“Không ai thành công… một mình”

0
117

Đó là khẳng định của Phan Thế Lâm, sinh viên năm cuối Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh, trưởng nhóm Mubahi – nhóm nghiên cứu sinh viên vừa giành giải Quán quân cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai” năm thứ 12 với sản phẩm “Thiết bị thông minh cho mũ bảo hiểm”.

Chấp nhận… khác người

“Kết quả học tập của em cho tới thời điểm này không thực sự xuất sắc, nếu vẫn đi con đường nhiều người lựa chọn là ra trường, xin vào một công ty, doanh nghiệp hoặc một cơ quan nào đó công tác rồi nhận mức lương năm đến bẩy triệu đồng, lập gia đình rồi cứ thế sống cuộc đời như bao cuộc đời khác thì quả là nhàm chán. Em không chấp nhận là một người “bình thường” như thế, em chấp nhận “khác người” để bắt tay vào một dự án khởi nghiệp có quá nhiều khó khăn. Xuất phát từ dân công nghệ, em tự hỏi sao không dùng công nghệ để… bắt đầu”, anh chàng sinh viên năm thứ năm ngành Kỹ thuật nhiệt chia sẻ.

Xuất phát từ những thông tin trên báo chí và thực tế chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông không xác định rõ danh tính, người đi đường muốn giúp đỡ bằng cách sử dụng điện thoại của người bị nạn gọi cho người thân trong danh bạ nhưng lại gặp khó khăn là điện thoại có sử dụng mật khẩu, hoặc những vụ tai nạn xảy ra ở những khu vắng vẻ, gây chậm chễ trong quá trình cấp cứu nạn nhân. Lâm nghĩ đến giải pháp tại sao không tích hợp một thiết bị vào mũ bảo hiểm để hỗ trợ những tình huống trên. Và ý tưởng về một sản phẩm thông minh mang tên “Mũ bảo hiểm thông minh – Savy Helmet’s As- sistant” ra đời từ thực tế đó.

Sau hơn một năm tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm nhiều ý tưởng khác nhau, Phan Thế Lâm tìm kiếm các cộng sự của mình để đem “đứa con tinh thần” của mình đi thi thố. Xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Việt Đức” năm 2016, nằm trong dự án “Praxis partnership Program” của Đại học Leipzig (CHLB Đức) với Trường ĐHBK Hà Nội, dự án “Mũ bảo hiểm thông minh” dừng lại ở vị trí thứ hai. Không bằng lòng với kết quả đó, Lâm cùng các cộng sự của mình tích cực chuẩn bị, tìm kiếm, chỉnh sửa để đem sản phẩm đến với cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai” 2017, lần này Savy Helmet’s Assis- tant xuất sắc giành ngôi Quán quân.

“Có rất nhiều người đã từng nói em là khác người, bởi em có tính tự tin… thái quá. Đôi khi, vì bảo vệ quan điểm của mình, em sẵn sàng phủ nhận những ý kiến của những người khác. Sau khi bắt tay vào thực hiện một sản phẩm nghiên cứu khoa học và định hướng trở thành một dự án khởi nghiệp sau khi ra trường, em nhận ra rằng sẽ không thể thành công khi đi một mình dù bạn có là… siêu nhân. Bạn phải có những người “đồng chí” để cùng nhau đi từ những bước đi đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp bền vững” – Phan Thế Lâm chiêm nghiệm.

SAVY = Safe + Tiny

Chia sẻ về sản phẩm của mình, Lâm cho biết: “Savy Helmet’s Assistant cho phép người dùng nghe gọi điện thoại, đọc tin nhắn rảnh tay khi đang đi đường và đặc biệt là giúp phát hiện sớm các trường hợp tai nạn để cảnh báo cho người thân. Theo thiết kế, Savy có dáng trụ tròn, gắn vào phần chân đế cong có thể dễ dàng bám dính vào thân mũ bảo hiểm. Ngoài linh kiện bên trong, các chi tiết vỏ ngoài thiết bị đều được đặt làm bằng máy in 3D. Phần loa – mic hình tam giác có thể gắn gọn vào một bên quai mũ cạnh tai người đội, cho phép nghe gọi và xem tin nhắn (qua giọng đọc của Google) chỉ bằng việc ấn nút trên thiết bị ngay khi đang đi đường mà không cần rút điện thoại ra”.

