Những bông hồng tài năng của Viện Kỹ thuật Hóa học

0
1933

Mỗi nữ cán bộ, giảng viên Bách khoa Hà Nội là một đóa hoa độc đáo, không chỉ khoe sắc mà còn góp hương, đưa danh tiếng của Nhà trường vang xa. Năm 2021, GS. Lê Minh Thắng và ThS. Đặng Thị Tuyết Ngân (Viện Kỹ thuật Hoá học) đã xuất sắc giành giải thưởng Sáng tạo Châu Á 2021 của Quỹ Toàn cầu Hitachi.

“Tôi chỉ ước có nhiều thời gian để nghiên cứu”

Đến với giải thưởng này, GS. Lê Minh Thắng, Viện Kỹ thuật Hóa học, đã đóng góp sản phẩm Bộ xúc tác xử lý khí thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu.

Trước đó, GS. Thắng cũng đã có nhiều bài báo khoa học giá trị trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu này. Một số sản phẩm xử lý khí thải của chị có khả năng ứng dụng thực tế và đã được thương mại hóa với quy mô nhỏ.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm khoa học, kỹ thuật, chị Thắng cũng được thừa hưởng đam mê nghiên cứu từ rất sớm. Vì vậy, chị cũng muốn thắp lửa đam mê ấy tới những thế hệ măng non.

GS. TS Lê Minh Thắng (phải) cùng các cộng sự với sơ đồ công nghệ xử lý khí thải trong phòng thí nghiệm. Ảnh: KHPT/Ngô Hà

Hè năm 2019, GS. Minh Thắng tổ chức một tuần nghiên cứu khoa học cho con trai và một số bạn nhỏ tham gia trong phòng thí nghiệm. “Tôi đã khuyến cáo: Ai thấy mệt thì tự nghỉ, ai thấy chán cũng tự nghỉ, không có sao. Nhưng đến ngày thứ năm, các bạn vẫn đi làm đầy đủ, đúng giờ, miệt mài, chả ai đòi thêm thời gian nghỉ trưa”, chị Thắng từng chia sẻ.

Sau này, khi chi hội Nữ trí thức Bách khoa Hà Nội được thành lập, Ban chấp hành chi hội và chị Thắng cũng tổ chức  các buổi sinh hoạt STEM cho các bạn học sinh tham gia làm các bài thí nghiệm ngắn để có cái nhìn trực quan hơn trong các lĩnh vực khoa học công nghệ như hóa học, tự động hóa, điện tử, …

Các hoạt động này vừa vui vừa bổ ích, là một trải nghiệm thực tế, mới lạ, nuôi dưỡng óc sáng tạo, niềm say mê với khoa học, kỹ thuật của học sinh phổ thông. Do dịch bệnh bùng nổ, những lớp “nhập môn nghiên cứu” này tạm được gác lại, nhưng chi hội Nữ trí thức Bách khoa Hà Nội và chị Thắng vẫn ấp ủ nhiều dự định về các hoạt động STEM để tạo điều kiện cho các em học sinh phổ thông làm quen với nghiên cứu, có cái nhìn thực tế và rèn được cả tính kỷ luật cao.

Chị Thắng từng đạt được những thành tích cao trong sự nghiệp, tuy nhiên, chị chưa từng đặt áp lực cho bản thân. “Tôi say mê nghiên cứu khoa học. Tôi thấy nghiên cứu rất hấp dẫn nên tôi theo đuổi chứ không đặt mục tiêu”, chị chia sẻ.

Đối với GS. Thắng, chị không ngại thất bại. Theo chị, “không có thất bại sẽ không có thành công, thất bại là điều bình thường đối với người làm khoa học”.

“Thất bại là vô cùng quan trọng bởi trải qua thất bại mới nhận ra nhiều cách tiếp cận khác, điều chỉnh lại một số tiếp cận ban đầu để cuối cùng có những nghiên cứu thành công”, chị giải thích.

Là một người hết mình với công việc, chị Thắng dành hầu hết thời gian trong ngày để làm việc. Trong mỗi công việc, chị lại tìm được niềm vui riêng. “Tôi chỉ tiếc không có thời gian để làm hết những gì mình thích vì tôi thích nhiều thứ quá”, chị cười.

Trong 25 năm gắn bó với Bách khoa Hà Nội, chị Thắng “gìn giữ” nhiều kỷ niệm sâu sắc nhưng quãng thời gian sinh viên  là quãng thời gian đặc biệt với tất cả sự say mê, hứng khởi và sục sôi của tuổi trẻ.

Hiện tại, GS. Minh Thắng nung nấu kế hoạch xây dựng một trung tâm hợp tác quốc tế về lĩnh vực xúc tác. Chị cho hay, Bách khoa Hà Nội đang có những trang thiết bị rất tốt, có đội ngũ cán bộ trẻ, nhiều năng lực, có mối quan hệ hợp tác quốc tế sâu, rộng nên hy vọng việc hình thành trung tâm sẽ thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc, hợp tác trong môi trường chuẩn quốc tế.

