Tôi được biết đến bà qua lời kể của các cô trong Hội Cựu nữ sinh Trường ĐHBK Hà Nội. Và càng hiểu hơn về con người bà khi tôi có hân hạnh được gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, tình cảm dành cho ngôi trường bà đã gắn bó những năm 60. Người mà tôi đang nói đến là bà Nguyễn Thị Anh Nhân, cựu sinh viên khóa 3 Hóa thực phẩm, Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, Tổng Giám đốc đầu tiên và cũng là người xây dựng, sáng lập và đặt nền móng cho sự phát triển của Công ty Việt Hà. Bà là tác giả của nhãn hiệu bia Halida nổi tiếng, một sản phẩm được mệnh danh là “con đẻ của thời kỳ đổi mới”.
Từ kỹ sư Bách Khoa…
Trước khi hẹn gặp được người phụ nữ có cái tên nhẹ nhàng mà sâu lắng – Anh Nhân và biết được thành tích dài dằng dặc về những công trình mà bà đã cống hiến, đặc biệt là giải thưởng Kovalevskaia – giải thưởng dành cho các nhà nữ khoa học đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại những lợi ích đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, tôi vẫn hình dung rằng, bà có lẽ là một người nghiêm khắc, thậm chí khó gần… Nhưng, mọi suy nghĩ của tôi đã nhầm lẫn, khi đối diện với tôi là một người phụ nữ vui vẻ, quý phái, đam mê ca nhạc và thuộc rất nhiều bài hát tiền chiến… Chuyện trò với bà, người ta có cảm giác được chia sẻ, thậm chí được khơi nguồn cảm hứng để đọc lên xúc cảm của mình về những câu chuyện thú vị. Từ đó, hình ảnh bạn bè và mái trường thời sinh viên được tái hiện trong cựu nữ sinh Bách Khoa.
Rời trường Trưng Vương năm 1958, bà thi đỗ vào ĐHBK (ngày đó chưa có chữ Hà Nội) với điểm số thuộc tốp cao nhất. Từ một trường toàn nữ áo dài thướt tha đến một môi trường mới mà sinh viên bao gồm cả cán bộ đi học, đảng viên… khiến bà bỡ ngỡ và lạ lùng. ĐHBK trên nền của Đông Dương học xá. Ngày ấy, Trường còn nghèo lắm, chỉ có bốn nhà A, B, C, D tương đối lớn ở bốn góc sân vận động, có bậc lên cửa chính là giảng đường, có tầng hầm là phòng thí nghiệm, còn toàn nhà cấp bốn là lớp học và nhà cho sinh viên nội trú. Công việc đầu tiên của bà là trồng cây, trồng hoa “trang điểm” cho Trường và tạo bóng mát quanh sân vận động. Buổi học đầu tiên là lớp chỉnh huấn chính trị với nội dung “ đỏ và chuyên”, sau đó là đợt đi lao động công trường.
Bà Nguyễn Thị Anh Nhân trong phòng thí nghiệm
khi công tác tại Công ty Việt Hà
Đang say sưa kể chuyện thì đột nhiên tôi thấy bà dừng lại có vẻ xúc động khi kỷ niệm ùa về. Đợi một lúc, bà lại tiếp tục câu chuyện thuở sinh viên: “Bạn Phan Quế, Khoa Mỏ – Luyện kim kể lại, trước khi lên đường, thầy Hoàng Xuân Tùy tập hợp từng Khoa xếp hàng đôi, người đi đầu cầm cờ. Giọng Thầy vang vang như thúc giục đoàn quân ra trận: “Công trường thủy lợi Bắc – Hưng – Hải, công trường này có sự chỉ huy của Đại tá Hà Văn Lâu, chúng ta hòa mình với các anh bộ đội thi đua lao động gồng gánh, đào đất, đắp đê…”. Chiếc loa phóng thanh luôn luôn phát tin động viên thi đua toàn công trường. Bác nhỏ bé lại yếu nên được phân công xén ba via của viên gạch và … trông xe đạp. Trong không khí vui vẻ, sôi nổi lao động, bỗng có bạn reo lên: “Xem kìa!”, đó là bạn nữ khoa bên cạnh ì ạch mỗi bên một viên gạch, “còn hơn bà Nhân nhà mình!”. Có nhiều chuyện vui làm buổi tối rất sôi nổi trong các lán như bạn Quỳnh (sau này làm Phó Tổng Giám đốc Công ty sữa Vinamilk) đã giơ tay đỡ bạn Hưng khi bạn ấy đang “lặc lè” gánh đất trên chiếc cầu gỗ bắc gập gềnh nhưng bạn Hưng rụt tay lại. Thế là cả lán được dịp trêu bạn Quỳnh và hôm sau trên báo tường có bài thơ:
… Hố rồi đau quá là đau
Bàn tay ai thẹn để đâu bây giờ!…
Nhưng bài thơ của bác kịp đỡ thẹn cho bạn:
Cầu trơn ván gỗ rập rình
Sảy chân một chút đời tình tính tang
Hai tay em bíu hai quang
Còn tay nào nữa bíu chàng, chàng ơi!….
