Vũ Thơm

Ảnh: Kim Chi

Giản dị, gần gũi, đam mê, nhiệt huyết với nghề nghiệp, tích cực giúp đỡ các giảng viên trẻ… là nhận xét của nhiều đồng nghiệp khi nhắc đến TS Phạm Hùng Phi – Trưởng Bộ môn Thiết bị Điện – Điện tử, Viện Điện. Với những đóng góp tích cực cho Trường ĐHBK Hà Nội nói riêng, ngành giáo dục nói chung, vừa qua, TS vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Mặc dù, đang bận rộn với những đồ án, luận văn của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh nhưng Thầy vẫn dành thời gian chia sẻ với phóng viên Đặc san Bách khoa Hà Nội về nghề giáo – công việc cao quý.

 MỐI DUYÊN VỚI NGHỀ GIÁO

Không tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng TS Phạm Hùng Phi đến với nghề giáo như một mối duyên trời định. TS Phi kể: “Sau khi tốt nghiệp Trường ĐHBK Hà Nội, tôi được Nhà nước phân công về công tác tại Viện Khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi tham gia khóa đào tạo sĩ quan dự bị của Quân đội, với mong muốn được tiếp tục công việc nghiên cứu và được sự hỗ trợ, tư vấn của PGS Đặng Văn Đào – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Điện, tôi trở thành nghiên cứu sinh khóa 4 của Trường. Sau thời gian thực tập sinh khoa học 2 năm tại Cộng hòa Liên Bang Nga, năm 1990, tôi trở về nước, quay lại Trường ĐHBK Hà Nội và thăm thầy giáo cũ PGS Nguyễn Mạnh Duy – lúc bấy giờ là Trưởng Khoa Thiết bị điện (nay là Bộ môn Thiết bị Điện – Điện tử, Viện Điện). Chính tại cuộc gặp ấy, thầy Duy đã khuyên tôi về làm công tác giảng dạy tại Khoa Thiết bị điện. Những lời phân tích, định hướng của PGS Duy đã khiến tôi quyết định “ngã rẽ cuộc đời” và chính thức trở thành giảng viên đại học từ đó”.

Thời gian đầu khi mới về Trường là quãng thời gian đầy khó khăn, vất vả khi tất cả đều bắt đầu từ con số “0”. Thầy được giao nhiệm vụ trực Bộ môn, chữa bài tập, hướng dẫn thí nghiệm, phụ giảng rồi giảng dạy môn học Kỹ thuật điện cho sinh viên toàn Trường. Giảng viên trẻ Phạm Hùng Phi đã tự mày mò tìm kiếm, đọc tài liệu để thiết kế bài giảng sao cho khoa học, giúp sinh viên dễ dàng nắm được kiến thức. Năm 2000, khi công việc, gia đình đã ổn định nhưng với mong muốn nâng cao trình độ chuyên môn, thầy Phi đã tự học tiếng Pháp và thi đỗ nghiên cứu sinh tại Canada theo Chương trình học bổng Pháp ngữ. Lúc đó, Thầy đã 40 tuổi, ở cái tuổi mà việc học đối với nhiều người trở nên “ngại” thì Thầy lại quan niệm rằng: “Cuộc sống luôn vận động, thay đổi, bản thân mình cũng luôn phải cập nhật kiến thức mới để bắt kịp với sự thay đổi ấy”. Hơn nữa, lĩnh vực mà Thầy theo đuổi là máy điện nhưng những tài liệu cũng như những nghiên cứu khoa học chuyên sâu về lĩnh vực này lúc bấy giờ ở nước ta không nhiều. Chính vì vậy, để phát triển hướng nghiên cứu của mình cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, thầy Phi quyết định sang Cana-da làm nghiên cứu sinh.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, thầy Phi trở về nước và tiếp tục công việc giảng dạy và nghiên cứu tại ĐHBK Hà Nội. Với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, TS Phi đã gặt hái được nhiều thành công trên cả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đối với công tác đào tạo, trong nhiều năm, Thầy đều vượt mức khối lượng giảng dạy được giao; tham gia biên soạn chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, cử nhân các chuyên ngành đào tạo của Viện Điện; biên soạn sách tham khảo chuyên ngành; hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho sinh viên đại học, luận văn thạc sĩ cho các học viên cao học và luận án tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh của Bộ môn… Ngoài ra, TS còn thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung bài giảng, tạo hứng thú cho sinh viên học tập. Chính vì vậy, sinh viên khi tốt ng- hiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và sau khi tốt nghiệp dễ dàng tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo.

Ngoài những giờ trên lớp, TS Phi lại “giam mình” trong phòng thí nghiệm, có hôm quên cả thời gian, bước ra khỏi phòng thí nghiệm thấy cả thành phố đã lên đèn. Tâm huyết của Thầy đã được đền đáp xứng đáng khi ng- hiên cứu của mình được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Một trong những đề tài ng- hiên cứu tiêu biểu mà TS tham gia là “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu dải công suất đến 1 kW”. Đề tài đã giải quyết vấn đề tính toán thiết kế, công nghệ chế tạo động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu – thiết bị điện có hiệu suất cao được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống truyền động công ng- hiệp và chưa từng được nghiên cứu thiết kế và chế tạo ở nước ta. Nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công các động cơ mẫu tạo tiền đề cho các nghiên cứu sau này về thiết kế chế tạo loại động cơ ở Việt Nam.

HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI THẦY

Với TS Phi, sự thành công của nhà giáo là truyền được cảm hứng cho người học nuôi dưỡng tình yêu và niềm đam mê với ngành nghề đã chọn. “Thành công đối với tôi là được thấy sự trưởng thành của các thế hệ sinh viên, nhất là khi các em thông báo đã xin được việc làm, gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp; hay khi các học viên cao học, nghiên cứu sinh có đề tài, sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn… Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của người thầy” – TS Phi nói.

Không chỉ là người nhiệt huyết, say mê nghiên cứu khoa học, TS Phi còn tham gia công tác quản lý. Với cương vị Trưởng Bộ môn, TS luôn tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất cho cán bộ, thu hút được các tiến sĩ trẻ có trình độ cao được đào tạo tại nước ngoài về công tác tại Bộ môn; tạo điều kiện thuận lợi, động viên cán bộ trẻ của Bộ môn đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài. Nhờ đó, Bộ môn đã hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên môn sâu, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về máy điện, điều khiển máy điện và các thiết bị đóng cắt, duy trì sự phát triển bền vững của chuyên ngành Máy điện – Khí cụ điện trước kia, nay là ngành Thiết bị điện – Điện tử.

Say mê kể về những dự định trong tương lai, TS Phi không quên nhắc đến những người thầy đã giúp đỡ và hợp tác trong hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình. Ở Thầy luôn chất chứa tình yêu nghề mãnh liệt. “Nghề giáo được ví giống người lái đò, lặng lẽ và bền bỉ, đưa bao thế hệ học trò qua con sông kiến thức. Vì thế, người Thầy phải luôn giữ được nhiệt huyết với nghề, truyền tải kiến thức đến các em sinh viên” – TS Phạm Hùng Phi chia sẻ.

Một số thành tích của TS Phạm Hùng Phi

Hướng dẫn thành công 18 thạc sĩ, trong đó có 05 thạc sĩ khoa học;

Hướng dẫn và đồng hướng dẫn 05 NCS, trong đó có 02 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ;

Tham gia 01 đề tài NCKH cấp Thành phố năm 2012-2013, được xếp loại xuất sắc; 01 đề tài cấp Nhà nước 2017-2018;

Trên 15 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học và hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Một số thành tích của TS Phạm Hùng Phi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here