TS Lê Đoàn Thanh Lâm: “Tôi từ Pháp về Việt Nam chỉ hi vọng đời luôn vui khỏe”

0
160

Hoàng Anh (thực hiện)

 Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ trẻ Lê Đoàn Thanh Lâm, cựu sinh viên K47 Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường ĐHBK Hà Nội, hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ tại Pháp nhưng chọn trở về quê hương để sáng lập Dự án dinh dưỡng chuẩn. TS Thanh Lâm quyết tâm cải thiện sức khỏe của người Việt Nam, giảm chi phí y tế bằng việc tư vấn các giải pháp dinh dưỡng cân bằng và chia sẻ kinh nghiệm học hỏi từ Châu Âu.

Hiện nay, TS Thanh Lâm với vai trò tư vấn thông tin về dinh dưỡng chuẩn cho người Việt, song hành cùng truyền thông giáo dục và cộng tác xây dựng công cụ ứng dụng dinh dưỡng. Khi nói về hi vọng mang lại những thay đổi từ quan niệm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” – con đường dinh dưỡng an toàn, hiệu quả giúp mọi người có sức khỏe, anh đã bộc bạch về quyết định “không mấy dễ dàng” khi từ Pháp quay trở về quê hương cách đây một năm trước.

TS Lâm – người mặc áo trắng hàng đầu tiên

Mọi thứ đều có thể

Ký ức về tuổi thơ với niềm đam mê công nghệ sinh học và thích học tiếng Pháp vẫn in đậm trong anh, bất chấp việc ba mẹ hướng anh phải học công nghệ thông tin – một ngành khá “hot” mà nhiều người thích. Cậu bé Lâm luôn tìm tòi và bị cuốn hút những món ăn, cách ăn uống không chỉ của người thân mà cả những con vật nuôi trong gia đình. Sở thích “kì lạ” đó đã theo anh suốt những năm tháng học đại học.

Sau năm năm học ngành CN- SH&CNTP tại Trường ĐHBK Hà Nội, Lê Đoàn Thanh Lâm tốt nghiệp với tấm bằng giỏi và được nhận học bổng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để tiếp tục chương trình thạc sĩ chuyên ngành sinh học thực phẩm tại Pháp. Sau đó, anh tiếp tục được nhận học bổng làm nghiên cứu sinh 3 năm tại Viện ng- hiên cứu quốc gia nông nghiệp Pháp (INRA). 28 tuổi, TS Thanh Lâm đã là một trong những người Việt trẻ hiếm hoi làm việc tại hai phòng thí nghiệm của Pháp là ĐH Toulouse và Trung tâm NCKH Quốc gia Pháp (CNRS). Anh cũng là người Việt đầu tiên may mắn có cơ hội làm việc tại Trung tâm nghiên cứu về tế bào, sinh vật, ung thư mới được xây dựng tại thành phố Toulouse. Sau khi có bằng tiến sĩ, anh được mời vào làm tại một công ty chuyên về sản phẩm dinh dưỡng đã có hơn 30 năm tại Pháp. Tại đây, anh đã học tập kinh nghiệm phát triển sản phẩm và các giải pháp dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe từ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia của Pháp.

Thế nhưng, chỉ sau một vài năm làm việc và tiếp thu kiến thức, kinh ng- hiệm, TS Thanh Lâm đã quyết định quay về quê hương. Gia đình và bạn bè không thể hiểu được tại sao anh có thể từ bỏ công việc ổn định, chất lượng cuộc sống cao ở Pháp để sáng lập Dự án dinh dưỡng chuẩn – một ý tưởng lạ lẫm ở Việt Nam. “Điều học được là không thể ở một góc, một chỗ mà cần đi ra bên ngoài để học hỏi rồi quay về xây dựng sự nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Mặc dù nước Pháp có rượu vang ngon, có ô-liu và chế độ ăn Địa Trung Hải dinh dưỡng cao, nhưng quê hương vẫn là chùm khế ngọt. Khi đi du học, tôi nhận ra trong mọi việc, con người là quan trọng; vì vậy, cần đầu tư, chăm sóc, phát triển con người thì đất nước mới phát triển được. Tôi quay về dường như là điều đã định trước” – TS Thanh Lâm chia sẻ.

