Mới đây, sau khi có quyết định tự chủ, một số trường đại học công lập trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được phép “ra riêng”, nằm trong lộ trình phát triển và để đảm bảo yêu cầu ổn định, nhiều trường đã có quyết định tăng học phí. Điều này ngay lập tức đã tạo nên “làn sóng” với nhiều ý kiến trái chiều. Điều này gây nhiều ảnh hưởng đến việc tự chủ của các cơ sở đại học (ĐH). Trong khi đó, Chính phủ đang nỗ lực để trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường ĐH.
TỰ CHỦ TÀI CHÍNH – MỘT PHẦN CỦA TỰ CHỦ ĐẠI HỌC
Có một thực tế rằng, nhiều trường ĐH công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và được thu học phí giá sàn nhưng lại không phát huy hiệu quả trong đào tạo. Chất lượng giảng dạy ở nhiều trường không đảm bảo nên nguồn nhân lực được đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, cho xã hội và hội nhập thế giới. Từ những bất cập trên, cuối tháng 10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017.
Nghị quyết của Chính phủ đã được ban hành nhưng khi áp dụng thực hiện tại các trường lại không hề suôn sẻ. Bởi khi được giao quyền tự chủ một cách toàn diện, trong đó có tự chủ tài chính, các trường sẽ phải tính toán rất kỹ để đảm bảo các khoản chi thường xuyên như: trả lương cho giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy… Muốn duy trì ổn định các khoản kinh phí này cũng như mở rộng phương thức hoạt động, một trong những yếu tố quan trọng là các trường phải đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu trường ĐH nào không thu hút được sinh viên theo học thì trường đó không có kinh phí để duy trì hoạt động. Điều này có nghĩa là học phí đóng góp của sinh viên sẽ quyết định rất lớn tới sự tồn tại và phát triển của một trường ĐH, CĐ.
Thế nhưng, không phải trường ĐH nào cũng có thể đề ra mức học phí như mong muốn. Bài toán mà các trường nghĩ đến là nếu thu học phí cao thì có thể sinh viên không theo học hoặc khó đảm bảo được chính sách học bổng, hỗ trợ cho những sinh viên nghèo đạt thành tích xuất sắc trong học tập khi mà nhà trường không có đủ nguồn thu từ học phí.
CẦN NGƯỜI HỌC CHIA SẺ
Phải nhìn nhận rằng, khi học phí ĐH tăng sẽ gây không ít khó khăn cho người học, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người còn cho rằng, các trường chỉ “chăm chăm” vào thu học phí khi được giao quyền tự chủ và Nhà nước không còn hỗ trợ người học nữa.
Đó là quan niệm chưa thật chính xác, tự chủ ĐH không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư cho giáo dục ĐH mà là thay đổi phương thức đầu tư. Đơn cử như trước đây ngân sách cấp theo định mức, chỉ tiêu thì nay các trường ĐH được đặt hàng đào tạo nhân lực cho các ngành nghề, vùng miền hay thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học… Cùng với đó, khi phải thực sự “tự lực cánh sinh”, các trường phải tự “nuôi thân” mới có cơ hội để “cải tổ” từ hệ thống quản trị, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế nhằm kêu gọi đầu tư đến thay đổi cơ chế về nguồn nhân lực…
Bên cạnh đó, các trường sẽ có trách nhiệm xây dựng chính sách học bổng, hỗ trợ học tập hợp lý, phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Thực tế, các sinh viên thuộc diện chính sách, khó khăn học ở các trường tự chủ vẫn được hưởng chính sách của Nhà nước hỗ trợ miễn giảm học phí, cấp học bổng… Điều quan trọng hơn là muốn nâng cao chất lượng đào tạo, người học muốn có điều kiện học tập tốt hơn cũng có nghĩa là người học phải có trách nhiệm cùng chia sẻ với nhà trường.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (Đề án tự chủ), một số trường ĐH đã tăng học phí. Theo quy định, đối với các trường tự chủ, học phí các khóa tuyển sinh trước khi có quyết định tự chủ được phép tăng không quá 30% mỗi năm; tuy nhiên có trường chỉ tăng chưa tới 15%.
So với mức thu theo đề án tự chủ mà Chính phủ cho phép (khoảng 15,4 triệu đồng/năm học) thì mức học phí mới được công bố của một số trường vẫn thấp hơn. Nếu so với mức trần học phí của Nghị định 86 (Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân) cho các trường tự chủ thì còn thấp hơn nhiều.
Tại Trường ĐHBK Hà Nội, ngay sau khi có quyết định tự chủ hoàn toàn (tháng 10/2016), Trường đã xây dựng lộ trình tăng học phí và có kế hoạch thông báo để không gây nên “hiệu ứng sốc” cho sinh viên. Theo đó, năm học đầu tiên sau tự chủ mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2016 – 2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm. Cùng với đó, Trường cũng thông báo tới sinh viên tương lai (K62 của Trường) trong kỳ tuyển sinh năm 2017.
SINH VIÊN – CHỦ THỂ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Khi tăng học phí, các trường phải xây dựng những chính sách đi kèm khoa học và đảm bảo công bằng, từ chính sách học bổng và hỗ trợ học tập cần đúng đối tượng; cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo (từ việc thiết kế chương trình học, đội ngũ cán bộ giảng dạy, công khai chất lượng đào tạo…) đến nâng cao đời sống của người học (đầu tư trang thiết bị phục vụ học tập, cơ sở vật chất), đảm bảo công khai chất lượng đào tạo bằng các chương trình kiểm định chất lượng của các tổ chức trong nước và quốc tế.
Tại Trường ĐHBK Hà Nội, sinh viên được học các chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo chuẩn của Pháp (CTI) và Đông Nam Á (AUN). Mới đây nhất, Trường đã được Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) kiểm định, dự kiến tháng 6 có kết quả. Cùng với việc nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, Trường đã đầu tư trang bị dạy học, hệ thống điều hòa tại 100% giảng đường. Hệ thống phòng thí nghiệm đồng bộ, thiết bị hiện đại đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của sinh viên.
Bên cạnh đó, với việc coi sinh viên là chủ thể, Trường ĐHBK Hà Nội đã xây dựng chính sách học bổng và miễn giảm học phí phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, chính sách học bổng hỗ trợ học tập với hai mức: Học bổng toàn phần có trị giá tương đương 100% học phí chương trình đại trà và Học bổng bán phần ở mức 50% tương ứng. Đối với sinh viên khóa mới, điều kiện được xét cấp học bổng là gia đình có hoàn cảnh khó khăn và nằm trong tốp 30% thí sinh trúng tuyển có kết quả cao nhất theo từng nhóm ngành.
Với những nỗ lực và đổi mới tích cực đó, Trường ĐHBK Hà Nội đã sẵn sàng tự chủ hoàn toàn nhằm xây dựng Trường thành cơ sở giáo dục trọng điểm khoa học – công nghệ của quốc gia, có vị trí trong khu vực và trên thế giới.
Sáng Nguyễn
Ảnh: Kim Chi