Nhiều năm qua, vấn đề “chưa thể gặp nhau” trong đào tạo và tuyển dụng đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của công luận khi bàn về mối quan hệ trường đại học (ĐH) và doanh nghiệp (DN). Tình trạng sinh viên (SV) ra trường không tìm được việc làm thế nhưng DN vẫn “than” không tuyển được nhân sự. DN cho rằng, sản phẩm “đầu ra” của trường ĐH không thể sử dụng hết và sử dụng ngay, phải đào tạo và đào tạo lại. Thế nhưng trường ĐH lại cho rằng, DN còn thiếu trách nhiệm đối với nguồn lực mà họ sẽ sử dụng.
KHI MỐI QUAN HỆ “ĐÔI BÊN CÙNG CÓ LỢI”
Mối quan hệ giữa trường ĐH và DN có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội. Do đó, cần phải có sự chủ động hợp tác từ hai phía, trên cơ sở hai bên cùng có lợi để tăng cường hơn nữa mối quan hệ này. Trường ĐH và DN có mối quan hệ mật thiết với nhau. Các trường ĐH cung cấp đội ngũ những người lao động có trí thức và kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp cho các DN. Bên cạnh đó, trường ĐH hỗ trợ giảng viên, phòng học… để mở các khoá đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên của các DN. Trong mối quan hệ với các DN, trường ĐH cũng có nhiều lợi ích. Ngoài nguồn vốn đầu tư thì các trường có thể nhận được những yêu cầu và thông tin phản hồi từ phía các DN để đổi mới quá trình đào tạo nhân lực, đáp ứng được các yêu cầu của DN.
Ngày nay, các DN đòi hỏi người lao động phải có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao. Điều này đòi hỏi trường ĐH phải đổi mới cách tổ chức đào tạo nhằm phát triển năng lực tư duy sáng tạo độc lập và cởi mở để sinh viên có thể thích ứng với các điều kiện làm việc khác nhau. Một câu hỏi đặt ra với những người đang làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp là: “Cần những yêu cầu như thế nào về trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, khả năng quản lý…?”. Từ câu hỏi trên, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để thực hiện tốt nhất mối quan hệ giữa trường ĐH và DN trong chương trình đào tạo của trường ĐH, bởi vì mối quan hệ giữa DN với trường ĐH thông qua các đợt thực tập của sinh viên, mối quan hệ giữa cán bộ giảng dạy và DN thông qua việc triển khai áp dụng các đề tài nghiên cứu khoa học, chính là những cơ sở để từ đó trường ĐH có thể đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo nhân lực theo yêu cầu ngày càng cao của DN.
Ngoài ra, các trường cũng đã chủ động tìm đến với DN. Đã có nhiều trường chủ động ký các văn bản thoả thuận hợp tác với các doanh nghiệp, theo đó sẽ xây dựng chương trình đào tạo gắn với yêu cầu của DN. DN tạo điều kiện để trường ĐH gửi sinh viên đến thực tập và giúp đỡ các em về kinh phí học tập. Nhiều DN đã tin tưởng đặt hàng đào tạo, triển khai nghiên cứu khoa học và hợp tác sản xuất với cơ sở đào tạo.
Không quá khó để nhận ra những lợi ích của việc hợp tác giữa trường ĐH với DN. Bất kỳ đối tượng nào cũng sẽ được thụ hưởng những kết quả tích cực từ quá trình này.
Đối với sinh viên: Những lợi ích chính bao gồm việc được tiếp cận với hệ thống kiến thức mới nhất, được củng cố về kỹ năng làm việc, và hơn nữa là nâng cao khả năng được tuyển dụng sau khi ra trường. Đối với trường ĐH: Hợp tác với DN sẽ giúp trường ĐH tiếp cận các nguồn tài chính bổ sung, tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất, hiểu hơn về những yêu cầu của DN, qua đó hoàn thiện, đổi mới chương trình giảng dạy và cơ cấu tuyển sinh, nâng cao vị thế của trường.
Đối với DN: Hợp tác sẽ giúp họ nâng cao khả năng nghiên cứu, làm tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời cũng giúp hạn chế rủi ro khi trực tiếp tuyển lựa được những sinh viên có trình độ cao; nâng cao danh tiếng của DN.
Đối với xã hội: Việc hợp tác này sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho vùng, giảm tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường.
ĐẾN NHỮNG RÀO CẢN TRONG QUAN HỆ HAI BÊN
Bên cạnh những mặt tích cực thì mối quan hệ giữa trường ĐH và DN vẫn còn một số hạn chế như: Nhiều trường ĐH đào tạo chưa gắn với nhu cầu của xã hội, của các DN, dẫn đến khi sinh viên ra trường không đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Kỹ năng, tác phong của sinh viên còn thiếu chuyên ng- hiệp. Theo ý kiến của nhiều chủ DN, nguyên nhân chính của thực trạng này nảy sinh ngay từ trong giảng đường, SV chỉ được học kiến thức mà chưa được rèn luyện kỹ năng. Nhiều DN đã phải đào tạo lại sinh viên khi ra trường và vừa đào tạo vừa phải lo lắng vì nhân viên luôn có ý định “nhảy việc” để có thêm “kinh nghiệm” hoặc trải nghiệm. DN với trường ĐH hiện nay vẫn chưa thực sự chủ động đến với nhau.
