Chuyện NCKH của “cô sinh viên vé vớt” và “anh bộ đội Bách khoa”

0
3194

Cuối buổi thi sinh viên NCKH tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Kiều Ngân Hà – ĐTVT 06-K63 và Nguyễn Việt Hoàng – ĐTVT 09-K63 lên thuyết trình trong tâm trạng phấp phỏng về số phận… chiếc điện thoại bị bỏ quên 3 phút trước đó.

Qua vài câu lúng búng mở màn, Ngân Hà lập tức vào “guồng”, quên luôn cả chiếc điện thoại! Kết thúc buổi thi, đi vội ra khỏi phòng, Ngân Hà ngồi sụp xuống định thần cho bớt… run. Khởi đầu của phần thi đạt giải Nhất phân ban Điện tử – Tháng sinh viên Bách khoa NCKH và sáng tạo 2021 – 2022, là 1 trong 12 đề tài được lựa chọn đi thi cấp Bộ – đã diễn ra có chút… kịch tính như vậy!

Kiều Ngân Hà đang thuyết trình trước hội đồng phân ban Điện tử, Việt Hoàng chuẩn bị tài liệu cho lượt thuyết trình kế tiếp

Từ “trình” nói… ru ngủ đến khả năng trình bày gãy gọn, thuyết phục

Lần đầu tiên nghe các em thuyết trình, PGS. Trương Thu Hương nhận xét “phũ phàng”: “Nghe các em nói cô ngáp đến 1000 cái. Buồn ngủ quá, chán quá!”

Ngồi kể lại phần thi hôm đó, giọng Hà vẫn còn run. “Em vốn sợ nói trước đông người. May mắt em cận mà không đeo kính nên em… không nhìn rõ ai!”– Hà nói vui, vẫn kịp đánh vào vai cậu bạn Việt Hoàng – vốn là sinh viên của Học viện Kỹ thuật Quân sự gửi Đại học Bách khoa đào tạo – vì cái nhìn cười cười như ngầm nói: Con gái đúng là… phức tạp!

Hỏi Hà vậy làm sao thuyết trình, trả lời câu hỏi của các thầy cô hội đồng để đạt giải Nhất?
Hà: Em tập thuyết trình trước gương, trước cô giáo và các bạn rất nhiều lần trước khi thi. Cô giáo uốn nắn cho chúng em rất nhiều!

Còn cô giáo hướng dẫn Hà và Hoàng – PGS. Trương Thu Hương – Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật truyền thông – Trường Điện – Điện tử – chia sẻ rất thật: Lần đầu tiên nghe các em thuyết trình, tôi nhận xét “phũ phàng”: “Nghe các em nói cô ngáp đến 1000 cái. Buồn ngủ quá, chán quá!”

Sau tôi góp ý để các em cải thiện mình, nói cho dõng dạc, gãy gọn. Hà đại diện nhóm thuyết trình đã rất nỗ lực. Cô giáo góp ý gì đều cố gắng luyện tập để sửa đổi, vượt qua chính mình khi thuyết trình trước đông người. Rất mừng là khi đi thi, sinh viên Future Internet Lab (FIL) đã có thể trình bày để các thầy cô chuyên gia và cả những người không có kiến thức chuyên ngành hiểu được đề tài NCKH của mình!

Kiều Ngân Hà và Nguyễn Việt Hoàng (bìa trái) chụp cùng các bạn trong FIL trước khi bước vào phòng thi

NCKH và xác định rõ “phân vai”

Không giống như nhiều đề tài sinh viên NCKH ở các ngành khác có thể ra được sản phẩm cầm nắm rõ nét, các NCKH trong lĩnh vực an ninh mạng thường liên quan đến công nghệ lõi, công nghệ trung gian, không phải là ra sản phẩm đầu cuối.

Tên đề tài của Ngân Hà và Việt Hoàng nghe khá “khô khan”: Phương pháp mới cho phát hiện bất thường trong hệ thống kiểm soát công nghiệp sử dụng học tập liên kết”. Nôm na có thể hiểu 2 em sinh viên Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu về bảo mật cho nhà máy số 4.0. Ngân Hà là người đóng góp chính về giải pháp, xử lý thuật toán; Việt Hoàng chạy code, set up, phân tích dữ liệu…

Gốc của đề tài là nghiên cứu về an ninh mạng. Đề tài của Hoàng và Hà là phát hiện bất thường trong nhà máy số 4.0 hiện nay. Trước kia, ở các nhà máy truyền thống chỉ gồm các thiết bị độc lập, không kết nối Internet và không truyền dữ liệu. Còn hiện nay, trong các nhà máy số, tất cả các thiết bị đều có bộ cảm biến và bộ thực hành để vận hành cho một nhà máy, truyền thông tin về các server điều khiển quản lý nhà máy.

Khi các thiết bị truyền dữ liệu về trung tâm có thể tiềm ẩn 2 rủi ro: Thiết bị có thể có bất thường gây tác động đến trung tâm, hoặc người tấn công sẽ tác động vào máy móc, thiết bị, tấn công ngược server trung tâm.