Ban ngày các bác lao động rất mệt, tối đến lại sinh hoạt hát hò rất vui trong lán trại. Rồi đến những đợt lao động xuống nông thôn gặt lúa giúp dân mà đám con gái các bác sợ đỉa. Đến đợt hiến máu tình nguyện, bạn nào hiến máu thì được ăn hai bữa tại bếp ăn của giảng viên. Bữa ăn của sinh viên thì đơn sơ, chỉ có rau muống luộc, muối rang…, thế mà các bạn nữ còn ăn ba người hai suất để tiết kiệm. Đợt rèn luyện quân sự, tập băn đạn thật, ném lựu đạn giả, bác bắn đạt điểm 9, 10, rồi đợt đi lao động xây dựng công viên Thống Nhất…
Bắt đầu vào học tập, các bạn biết bác là trưởng lớp 10B khối A trường Trưng Vương nên cử bác làm cán sự. Hôm thầy thử sức trò đầu tiên gọi lên bảng kiểm tra môn toán thầy Cuông và hóa thầy Kiên Dinh, bác đều dành điểm 10. Mỗi ngày tổ lên lớp là một lán cấp 4 khác nhau, còn nếu cả khoa thì lên nhà lớn A, B, C, D. Các thầy giáo từ nước ngoài tốt nghiệp về dạy thường là Liên Xô, Trung Quốc từ các nơi chuyển về như ĐH Sư phạm, lãnh đạo Trung ương… Bốn năm học tập (sau này là 5 năm) trôi rất nhanh và năm cuối đi thực tập tại các nhà máy với thầy Nguyễn Ngộ, thầy Lê Văn Nhương, thầy Quản Văn Thịnh là thời gian học tập vô cùng bổ ích”.
Đến đây, bác dừng lại và hỏi tôi: “Cháu có biết ngày bác bảo vệ tốt nghiệp như thế nào không?”. Tôi thật thà nói: “Không phải là các thầy “vặn” bác nhiều quá chứ ạ!”. Bác tiếp tục câu chuyện với nụ cười hạnh phúc: “Ngày bác bảo vệ đồ án tốt nghiệp cũng là ngày anh Ngọc Anh – vị hôn phu của bác đi phát giấy mời cưới”. Không để tôi thắc mắc nữa, bác tiếp lời luôn: “Anh Ngọc Anh là Chủ nhiệm Bộ môn Chế tạo máy nói với bác: phải cưới ngay vì nghỉ hè bạn anh về hết”. Lúc này, tôi đã thực sự hiểu lý do vì sao mà bác lại phải cưới “gấp”.
… Đến nhà khoa học của thực tiễn sản xuất
Rời ngôi trường thân yêu, bà bước vào cuộc đời làm mẹ, làm vợ. Là kỹ sư ĐHBK, đầu tiên, bà được cử về Cục Quản lý Thực phẩm thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ, sau đó Cục trưởng Chung Hường thấy bác có khả năng phát triển trong thực tế sản xuất nên đã điều về Nhà máy miến Hà Nội. Sau thành công đầu tiên về việc sử dụng bột ngô khoai sắn thay thế đậu xanh (nguyên liệu chính của nhà máy), khi đó phải dành cho bộ đội thời chiến làm giá thay rau xanh, trong công nghệ sản xuất miến Trung Quốc, bác được Bộ điều về Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm. Do rất thích môi trường sản xuất nên sau một năm ở Viện, bà xin về nhà máy – xí nghiệp nước chấm.
