Thầy Bùi Nguyên Cát là Bí thư Đảng ủy nhà trường. Thầy cao ráo, tuấn tú, mô phạm, tác phong quân nhân, nói năng hùng biện, lôi cuốn. Người tiếp xúc với thầy có cảm giác chung là kính nể, tin cậy. Trong trường, hầu hết mọi người đi xe đạp hoặc bộ hành, chỉ có thầy và thầy Đinh Gia Tường đi xe máy. Xe của thầy nhãn hiệu Spac của Đông Đức, màu đỏ sẫm…
Hồi ức về người thầy hết lòng vì sinh viên
Năm 1970, toàn trường tiễn các giảng viên, sinh viên Bách khoa ra trận, thầy Cát đã căn dặn học trò của mình phải xứng đáng với Tổ quốc, với Bách khoa, thầy nói: “Xin được sửa lại câu “Ra đi giữ vững lời thề/ Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương”; vế 2 đổi thành như sau: “Đánh tan giặc Mỹ mới về Bách khoa”.
Sinh viên Bách khoa nhập ngũ, chiến đấu rồi quay về trường sau khi giải ngũ. Nhiều người trong đó gặp khó khăn trong việc nhập lại trường do các thủ tục hành chính thiếu sót; do thời điểm về lại Trường không ở đầu kỳ học. Họ đã kiên nhẫn chờ và họ đã không gặp thầy Hiệu trưởng Trường, mà mắc võng nằm quanh nhà thầy, một đầu võng là các cây nhãn, đầu kia là cột kèo, lanhtô, xà gồ của nhà thầy – chỉ cần có thể buộc được dây võng. Họ làm như vậy, vì rất hiểu thầy.
Và đúng như dự đoán của các “võng binh”. Sáng ra, thầy thấy hàng loạt võng bạt màu xanh châu đầu vào nhà như lưới nhện chăng. “Cái gì thế này?” “Dạ thưa thầy, chúng em…”. “Cuốn võng. Lên trường, đến Văn phòng Hiệu bộ. Tất cả các anh được nhập học lại”.
Một bạn gái thân cùng lớp cùng quê của tôi là Nguyễn Thị Liêu, Bí thư Chi đoàn, có người yêu là giáo viên ở khoa Hoá – thầy giáo Nguyễn Ngọc Thắng, kỹ sư hoá, tốt nghiệp ở Liên Xô về. Thời đó, việc yêu đương tình cảm nam nữ bị cấm triệt để. Vậy mà Thầy đã tổ chức cưới cho cặp đôi này. Lễ cưới tổ chức đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1972, tại thời điểm cả trường đang được tổng động viên vào quân đội chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ.
Tại lễ cưới, thầy Bí thư mở đầu: “Thầy Thắng là một giáo viên gương mẫu, tận tụy, thông minh, được trò yêu bạn mến, đã và đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp; thuộc lớp Đảng viên Hồ Chí Minh được kết nạp đợt đầu tiên của Bách khoa Hà Nội. Thắng là con em cán bộ miền Nam tập kết, cả bố lẫn mẹ Thắng đều là Liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc…”. Anh Thắng sau này là PGS.TS. Họ có hai con trai, các cháu coi thầy Cát là ông nội.
Sinh viên chúng tôi cũng không thể quên những buổi tối được xem Đoàn nhạc khí quân đội vào biểu diễn trước sảnh nhà C1. Thầy đã mời nhạc sỹ, nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, người chỉ huy dàn nhạc khí trong buổi Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình cùng đoàn nhạc công tới, cụ Liên trực tiếp chỉ huy. Rồi những buổi nhạc thính phòng ở Hội trường C2 đã bao lần lưu lại âm thanh classic, bác học, thấm vào huyết quản, tưới mát tâm hồn thầy trò Bách khoa, ở chính thời điểm “cơm còn chưa đủ chơi hoa nỗi gì”.
Đó là từ tâm hồn và tầm vóc của Thầy. Không thể có một trường đại học nào khác có được điều này.
Những hy sinh thầm lặng
Hơn 20 năm liên tục giữ trọng trách cao nhất của Trường, thầy đã góp phần quyết định cho sự trưởng thành, định hình danh tiếng của Bách khoa Hà Nội. Hình ảnh một người thầy môn Triết học, kiến thức uyên thâm, từng trải, lịch duyệt, tâm huyết, giảng dạy cũng như thuyết trình, giáo huấn lôi cuốn hấp dẫn – mãi đọng lại trong tâm thức nhiều thế hệ học trò. Trong số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta, nhiều người là học trò của thầy, trưởng thành từ Bách khoa Hà Nội.