Nhiệm vụ của Hoàng và Hà là tìm ra cơ chế để truy vết và phát hiện bất thường xảy ra thường xuyên trong nhà máy, hỗ trợ quản trị viên nhà máy phân khu, phân vùng một cách nhanh nhất nếu phát hiện bất thường, xác định nguyên nhân để triển khai bảo hành, sửa chữa, thay thế.

Trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, CNTT, an ninh mạng hiện là một trong các chủ đề “hot” nhất trên thế giới, là một trong những lĩnh vực cạnh tranh nhất trong nghiên cứu. Các nghiên cứu về an ninh mạng có xu hướng diễn ra “thần tốc”, thay đổi liên tục. Trong quá trình hướng dẫn sinh viên, cô Thu Hương luôn nhắc các em: Một khi có ý tưởng thì phải làm nhanh nhất có thể, làm ngày làm đêm, nếu không sẽ luôn ở thế rớt lại sau các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới.

Chính vì thế, nghiên cứu đề tài đúng thời điểm đại dịch Covid phức tạp, nhưng Hà, Hoàng cùng các bạn đều nỗ lực thay nhau lên FIL để làm các thuật toán, chạy mô phỏng…, làm việc từ xa teamviewer vào máy tính trên lab, nhóm nghiên cứu đều trong tình trạng làm việc đến 2-3 giờ sáng và thường xuyên họp cùng cô giáo vào 12h đêm.

Không giống như nhiều đề tài sinh viên NCKH ở các ngành khác có thể ra được sản phẩm cầm nắm rõ nét, các NCKH trong lĩnh vực an ninh mạng thường liên quan đến công nghệ lõi, công nghệ trung gian, không phải là ra sản phẩm đầu cuối. Để triển khai những NCKH này thường là một tập đoàn doanh nghiệp lớn. Nếu các công ty chuyên về giải pháp thì họ có thể nhờ các nhà khoa học, các sinh viên làm dự án tư vấn.

“Một số công ty chuyên về giải pháp an ninh mạng đã tìm đến FIL, đặt vấn đề hợp tác cùng làm giải pháp phân tích dữ liệu và phát hiện tấn công/bất thường. Tôi xác định với sinh viên phân vai của mình là tư vấn, tìm giải pháp cho công ty lớn. Còn nếu dựng một công ty start-up từ các ý tưởng thì sẽ khó, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ lõi Viễn thông, vì đòi hỏi đầu tư lớn, không giống như một số khối ngành khác” – PGS. Trương Thu Hương phân tích.

Chính vì được cô giáo xác định rõ ràng về “đầu ra” của NCKH, nên Ngân Hà và Việt Hoàng rất chủ động với các bước đi tiếp theo. Hướng đi của hai sinh viên Bách khoa trong thời gian tới là kế thừa đề tài NCKH về bảo mật cho nhà máy 4.0, nghiên cứu giải pháp quản lý dự báo trong một nhà máy. Cụ thể: Khi phát hiện bất thường trong nhà máy sẽ dự báo thiết bị nào có xu hướng hỏng trong tương lai, “sống” được bao lâu thì sẽ xảy ra bất thường! Hà và Hoàng đang được cô Hương “ép” tiến độ 1-2 tháng tới sẽ cho ra bài báo khoa học về đề tài này!

PGS. Trương Thu Hương (áo hồng) làm việc cùng 2 sinh viên Ngân Hà và Việt Hoàng tại FIL

“Hậu trường” sinh viên viết bài báo Q1: Tiếng… quát giữa đêm!

Mang đề tài NCKH dự thi cấp Trường, Hà và Hoàng có lợi thế khi hai em đã có bài báo thuộc danh mục ISI-Q1 trên tạp chí có chỉ số tác động cao, đã thuyết phục được các chuyên gia quốc tế uy tín. Chính sách chiến lược của FIL đã đổi khác khi nhận sinh viên từ rất sớm, để các em có cơ hội viết bài báo khoa học, có bài báo khoa học khi đang học trên giảng đường đại học. Nhận sinh viên sớm như vậy, các giáo viên sẽ vất vả hơn.

“Nhóm tôi có 28 sinh viên. Tôi không thể một mình hướng dẫn hết các sinh viên này mà phối hợp với các thầy ở Nhật, Pháp… và có đồng đội là các thầy giúp tôi cùng dìu dắt sinh viên. Cả NCS cũng nhiệt tình xắn tay hướng dẫn đàn em nữa” – PGS. Trương Thu Hương chia sẻ.

Tò mò hỏi cô giáo hướng dẫn Trương Thu Hương, rằng nhóm sinh viên Hoàng-Hà viết báo thế nào, thuận lợi không? Cô Hương thốt lên: Đây là lần đầu tiên tôi thấy bài báo phản biện đi phản biện lại nhiều lần như vậy!

Ngân Hà, Việt Hoàng và một nhóm sinh viên tham gia viết báo. Hà vốn là dân chuyên Toán, nhưng giải thích, giải trình, mô tả chưa tốt, hay trình bày lộn xộn, không theo trình tự. Cũng như nhiều sinh viên không đủ kinh nghiệm trong viết bài báo khoa học nên sẽ bị lỗi khi mô tả một phương pháp nào đó không được logic.

