Nữ thủ khoa thành phố Hà Nội chuẩn “con nhà người ta”

0
2312

Phùng Thị Ánh Nguyệt, sinh viên K63 lớp Quản lý công nghiệp, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội, là thủ khoa thành phố Hà Nội với CPA 3.8/4 và điểm rèn luyện 91/100. Từ khi chưa tốt nghiệp, Nguyệt đã là nhân viên chính thức của Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải Foxconn – nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc, một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất trên toàn thế giới.

“Con nhà người ta”

Xác định theo khối A1 từ khi học cấp III, cô gái đến từ Thạch Thất, Hà Nội đã đăng ký nguyện vọng thi đại học vào Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên của Ánh Nguyệt về Bách khoa Hà Nội là một trường lớn, nhiều nam sinh và đặc biệt học cực khó.

Khi trúng tuyển, tham gia vào các nhóm trên Facebook, thấy các anh chị khóa trước kể về các môn Giải tích, Vật lý đạc cương, Triết học, … Nguyệt nghĩ mình phải thật cố gắng để qua môn. Ấy vậy mà khi vào học chính thức, khi nhìn 6 tấm bảng viết kín, không kịp chép và cũng không kịp hiểu những lời giảng của thầy cô, Nguyệt đã “hoang mang suốt mấy tuần”.

Sau một tháng, dần quen với môi trường đại học, cô gái đã “bắt được nhịp học”, tìm lại được tình yêu với môn Toán và Lý. Nguyệt bộc bạch: “Ngày trước học cấp III chỉ cần áp dụng các công thức vào bài giải, giờ lên đại học lại phải chứng minh các công thức ấy, kết hợp sử dụng nhiều công thức khác, … nên rất khó”.

Ánh Nguyệt “ám ảnh” nhất với môn Vật lý đại cương. Cô đã nghe kể về các “sự tích điểm âm” ở Bách khoa Hà Nội nhưng đến khi thực sự trải nghiệm môn học, dù đã qua môn, “mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn thấy sợ!”, Nguyệt cảm thán.

Cô nhớ lại những tiết thực hành, dù đã đọc bài trước ở nhà, đến nơi mà sai số, thầy cô sẽ không chấp nhận kết quả, sinh viên phải làm lại đến khi kết quả được chấp nhận mới thôi. Lại có lần, Nguyệt nhìn sơ đồ nhưng loay hoay mãi không lắp được mạch điện nên bị thầy nhắc nhở, cô rất lo lắng. Nhưng cũng nhờ vậy mà sinh viên Bách khoa có được tính kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt không khi nào ngại khó!

Trong những môn học từng kinh qua, môn tệ nhất của nữ thủ khoa là Xác suất Thống kê với điểm C+ do đi thi cuối kỳ nhắc bạn nên bị… đánh dấu bài. Lần đầu tiên trong đời bị giám thị đánh dấu, Nguyệt hoang mang, lo sợ mình sẽ “tạch” môn. Hơn nữa, đó lại là môn đầu tiên trong chuỗi 4 ngày thi liên tiếp, cô gái lo lắng và mất tinh thần cho những môn phía sau. Tuy nhiên, sau khi nhận điểm 6.5 cuối kỳ, Nguyệt cũng bớt lo và quyết tâm học thật tốt các môn khác để cải thiện kết quả học tập.

“Tôi chưa từng “ngồi sổ đầu bài” hay bị thầy cô trách phạt bao giờ, có thể do ngày xưa tôi hơi nhát”, Nguyệt tâm sự. Ngay từ trung học, Ánh Nguyệt đã có thói quen làm hết bài tập các môn vào giờ ra chơi để tối về có thời gian… xem tivi. Môn nào khó quá, chưa hiểu hết, cô bạn mới giở ra xem lại.

Lên đại học, Nguyệt nhớ mãi lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng cô trốn tiết. Đối với nữ thủ khoa, việc đi học đầy đủ và chăm chú nghe giảng sẽ giúp cô có hệ thống kiến thức của môn học từ đầu đến cuối kỳ, không cần ôn thi quá nhiều mà vẫn dễ dàng làm được bài. Nguyệt cho rằng bài thi cuối kỳ có thể sẽ khó vì kiến thức tổng hợp khá rộng nên mục tiêu cô nàng đặt ra luôn là đạt điểm giữa kỳ từ 8.5 trở lên, để nhỡ có bị điểm thấp cuối kỳ thì điểm tổng kết của môn đó cũng không quá tệ.