 

Giảng viên mang năng lượng tích cực

Đây là lần đầu tiên ThS. Đặng Thị Tuyết Ngân nhận được giải thưởng Sáng tạo Châu Á với đề tài có liên quan mật thiết đến luận án tiến sĩ của chị. Cụ thể, dưới sự hướng dẫn của GS. Da-Ming Wang (Đại học Quốc gia Đài Loan) và PGS. Trần Trung Kiên (Đại học Bách kh oa Hà Nội), ThS. Ngân đã phát triển phương pháp trích ly tăng cường mới, trong đó thực hiện trích ly – hoàn nguyên đồng thời bằng cách sử dụng màng kỵ nước làm thiết bị phân riêng dầu – nước để thu hồi các kim loại quý, các nguyên tố đất hiếm trong nước thải và chất thải điện tử.

Tham gia cuộc thi do đồng nghiệp động viên, chị Ngân không nghĩ bản thân đạt giải vì “thấy các thành viên tham gia toàn bậc tiến sĩ với nhiều thành tích nghiên cứu”. “Tôi nghĩ mình đạt giải do đề tài này phù hợp với mục tiêu năm nay: Sự sống dưới nước – trên cạn”, chị Ngân nói.

Dự án của chị đúng theo chủ trương phát triển bền vững, tuần hoàn: Tăng tuổi thọ vật chất sử dụng, giảm thiểu lượng thải ra môi trường. Lượng thải ra ít tức là lượng chất yêu cầu bổ sung cũng ít, từ đó vừa giải quyết vấn đề môi trường vừa tăng lợi ích kinh tế, tiết kiệm phần đầu vào.

ThS. NCS. Đặng Thị Tuyết Ngân. Ảnh: NVCC

Theo chị Ngân, dự án chị làm có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Đài Loan. Để làm nghiên cứu sinh ở Đài Loan, khó khăn lớn nhất của chị Ngân lại là thuyết phục chính bản thân mình. Rất khó để người mẹ yên tâm rời xa hai con nhỏ, ra nước ngoài nghiên cứu. Với sự hậu thuẫn từ gia đình và quyết tâm hoàn thành đam mê nghiên cứu còn dang dở, chị đã đạt được những ấp ủ của mình.

Đứng sau người phụ nữ thích nghiên cứu là một người đồng nghiệp, người bạn, người chồng luôn yêu chiều, ủng hộ vợ. Hai anh chị từng học chung lớp K46 Quá trình thiết bị. Một lớp trưởng, một bí thư, hai người “song kiếm hợp bích”, cùng chia sẻ thanh xuân tại Bách khoa Hà Nội rồi nên duyên vợ chồng.

Là người khá chỉn chu trong công việc nhưng ở nhà, chị Ngân lại “bị” các con nhận xét là khá … hậu đậu. Chị Ngân cũng vui vẻ thừa nhận khuyết điểm của mình vì thi thoảng chị lại bị đứt tay, cộc đầu, … Ở nhà, chồng chị Ngân hay đứng bếp, “tôi chỉ nấu những món đặc biệt mà bọn trẻ thích thôi”, chị Ngân cười nói.

Biết tính mẹ, các con chị Ngân rất quyết tâm làm “tấm khiên” hay “máy nhắc nhở” để bảo vệ mẹ. Mỗi lần thấy mẹ cầm dao, các bạn nhỏ lại nhắc “Mẹ cẩn thận kẻo đứt tay nhé!”. Tối trước khi đi ngủ, con gái chị sẽ chuẩn bị gối sẵn sàng cho mẹ, nhắc mẹ kéo áo xuống kẻo lạnh bụng.

Tình cảm gia đình ấm áp với những lời nhắc nhở ân cần, nhẹ nhàng mà cả nhà dành cho nhau. Những lời bố mẹ hay nói để chăm lo cho sức khỏe các con cũng được bọn trẻ cũng áp dụng để thủ thỉ với mẹ.

Tuy mới 10 tuổi nhưng con trai chị cũng rất ra dáng đàn anh, biết chăm sóc cho em gái nhỏ. Chị Ngân duy trì thói quen đọc truyện trước khi đi ngủ cho các con từ khi còn bé. Tuy nhiên, hôm nào bố mẹ bận hoặc đi vắng, cậu anh cũng chịu đọc truyện cho em nghe, rồi lại làu bàu với mẹ: “Con đọc hết cả 3 truyện mà nó không chịu ngủ”.

Hồi ở Đài Loan, chị Ngân từng được bạn cùng phòng, một nhà văn, viết tặng một chương trong cuốn sách mới bằng tiếng Trung. Ngày ra mắt sách, chị Ngân được giới thiệu là nhân vật “cô bạn người Việt Nam” được nhắc đến. Một cô gái dự sự kiện ấy đã đến gặp chị và nói: “Thực ra tôi không phải fan của tác giả, mà tôi hâm mộ bạn!” Có lẽ do vẻ ngoài gần gũi, tính cách hòa đồng và luôn truyền tải năng lượng tích cực nên trong mắt bạn bè quốc tế, chị Ngân dễ thương, dễ mến đến vậy.

 


Giải thưởng Sáng tạo Châu Á 2021 của Quỹ Toàn cầu Hitachi nhằm ghi nhận những thành tựu nổi bật về nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ và khuyến khích xã hội thực hiện những thành tựu này với mục đích đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững.

Hai mục tiêu lớn của năm 2021 là Sự sống dưới nước và Sự sống trên cạn.

Trần Trang

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here