Trường mới, kỳ vọng mới 

0
2095

Trả lời câu hỏi của Đặc san Bách khoa: Thầy cô mong gì trong năm mới 2022? Các giảng viên Trường: Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Điện – Điện tử – 3 Trường mới thành lập trên cơ sở tổ chức lại một số Viện đào tạo của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – không nói nhiều về mong ước cá nhân mà rất thẳng thắn, tâm huyết nghĩ về ngôi trường mình gắn bó. Tất cả đều đặt rất nhiều kỳ vọng vào bước sự chuyển mình mạnh mẽ của Nhà trường trong thời gian tới. 

GS. Nguyễn Phùng Quang, Viện Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa

Hiện thực hoá cơ hội 

“Tôi cho rằng việc chuyển đổi cấu trúc thành đại học không đơn thuần là một động thái chuyển đổi cho phù hợp với Luật giáo dục. Song hành với quyền tự chủ được trao, việc chuyển đổi có điều kiện tạo ra nhiều cơ hội phải được tận dụng để tạo ra những thay đổi về chất ở mức cao hơn.  

Làm nên chất lượng đào tạo là nhiệm vụ của cấp Bộ môn trước đây hay Nhóm chuyên môn hiện nay. Bộ môn/nhóm chuyên môn là đơn vị đại diện về học thuật của một lĩnh vực tại trường đại học và là nơi thầy trò cùng nhau làm nên “sản phẩm” Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ hay Tiến sĩ cung cấp cho xã hội.  

Từ thực trạng đào tạo ở cấp bộ môn trước đây, cần đưa ra các biện pháp giải quyết tận gốc rễ vấn đề chất lượng đào tạo và hiệu quả NCKH. Một cuộc cải cách ở cấp này là không tránh khỏi, nhằm khắc phục những nhược điểm làm yếu “tế bào” của Trường. Việc biên chế giảng viên thành các nhóm chuyên môn sẽ tạo cơ hội chuyên sâu hóa hoạt động đào tạo và NCKH, giúp sinh ra và nuôi dưỡng các nhà khoa học có chuyên môn sâu, đồng thời gia tăng công bố khoa học cả về số lượng và chất lượng. 

Sau 65 năm, việc chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ hội lớn để thực hiện một số cải cách, mang lại bước tiến về chất trong cấu trúc nhân sự, phương thức và nội dung giảng dạy của Nhóm chuyên môn. Cơ hội đó trở nên hiện thực hơn khi Trường đã được trang bị những quyền tự chủ cần thiết để tái cấu trúc.” 

 

TS. Mạc Thị Thoa, Trường Cơ khí

Sự chuyển mình ngoạn mục  

“Việc chuyển đổi lên đại học của Bách khoa Hà Nội là một bước phát triển đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Trường nhằm cải cách bộ máy tổ chức, xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, tạo đòn bẩy cho sự đổi mới và phát triển.  

Tôi hiểu rằng đây là một quá trình phát triển đảm bảo triết lý “một Bách khoa”, theo đúng xu thế của giáo dục đại học thế giới và chủ trương của Đảng, của Chính phủ. Tôi tự tin nói rằng Bách khoa Hà Nội nói chung và các Trường mới thành lập nói riêng đã có sự chuẩn bị rất cẩn trọng và được sự đồng lòng của các cán bộ viên chức nhà Trường.   

Trong mô hình trường mới, cũng như các giảng viên khác, tôi có cơ hội tham gia các nhóm chuyên môn khác nhau, từ đó có thể đề xuất những hướng chuyên sâu mới, nhóm nghiên cứu liên ngành cho lĩnh vực Cơ điện tử mà tôi đang công tác. Đồng thời, việc quy hoạch lại các phòng thí nghiệm, Viện nghiên cứu làm cho giảng viên và sinh viên có cơ hội khai thác tối đa các thiết bị nhằm khơi dậy niềm đam mê và sáng tạo của cả cô và trò.  

Tôi rất mong chờ sự chuyển mình ngoạn mục của Bách khoa Hà Nội thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực về kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực Robot và Cơ điện tử thông minh – một trong những mũi nhọn của công nghiệp 4.0.” 

 

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông

Xé bỏ những “ranh giới vô hình” 

Với mô hình mới này, chúng tôi có thể phát huy tối đa vai trò của nhà giáo khi được chủ động lựa chọn tham gia các nhóm chuyên môn theo đúng nguyện vọng và năng lực, không bị ràng buộc bởi những “ranh giới vô hình” giữa các bộ môn như trước đây. Chúng tôi được đặt vào một tình thế “không thể tốt hơn” với vai trò là nhà khoa học: chủ động lựa chọn các định hướng nghiên cứu sở trường; được tạo điều kiện và cơ hội để tiếp cận với các đề tài, đặc biệt là các dự án nghiên cứu phát triển với các doanh nghiệp; được làm việc trong cơ sở vật chất ngày càng hiện đại và dần tiệm cận tới điều kiện của các trường hàng đầu trên thế giới.  

Tuy vậy, giảng viên cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Mô hình mới cần có sự nhanh nhẹn và cần đầu tư không ít công sức, thời gian để tạo những bước đi đầu tiên vững chắc. Theo tôi, yếu tố then chốt cho sự thành công của việc chuyển đổi này là sự đồng lòng và quyết tâm của toàn hệ thống, từ phòng ban đến các đơn vị chuyên môn, từ quản lý, giảng viên, cán bộ đến các sinh viên. 

Tôi luôn tin vào thế hệ trẻ của chúng tôi, thế hệ nòng cốt của công cuộc đổi mới này – đặc biệt dưới những sự tư vấn của những thầy cô giàu kinh nghiệm đi trước, sẽ cùng tạo ra sự phát triển bền vững của đơn vị. 

 

ThS. Phạm Hoài Anh, Viện Ngoại ngữ

Người học là đối tượng được thụ hưởng trực tiếp  

“Với phương châm “Nhà trường làm nền tảng – Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển – Người học làm trung tâm”, việc chuyển đổi mô hình thành đại học mang lại những cơ hội và lợi ích to lớn đối với 2 chủ thể chính.  

Đối với người dạy, các thầy cô có cơ hội tham gia các nhóm chuyên môn khác nhau và đề xuất những hướng chuyên sâu mới. Đối với người học, nội dung giảng dạy, phương pháp học tập và điều kiện thực hành đều có sự đổi mới. Các hoạt động khơi dậy lòng đam mê, sự sáng tạo của sinh viên khi làm việc với các thầy cô ở phòng nghiên cứu sẽ tạo động lực để sinh viên phát triển bản thân.  

Đối các các đơn vị chuyển đổi thành KHOA (trong đó có Viện Ngoại ngữ), đây là cơ hội lớn để đơn vị nhìn lại và tiến hành tái cấu trúc, xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hiện đại, hiệu quả. 

Tôi tin rằng việc chuyển đổi mô hình sẽ mang lại nhiều ưu thế cho Trường với năng lực quản trị tốt hơn, quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh, các tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng và sự thay đổi tư duy “quản lý” sang tư duy “hỗ trợ, phục vụ”. Người học sẽ là đối tượng được thụ hưởng trực tiếp từ những kết quả này. 

Tôi kỳ vọng toàn thể cán bộ và sinh viên Bách khoa Hà Nội sẽ cùng nỗ lực để duy trì sức ảnh hưởng và nâng tầm thứ hạng quốc tế, đưa Trường trở thành đại học số một ở Đông Nam Á và châu Á trong thời gian không xa.” 

Thu Hà (ghi)  

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here