Vũ Thơm (thực hiện)
Ảnh: Kim Chi
Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP-AN) cho học sinh, sinh viên là nội dung học tập đặc thù trong các trường CĐ, ĐH nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, công tác này càng trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhân dịp năm học mới vừa bắt đầu, phóng viên Đặc san Bách khoa Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Đại tá Mai Xuân Sở – Trưởng khoa Giáo dục Quốc phòng – An ninh về công tác đào tạo môn học này tại Trường ĐHBK Hà Nội.
Theo Đại tá, trong giai đoạn hiện nay, GDQP-AN có vai trò như thế nào đối với công tác giáo dục sinh viên trong các trường CĐ, ĐH?
GDQP-AN một nội dung cơ bản trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, là môn học chính khóa thuộc chương trình giáo dục từ THPT đến Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học.
Môn học GDQP-AN trang bị cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Các hành động xâm hại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Vì vậy, GDQP-AN có vai trò và ý nghĩa rất to lớn trong việc giáo dục, nâng cao ý thức, phẩm chất đạo đức của con người, đặc biệt là sinh viên – chủ nhân tương lai của đất nước. Trong thời đại hội nhập và phát triển như hiện nay, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiểu biết về kiến thức quốc phòng và an ninh là một nhiệm vụ thiết thực hơn bao giờ hết.
Để phù hợp với đối tượng là sinh viên khối ngành khoa học – kỹ thuật như ĐHBK Hà Nội thì chương trình đào tạo môn GDQP-AN có điểm gì mới, thưa Đại tá?
Chương trình đào tạo môn học GD- QP-AN cho sinh viên đại học nói chung đều phải tuân thủ theo Giáo trình GDQP-AN do Bộ GD&ĐT quy định và ban hành trên cơ sở Nghị định 116/2007/NĐ-CP ngày 10/7/2007 của Chính phủ. Chương trình đào tạo môn học GDQP-AN cho sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội cũng phải tuân thủ theo khung chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành. Tuy nhiên, với đối tượng đào tạo là sinh viên khoa học công nghệ, Khoa GDQP-AN đã tổ chức biên soạn, phối hợp với Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội xuất bản “Bài giảng Giáo dục quốc phòng và an ninh” dùng cho sinh viên ĐHBK Hà Nội. Nội dung bài giảng được biên soạn hoàn toàn dựa trên nội dung của Giáo trình GDQP-AN do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ban hành. Song, với từng nội dung cụ thể, bài giảng được biên soạn theo hướng cập nhật những nội dung mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Chẳng hạn như: Những nội dung trong văn kiện Đại hội Đảng khóa XII đề cập đến công tác quốc phòng và an ninh; nâng cao kiến thức trong các bài giảng liên quan đến khoa học kỹ thuật ở học phần “Quân sự chung và chiến thuật, kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK (CKC)” như sử dụng bản đồ quân sự, thuốc nổ, phòng chống vũ khí hủy hiệt lớn… Ngoài ra, những kỹ năng về quân sự, kỹ năng về sinh tồn, những kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động quân sự cũng được đưa vào những bài giảng này.
Bên cạnh đó, được sự nhất trí và tạo điều kiện của Trường, hàng năm Khoa GDQP-AN tổ chức cho hàng ngàn lượt sinh viên tham quan một số bảo tàng và đơn vị quân đội trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Bảo tàng PK-KQ, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lữ đoàn Không quân 918. Qua những chuyến thăm quan này, sinh viên Bách khoa đã có những cảm xúc đặc biệt, sự hiểu biết về chiến tranh, tinh thần bất khuất anh hùng của các thế đi trước giúp cho sinh viên thêm tự hào về lịch sử và truyền thống cách mạng của dân tộc ta. Sau những lần tham quan thực tế này, mỗi sinh viên sẽ tự nhận thấy mình phải cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với các thế hệ cha, anh đi trước.
Đại tá có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác đào tạo GDQP-AN trong thời gian qua?
Trong thời gian qua, công tác đào tạo GDQP-AN cho sinh viên Trường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể:
Đầu tiên, phải kể đến sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ và giảng viên, nhân viên trong Khoa. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trung tâm là giảng dạy môn học GDQP-AN cho sinh viên, tập thể cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn xác định: cần phải xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác tốt, đơn vị phải thực sự vững mạnh toàn diện. Điều này đã được triển khai thực hiện đạt hiệu quả, đơn vị đoàn kết nhất trí cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ trung tâm và mọi nhiệm vụ được giao khác, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện trong đơn vị.
Thứ hai, về chương trình giảng dạy môn GDQP-AN cho sinh viên như đã nói ở trên, Khoa đã được biên soạn thành sách bài giảng giúp cho nội dung giảng dạy được thống nhất cao, đồng thời tạo rất nhiều thuận lợi cho sinh viên trong việc nghiên cứu, học tập môn học.