Bà Nguyễn Thị Anh Nhân trong lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Từ năm 1963 đến năm 1993, bà đã kinh qua rất nhiều vị trí công tác. Từ một Tổ trưởng tổ chế thử, bà lần lượt lên Trưởng phòng, Phó Giám đốc, Giám đốc, Tổng Giám đốc Nhà máy, Tổng Giám đốc liên doanh, Tổng Giám đốc liên hiệp các xí nghiệp vi sinh thành phố Hà Nội với bốn lần nghiên cứu giúp nhà máy khỏi giải thể…
Tôi gặng hỏi về những thành tích mà bà đạt được trong suốt những năm công tác thì bà khiêm tốn xua tay. Biết bà là người trân trọng quá khứ và yêu nghề nên khi tôi khơi gợi câu chuyện về nghề nghiệp thì bà mới tiết lộ: “Khi chiến tranh, nhà máy hóa chất Việt Trì bị đánh phá, lại vận chuyển và cung cấp axit clohidric (HCL) khó khăn, bác đã nghiên cứu cùng tập thể chuyển phương pháp hóa giải sang phương pháp vi sinh và nhà máy lại tiếp tục sản xuất bình thường. Xí nghiệp vẫn đủ nước chấm cung cấp cho nhân dân thủ đô. Năm 1979, khi Trung Quốc cắt viện trợ đậu tương, nguyên liệu chính để sản xuất nước chấm, bác đã nghiên cứu sử dụng hạt bo bo do Liên Xô viện trợ thay thế, chất lượng nước chấm cao hơn, người dân lại không phải ăn bo bo thay gạo. Khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp, không cung cấp nước chấm theo tem phiếu cho nhân dân nên mức sản xuất lượng nước chấm tiêu thụ giảm hẳn. Nhân dân chuyển sang nước mắm. Nhà máy sản xuất Maggi (nước chấm hóa giải pha trộn nước chấm vi sinh) được mọi người ưa thích và bác đã tìm hiểu cùng Vinalimex chào hàng, được Bộ Y tế Liên Xô chấp thuận nhập mua. Nhà máy lại sản xuất bình thường. Khi Liên Xô sụp đổ (tháng 12/1991), không xuất khẩu được nước chấm, Nhà máy lại ngừng sản xuất. Bác cùng các cán bộ nhân viên nhà máy nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm dấm, xà phòng, vải thiều sấy khô, rượu chanh, nước tinh khiết Opal, mì ăn liền… và đổi tên thành Nhà máy Thực phẩm Hà Nội. Khi bia Việt Hà, bia Halida – Niềm tự hào của bia nội ra đời thì đổi tên là Công ty Việt Hà. Khi Công ty liên doanh với bia Carlsberg Đan Mạch thì thêm tên Nhà máy bia Đông Nam Á…”.
Bà Nguyễn Thị Anh Nhân là đại biểu Quốc hội khóa XI
Đến đây, tôi thực sự khâm phục người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn nhưng ẩn chứa một nội lực phi thường. Ngôn từ nhiều, tư liệu về bà cũng lắm nhưng để viết về bà theo đúng cảm nhận thì thật không dễ dàng. Phải chăng tôi chưa chọn được góc nhìn của riêng mình bởi đã có quá nhiều bài báo viết về bà mà góc nhìn nào khi đọc, khi soi vào đều thấy đúng, thấy khâm phục. Nhiều năm lăn lộn với sản xuất, bà đã hiểu rằng để cạnh tranh thắng lợi trong cơ chế thị trường, các yếu tố chất lượng, giá cả và thị hiếu khách hàng là quan trọng mà các yếu tố này đều phải nhờ vào các giải pháp khoa học và công nghệ. Thực tế đã chứng minh quan điểm của bà về nghiên cứu khoa học và kinh doanh là hai mặt hoạt động có tính bổ trợ cho nhau, luôn đan xen nhau là hoàn toàn đúng đắn. Bằng chứng là chính nhờ sáng tạo khoa học, bà đã bốn lần cứu nhà máy khỏi nguy cơ đứng bên bờ vực của sự giải thể. Chính vì vậy, ngay trong Lễ trao giải thưởng Kovaleskaia, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gọi bà là “Nhà khoa học nữ của thực tiễn sản xuất”.
Cẩm Lệ