Tất nhiên, khi TS Thanh Lâm trở thành người tiên phong cũng có những thách thức riêng. Thời gian đầu, TS Lâm đứng trước hai luồng ý kiến: “Anh về Việt Nam là sai lầm, sẽ không có điều kiện để phát triển, nhất là các dự án cộng đồng”, hơn nữa “để giáo dục thay đổi người Việt Nam là điều rất khó vì nhận thức cũng khác người châu Âu”. Trong cuộc sống hiện đại, người Việt đang đánh mất đi sự cân bằng dinh dưỡng vốn có trước đây; việc giáo dục chưa được đẩy mạnh. Nhìn chung, xã hội Việt Nam đã đi từ “ăn no mặc ấm” đến “ăn ngon mặc đẹp” nhưng việc ăn ngon hiện nay lại bị đi sai hướng thành ăn nhiều, ăn vô tội vạ, không đúng khoa học, tiêu chuẩn với quan niệm cứ ăn uống không kiểm soát, nếu có bệnh thì đi uống thuốc. Thực tế, nhiều căn bệnh có tỉ lệ mắc và tử vong cao ở nước ta như tim mạch, ung thư, tiểu đường, gan, thận… lại là mãn tính – tức nó kéo dài, không phải cứ dùng thuốc là hết bệnh, mà phải dùng dinh dưỡng, lối sống chuẩn hàng ngày để kiểm soát và đẩy lùi bệnh tật.

Đổi cách ăn – Thay cách sống – Đời vui khỏe

Vậy làm thế nào để “ăn khoa học, sống cân bằng”? Càng tìm hiểu về cách ăn uống của người Việt, TS Lâm càng cảm thấy mình cần phải làm gì đó để mang đến những giải pháp dinh dưỡng cân bằng, học hỏi từ châu Âu dành cho người Việt. Với hi vọng lớn lao từ việc mang đến những điều thay đổi mang tính bền vững, lâu dài cho xã hội Việt Nam, TS Lâm bắt đầu nghiên cứu, triển khai Dự án đầu tay về dinh dưỡng chuẩn. Dự án là trang web để cung cấp thông tin dinh dưỡng chuẩn cho người Việt Nam, nhằm thúc đẩy và xây dựng các thói quen ăn uống, vận động lành mạnh, bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Anh đã phát triển quan điểm tiên tiến theo hướng học hỏi và dung hòa theo hoàn cảnh của Việt Nam.

Về quê hương làm việc, TS Lâm nhận ra một vấn đề đang còn thiếu sót tại Việt Nam. Đó là hầu như các dự án về dinh dưỡng vẫn chưa được các cơ quan chức năng chú ý và quan tâm. Ở Pháp, họ đã và đang xây dựng những sản phẩm, dịch vụ mang tính cá nhân hóa, phù hợp với từng người theo nhu cầu, thể trạng, hoàn cảnh. Ngược lại, ở nước ta, những sản phẩm, dịch vụ phần nhiều theo một hướng giống nhau cho trăm người, ngàn người. Thế nhưng, anh vẫn khẳng định: “Mình tin việc làm này sẽ có kết quả và mang lại nhiều lợi ích cho mọi người và xã hội; nhận thức và thói quen có thể thay đổi nếu có thông tin chuẩn, cách tiếp cận, truyền tải phù hợp”.

Hiện, anh đang xây dựng trang web giai đoạn đầu (http://dinhduongchuan.com), đảm bảo cung cấp tương đối thông tin cho mỗi người mong muốn tìm hiểu về dinh dưỡng cũng như bảo vệ sức khỏe bằng ăn uống và vận động. Người dùng cũng có thể cập nhật thường xuyên những thông tin, bài phân tích mới về thực phẩm, dinh dưỡng. Thấy nhiều bạn tình nguyện viên liên lạc và sẵn sàng tham gia đóng góp vào sự phát triển của Dự án, TS Lâm càng tin tưởng rằng nhiều người cũng chung niềm tin và chí hướng với mình để đóng góp cho xã hội.