Thứ ba, thực hiện chủ trương của BGH Trường về ứng dụng CNTT vào hệ thống điều hành quản lý ở từng đơn vị, năm 2014, Khoa đã xây dựng website của Khoa. Thông qua trang tin điện tử này, việc điều hành quản lý của đơn vị được thuận lợi hơn rất nhiều. Sinh viên có thể dễ dàng tra cứu thông tin: Quy định của Trường liên quan đến môn học Giáo dục QPAN; công tác sĩ quan dự bị, nghĩa vụ quân sự của nam sinh viên, tra cứu kết quả thi…
Là một đơn vị đào tạo trực thuộc Trường ĐHBK Hà Nội, Khoa GDQP-AN có những thế mạnh cũng như khó khăn gì trong công tác GDQP-AN, thưa Đại tá?
Là một đơn vị quân đội công tác trong một trường đại học có bề dày truyền thống như ĐHBK Hà Nội, Khoa GD- QP-AN có nhiều thế mạnh và điều kiện thuận lợi để phát triển.
Thứ nhất, Khoa luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu; sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các cơ quan chức năng và các đơn vị trong Trường. Được sống và làm việc trong một ngôi trường khoa học công nghệ hàng đầu của đất nước đã giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa GD- QP-AN học tập được rất nhiều từ phong cách, tác phong làm việc đến cách thức quản lý điều hành, phương pháp sư phạm…
Thứ hai, 100% cán bộ, giảng viên của Khoa đều là sĩ quan biệt phái, là đảng viên, được tuyển chọn từ các Khoa của Học viện Phòng không – Không quân là một yếu tố hết sức thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, Khoa GDQP-AN cũng gặp không ít khó. Theo Nghị định 165 của Chính phủ, thời hạn biệt phái của mỗi sĩ quan là 5 năm. Sau thời gian này, cán bộ của Khoa sẽ quay trở lại công tác trong quân đội. Vì vậy, đội ngũ cán bộ của Khoa thường xuyên biến động, thay đổi. Vị trí đóng quân, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, sinh hoạt, học tập của đơn vị mặc dù đã được Trường trang bị bổ sung trong thời gian vừa qua, song vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sân bãi huấn luyện thực hành kỹ năng quân sự cho sinh viên chưa đảm bảo được yêu cầu. Việc huấn luyện, thực hành của sinh viên chủ yếu ở khu vực sân vận động của Trường nên bị ảnh hưởng của các hoạt động thể thao trên sân. Vũ khí trang bị xuống cấp, hư hỏng, và còn thiếu nhiều so với quy định, trong khi đó quân số các lớp thường quá đông (trung bình 210 sinh viên/lớp) nên ít nhiều đã ảnh hướng đến chất lượng học tập của sinh viên.
Đại tá có thể cho biết một số hoạt động của Khoa GDQP-AN trong thời gian tới nhằm phát triển môn GDQP-AN?
Trong thời gian tới, Khoa GDQP-AN sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh trong công tác giảng dạy GDQP-AN cho sinh viên, đồng thời không ngừng tìm tòi những giải pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng môn GD- QP-AN.
Từ năm học 2018-2019, nội dung chương trình môn học Giáo dục QPAN cho sinh viên có nhiều đổi mới theo Thông tư 03/2017/TT-BGDĐT ngày 13/01/2017 của Bộ GD&ĐT. Chương trình gồm 4 học phần thay vì 3 học phần như hiện nay. Vì vậy, khi có giáo trình mới, Khoa sẽ tiến hành biên soạn lại bài giảng với nội dung mới phù hợp với tình hình hiện nay.
Riêng học phần “Quân binh chủng”, Khoa sẽ chọn lọc các nội dung khái quát kết hợp với nội dung chuyên sâu về vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại của quân đội để giảng dạy cho sinh viên. Việc tổ chức cho sinh viên học tập ngoài trường như: thăm quan bảo tàng, đơn vị quân đội, đã trở thành quy định bắt buộc theo Thông tư 03/2017. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Khoa lên kế hoạch chuẩn bị các phương án tổ chức cho sinh viên đi thăm quan ở những địa điểm cụ thể.
Theo chương trình mới của Bộ GD&ĐT, Khoa đã và đang tiến hành xây dựng lại đề cương chi tiết cho cả 4 học phần; cử cán bộ tham gia tập huấn nội dung chương trình GD- QP-AN do Bộ GD&ĐT tổ chức. Sau đó, Khoa sẽ tổ chức tập huấn lại cho toàn bộ giảng viên trong đơn vị để từ năm học 2018-2019, Khoa sẽ bắt đầu thực hiện theo đúng nội dung chương mới.
Ngoài ra, công tác bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật phục vụ học thực hành kỹ năng quân sự của sinh viên cũng được lãnh đạo, chỉ huy Khoa hết sức quan tâm. Khoa sẽ đề nghị Ban Giám hiệu và các quan chức năng của Nhà trường tiến hành mua sắm các loại vũ khí trang bị mới để giảng dạy theo đúng nội dung, chương trình vừa được ban hành.
Xin chân thành cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi này!