Savy kết nối với điện thoại người đội qua bluetooth và được tích hợp cảm biến chuyển động kết nối với một vi điều khiển trung tâm. Thiết bị có thể đọc các thông số về gia tốc và vận tốc góc gửi về từ cảm biến với tần suất 3 ms/lần, tương đương 333 lần/s. Sau đó, vi điều khiển xử lý các giá trị được gửi về để xác định xem người đội có bị tai nạn hay không với độ chính xác khá cao.

Nếu có tai nạn, thiết bị sẽ kích hoạt điện thoại của người đội gửi cảnh báo kèm vị trí của họ trên bản đồ cho người thân qua ứng dụng Savy Hel- met’s Assistant. Trong trường hợp người thân không có kết nối internet, thiết bị sẽ gửi vị trí của người đội cho họ qua tin nhắn (SMS). Pin máy cũng cho phép người dùng sử dụng trong khoảng 6-8 tiếng đi đường. Người mang thiết bị Savy có thể lựa chọn bật chế độ báo địa điểm real-time cho người thân (các bậc cha mẹ có thể dùng để quản lý con cái) hoặc không sử dụng để đảm bảo quyền riêng tư. Khi tắt chức năng này, người dùng cũng không cần phải lo lắng về việc Savy có gửi được cảnh báo khi xảy ra tai nạn cho người thân hay không vì tính năng này luôn được chạy ngầm trên thiết bị. Chế độ cảnh báo tai nạn của Savy chỉ được kích hoạt khi người dùng ở trạng thái đang đội mũ và điều khiển xe nên sẽ khó xảy ra tình huống báo nhầm do rơi mũ.

Giá trị lớn nhất mà Savy mang lại chính là cung cấp cho người dùng một sản phẩm nhỏ gọn đem lại an toàn. “Để có được thành quả như hiện tại, Nhóm đã phải trải qua quãng thời gian khó khăn vì không giống như các dự án khởi nghiệp về ứng dựng (app) hay trang web, các khởi nghiệp bằng việc nghiên cứu và chế tạo sản phẩm phần cứng đòi hỏi phải có các linh kiện, máy móc để thí nghiệm. Trong hành trình hơn một năm trước khi đến với các cuộc thi, nhóm phải “thắt lưng buộc bụng”, đóng góp từng chút một từ nguồn tài chính cá nhân, đồng thời phải sử dụng tiết kiệm tối đa các linh kiện để nghiên cứu, thường xuyên thiếu hụt, nhưng với niềm đam mê và quyết tâm nhóm chúng em đã bước đầu hiện thực được đam mê của mình” – Thế Lâm giãi bày.

Phan Thế Lâm chia sẻ: “Cái được lớn nhất khi bắt tay vào các dự án khởi nghiệp từ công nghệ đó là các bạn sẽ có dịp huy động một cách tối đa kiến thức được học. Bên cạnh đó, trong khi kiến thức ở môi trường đại học khá bao quát thì khi các bạn nghiên cứu một đề tài cụ thể, các bạn sẽ định hướng rõ ràng và chi tiết những kiến thức được học trên giảng đường, thậm chí là khai thác chuyên sâu một lĩnh vực nào đó. Đây cũng là môi trường tuyệt vời để các bạn được thử thách bản thân, vì vậy hãy sẵn sàng tham gia một dự án thực tế để trải nghiệm môi trường thực tiễn và rèn luyện khả năng tìm tòi sáng tạo cũng như bản lĩnh cá nhân phục vụ tốt cho tương lai sau này”.

Sáng Nguyễn
Ảnh: nhân vật cung cấp

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here