Chấp hành sự phân công của Nhà nước, Thầy đã có mặt từ ngày đầu thành lập Trường Đại học kỹ thuật đầu tiên của nước nhà, khi đó Trường chỉ có mấy dãy nhà tầng của Đông Dương Học xá trên một bãi đất trống. Thầy đã cống hiến tận tụy và có hiệu quả lớn; nhưng, không nhiều người biết được sự hy sinh thầm lặng của thầy. Thầy đã chấp nhận rẽ sang một mạch nhánh khác, khi tiềm năng bẩm sinh trong thầy lại là văn học nghệ thuật; còn nữa, khi đang ở một mạch chính khác – quân sự – thầy đang lấp lánh tỏa sáng và hứa hẹn đỉnh cao.
Về nghiệp văn, thầy đã có những truyện ngắn tình cảm, hay, đăng trên Tiểu thuyết Thứ năm từ thời đang học trung học. Thầy tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Nhưng vài năm sau đã rẽ ngoặt qua sáng tác kịch bản sân khấu. Thầy cùng ba nhà văn, nhà viết kịch khác, lập nên Ban kịch Hà Nội, tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội. Ban kịch này với các vở kịch mà lúc công diễn bao giờ cũng “cháy chỗ”, trong đó có tác phẩm của Thầy là “Chị tôi”.
Năm 1965, Thầy lại viết vở kịch “Hà Nội đầu năm 1946”, để chào mừng 20 năm thành lập nước. Năm 1987, thầy có vở kịch “Nhà 3.000”, “Con bồ nông”. Năm 1994 là các vở “Vụ án khó xử”, “Tình người”, “Nàng Luyện kim”… tất cả đều được công diễn và được công chúng đón nhận. Sinh viên Bách khoa thời đó đều háo hức chờ đợi, chen lấn nhau để được xem vở “Nàng Luyện kim” ở Hội trường C2.
Ở Trường, thầy tranh thủ viết nhạc, viết cả nhạc múa rối cho thiếu nhi, dàn dựng công phu. Trước buổi diễn, tôi từng được đứng xem thầy ngồi sau piano trên sân khấu C2, bên cánh gà, chăm chú chỉnh sửa bản nhạc trên giá và thị tấu trên đàn, cẩn thận soát lại lần cuối.
Có lẽ cũng khởi nguồn từ tâm hồn và gia phong đó của thầy, con gái thầy trở thành người dẫn chương trình đầu tiên trên vô tuyến truyền hình ở Việt Nam, năm 1965 khi Trường Bách khoa thử nghiệm thành công vô tuyến truyền hình cáp. Rồi cháu nội thầy là Bùi Bích Phương, bên cạnh dung nhan, thì trí tuệ và thần thái từ nguồn cội của cô đã vượt trội, tỏa sáng trong cuộc thi sắc đẹp năm 1988, trở thành Hoa hậu đầu tiên của Báo Tiền Phong.
Về nghiệp võ, từ những năm 1945 – 1946, thời kỳ cách mạng và toàn quốc kháng chiến, Thầy đã là Phó chủ tịch Tự vệ Liên khu 1; là Trưởng ban quản lý, giúp việc cho Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô chiến đấu, 60 ngày quyết tử giằng co với địch tại Hà Nội. Trung đoàn Thủ Đô rút về chiến khu, làm hạt nhân lập Đại đoàn 308, thầy được cử phụ trách văn phòng và hậu cần của đại đoàn. Năm 1951, thầy được giao nhiệm vụ xây dựng tiểu đoàn phòng không đầu tiên, với phiên hiệu “387”, là Chính trị viên tiểu đoàn. Tiểu đoàn 387 đã lập chiến công vang dội trong Các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Được biết, đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thầy là chỗ thân tình từ ngày còn chiến đấu ở Thủ đô.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Nhà nước chủ trương cử những cán bộ Quân đội xuất sắc về những trọng điểm khó khăn, thầy ‘rẽ ngang’ về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi mà tiềm năng binh nghiệp đang khởi phát và rộng mở điểm đến vinh quang.
Thầy về chốn non bồng vào ngày 21/3/2007, hưởng thọ 89 tuổi, để lại bao niềm tiếc nhớ cho người thân, đồng đội và bao thế hệ học trò!
Văn võ kiêm toàn. Ở góc độ tổng quan, có một đánh giá khá chính xác như vậy về thầy, là phát ngôn của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập trường: “Người Bí thư đảng ủy để lại dấu ấn nổi bật nhất đối với chúng ta trong thời kỳ hơn 20 năm đầu là đồng chí Bùi Nguyên Cát, chính ủy đầy uy tín của đội quân Bách khoa, với nhãn quan chính trị sâu rộng, có tài thuyết phục, lôi cuốn trí thức và có tâm hồn rất nghệ sĩ”.
Trích lược hồi ký “Bách khoa thương nhớ” của tác giả Võ Văn Hải
Cựu sinh viên K13, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội