Trong cuộc chơi đầy nữ tính này, cô Lê Thị Dung (Viện Dệt, May, Da giày và Thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội) không bao giờ thấy đơn độc. Bởi bên cạnh cô là những học trò được cô truyền lửa, cũng nhiệt huyết như cô, và họ luôn coi cô như một người chị, người mẹ.
Có Bách khoa là có tất!
Khi được nhận danh hiệu Giảng viên xuất sắc năm 2021, cô Lê Thị Dung đã chia sẻ niềm hạnh phúc và sự xúc động không nén nổi của mình. Cô Dung kể: “Tôi thắp hương cho bố tôi, thầm mời ông mai cùng tôi đi nhận giải. Ông đi cùng tôi đấy, chắc ông vui lắm”. Còn các sinh viên bộ môn May và Thời trang – học trò của cô – thì coi đó là một điều tất nhiên, không hề bất ngờ, bởi với họ, cô giáo mình hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu đó.
Đến với Bách khoa bằng một nguyên do có vẻ như tất yếu, nhưng chính nó lại là nguồn cơn cho những thành công của cô Lê Thị Dung sau này. Cô kể: Cơ duyên đến với Bách khoa đó là từ người cha kính yêu của tôi. Ông là người đã truyền lửa cho tôi bằng chính lòng yêu nghề và chuyên môn mà ông theo đuổi. Nối bước theo cha, tôi đã chọn học ngành Dệt May và sự say mê với sắc màu của thời trang tại ngôi trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cái tên Bách khoa Hà Nội càng có thêm nhiều ý nghĩa khi nơi đây chứng kiến tình yêu đẹp của cô Dung thời sinh viên. Hai vợ chồng cô cùng là người Bách khoa. Nhớ lại chị Dung cười rất hạnh phúc, chả là hồi hai con yêu nhau, hai ông bố (cùng Bách khoa, chơi với nhau) ra sức vun vào, tốt nghiệp ra trường là giục làm đám cưới!
Chị Dung tự hào kể: Nhà tôi là gia đình Bách khoa đấy. Ông nội chồng tôi, bố tôi, bố chồng tôi, hai vợ chồng tôi và con trai tôi – sinh viên K66 Trường Điện – Điện tử đều hàng ngày hít thở bầu không khí Bách khoa, ăn cơm, uống nước Bách khoa. Nói vui, có Bách khoa là có tất!
Với niềm đam mê ấy, dù ở cương vị công tác nào, cô Lê Thị Dung cũng hết mình cho công việc mà mình được giao, đặc biệt là ở Phòng thí nghiệm – nơi cô và các trò của mình được thực thi mọi ý tưởng bay bổng trong chuyên ngành Dệt – May.
Năm 2019, 2020, ThS. Lê Thị Dung đã tham gia nghiên cứu khoa học và được đăng tải 2 bài báo quốc tế. Cô Dung cũng là người có nhiều đóng góp trong công tác quản lý Phòng thí nghiệm, giữ gìn và tổ chức Phòng thí nghiệm thiết kế kỹ thuật gọn gàng ngăn nắp và phục vụ cho các đề tài luận văn cao học, cũng như đề tài kết hợp với Viện kỹ thuật Hóa học thiết kế sản phẩm Áo làm mát cho nhân viên y tế.
Cô giáo dịu dàng như người mẹ
Công nghệ May là một ngành học mà việc học online không dễ như các ngành học lý thuyết khác, nhưng ngay cả khi dịch Covid-19 rất căng thẳng, cô Lê Thị Dung vẫn không quản ngại, vẫn tranh thủ dạy trực tiếp mỗi khi có thể.
Chính cô đã tâm sự: “Nói đến Đại dịch Covid-19 ai ai cũng sợ. Nhưng với các học phần thực hành chuyên ngành Công nghệ may rất khó có thể dạy được bằng online. Sinh viên không phải em nào cũng có máy may tại nhà nên bắt buộc phải học trực tiếp. Sợ là thế, nhưng nếu không học các học phần thực hành này sẽ không đủ kiến thức cơ sở để học các học phần tiếp theo, nên cô trò lại động viên nhau cùng cố gắng. Có những ngày gần như 3 ca cô trò học thông tầm, rồi có hôm trong lớp có bạn F0 cô trò cùng sợ rồi dừng học vài hôm sau đó lại học tiếp. Bạn F0 sau khi khỏi lại phải dạy bù cho theo kịp”.
Chúng tôi đã gặp chính bạn từng là F0 đó – Sinh viên Nguyễn Thị Hải Trang. Bạn Trang chia sẻ:
– Em có nhiều kỉ niệm với cô lắm, nhưng kỉ niệm đáng nhớ nhất là khi em mắc Covid-19 và cô là F1 của em. Cô Dung chính là người động viên tinh thần em và truyền cho em nguồn cảm hứng. Hằng ngày, cô thường nhắn tin hỏi thăm tình hình sức khỏe của em, dặn em phải ăn nhiều và chăm sóc tốt bản thân. Từ đó hai cô trò càng thân thiết với nhau hơn.
Điều em ấn tượng nhất về cô, đó chính là sự tận tình của cô với các bạn sinh viên. Cá nhân em được tiếp xúc với cô khá sớm vì cô vừa là giáo viên chủ nhiệm lớp vừa là giáo viên hướng dẫn em các môn chuyên ngành nên thời gian được cô quan tâm giúp đỡ rất nhiều. Đặc biệt là 2 năm học online, việc học trực tuyến là khá khó khăn với chuyên ngành may nhưng cô không ngại hướng dẫn bài online cho chúng em, rồi có những buổi họp mặt hỏi han cả lớp về tình hình học tập lẫn sức khỏe của cả lớp.
Có những sinh viên vì hoàn cảnh gia đình nên có phần xao nhãng. Cô Dung đã tìm em để hỏi thăm, nắm bắt tâm tư tình cảm của sinh viên. Nghe sinh viên kể chuyện gia đình, cô trò cùng rơi nước mắt. Rồi cô tìm cách giúp đỡ sinh viên, tìm học trò cho em dạy gia sư, tìm việc làm thêm đúng chuyên ngành giúp em vừa học vừa làm. Thấy sinh viên vui vẻ đi học, cô giáo lại thấy nghề giáo mình chọn thật đáng quý.
Không phải bỗng dưng các sinh viên coi cô Dung như người mẹ thứ hai và đánh giá cô điểm rất cao. Tiếp xúc với cô Dung cũng thấy cô rất dịu dàng, quan tâm đến người khác. Có sinh viên học bên ngành Dệt nhưng lại có đam mê về May. Em bèn nhờ các bạn bên May dẫn sang phòng cô Dung đặt vấn đề xin học.
Lúc đấy là thời điểm kết thúc năm học, chuẩn bị nghỉ hè nên sinh viên năn nỉ nhờ cô Dung dạy cho trong hè. Thấy sinh viên ham học quá, cô Dung đã nhận lời, bỏ cả những lời hẹn đi du lịch với bạn bè, chồng con, quên cả nghỉ ngơi nạp năng lượng sau một năm dạy học để chăm chút cho trò.
Hai cô trò làm việc trong 3 tháng. Sau đó bạn mua vải buôn bên Ninh Hiệp tự cắt may và đi bán ký gửi bên ngoài. Rồi bạn mở cửa hàng bán sản phẩm của mình. Cứ dần dần như vậy, hiện giờ bạn sinh viên đã tốt nghiệp, là chủ một nhãn hiệu thời trang có 40 showroom trên toàn quốc và rất thành đạt. Cựu sinh viên Bách khoa luôn bày tỏ: Không có cô thì không có em ngày hôm nay. “Đó là cái mình nhớ nhất, cảm thấy hạnh phúc nhất với nghề!” – cô Dung chia sẻ
Được biết, cô Lê Thị Dung đã đáp ứng được tất cả những tiêu chí về giảng dạy, nghiên cứu… để vinh dự là một trong số 9 giảng viên tiêu biểu năm 2021 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Điều đặc biệt là dù không yêu cầu, nhưng cô Dung đã nỗ lực viết bài báo khoa học quốc tế có chất lượng, dưới sự hỗ trợ của ông xã – thầy giáo hướng dẫn đặc biệt của cô!
Tâm sự với chúng tôi, cô Lê Thị Dung chia sẻ rằng, cô không có mong ước gì cao xa, chỉ cố gắng xây dựng hình ảnh trong mắt sinh viên Bách khoa là gần gũi thân thương như những người bạn chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày nhưng lại nghiêm túc và chỉn chu như người thầy trong mỗi giờ lên lớp mà cô thì luôn truyền lửa còn trò thì luôn đam mê.
Cũng như nhiều thầy cô khác, cô Lê Thị Dung có mong ước cháy bỏng là “ngôi nhà chung Bách Khoa Hà Nội không ngừng vươn xa và hùng mạnh hơn nữa; nghành Dệt May luôn phát triển không ngừng để cô và trò chúng tôi có sân chơi cho đam mê, để học hỏi và chơi hết mình”.
Trâm Anh. Ảnh: Kim Chi, NVCC