Bên cạnh đó, việc gửi sinh viên đến thực tập ở các doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn nhất định. Lượng sinh viên có nhu cầu thực tập hàng năm rất lớn, nhưng số DN tiếp nhận không nhiều và khi nhận thì cũng hạn chế. Hơn nữa, việc tiếp nhận cũng còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện, tình hình của DN, có thể năm nay tiếp nhận nhiều sinh viên thực tập nhưng sang năm có thể vì bận tập trung thực hiện dự án nên không tiếp tục giúp nhận sinh viên thực tập. Có nhiều trường ĐH tìm hiểu nhu cầu của DN, đặt vấn đề ưu tiên hỗ trợ đào tạo nhân lực cho DN, nhưng DN chưa mặn mà với việc này. DN thường chỉ có nhu cầu đào tạo theo từng dự án cụ thể chứ không có kế hoạch dài hạn.
Thiếu lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau giữa trường ĐH và DN cũng là một nguyên nhân khiến cho mối gắn kết giữa hai bên còn lỏng lẻo, chắp vá, chưa đến nơi đến chốn.
MỐI QUAN HỆ GIỮA TRƯỜNG ĐHBK HÀ NỘI – DOANH NGHIỆP KHI CÓ TỰ CHỦ
Ngày nay, khi mà nền kinh tế đang ở giai đoạn sử dụng nhiều công nghệ nhập khẩu, thì phần lớn các DN trong nước có xu hướng chưa quan tâm nhiều đến nghiên cứu và phát triển, cũng như chưa cảm nhận được sự cấp thiết của việc tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, trường ĐH cần giữ vài trò chủ động để phá bỏ các rào cản, đồng thời tự tìm kiếm đối tác và xây dựng cho mình những hợp tác mang tính chiến lược, lâu dài….
Đặt mối quan hệ này trong cái nhìn của nhà quản lý, dễ dàng nhận thấy, việc tiến đến tự chủ sẽ là một cú hích quan trọng thúc đẩy nhận thức của trường ĐH trong vấn đề này.
Tự chủ về tài chính sẽ buộc trường ĐH chủ động tìm kiếm những nguồn kinh phí hoạt động khác bên cạnh nguồn trợ cấp của chính phủ đang ngày càng thu hẹp.
Việc tăng học phí của sinh viên cũng sẽ vấp phải những phản ứng nhất định từ xã hội và sẽ có rủi ro về cạnh tranh tương quan giữa học phí và chất lượng đào tạo với các trường khác. Do đó, tìm đến DN để chia sẻ kinh phí nghiên cứu và đào tạo sẽ nhanh chóng trở thành một trong những giải pháp ưu tiên của ĐH. Tự chủ về tuyển sinh thì việc tham khảo nhu cầu của DN về số lượng sinh viên và kiến thức trang bị cho sinh viên sẽ là vấn đề mấu chốt cho việc đảm bảo chất lượng đầu ra và tiết kiệm chi phí đào tạo. Để làm được việc này, không còn cách nào khác ngoài việc chủ động tham vấn và trao đổi với các DN – với vai trò vừa là đối tác tiềm năng, vừa là khách hàng của trường ĐH, và đề nghị tham gia xây dựng chương trình cũng như trực tiếp giảng dạy. Khi đã có được những sự trao đổi và xóa bỏ được rào cản về nhận thức và niềm tin, thì việc ký kết hợp đồng hợp tác lâu dài sẽ trở nên thuận lợi.
Về vấn đề này, Trường ĐHBK Hà Nội đã làm rất tốt. Trong thời gian vừa qua, các đơn vị trong Trường đã tổ chức hội thảo về chuẩn đầu ra có sự tham dự của các doanh nghiệp nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp về chương trình đào tạo (CTĐT). Cụ thể, tại Hội thảo về chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo (CTĐT) của Viện Cơ khí động lực đã có đại diện của 40 doanh nghiệp tham dự diễn ra vào tháng 7 vừa qua. Hội thảo là một dịp quan trọng để lãnh đạo Viện cũng như các Hội đồng phát triển CTĐT lắng nghe và tiếp thu những ý kiến góp ý trực tiếp của DN về chuẩn đầu ra của các chương trình, về quan điểm xây dựng CTĐT và mức độ đáp ứng của CTĐT đối với nhu cầu kiến thức cần thiết trang bị cho SV. Từ đó làm cơ sở để thiết kế và xây dựng các khối kiến thức, các tên học phần và đề cương học phần cụ thể, cũng như cách thức vận hành chương trình, cách thức truyền thụ bài giảng nhằm đạt được chuẩn đầu ra của từng học phần và chuẩn đầu ra của toàn bộ CTĐT.
