có xe buýt. Đương nhiên, đây sẽ là phương tiện từ đây mình gắn bó để đến trường. Và đây cũng là lần đầu tiên mình đi xe buýt. Giờ này khi nghĩ lại “lần đầu tiên” ấy, cô sinh viên năm nhất khờ khạo vừa rời vòng tay của bố mẹ thật quá buồn cười. Mình đâu biết xe buýt chỉ dừng ở bến đỗ cố định cho khách lên xuống. Và thế là, một con nhỏ mặt mũi ngơ ngác đứng bên hè đường, cứ thấy xe buýt đi qua thì giơ tay ra vẫy. Anh tài trẻ trên chuyến xe 21 còn giơ tay vẫy lại mình. Một vài chiếc xe buýt vụt qua. Mình ấm ức đứng nhìn. Một người bước tới nói với mình lý do tại sao xe buýt không dừng lại… Mình đi nhanh đến trạm dừng xe buýt và lên đúng chuyến xe 21. Anh tài xế nheo mắt cười tinh nghịch. Còn mặt mình thì đỏ bừng. Xe buýt ơi! Một kỷ niệm đáng nhớ của những ngày đầu là sinh viên.

Bách khoa, ngày… tháng… năm…

Suốt đêm qua mưa sầm sập, đến tận sáng mưa vẫn còn xối xả. Trời tối om, gió lùa lạnh buốt. Trang nằm cạnh mình mơ ú ớ làm mình tỉnh hẳn giấc. Mình trở dậy và nhìn xuống nền nhà. Trời! Nước mưa đã tràn vào nhà và ngập quá chân giường. Cả nhà cùng dậy, nháo nhác dọn đồ lên cao… Mực nước chỉ còn cách mép giường nửa gang tay. Ba đứa ngồi bó gối trên giường, mắt nhìn trân trân xuống mặt nước. Những túi bóng, dép nhựa nổi lềnh bềnh. Cả ba cùng im lặng. Một nỗi buồn thấm thía như tan ra trong không khí lạnh lẽo. Chợt Trang thút thít khóc. Có lẽ nó nhớ nhà. Mình cũng như nó, đang rất nhớ nhà dù mình không thể khóc.

Bách khoa, ngày… tháng… năm…

Sau bao mong đợi mòn mỏi thì cái ngày này cũng đến. Lớp trưởng nhảy vào giữa lớp, tay giơ cao danh sách học bổng. Cả lớp nhao nhao đòi những bạn có học bổng phải khao. Tiếng cười tiếng nói ồn ã rộn ràng. Mình cũng cười toe toét vì mình có tên trong danh sách. Cầm tiền “cứu đói” trong tay mình lẩm bẩm sẽ mua quà cho bố mẹ và anh trai. Ở bàn dưới , hai đứa bạn thân giựt tóc mình và léo nhéo đòi mình đi ăn khao. Buổi tối, gọi điện về báo tin cho bố, nghe tiếng bố cười mà mình hình dung lại được cả khuôn mặt rạng rỡ của bố khi mình nhận giấy báo trúng tuyển đại học. Bố dặn: “Con phải cố gắng hơn nữa!”. Trong mình niềm vui lâng lâng xen một chút ngậm ngùi “Bố ơi! Con sẽ cố gắng!”.

Bách khoa, ngày… tháng… năm…

Hôm nay trống 3 tiết đầu. Bầu trời Bách khoa trong xanh thấy lạ. Gần hết một năm gắn bó với khoảng trời Bách khoa, nơi đây thực sự đã trở thành “ngôi nhà” của mình. Mình yêu từng chiếc ghế gỗ đường đôi, yêu những chiều hè nghiêng nắng, yêu không gian, cây cỏ. Ngoài kia trời nắng quá, nếu không phải trong lớp điều hòa công suất lớn mới được Nhà trường trang bị năm ngoái đang chạy ro ro thì giờ này chắc trong lớp chẳng còn ai. Thế mà vẫn còn đến hơn một nửa thành viên của lớp vẫn đang hiện diện nơi đây. Thật là thiệt thòi khi con gái học ngành cơ khí. Cả lớp gần tám mươi người mà chỉ có chưa đầy 10 cô gái. Chúng mình ngồi hết khu vực đầu lớp, bắt đầu bàn chuyện sau khi thi hết kì có đăng ký tham gia tình nguyện không hay về quê với bố mẹ? Hay ở lại Hà Nội đi làm thêm hè nhỉ? Mấy anh chàng “chim oanh vũ” thường nói: “Sao mấy bà lại chọn học cơ khí vậy, vừa vất vả vừa lem luốc”. Ồ, vì chúng tôi đang theo đuổi đam mê?

Bách khoa, ngày… tháng… năm…

Hôm nay mình hoàn thành xong môn cuối cùng, đồng nghĩa với việc năm thứ nhất trong đời sinh viên của tôi khép lại. Lúc ấy, không biết gọi tên cảm xúc như thế nào nữa, vừa thấy lòng nhẹ bẫng vì áp lực thi cử đã tan biến, vừa nhớ nhung, vừa có chút gì đó lưu luyến. Năm thứ nhất đại học trôi qua, tưởng vậy, mà nhẹ tựa một giấc mơ.

Bách khoa, ngày… tháng… năm…

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here