Tân thủ khoa ngành Khoa học máy tính với trải nghiệm sống hết mình

    0
    4133

    “Buổi sáng, tôi cùng đoàn đi làm tình nguyện, đến tối về lại ngồi viết code”, Đặng Trung Đức Anh, trường CNTT&TT, Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ về những kỷ niệm trong mùa hè đại học. Đối với cậu, áp lực tạo nên động lực để cố gắng.

    Đặng Trung Đức Anh là sinh viên K62 ngành Khoa học máy tính, trường CNTT&TT, tốt nghiệp xuất sắc đợt tháng 5/2022 với CPA 3.62 và Điểm rèn luyện 93.

    Sinh ra và lớn lên tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), ngay từ những năm học cấp 2, Đặng Trung Đức Anh đã tự tìm hiểu cơ bản về lập trình. Chàng trai sinh năm 1999 chia sẻ rằng bản thân từng là người mải chơi, không tự tin vào lực học nên chưa bao giờ nghĩ sẽ có thể trở thành sinh viên ngành Khoa học máy tính – một trong những ngành “hot” nhất tại ĐHBK Hà Nội.

    Tân cử nhân Xuất sắc Đặng Trung Đức Anh. Ảnh: NVCC

    Nhóm học tập hiệu quả 

    Với Đức Anh, phương pháp học mang lại hiệu quả cao nhất chính là việc tìm và duy trì một nhóm học tập cho riêng mình, bởi mọi người sẽ hỗ trợ, giảng giải và cùng tranh luận, đưa ra nhiều góc nhìn cho một vấn đề.

    “Trong lần thi giữa kỳ đầu năm nhất, tôi đã kết nối với những bạn có điểm số cao trong lớp, lập thành một nhóm và chơi tận đến bây giờ”, cậu chia sẻ. Những người đồng đội của Đức Anh không chỉ kết hợp ăn ý trong việc học tập mà còn có chung niềm đam mê khởi nghiệp.

    “Các thành viên trong nhóm đã hỗ trợ nhau hết mình trong học tập. Khi được giao những bài tập lớn, sáu người bọn tôi phân chia công việc rõ ràng dựa trên điểm mạnh của mỗi cá nhân”, nam sinh nói thêm. Chính vì có những đồng đội giúp đỡ, tin tưởng lẫn nhau như vậy mà việc học đối với Đức Anh trở nên dễ dàng hơn, tối ưu hóa thời gian và công sức. 

    Đức Anh (thứ hai từ trái qua) cùng những tân cử nhân, kỹ sư đạt bằng Giỏi, Xuất sắc trong đợt tốt nghiệp tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC

    Ngoài ra, Đức Anh đã đi thực tập ngay từ năm 2, tham gia câu lạc bộ về học thuật, lab nghiên cứu và nhiều cuộc thi lớn nhỏ – những yếu tố đó đã giúp cho cậu sinh viên ngày một nâng cao trình độ của bản thân hơn. Một số thành tích nổi bật có thể kể đến như: Giải Nhất cuộc thi sáng tạo do công ty Advanced Tech tổ chức, giải Ba IBM Hackathon,… 

    Nhớ lại về quãng thời gian tham gia cuộc thi sáng tạo, Đức Anh cho biết, cũng tại thời điểm ấy, cậu đang ở trên Hòa Bình cho hoạt động “Mùa hè xanh” của trường. “Buổi sáng, tôi cùng đoàn đi làm tình nguyện, đến tối về lại ngồi viết code. Vì là vùng miền núi, nên đường truyền mạng ở đây không ổn định và gây ra những bất lợi. Thời gian ấy, tôi bị anh trưởng nhóm nhắc nhở, có khá nhiều trục trặc ở khâu chuẩn bị nhưng sau cùng, nhóm chúng tôi vẫn vượt qua và hoàn thành tốt, giành về giải Nhất”.

    Những thành tích đáng ấn tượng gặt hái được trong những năm học đại học của Đức Anh. Ảnh: NVCC

    Để có thể đạt được những thành tích cao trong học tập, Đức Anh không quên kể tới sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy cô. Cô Nguyễn Thị Thu Trang – Giảng viên trường CNTT&TT, người đi đầu trong giới nghiên cứu trong nước về xử lí tiếng nói, chính là người đã giúp đỡ, truyền động lực lớn cho tân cử nhân xuất sắc. 