Là con cả trong gia đình ba chị em, Nguyệt là tấm gương sáng cho các em noi theo. Phùng Đăng Đạo, em trai của Nguyệt chia sẻ: “Gia đình em rất tự hào khi chị Nguyệt tốt nghiệp thủ khoa Bách khoa Hà Nội. Chị Nguyệt học giỏi, lại hay chiều em. Em muốn sau này được bằng một nửa của chị Nguyệt!”

Bản thân là nguồn động viên lớn nhất

Người thầy ảnh hưởng đến Nguyệt nhất là PGS. Nguyễn Danh Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế Và Quản lý. Dù chỉ học thầy một môn nhưng Nguyệt đã biết thêm được nhiều kiến thức các môn liên quan khác. Viện trưởng không có nhiều thời gian nhưng chỉ cần hỏi qua Teams hay cần sự trợ giúp gì, thầy đều nhanh chóng hỗ trợ. Cô gái học được từ thầy tính phân tích vấn đề, xác định nguyên nhân chính, cần tập trung vào yếu tố nào và tìm ra hướng cải thiện.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 khá căng thẳng, sinh viên khó khăn trong việc xin đi thực tập, thầy Nguyên đã giúp Nguyệt có cơ hội thực tập có lương – làm nhân viên kế hoạch thị trường tại một công ty may ở Bắc Giang.

Nguyệt chia sẻ, thời trung học cô khá trầm tính, ít nói nên khi gia nhập môi trường đại học, cô rất ngưỡng mộ các anh chị khóa trên tự tin diễn thuyết tại các hội thảo, sinh hoạt công dân đầu khóa, … Từ một cô gái nhút nhát, không dám xung phong phát biểu, trả bài trên lớp, Ánh Nguyệt đã dần can đảm hơn, sẵn sàng thuyết trình bài tập lớn cùng các bạn.

Trong những năm tháng đại học, Ánh Nguyệt còn nhiều tiếc nuối: Không dành nhiều thời gian rèn luyện tiếng Anh hơn, chưa tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học nào và đặc biệt là không vào Hội sinh viên để đi Mùa hè xanh. Nguyệt mong muốn được đi đến những vùng đất mới, giúp đỡ người dân và trải nghiệm nhiều điều lạ ở những nơi khác nhau. Theo Nguyệt, tham gia Mùa hè xanh còn là cơ hội để cô làm quen với việc sinh hoạt chung cùng một tập thể vì sau này khi bước ra đời, cô sẽ phải hòa nhập vào nhiều tập thể lớn nhỏ khác nữa.

Mới ngày nào nhập trường, nay đã là cựu sinh viên, Nguyệt cảm thấy khá lạ lẫm và bồi hồi. Đi làm buộc cô gái nhỏ phải trưởng thành hơn, có trách nhiệm với công việc, có đồng nghiệp và các sếp lớn.

Nguyệt tự nhận xét bản thân là một người cầu toàn, muốn mọi thứ hoàn hảo: Khi đi học, Nguyệt muốn nằm trong top đầu của lớp; khi đi làm, Nguyệt muốn mọi người chú ý mình là người chăm chỉ, học hỏi nhanh. Hiện tại, Nguyệt đang học thêm tiếng Trung để nâng cao ngoại ngữ của mình. Tuy ở công ty, sếp có nói tiếng Anh, nhưng theo Nguyệt, “người ta sẽ thoải mái hơn khi được nói tiếng mẹ đẻ”. Dự định sắp tới của Nguyệt là sẽ đi du học Đài Loan theo chính sách của công ty.

Những khi áp lực, Ánh Nguyệt hay nhận được lời khuyên, động viên từ người thân gia đình. Tuy nhiên, cách cô lựa chọn để vượt qua tất cả là… đi ngủ vì “có sức khỏe thì mới có sức chiến đấu”.

Nhiều người cho rằng Nguyệt lạc quan quá, nhưng theo cô, người truyền động lực nhiều nhất trong cuộc sống chính là bản thân mình, nếu bản thân không tự cố gắng nỗ lực thì sẽ rất khó để vực dậy.

Sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, dịp để tri ân các thầy cô giáo, Nguyệt muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể thầy cô Bách khoa Hà Nội kèm lời hứa: “Tôi sẽ trở lại Bách khoa thăm mọi người vào một ngày gần nhất!”

Lớp Nguyệt có 60 bạn, gần nửa lớp là nữ. Bách khoa Hà Nội có tỉ trọng nam sinh nhiều hơn nên các bạn nam rất ưu ái các bạn nữ, chú ý những ngày kỷ niệm để tổ chức không bỏ sót ngày nào. “Tôi rất tự hào khi là “sắn” Bách khoa!”, Ánh Nguyệt vui vẻ chia sẻ.

Trần Trang

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here