Nhiệt độ ngoài trời khoảng 38-39 độ C, vai ướt sẫm mồ hôi nhưng Tổng Giám đốc Công ty Đồng hồ ASIA – Nguyễn Tứ Trí (cựu sinh viên K16 ngành Cơ khí chính xác, Trường ĐHBK Hà Nội) vẫn trực tiếp chỉ huy, hướng dẫn công nhân khẩn trương lắp ráp đồng hồ Tạ Quang Bửu để kịp tiến độ chào mừng năm học mới 2017-2018. Đây là món quà ý nghĩa, là tình cảm chân thành của anh cùng Hội Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh dành tặng ngôi trường Bách khoa thân yêu.  

Từ một tình yêu mang tên Bách khoa…

Tôi gặp anh Nguyễn Tứ Trí – một doanh nhân thành đạt không phải ở văn phòng làm việc hiện đại, có điều hòa mát lạnh hay chí ít thì cũng phải là một quán cà phê sang trọng như tôi đã tưởng tượng trước khi liên lạc hẹn gặp anh. Anh nhắn cho tôi địa chỉ hẹn gặp không phải ở những nơi tôi đã tưởng tượng mà ở một nơi quen thuộc – Thư viện Tạ Quang Bửu – nơi đang ngổn ngang ốc, vít, búa, con số, kim đồng hồ, cần cẩu… Những ngày trung tuần tháng 8/2017, anh vội vàng sắp xếp công việc bận rộn của mình, từ Thành phố Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội trực tiếp “tổng chỉ huy” việc lắp ráp đồng hồ Tạ Quang Bửu. Tôi thắc mắc: “Việc lắp ráp đồng hồ đã có đội ngũ kỹ thuật nhưng tại sao anh vẫn phải trực tiếp chỉ đạo công trình này?”. Anh cười và nói rằng: “Bách khoa như ngôi nhà của mình, được trực tiếp làm cho nhà mình đẹp hơn, tôi cảm thấy yên tâm và hạnh phúc, mặc dù có chút vất vả khi thời tiết không ủng hộ”.  

Xuất phát từ tình yêu mang tên Bách khoa, từ tấm lòng chân thành, sự biết ơn đối với các thầy cô giáo, anh Trí không ngại khó khăn, vất vả góp phần làm cho NGÔI NHÀ BÁCH KHOA đẹp hơn. Tháng 10/2011, nhân dịp Trường ĐHBK Hà Nội tròn 55 năm tuổi, Thư viện Tạ Quang trở lên đẹp hơn với điểm nhấn là chiếc đồng hồ lớn ở mặt trước của tòa nhà. Đó là chiếc đồng hồ đầu tiên, là tâm huyết và tình cảm của anh cùng Hội Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội tại miền Nam dành tặng cho Trường. Nhưng ít ai biết được, để kịp thi công, lắp ráp chiếc đồng hồ ấy trước lễ kỷ niệm chào mừng 55 năm thành lập Trường, anh Trí cùng đội ngũ kỹ thuật của Công ty ASIA chỉ có 10 ngày vừa thiết kế, thi công, lắp ráp đồng hồ trong điều kiện thời tiết mưa gió liên tiếp. Song bằng tình yêu với Trường, anh Trí đã không quản ngày đêm trực tiếp điện thoại chỉ huy việc lắp ráp đồng hồ cho kịp khánh thành trước lễ kỷ niệm. Cả hai lần thi công, lắp ráp hai chiếc đồng hồ thời tiết đều không ủng hộ nhưng với tình yêu Bách khoa thì không có gì cản trở được.

 

Tình yêu với ngôi trường Bách khoa được anh vui đắp từ những năm tuổi trẻ, anh kể: “Từ nhỏ, tôi đã yêu thích khoa học, kỹ thuật nên việc chọn học ĐHBK Hà Nội như một lẽ đương nhiên”. Bằng sự nỗ lực cố gắng của mình, năm 1971, anh đỗ vào ngành Cơ khí máy chính xác khóa 16 của Trường. Tuy nhiên, vừa vào học được vài tháng, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh và rất nhiều sinh viên khác đã xung phong “gác bút nghiên” lên đường chiến đấu. Vào bộ đội, anh được giao nhiệm vụ về Trung đoàn tên lửa. Vốn là người ham học hỏi, thích khám phá những điều mới lạ nên anh luôn tự tìm tòi, tự học, đọc tài liệu, tìm hiểu về những điều mình thích. Trong thời gian ở quân ngũ, anh có điều kiện tìm hiểu về lĩnh vực vô tuyến điện. Chính nhờ những kiến thức thực tế trong thời gian này đã giúp ích rất nhiều cho công việc sau này của anh. Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, anh quay về Trường tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

… đến một doanh nhân thành đạt

Ra trường, trong khi chúng bạn nhanh chóng tìm một công việc ổn định thì anh lại… ở nhà, tự tìm tòi, nghiên cứu và tìm hướng đi cho riêng mình. Với những kiến thức học tập tại Trường cùng với sự nhạy bén của bản thân, trong thời gian này, anh đã nhận được các dự án như: Nâng cao hiệu suất của một số nhà máy, nâng cao hiệu quả dây chuyền sản xuất của Công ty Bột ngọt Thiên Hương… và được lãnh đạo các nhà máy, công ty này đánh giá cao. Bên cạnh đó, một lĩnh vực khác mà anh dành rất nhiều thời gian và tâm huyết tìm hiểu, nghiên cứu – đó là kỹ thuật thiết kế, lắp ráp đồng hồ – một lĩnh vực mà ở Việt Nam thời điểm đó chưa có bất kỳ ai nghiên cứu. Vì vậy, năm 1984 anh đã nhận lời mời về tham gia giảng dạy tại Trường Đào tạo công nhân sửa chữa đồng hồ. Vừa chân ướt chân ráo về Trường công tác, anh đã nhận ngay đơn đặt hàng của một đơn vị quân đội về việc thiết kế đồng hồ thời châm cứu. Đây là chiếc đồng hồ được ứng dụng trong y học, nó sẽ cho biết huyệt hóa cần châm trong giờ đó. Với những kiến thức của mình và sự giúp đỡ của các thầy trong lĩnh vực y học, sau một tháng, anh đã thiết kế thành công chiếc đồng hồ này, góp phần không nhỏ cho việc điều trị của bệnh nhân.

Cuối năm 1984, khi nhận thấy miền Nam có nhiều cơ hội phát triển, anh cùng gia đình Nam tiến lập nghiệp. Rồi trải qua rất nhiều vị trí, công việc khác nhau cả ở trong nước và nước ngoài (có thời gian anh công tác tại Liên Bang Nga), đến năm 1996, anh về nước và thành lập Công ty Đồng hồ ASIA. Kể từ đó đến nay, trên dải hình chữ S này đã có biết bao công trình đồng hồ lớn  nhỏ do anh thiết kế và lắp ráp vẫn đang ngày đêm mệt mài “đếm” thời gian. “Mỗi một công trình được hoàn thành, mỗi một địa danh có dấu ấn của mình, tôi càng thấy vui và biết trân trọng thời gian hơn” – anh Trí chia sẻ.

Giờ đây, khi đã bước sang nửa bên kia của cuộc đời, có cuộc sống, gia đình, sự nghiệp viên mãn nhưng anh vẫn đang ấp ủ thực hiện một công trình mà đã từ lâu anh mong ước. “Trong thời gian tới, tôi sẽ thiết kế, lắp ráp một chiếc đồng hồ lớn dành tặng các chiến sĩ và bà con trên đảo Trường Sa. Để mỗi sáng thức dậy, bà con nơi đây sẽ được nghe âm vang của khúc ca quân hành được phát ra từ chính chiếc đồng hồ ấy” – Anh Trí cho biết.

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here