    “Tích cực, nhiều năng lượng” là những từ mà cậu học trò miêu tả vị giảng viên mình kính trọng nhất. Đức Anh chia sẻ thêm: “Tôi đã học và làm việc cùng cô được hơn 3 năm, cô có thể khó tính trên giảng đường, nhưng ngoài đời, cô thực sự rất tâm huyết và quan tâm tới sinh viên của mình”.

    Trong những năm tháng học Đại học, điều mà cậu sinh viên trẻ nuối tiếc nhất là việc bản thân chưa thực sự chăm chỉ học tiếng Anh. Mục tiêu trong những năm sắp tới của Đức Anh là trau dồi thêm ngoại ngữ để thi chứng chỉ IELTS, tiếp tục việc nghiên cứu và dự định đi du học sau khi hoàn thành chương trình học Thạc sĩ tại Việt Nam. 

     

    Cháy hết mình vì tuổi trẻ 

    Mọi người sẽ thường nghĩ để có được tấm bằng Xuất sắc, đặc biệt ở trong một môi trường “khó nhằn” như Bách khoa Hà Nội, thì sinh viên chỉ tập trung tuyệt đối thời gian vào việc học. Tuy nhiên, Đức Anh đã chứng minh rằng suy nghĩ ấy chưa đúng. Để có thể thoát khỏi sự tự ti của những năm học phổ thông, ngay từ năm nhất, chàng trai đã năng nổ tham gia các hoạt động, chương trình của Đoàn, Hội, câu lạc bộ. 

    “Với tôi, điều quan trọng nhất là phải biết được bản thân cần gì, muốn làm gì trong từng thời điểm. Quỹ thời gian của mỗi cá nhân đều có hạn, nếu ôm đồm quá nhiều thứ thì sẽ không có hiệu quả. Hãy xác định hiện tại cần hoàn thành những đầu việc quan trọng nào trước, tập trung vào cái đó”, đây chính là cách mà tân cử nhân đã áp dụng để cân bằng giữa việc học và hoạt động ngoài giờ lên lớp. 

    Đức Anh còn có sở thích tập gym. Ảnh: NVCC

    Đức Anh là thành viên của 3-4 câu lạc bộ khác nhau nhưng không phải cùng lúc. Trong hai năm đầu đại học, thời gian rảnh khá nhiều nên cậu đã lựa chọn vào Hội Sinh viên và đi tình nguyện. Đến những năm sau thì xin rút và tham gia vào các câu lạc bộ học thuật, lab nghiên cứu để bổ sung kiến thức chuyên môn. 

    Đi phượt là sở thích lớn nhất của Đức Anh, cậu cho biết mình và nhóm bạn đã chinh phục hết khu vực miền Bắc và có dự định khám phá Trung Bộ, Nam Bộ.

    “Càng đi nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy thú vị, khám phá được thiên nhiên và con người địa phương”, nam sinh nói thêm, những bài học, câu chuyện từ những chuyến đi phượt đã để lại những dấu ấn trong quãng đời sinh viên.

    Những tấm hình “check-in” đi phượt cùng nhóm bạn được đăng tải trên trang cá nhân. Ảnh: NVCC

    “Có lẽ, chuyến đi đáng nhớ nhất đối với tôi là lần du lịch tới Hà Giang”, Đức Anh tâm sự về sở thích đi phượt của mình. “Trên đường đi, nhóm chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ địa phương vẫy tay chào khách vãng lai, gương mặt không biểu hiện nhiều cảm xúc. Tôi ghé vào hỏi chuyện một số gia đình và được biết, phần đông những bé trai, bé gái trên này chưa được đi học”. 

    Những hình ảnh này để lại trong chàng trai trẻ nhiều suy nghĩ. Nó thôi thúc cậu mong muốn sống một thời gian ở Hà Giang để hiểu hơn về văn hóa đồng bào miền núi và giúp người dân nơi đây nâng cao đời sống. “Tôi muốn thực sự tìm hiểu và giải quyết được những vấn đề trong xã hội”, Đức Anh đúc kết.

     

    ‘Bách khoa Hà Nội đã dạy tôi nhiều bài học’

    “Khi đến với Bách khoa, sinh viên sẽ cảm nhận được rất nhiều người giỏi xung quanh, điều đó khiến bản thân cảm thấy bị ‘ngợp'”. Đó là cảm nhận của tân cử nhân về môi trường học đã gắn bó hơn 4 năm.