Nội dung trao đổi, góp ý của các đại biểu tham dự chủ yếu tập trung vào các khối kiến thức thực hành và các kỹ năng người tốt nghiệp cần được trang bị để thích nghi với công việc. Rất nhiều ý kiến của DN cho rằng cần nâng cao hơn nữa các kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, tác phong chuyên nghiệp, …), tiếng Anh và tin học cho sinh viên. Đặc biệt, có ý kiến góp ý về đào tạo cho sinh viên có tâm lý yêu ngành nghề, yêu công việc đã học và được giao. Các ý kiến tại hội thảo cũng cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy mạnh mối liên kết giữa trường ĐH và DN. Một số công ty cũng đưa ra lời mời liên kết đào tạo thực hành, hỗ trợ kinh phí sinh viên thực tập tại công ty như Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay VAECO, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel, Ford Motor Việt Nam, Công ty Việt – Hàn.
Ngoài ra, một số đơn vị của Trường ĐHBK Hà Nội đã có sự kết nối chặt chẽ với DN trong việc đào tạo theo nhu cầu như Chương trình liên kết đào tạo kỹ sư trình độ cao giữa công ty Nissan Techno Việt Nam với 5 Viện (Cơ khí, Cơ khí động lực, Công nghệ thông tin và truyền thông, Kỹ thuật Hóa Học, Vật lý Kỹ thuật); chương trình tài năng Samsung (STP) giữa Viện CNTT&TT, Viện Điện tử – Viễn thông và Tập đoàn Samsung Electronics dành cho sinh viên năm thứ 3 và năm cuối của hai Viện. Tính đến năm học 2016 – 2017, chương trình STP đã cấp 257 suất học bổng với 2635 lượt sinh viên đăng kí học. Hay như hợp tác trong công tác giảng dạy và nghiên cứu giữa Viện CNTT&TT với công ty MISA…
Đặc biệt, các yếu tố công nghệ cốt lõi trong cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ được tích hợp trong chương trình đào tạo của Trường ĐHBK Hà Nội – chương trình ELITECH bao gồm: trí tuệ nhân tạo; Dữ liệu lớn và khoa học dữ liệu; Internet vạn vật; Robotics; Cảm biến và các hệ thống siêu nhỏ; Vật liệu tiên tiến; Kỹ thuật Y sinh. Chương trình được thiết kế dành cho các sinh viên ưu tú với mong muốn trở thành các chuyên gia giỏi, những nhà quản lý xuất sắc trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của thời đại Công ng- hiệp 4.0. Sinh viên ELITECH được tạo điều kiện tham gia nghiên cứu từ sớm, được làm việc trong các nhóm nghiên cứu liên ngành để nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển hệ thống/sản phẩm và đề xuất các giải pháp kỹ thuật đối với các vấn đề thực tiễn của DN.
Bên cạnh đó, mạng lưới cựu sinh viên cũng là một trong những giải pháp hữu ích thúc đẩy mối quan hệ giữa Trường với DN. Mạng lưới Cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội ra đời (ngày 15/10/2015) với mong muốn kết nối các thế hệ sinh viên để chia sẻ, hợp tác và hỗ trợ cùng phát triển, phát huy những giá trị truyền thống Bách khoa. Nhân dịp 60 năm thành lập Trường, các doanh nghiệp có cựu sinh viên Bách khoa đã có những chương trình tài trợ cho Trường như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam tài trợ 3000 áo sơ mi tương ứng với tổng trị giá là 1,5 tỷ đồng; nhóm cựu sinh viên Dệt may và Cơ khí động lực thuộc Tổng công ty Dệt may Việt Thắng tài trợ 1350 cà vạt nam….
Có thể nói “cái bắt tay” của trường ĐH và DN chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể tình hình thị trường lao động. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục tuyên truyền nhằm thay đổi về nhận thức và tạo động lực cho các trường ĐH và DN về vấn đề này. Việc tham gia vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư phát triển, sẽ giúp DN có thêm quyền và cơ hội lựa chọn các “sản phẩm” chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại. Bên cạnh đó, DN cũng có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh của mình với xã hội… Tăng cường mối quan hệ hợp tác để các bên (trường ĐH, người học, đơn vị sử dụng lao động) đều có lợi như: DN cử cán bộ tham gia giảng dạy, tạo điều kiện cho trường ĐH tiếp cận công nghệ, hỗ trợ trang thiết bị cho trường ĐH…
Như vậy, có thể khẳng định rằng mối gắn kết bền vững giữa trường ĐH và DN có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của trường, đồng thời là nguồn nhân lực chất lượng đầu vào của DN. Vì vậy, xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa trường ĐH và DN trong việc phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội. Trường ĐH và DN cần phải có những giải pháp đồng bộ và tối ưu nhằm xây dựng và phát triển mối gắn kết bền vững này.
Cẩm Lệ
Ảnh: Kim Chi & Minh họa