Sáng Nguyễn (thực hiện)
Ảnh: Kim Chi
Dệt may là ngành nghề truyền thống của Việt Nam, việc nâng cao nguồn nhân lực trình độ cao là một trong những bài toán đang được đặt ra cho ngành. Để đáp ứng nhu cầu đó, từ nhiều năm nay, Viện Dệt may Da giầy và Thời trang, Trường ĐHBK Hà Nội đã có những “cái bắt tay” rất tích cực với doanh nghiệp (DN) theo hướng “hai bên cùng có lợi”. Phóng viên Đặc san Bách khoa Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với PGS Phan Thanh Thảo – Viện trưởng để làm rõ hơn vấn đề này.
Chào PGS, được biết, Viện Dệt may Da giầy và Thời trang là một trong những đơn vị có mối quan hệ hợp tác tích cực với DN trong quá trình đào tạo. PGS có thể cho biết thực tế việc hợp tác này ở Viện đang được triển khai như thế nào?
Việc liên kết, hợp tác với các DN trong quá trình đào tạo được Trường ĐHBK Hà Nội nói chung và Viện Dệt may Da giầy và Thời trang nói riêng coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các DN có thể tham gia, hợp tác với Trường dưới nhiều hình thức, nhưng mục đích chung là để tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc với môi trường làm việc công nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Trong những năm gần đây, Viện đã triển khai nhiều mối liên kết hợp tác với các DN. Quá trình hợp tác được thể hiện rõ nét ngay từ những giai đoạn định hướng nghề nghiệp ban đầu cho đến khi sinh viên làm đồ án tốt nghiệp. Hàng năm, Viện tổ chức đều đặn những chương giới thiệu ngành nghề, tuần sinh hoạt công dân… Các chương trình này đều có mời các cựu sinh viên của ngành hiện đang công tác tại các doanh nghiệp lớn, có uy tín đến trình bày về định hướng việc làm và nhu cầu xã hội.
Tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh hợp tác trường đại học – doanh nghiệp nhằm xây dựng nguồn nhân lực hỗ trợ, nâng cao năng lực NCKH, Viện đã có những hợp tác rất tích cực với các DN trong và ngoài nước như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Viện Nghiên cứu Da giầy; Công ty Youngone Nam Định; Công ty Columbia Sportswear; Công ty Pan-Facific Hàn Quốc; Công ty 19-5 Bộ Công An; Công ty TNG Thái Nguyên; Công ty 28; Công ty Esquel; Tổng Công ty May Đức Giang… Qua những chương trình hợp tác như gửi sinh viên đi thực tế công nghiệp, thực tập tốt nghiệp, trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, cán bộ của Viện tham gia vào các dự án nghiên cứu của DN… góp phần đưa mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu.
Những mối quan hệ hợp tác đó đã mang lại những hiệu quả như thế nào trong quá trình đào tạo, thưa PGS?
Với phương châm “đôi bên cùng có lợi”, nhiều khóa học như: Vật liệu Dệt may được tổ chức cho cán bộ kỹ thuật của Tổng công ty CP May Đức Giang; khóa học về Công nghệ in cơ bản cho của công ty TNG Thái Nguyên; Hợp tác đào tạo thực hành về Công nghệ May với Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Van Laack Asia… đã được tổ chức thành công mang đến cơ hội cho cán bộ, giảng viên và sinh viên của Viện trải nghiệm thực tiễn phong phú và cơ hội tiếp xúc với môi trường công nghiệp.
Bên cạnh đó, thông qua quan hệ hợp tác với các DN nước ngoài, nhiều sinh viên đã tham gia vào các khóa đào tạo tiếng Anh ngắn hạn hoàn toàn miễn phí. Nhiều cuộc thi cũng được tổ chức đem đến sân chơi thú vị cho sinh viên như: Cuộc thi Thiết kế thời trang các năm 2012, 2014, 2016 với tên gọi “Khát vọng tuổi trẻ Bách khoa” với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ các công ty thời trang nổi tiếng.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2017 sẽ có khoảng 200.000 cử nhân ra trường không tìm được việc làm. Thực tế, tỷ lệ sinh viên tìm được việc sau tốt nghiệp làm của Viện như thế nào?
Hiện nay, có khoảng 800 sinh viên đang học tại Viện theo các hệ đào tạo khác nhau. Mỗi năm, Viện chỉ tuyển sinh gần 200 sinh viên với ba chuyên ngành: Kỹ thuật Dệt; Công nghệ May và Công nghệ Da giầy với 2 hệ: cử nhân kỹ thuật (4 năm) và kỹ sư (5 năm). Mặc dù số lượng sinh viên theo học không đông đảo như một số đơn vị khác trong Trường nhưng chúng tôi có thể tự hào khẳng định, đây chính là những “tinh hoa” của ngành Dệt may trong nước.
Việc kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp ngành Dệt – May, với số lượng doanh nghiệp lớn, đây lại là ngành nghề truyền thống của Việt Nam nên hiện nay, 100% sinh viên của Viện đã tìm được việc làm ngay sau khi bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp với mức lương khởi điểm từ 8 triệu đồng/tháng.
PGS có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Viện trong việc hợp tác đào tạo với DN?
Những kinh nghiệm của Viện trong việc hợp tác đào tạo tốt với doanh nghiệp đều xuất phát từ những quan điểm rất đơn giản: sinh viên luôn được coi là trung tâm của quá trình đào tạo, nếu chỉ có Nhà trường thì sẽ có thể chưa toàn diện và cần sự hợp tác từ doanh nghiệp vì doanh nghiệp chính là người sẽ sử dụng, sẽ được hưởng thành quả từ các thế hệ sinh viên ra trường. Mặt khác, ý thức cầu thị trân trọng được thể hiện rõ nét trong tất cả các việc hợp tác, đàm phán, trao đổi giữa Viện và các đối tác.
Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc tới yếu tố bên trong, Viện đã chú trọng thúc đẩy phát huy tiềm lực của khối các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu. Rất nhiều thầy cô có kinh nghiệm làm việc, hợp tác lâu năm với DN, có uy tín trong nghiên cứu. Đây chính là cầu nối rất tốt để Viện triển khai thuận lợi các hợp tác với bên ngoài.
Xin trân trọng cảm ơn PGS Phan Thanh Thảo!