    Xuất phát điểm là một học sinh trường thường, không có thành tích gì nổi trội so với các bạn đồng trang lứa, Đức Anh khẳng định rằng không chỉ mình mà sẽ có nhiều bạn sinh viên khác cũng cảm thấy áp lực. 

    Nhưng không vì thế mà nản chí, cậu sinh viên đã coi đó là động lực để phấn đấu mỗi ngày. “Không có áp lực thì không có kim cương” chính là câu nói mà Đức Anh tâm đắc nhất và luôn ghi nhớ trong đầu.

    Những áp lực ở Đại học, sự kỳ vọng từ gia đình là yếu tố thúc đẩy chàng trai đạt được những thành tựu lớn. Ảnh: NVCC

    Ngay từ nhỏ, bố luôn là người đặt hy vọng nhiều nhất vào Đức Anh. Rồi khi bước chân vào cánh cửa Đại học, được tiếp xúc với nhiều người hơn thì sự kỳ vọng ấy lại được tăng cao. “Trong những lần học nhóm với các thành viên trong câu lạc bộ, tôi luôn được các bạn “tín nhiệm” để giảng bài cho, vì mọi người thường đánh giá rất cao sinh viên thuộc ngành Khoa học máy tính”, nam sinh chia sẻ. 

    “Có thể đối với nhiều người, điều đó tạo ra áp lực, nhưng đối với tôi, việc được mọi người xung quanh tín nhiệm, nhờ giúp đỡ sẽ khiến bản thân mình trở nên có trách nhiệm hơn”, cậu nói tiếp. 

    Bách khoa Hà Nội là nơi tạo cơ hội cho Đức Anh để kết nối với những người giỏi. “Trong ban chuyên môn – CLB SOICT Innovation mà tôi tham gia, các thành viên đều có những kỹ năng, kinh nghiệm rất tốt, mặc dù một vài trong số đó là năm 1, năm 2”, cậu nói. Thông qua môi trường học tập, làm việc và những lần tham gia các cuộc thi lớn nhỏ, chàng trai đã dần thay đổi, trưởng thành hơn và có được những mối quan hệ chất lượng. 

    Từ một cậu bé cấp ba nhút nhát và rụt rè, Đặng Trung Đức Anh của tuổi 23 đã trở nên tự tin và hướng ngoại. “Những câu chuyện vui, buồn trải qua ở môi trường đại học đã rèn luyện cho tôi bản lĩnh kiên cường. Tôi cảm thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều”, nam sinh bộc bạch.  

    “Hành động ngay thay vì chần chừ, sợ sệt” là bài học quý giá mà Đức Anh rút ra được cho bản thân sau những năm tháng học tập tại đây, đồng thời muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên khóa dưới. 

    Cậu khẳng định: “Nếu năm nhất tôi không mạnh dạn, chủ động làm quen với các bạn thì có lẽ sẽ không đạt được những gì có ngày hôm nay. Mặc dù thời điểm ấy tôi chưa có gì trong tay, nhưng đã dám gạt bỏ cái tôi, sự ngại ngùng để nắm bắt lấy những cơ hội”.

    Bảng thành tích của Đặng Trung Đức Anh: 

    • Thành tích học tập: 

    Đạt được nhiều giấy khen về học tập tốt 

    Giải Nhất cuộc thi sáng tạo do công ty Advanced Tech

    Giải Ba IBM Hackathon

    Công bố khoa học quốc tế: Pacific Asia Conference on Language, Information and Computation (PACLIC)

    • Hoạt động Đoàn Hội, ngoại khóa: 

    4 năm sinh viên năm tốt: Cấp trường, cấp Thành phố, cấp Trung ương

    Ủy Viên BCH LCĐ-LCH Viện CNTT&TT, thành viên mảng Học Tập và Nghiên cứu Khoa Học (này là trường CNTT&TT)

    Phó chủ nhiệm, Trưởng ban chuyên môn SOICT Innovation

    Chủ nhiệm CLB BK Street Workout 

    Tình nguyện viên tại Đội sinh viên tình nguyện Hội sinh viên Đại Học Bách Khoa Hà Nội

     

    Khánh Vân, Chí Quang

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here