Can đảm để làm những điều khác biệt

Câu chuyện của TS Lê Đoàn Thanh Lâm là câu chuyện của một người trí thức trẻ tin tưởng vào tầm nhìn của chính mình và can đảm bắt đầu bằng những điều mà không ai dám “mạo hiểm” làm ở Việt Nam thời điểm đó. Quan niệm “Đổi cách ăn – Thay cách sống – Đời vui khỏe” đã giúp anh có những đóng góp trực tiếp cho mảng dinh dưỡng ở Việt Nam, phần nào tư vấn thiết thực giúp chúng ta đủ tỉnh táo để phân biệt những thông tin sai lệch được củng cố bởi tâm lý đám đông và những kẻ trục lợi như quảng cáo thực phẩm chức năng, các loại thuốc giảm cân, tuyên bố kiểu “nửa sự thật” dưới danh nghĩa khoa học thường dựa vào tâm lý để đánh lừa người tiêu dùng… Điều này còn khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào nhiều loại sản phẩm cho dù không độc hại, làm họ nảy sinh nghi ngờ với những công bố khoa học mới.

TS Lâm còn tham gia nhiều dự án với các đối tác có chung chí hướng, trong vai trò tư vấn thông tin, lên ý tưởng và công thức của một số sản phẩm dinh dưỡng cao như nước ép rau củ, sữa gạo, sữa hạt, cho đến những bữa ăn từ nguồn thực phẩm sạch hay bữa ăn cân bằng dinh dưỡng giúp phòng tránh và kiểm soát các căn bệnh thời đại…

Trong suốt chặng đường của mình, TS Lâm đã học được nhiều bài học kinh nghiệm về giá trị của khoa học, và lựa chọn theo đuổi đến cùng ngành CNSH: “Hiểu rằng cuộc sống lúc nào cũng có những thử thách – nhưng nếu đam mê CNSH&CNTP, yêu nghiên cứu, hiểu biết khoa học… thì dù khó khăn đến đâu cũng nên lạc quan, tin tưởng vào ngày mai và những điều đóng góp cho xã hội để tiếp tục con đường mình đi”.

Thực tế, có nhiều bạn trẻ vì lý do kinh tế nên đã bỏ ngành, bỏ khoa học tìm đến các phương án chắc chắn để đảm bảo được cuộc sống. Anh Lâm chia sẻ: “Để khắc phục điều này thì bạn nên chi tiêu một cách thông minh và bỏ tiền ra để có được những trải nghiệm thực tế với bạn bè, gia đình hơn là mua những thứ vật chất như điện thoại đẹp, xe đẹp; hãy đam mê và cống hiến, một ngày bạn sẽ được hưởng thành quả”. Anh cũng động viên những người trẻ làm khoa học rằng: “Đừng ngồi chờ người ta đem cơ hội đến mời mình mà hãy chủ động tìm con đường có thể sử dụng những điểm mạnh và hiểu biết của mình để tạo ra giá trị hoặc lợi ích cho xã hội”.

Có vẻ như trong suốt con đường sự nghiệp, TS Lê Đoàn Thanh Lâm đã tìm ra chìa khóa để duy trì nguồn năng lượng vô tận theo đuổi với triết lý của Robert Louis Stevenson: “Đừng đánh giá mỗi ngày bằng thu hoạch bạn có được mà bằng số hạt giống bạn đã ươm trồng”

Những thành tích nổi bật của TS Lê Đoàn Thanh Lâm

Năm 2011:

Đoạt giải sinh viên xuất sắc nhất bậc tiến sĩ của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) và là Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của UEVF, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Toulouse (AEVTL)

Bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sĩ tại Pháp

Năm 2012 – 2014:

Một trong những người Việt trẻ làm việc tại 02 PTN của Pháp là ĐH Tou-louse và Trung tâm NCKH Quốc gia Pháp (CNRS).

06 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng quốc tế (Critical Review in Food Science and Nutrition, Journal of Dairy Science, Biophysical Journal…).

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here