Cô Hương mỗi lần nhận nội dung Hà viết đều mất rất nhiều thời gian để góp ý, có lần không kìm được phải… than thở: Cô là người rất biết về vấn đề này mà xem em viết còn không hiểu nữa là người khác!

Còn Hà thì nhớ nhất có lần họp nhóm online khuya, cô trò cùng tranh luận về nội dung Hà viết, trò hôm đấy chắc cũng “sung”, tỏ ra bướng bỉnh, cô giáo phân tích rồi mà vẫn cố “bật”, cô cáu quát ầm lên giữa đêm! Cả hội… hoảng vì ít thấy cô cáu như thế. Sau đấy, Hà cũng sửa sai được, viết logic hơn. Với cô trò FIL, không phải là các giải thưởng, thành tích mà hiệu quả công việc, hiểu ra những khiếm khuyết của mình và khắc phục, vượt qua chính mình là mới điều quan trọng nhất.

Bài báo của nhóm Hà, Hoàng và các bạn nhận phản biện nhiều nhất. Cô Hương là người có nhiều kinh nghiệm, đọc phản biện thấy rất “gắt” nhưng biết vẫn có thể sửa chữa, giải thích và nâng cấp được nên động viên sinh viên: “Phản biện này có khả năng được, cô vẫn thấy ánh sáng cuối đường hầm, các em cố gắng lên!” Lần phản biện đầu tiên, cô trò mất 1 tháng mới sửa lại được. Nhưng càng về sau càng nhanh hơn. Lần phản biện cuối, cô Hương nói với nhóm: “Cái này chắc chắn sửa được. Sắp đến đích rồi!”

Một ngày đẹp trời, cô trò vỡ òa niềm vui khi nhận email thông báo bài báo khoa học đã được hội đồng các nhà khoa học quốc tế thông qua!

Thời điểm viết bài báo khoa học xong và lúc làm bài thuyết trình sinh viên NCKH, cô Hương rất hài lòng về những tiến bộ của Hà và Hoàng.

“Tôi hạnh phúc khi thấy sinh viên vượt qua được những hạn chế của bản thân, trưởng thành hơn, học được nhiều bài học!” – PGS. Trương Thu Hương trìu mến chia sẻ.

 

Ngân Hà (thứ ba từ trái qua) đại diện nhóm nhận giải Nhất phân ban Điện tử tại Hội nghị Tổng kết Tháng Sinh viên NCKH và sáng tạo năm học 2021-2022

Được biết, đề tài NCKH của Ngân Hà và Việt Hoàng vinh dự là 1 trong 12 đề tài đại diện sinh viên Bách khoa Hà Nội thi sinh viên NCKH cấp Bộ. Với sự hướng dẫn của cô giáo Trương Thu Hương, các bạn đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ một cách tốt nhất, hy vọng sẽ có cơ hội so tài cùng sinh viên các trường đại học trên toàn quốc.

CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ

Cô sinh viên vé vớt

Lần đầu tiên, Kiều Ngân Hà xin vào FIL nhưng PGS. Trương Thu Hương từ chối vì không đạt đủ điều kiện của lab. Vài hôm sau, Hà gửi cô Hương một tâm thư khá dài bày tỏ đam mê Toán và ước mơ, quyết tâm thể hiện của mình. Lần đầu tiên nhận một bức thư như vậy, cô Hương rất xúc động. Trước tất cả các CV, thành tích học tập của ứng viên, cô Hương quyết định nhận thử một bạn có nhiều đam mê xem có thành công hay không. Và Hà đã nhận vé vớt của cô Hương. Trong quá trình học tập, thực hành tại lab, Hà luôn thể hiện đam mê mãnh liệt về Toán, dần dần được đưa vào “guồng”.

Anh bộ đội Bách khoa

Nguyễn Việt Hoàng đạt tiêu chí của FIL ngay từ đầu. Hoàng học khá nhanh. Trong thời gian Covid, cô trò nghiên cứu, viết báo, họp đến 12h đêm, 1h sáng. Những lần họp khuya đấy, kết thúc họp, cô Hương cũng không ngủ được ngay mà hay nằm lơ mơ đến 3h sáng. Có hôm tự dưng nghĩ ra một chuyện, cô nhắn messenger trong nhóm: “Cô nghĩ nên làm thế này…” Cô Hương nghĩ nhắn tin thế, 6-7h sáng dậy, sinh viên sẽ nhìn thấy mess của cô. Thật bất ngờ khi thấy Hoàng trả lời cô ngay! Cô Hương ngạc nhiên hỏi: “Em làm gì mà trả lời ngay thế?” Hoàng: “Em gác canh ca đêm nên em nhận được tin nhắn của cô em trả lời ngay”. Thấy học trò nhiệt tình, đam mê NCKH như vậy, cô Hương trào dâng niềm vui đến… mất ngủ!

Gia Hân. Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here