Sau hàng loạt vụ cháy gây thiệt hại cả người và của xảy ra tại các thành phố lớn, đặc biệt có những vụ cháy nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của hàng chục người, một câu hỏi đang được đặt ra là liệu có phải chúng ta mới chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy mà quên mất kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy. Một nhóm sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội đã đưa ra giải pháp cho những tình huống cháy khẩn cấp.
“CHÁY CHẠY” – CÔNG NGHỆ CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM
Trên thế giới, các công nghệ “chạy cháy” cho những tòa nhà cao tầng không còn là điều xa lạ vì việc thoát hiểm và cứu người luôn được đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến việc chữa cháy.
Tại Việt Nam, mỗi lần xảy ra sự cố như cháy nổ, đặc biệt là tại các khu nhà cao tầng, chúng ta lại nhìn thấy những bất cập trong công tác chữa cháy. Những người đang ở hiện trường lại không được trang bị kĩ năng thoát hiểm, lối thoát hiểm hoặc cầu thang không đủ cho số lượng lớn người thoát ra trong thời gian ngắn khi có hỏa hoạn; thậm chí phần đông không biết phải làm gì khi có cháy. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đô thị thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông dẫn tới các phương tiện cứu hộ, cứu nạn không thể tiếp cận hiện trường cháy nhanh chóng và kịp thời. Thêm một lý do nữa, các thiết bị phòng cháy chữa cháy hiện tại chỉ can thiệp được đến tầng 18 của các tòa nhà. Vậy một nhu cầu đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết đó là cần những phương tiện, công cụ để có thể nhanh chóng giúp người mắc kẹt thoát ra ngoài. Một nhóm sinh viên đến từ Viện Đào tạo Quốc tế (SIE), Trường ĐHBK Hà Nội đã mang đến giải pháp cho nhu cầu đó, sản phẩm “Ba lô thoát hiểm thông minh”.
“Trông chẳng khác gì một chiếc ba lô đeo hàng ngày, thế nhưng ý tưởng mang “tính cách mạng” này có thể cứu sống chúng ta trong những tình huống nguy cấp. Được đặt tên IEB, sản phẩm là một chiếc ba lô với hệ thống dây có thiết kế đặc biệt, cho phép người dùng trèo từ tầng cao của tòa nhà xuống mặt đất một cách an toàn. Khi sử dụng, bạn chỉ cần đeo nó lên vai, ràng dây an toàn qua ngực và chân, mắc dây vào một cái móc đã được lắp sẵn ở phía trên cửa sổ, sau đó từ từ leo xuống như… người nhện” – Trần Đức Huy, lớp LTU12B, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Bộ thiết bị không có khả năng dập lửa hay phòng cháy nhưng công dụng “cháy chạy” lại được đáp ứng một cách tối đa. IEB giống như một chiếc ba lô với nhiều chốt khóa an toàn cùng một dây cáp có chiều dài lên tới 80m, phù hợp cho những căn nhà cao tầng. Trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là khi có hỏa hoạn, người bên trong tòa nhà không cần chạy đến cửa thoát hiểm mà chỉ cần ở bất cứ không gian nào thông ra bên ngoài như cửa sổ, ban công, mái nhà… đều có thể áp dụng.
IEB VÀ GIẢI PHÁP HỮU HIỆU “CHÁY CHẠY”
Một chiếc ba lô có kích thước 50cm x 60cm làm bằng vải 100% nylon (polyester) có khả năng chống thấm và cách nhiệt tuyệt đối. Cấu tạo của một chiếc balo gồm 09 dụng cụ bao gồm: Một cảm biến báo khói báo cháy gắn trực tiếp trên ba lô; Hệ thống kiểm soát tốc độ rơi – bộ điều tốc/ giảm tốc; Dây cáp với chiều dài từ 20 đến 80m với tải trọng tối đa 700kg và chịu được nhiệt độ từ 700oC – 1000oC hoạt động theo cơ chế ròng rọc; Móc khóa bằng kim loại nhẹ đã qua xử lý nhiệt có thể chịu tải tối đa 23kN; Dây đai an toàn có khả năng chịu lực, có lớp đệm mút tạo độ êm ái, có 3 khuy giới hạn độ xiết để không gây tổn thương cho người dùng khi thoát hiểm; Mặt nạ chống khói độc được làm bằng sợi amiang chống cháy với phin lọc than hoạt tính, dùng để thoát hiểm khi xảy ra sự cố hỏa hoạn hoặc phòng độc tạm thời; Găng tay chống cháy; Bộ dụng cụ y tế có thể sơ cứu tạm thời.
Trần Đức Huy cho biết: “Khi xảy ra hỏa hoạn, hệ thống cảm biến khói sẽ nhận dạng, kêu tít lớn, nháy đèn liên tục báo hiệu cháy và vị trí ba lô gần nhất. Ngay sau khi tiếp cận được ba lô, người sử dụng chỉ cần mở ngăn ngoài cùng sẽ tìm thấy mặt nạ chống khói độc, đeo ngay cho mình và người thân để hạn chế bị ngạt khói. Ngay sau đó, người dùng quan sát vị trí có thể thoát hiểm và móc bộ điều tốc vào một điểm cố định bất kỳ gần nhất bằng hệ thống móc khóa. Trong trường hợp hiện trường vụ cháy có người già, trẻ em cho họ đeo ba lô và khóa các chốt an toàn từ vai đến chân đảm bảo chắc chắn, một đầu dây cáp nối với ba lô, từ từ đưa nạn nhân xuống dưới. Ngay khi người kia tiếp đất an toàn, một đầu dây cáp còn lại đã sẵn sàng cứu nạn người tiếp theo bằng đai có lót đệm. Bên cạnh đó, người dùng có được trang bị găng tay chống tổn thương khi tiếp xúc với mặt tường. Nếu có người bị thương nhẹ có thể sử dụng ngay bộ dụng cụ y tế để sơ cứu tạm thời”.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài Huy cho hay: “ Khó khăn nhất của một dự án nghiên cứu khoa học sinh viên đó chính là thiết bị để thực nghiệm. Mặc dù chúng em được thầy giáo ở Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy hỗ trợ rất nhiệt tình nhưng việc mượn những trang, thiết bị để nghiên cứu, lắp ráp và trải nghiệm là điều rất khó khăn, còn muốn mua trên thị trường thì giá khá cao. Ngoài việc duy trì dự án nghiên cứu, các thành viên vẫn phải đảm bảo việc học tập trên lớp bởi nhiệm vụ đó vẫn là quan trọng nhất”.
“Hiện tại, Nhóm đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp khác. Điều quan trọng nhất đối với nhóm lúc này chưa phải ở doanh thu mà trước mắt là mong được xã hội đón nhận sản phẩm. Trong tương lai, nhóm rất muốn được trực tiếp làm ra và phát triển ba lô thoát hiểm thông minh nhằm bảo vệ an toàn cho con người” – Nguyễn Ngọc Huyền, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Sáng Nguyễn
Ảnh: nhân vật cung cấp