Mặc dù đang ngồi trên ghế giảng đường, nhiều bạn sinh viên đã lựa chọn nghiên cứu khoa học (NCKH) như một trong những trải nghiệm đáng nhớ và hữu ích. Nhiều bạn đã thể hiện sức sáng tạo của mình qua những sản phẩm NCKH nghiêm túc. Đa số sinh viên khẳng định, NCKH đem lại cho họ những cơ hội quý để tăng khả năng học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, là bước đệm đưa các bạn đến với thành công sau khi rời giảng đường.

NHỮNG SÁNG CHẾ HỮU ÍCH

Tạ Đức Cường và Nguyễn Chiến Thắng, hai chàng sinh viên cơ khí đã lựa chọn NCKH ngay từ năm thứ hai khi: “Trong một lần tình cờ tham dự chương trình giới thiệu CLB sinh viên NCKH của Viện Điện tử – Viễn thông, chúng em đã rất ấn tượng với những sản phẩm mà các bạn tạo ra. Từ những cậu sinh viên năm Nhất nhút nhát, chúng em đã chủ động tìm kiếm những cơ hội được nghiên cứu cùng các anh chị đi trước và các thầy, cô giáo. Đến năm thứ tư chúng em đã tạo ra được những sản phẩm của riêng mình. “Thiết bị bón phân, tra hạt cho cây ngô” được thử nghiệm thành công trên cánh đồng quê hương như món quà vô giá mà chúng em dành tặng cho bố mẹ và bà con nông dân. Bên cạnh đó việc biến những kiến thức lý thuyết, hàn lâm thành những sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn chính là quá trình tự học vô cùng hiệu quả. Chúng em là sinh viên cơ khí, nếu chỉ chăm chăm học lý thuyết mà không vận dụng vào thực hành thì coi như “thất bại”.

Nguyễn Văn Chính – Lớp Điện tử Viễn thông 2, K57 thành viên nhóm nghiên cứu đề tài “Phát triển phần mềm thu thập dữ liệu phục vụ tuần tra và quản lý rừng” khẳng định: “Em không coi NCKH là xa vời và thiếu thực tiễn như nhiều bạn vẫn quan niệm. Với cá nhân em, khi tham gia vào nhóm nghiên cứu cùng thầy giáo, em nhận được quá nhiều điều mà nếu chỉ học trên sách vở sẽ không bao giờ có được”.

“NCKH là quá trình tích lũy những kiến thức và kinh nghiệm từ thực tế. Đó cũng là quá trình trang bị cho bạn những kỹ năng mà nếu chỉ chăm chỉ học trên lớp sẽ khó mà có được. Ngoài những kỹ năng căn bản như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, kỹ năng tổ chức công việc, bạn còn được tiếp cận các kỹ năng khác, chẳng hạn như kỹ năng nghiên cứu giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng trình bày ý tưởng… Ngoài ra, giai đoạn nghiên cứu, được thầy cô giúp đỡ và đây là cơ hội để lĩnh hội kiến thức từ các thầy cô, những pho sách sống. Phần nghiên cứu sơ cấp sẽ giúp ta có cơ hội tiếp cận nhiều thành phần trong nền kinh tế. Từ doanh nhân, nhà quản lý, những vị cấp cao trong các viện nghiên cứu…cho tới những người dân buôn bán bình thường… Học hỏi từ tác phong làm việc của họ, từ cách giao tiếp của họ, quan điểm và cách nghiên cứu của họ là những chiến lợi phẩm vô giá, bổ sung vào những kiến thức được trang bị trên giảng đường, làm giàu có thêm tri thức. Và chiến lợi phẩm lớn nhất của em là thiết bị đo liều phóng xạ cá nhân”, Nguyễn Lê Tuấn – Lớp Điều khiển và Tự động hóa, K56 cho biết.

MÔI TRƯỜNG TỰ HỌC LÝ TƯỞNG

Không thành công nào đến dễ dàng, vì kiến thức thực tế khác biệt rất lớn so với kiến thức hạn chế có trong sách vở, đòi hỏi sinh viên phải tự tìm tòi, khám phá, chủ động thu nạp kiến thức, chắt lọc những gì phù hợp với mình. Tuy nhiên lợi ích lớn nhất mà sinh viên nhận được là có một môi trường thực hành hiệu quả những kiến thức đã tiếp thu được trên ghế nhà trường, hơn thế là khả năng tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt, sinh viên có thể rèn luyện được các kỹ năng giải quyết vấn đề, tăng khả năng trau dồi ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm…

“Khi mới bắt tay vào nghiên cứu, em hầu như chưa có kiến thức gì về phần mềm xử lý ảnh hay kỹ năng giải thuật. Do yêu cầu của đề tài, em đã tự tìm tòi và học hỏi ở trên mạng, ở bạn bè và nhờ sự hướng dẫn của thầy cô nên hiện nay sau khi hoàn thành đề tài, em đã có kinh nghiệm kha khá. Hoàn thành đề tài em đã học hỏi được rất nhiều thứ và cảm thấy mình trưởng thành và trở nên tự tin hơn. Lúc trước khi đi học em khá thụ động, có bài toán khó cũng bỏ qua vì ngại làm, ngại hỏi, nhưng giờ thì em có động lực để giải quyết, không lùi được, phải tiến. Chính điều đó mang lại cho sinh viên kinh nghiệm rất lớn. Những kỹ năng này rất cần thiết để ứng dụng trong thực tế công việc sau khi ra trường”, Trần Thế Anh – Lớp Kỹ sư tài năng Công nghệ thông tin, K58 nói.

NCKH là môi trường tự học lý tưởng. Trên cơ sở những kiến thức nền đã được trang bị, các bạn sinh viên có thể tìm hiểu thêm những kiến thức mà mình còn yếu, còn thiếu. Từ đó, khả năng tự nghiên cứu, chủ động nghiên cứu mà giảm bớt sự phụ thuộc vào sự gợi ý của thầy cô.

Nguyễn Xuân Phúc – sinh viên năm cuối Viện Cơ khí, trưởng nhóm nghiên cứu đề tài “Máy rang cà phê mini” chia sẻ: “NCKH rất quan trọng đối với sinh viên, nó giúp định hình con đường tương lai kể cả công việc hay nghiên cứu học tập. Hiện nay, theo em thì chỉ có khoảng 10-15% sinh viên thích nghiên cứu, còn lại đa số các bạn học xong để có một công việc ổn định. Môi trường học tập quá êm đềm sẽ tự hạn chế khả năng của bản thân mình cũng như những cơ hội phía trước. Do đó, ngoài các giờ học trên lớp, các bạn sinh viên cần cố gắng theo tìm hiểu thêm ở thầy cô, bạn bè, giúp đỡ thầy cô trong việc làm các đề tài, nên tham gia một số câu lạc bộ trong Trường để học hỏi. Việc NCKH cũng không hề hoàn toàn màu hồng mà có nhiều thử thách. Các bạn không nên tham lam, ôm đồm mà chỉ chọn một lĩnh vực mình vững kiến thức để theo đuổi. Đam mê học hỏi, khám phá cộng sự kiên trì không bỏ cuộc là chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công”.

Hạ Minh
Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here