Giảng viên xuất sắc gia nhập Bách khoa Hà Nội:  “Tôi khát khao được cống hiến!” 

0
3311
TS. Phạm Tùng Dương

 “Khi biết tin tôi bỏ tất cả sự nghiệp đang khởi sắc ở Đức để về Bách khoa Hà Nội, người thân, bạn bè đều hỏi vì sao? Hàng nghìn lần tôi trả lời các lý do của mình, nhưng cuối cùng tôi chỉ ngắn gọn: Tôi muốn về Việt Nam, muốn về Bách khoa” – TS. Phạm Tùng Dương – tân giảng viên mới gia nhập đại gia đình Bách khoa theo Đề án thu hút, tuyển dụng giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc giai đoạn 2021-2025 kể về lý do mình quay về Bách khoa sau 8 năm du học và làm việc xứ người. 

Chỉ cần là Bách khoa, không quan trọng mức lương 

Nhà khoa học trẻ – TS. Phạm Tùng Dương – năm nay 32 tuổi, vốn là cựu sinh viên K53 ngành Khoa học và kỹ thuật vật liệu, chương trình tiên tiến của Bách khoa Hà Nội. Năm 2013-2020, Tùng Dương nhận học bổng làm thạc sĩ và tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Chonnam – Hàn Quốc. Sau đó, anh sang Đức làm tại Viện Nghiên cứu năng lượng Helmholtz trong 1,5 năm với mức lương chuyên gia, thuộc top 10% lương cao nhất nước Đức.   

Thế nhưng khi nhận được thư mời về làm việc của Trường theo Đề án thu hút giảng viên tài năng, Dương quyết tâm trở về làm việc tại nơi đã đặt viên gạch đam mê nghiên cứu khoa học đầu tiên cho mình. Tùng Dương chọn bộ môn Vật liệu điện tử, Viện Vật lý kỹ thuật làm bến đỗ.  

Tùng Dương kể: “Công việc của tôi bên Đức rất tuyệt vời. Tôi làm tại một trong những Viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Do có một số thành tích, tôi được nhận Học bổng sau tiến sỹ của Chính phủ Đức. Khi biết tôi bỏ tất cả để trở về, rất nhiều anh em bạn bè NCKH nuối tiếc. Họ không hiểu tôi nghĩ gì?!…” 

Bất kỳ nhà khoa học nào chọn về Việt Nam làm việc đều sẽ nhận được câu hỏi: Lương bao nhiêu? Tùng Dương cũng không ngoại lệ. Và câu trả lời của anh thật sự khiến người đối diện bất ngờ: “Gia đình tôi đủ khả năng để tôi toàn tâm toàn ý theo đuổi con đường của mình. Tôi không quan trọng về tiền lương. Mong muốn cháy bỏng của tôi được cống hiến, được truyền đạt những kiến thức tôi lĩnh hội được cho thế hệ sau”.  

Với Tùng Dương, Bách khoa Hà Nội là gia đình, nơi anh lớn lên và trưởng thành. Anh quen với môi trường, con người ở đây, nhanh chóng hòa nhập vào guồng quay công việc nghiên cứu và giảng dạy. Các thầy cô ngày trước giờ đây là đồng nghiệp, thỉnh thoảng gặp vẫn nhắc về cậu sinh viên Tùng Dương tò mò, đôi lúc phá các thiết bị của thầy! Làm việc ở Bách khoa, Tùng Dương thấy mình được nuôi dưỡng cảm xúc, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, ấm áp hơn. Hạnh phúc trở về của Tùng Dương thêm trọn vẹn khi năm 2021, anh vừa có công việc như ý, vừa cưới vợ ổn định cuộc sống gia đình.  

Phát triền pin năng lượng thương hiệu BK, tại sao không? 

Chia sẻ về kế hoạch nghiên cứu và hướng đi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của mình, TS. Tùng Dương tỏ ra rất hào hứng. Dường như trong anh mọi thứ đang được tích tụ như một cái lò xo được nén lâu rồi, đang chờ có cơ hội là bung ra hết sức lực vậy. 

