Những bước đi lâng lâng hạnh phúc

0
1587

Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những tưởng sẽ làm giảng viên ở một trường đại học khác, không ngờ, tân kỹ sư Đặng Thị Hồng Huế lại được làm việc tại chính ngôi trường mà cô yêu mến suốt cuộc đời. Cô bảo “Có lúc sải bước trong trường, tôi cứ thấy lâng lâng hạnh phúc”. Niềm hạnh phúc ấy như được nhân lên khi cô nhận danh hiệu Giảng viên tiêu biểu năm 2021.

Tấm lòng của cô giáo – người mẹ nghiêm khắc

Chỉ 5% số giảng viên đạt số điểm cao nhất do sinh viên đánh giá được xét tặng danh hiệu Giảng viên tiêu biểu, và chỉ 3 trong số đó được nhận danh hiệu này thì TS. Đặng Thị Hồng Huế Phó trưởng bộ môn Cơ học Vật liệu và Cán kim loại, Phó Chủ tịch Công đoàn Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu – là một người trong số đó. Một người nghiêm khắc, cứng rắn như cô mà vẫn được sinh viên quý mến, tin yêu như vậy, hẳn phải có nguyên nhân sâu xa ẩn chứa trong tấm lòng cô với các em. Có những kỷ niệm mà học trò còn nhớ mãi, và cô cũng không thể quên. Cô kể:

“Trong một giờ học , mặc dù tôi đã yêu cầu toàn bộ học sinh tắt chuông điện thoại, nhưng một sinh viên đã để chuông reo rất to trong gần ba phút. Tôi nói với em rằng, một là em phải ra ngoài nghe điện thoại, hai là em phải tắt chuông điện thoại, ngay lập tức, sinh viên đó phản ứng: “Ngoài việc học, em còn có nhiều việc phải lo cho cuộc sống của mình, chẳng qua em đang viết dở nên không kịp nghe”.

Mặc dù rất bực, nhưng tôi vẫn nén cảm xúc và khuyên nhủ sinh viên đó tôn trọng nội quy lớp học để không làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Tôi nói “nếu em có quá nhiều việc không thể giải quyết thì nên xin bảo lưu cho đến khi ổn định cuộc sống thì em tiếp tục việc học, như thế sẽ không ảnh hưởng đến các sinh viên khác”. Bạn sinh viên đó tắt chuông và ra ngoài khoảng 10 phút. Sau đó, em quay lại xin lỗi và xin phép được tiếp tục học bài.

Một sinh viên khác thì thường xuyên vắng mặt. Thi giữa kỳ em đó  chỉ được 2 điểm. Nữ sinh đó đến Bộ môn yêu cầu được phúc khảo.  Bộ môn đã chấm phúc khảo em chỉ được  1,75 điểm. Nữ sinh đó xem bài xong thì khóc nức nở. Em cũng tâm sự rằng do gia đình khó khăn nên phải đi làm thêm buổi đêm với mức lương 15.000đ/1 tiếng để trang trải cuộc sống.

Tôi khuyên em rằng, em có thể vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội để học còn hơn đi làm như vậy, vì tiền làm thêm của em không đủ để nộp tiền học lại.  Sau một thời gian, tôi vui và yên tâm hơn khi thấy em đi học, được nhận học bổng do doanh nghiệp tài trợ cho sinh viên Trường.”

Sau mỗi trường hợp như vậy, cô Huế đều về nhà lắng lại suy nghĩ, tự hỏi xem mình có khắt khe quá, có đòi hỏi các em nhiều quá không? Tấm lòng người mẹ nhìn sinh viên rơi nước mắt cũng khiến cô không ít ray rứt. Nhưng rồi cũng bằng suy nghĩ của một cô giáo – người mẹ, cô quyết định phải nghiêm khắc, cứng rắn với các em, để các em có kiến thức thực sự khi ra trường, có bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn thử thách trên đường đời.

Nghiêm khắc nhưng chân thành trong mỗi giờ dạy, cô giáo Đặng Thị Hồng Huế rất duyên dáng ngoài đời

Người Bách khoa thẳng thắn, chân thành

Hỏi cô Hồng Huế: Con gái học Cơ khí máy móc liệu có thiếu lãng mạn, mộng  mơ không? Cô Huế cũng thừa nhận mình có phần hơi “khô khan”, chỉ biết nói thẳng, một là một, hai là hai; và đôi khi cái cách nói có vẻ “phũ phàng” ấy cũng làm mất lòng mọi người. Nhưng cuối cùng, khi đã hiểu ra, và chứng kiến những việc cô làm, thì ai cũng thấy cô thật  dễ gần, dễ sống. Thật đúng chuẩn người Bách khoa – thẳng thắn, chân thành!

Tất nhiên, với một giảng viên thì đánh giá trên hết vẫn là hiệu quả giờ giảng. Cô Hồng Huế rất chịu khó cải tiến cách dạy sao cho sinh viên dễ tiếp thu, ham học và hành tốt.

Ví dụ như trong giờ dạy học online, học sinh khó tập trung hơn và sự tương tác cũng không được như trên lớp học, cô Huế đã cho sinh viên xem video sản xuất thực tế, sau đó yêu cầu từng sinh viên cho biết quy trình diễn ra như thế nào, khâu nào áp dụng lý thuyết trong bài, có thể cải tiến được gì. Nhờ vậy, tiết học trở nên thu hút hơn, các em sẽ phải tập trung và tư duy về mối liên quan giữa môn học và sản xuất thực tế, tránh tình trạng học đối phó.

Sau mỗi hai tiết, cô yêu cầu sinh viên tóm tắt những gì đã học và dành 10 phút để đọc trước tài liệu cho hai tiết tiếp theo. Theo cách này, sinh viên tiếp thu và làm bài tập khá tốt, thậm chí nhiều em còn có sự sáng tạo. Ngoài ra cô còn tổ chức hoạt động nhóm, thực hành thuyết trình để tránh nhàm chán.

TS. Đặng Thị Hồng Huế phụ trách đa dạng các môn học, từ lý thuyết, thực hành, đến bài tập, thực tập. Mỗi môn học cô đều có cách giảng dạy phù hợp và có hiệu quả.

Mỗi ngày đến Bách khoa, cô Hồng Huế đều thấy rất hạnh phúc

Nhìn lại quãng đường cô giáo trẻ đã đi, dễ thấy sự phấn đấu không ngừng nghỉ từ thời sinh viên cho đến khi là người cầm phấn. Thành quả của những ngày học hành vất vả, thức khuya dậy sớm miệt mài là một hồ sơ “chuẩn, đẹp” khi tốt nghiệp, đủ sức nhận được cái gật đầu đồng ý của bất cứ nhà tuyển dụng nào. Về lại mái nhà Bách khoa, cô tự tin thi công chức, đi học cao học, sau đó học tiến sĩ.

Thành công hôm nay của giảng viên Hồng Huế cũng chính là sự đền đáp của cô đối với những người thầy Bách khoa đã từng dạy cô trong quá trình cô học tập và làm việc tại trường trong hơn hai mươi năm qua, các thầy Phan Văn Hạ, Hà Tiến Hoàng, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Giảng, Đào Minh Ngừng, Nguyễn Ngọc Giao, Đỗ Hữu Nhơn, Nguyễn Thị Hương, Lê Thái Hùng và thầy Phạm Văn Côi.

Trò chuyện cùng cô Huế mới hiểu những tâm sự tự đáy lòng mà cô bộc bạch: “Tôi thấy rất may mắn khi trong cuộc đời gặp được những người thầy cực kỳ tâm huyết với nghề, tận tâm với các thế hệ sinh viên, mẫu mực trong nhân cách, đạo đức. Tôi đã học hỏi được từ những người thầy tuyệt vời như thế, để rồi lại mang kiến thức mình đã học được truyền đạt cho các thế hệ sinh viên, tiếp nối sự nghiệp trồng người. Đôi lúc đi trong trường, tôi thấy rất hạnh phúc. Trong trái tim tôi lúc nào cũng tràn ngập tình yêu với ngôi trường này”.

Hùng Phong

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here