Trong 8 năm học tập và làm việc tại Đức và Hàn Quốc, Tùng Dương làm việc chủ yếu ở lĩnh vực phát triển pin năng lượng cho ô tô điện, các hệ thống tích trữ năng lượng điện. Do đó, anh tự tin mình có nhiều kinh nghiệm và có thời gian tiếp xúc với các công nghệ hàng đầu trên thế giới về phát triển các loại pin năng lượng khác nhau.  

Khi trở về nước, Dương mong muốn sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được để xây dựng các hướng phát triển pin năng lượng tại Việt Nam. “Đây là xu hướng rất nóng hiện tại. Ngoài ra, ta hay nghe nói nhiều về năng lượng xanh, năng lượng sạch, thì pin năng lượng sẽ là cái cốt lõi. Bởi vì chúng ta phải chuyển hóa, tích trữ năng lượng xanh từ pin mặt trời, pin gió thành năng lượng có thể sử dụng hàng ngày.” – TS. Dương phân tích.   

Và TS. Tùng Dương vạch ra con đường đi rất rõ ràng cho mình: Về nghiên cứu và ứng dụng: Tập trung phát triển phòng thí nghiệm mạnh về pin. Từ đó, phát triển hướng pin để tạo ra nhiều sản phẩm khoa học đến sản phẩm thực tiễn, sản xuất từ quy mô nhỏ đến quy mô vừa các thiết bị pin năng lượng, sau đó tìm hướng sử dụng tại Việt Nam. Nếu thành công sẽ spin-off tạo thành một hệ thống sản xuất pin năng lượng lớn tích trữ quy mô lớn.  

Bên cạnh đó, TS. Tùng Dương cũng đầu tư công sức đào tạo các sinh viên đi theo hướng pin năng lượng. Theo anh, đây là hướng đi rất tiềm năng trong tương lai với sự phát triển của ô tô điện và sử dụng pin năng lượng. “Tôi được biết, tập đoàn Vinfast cần một số lượng lớn các kỹ sư về pin năng lượng, nhưng ở Việt Nam hiện tại không có. Tôi sẽ bắt tay xây dựng một đội ngũ các bạn sinh viên là nhân lực nguồn cho tương lai. Các bạn sẽ là những trưởng nhóm nghiên cứu, trưởng phòng nghiên cứu, trưởng phòng quản lý chất lượng về pin năng lượng” – TS. Tùng Dương chia sẻ.  

Tùng Dương đặt mục tiêu trong khoảng 1-2  năm tới sẽ có một “cái gì đó ra tấm ra món” cho cả hai hướng đi về nghiên cứu và đào tạo con người. Sản phẩm anh làm ra sẽ có tính ứng dụng trong thực tiễn chứ không chỉ dừng lại ở NCKH.

“Tôi muốn tạo ra cái gì của riêng mình. Tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ tạo ra được một loại pin không cháy nổ, an toàn tuyệt đối, chịu được mọi va đập, chịu được nhiệt độ cực cao. Đây là hướng đi rất khác biệt so với toàn bộ thế giới. Với chất xám và công nghệ, kinh nghiệm học hỏi được, ta có thể đi tắt đón đầu, mang công nghệ tiên tiến của châu Âu làm tại Việt Nam”. 

Với sự đầu tư đột phá trong chính sách tuyển dụng nhân tài của Bách khoa Hà Nội, với nhiệt huyết dâng trào, khát khao cống hiến của những giảng viên xuất sắc như TS. Tùng Dương, một ngày không xa, sẽ có một thương hiệu riêng của Bách khoa Hà Nội về pin năng lượng. 

Thầy giáo ảnh hưởng nhất đến tôi là thầy Lê Thái Hùng – hiện là Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu. Thầy là  người dẫn dắt, trang bị cho tôi những kỹ năng để tiếp cận với cái mới. Từ những gì thầy dạy, tôi phát triển lên và có được chút thành công hiện tại” – TS. Tùng Dương.  

 Tuấn Phong. Ảnh: Duy Thành

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here