Trường Cơ khí là một trong ba trường đầu tiên được chọn để thành lập ngày 15/10/2021 theo Đề án chuyển đổi mô hình của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trường được thành lập trên cơ sở tái cấu trúc 3 đơn vị: Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực, Viện Nhiệt lạnh. Công việc còn bộn bề, nhưng chia sẻ với Đặc san Bách khoa Hà Nội về đường hướng, các bước đi thời gian tới, PGS. Trương Hoành Sơn – Hiệu trưởng Trường Cơ khí luôn nói đến sự tin tưởng và quyết tâm!
Giai đoạn tìm hiểu
Mục tiêu đề ra khi thành lập Trường Cơ khí là hướng đến mục tiêu trở thành một đơn vị đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực Cơ khí, Cơ điện tử, Ô tô, Hàng không, Năng lượng, Máy và Thiết bị nhiệt lạnh. Trường sẽ từng bước cải thiện vị trí trong nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới về Cơ khí – Hàng không – Cơ khí chế tạo, đóng góp cho đất nước, xã hội và cộng đồng những giá trị thiết thực, với chất lượng tiên tiến từ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học – chuyển giao tri thức và dịch vụ khoa học công nghệ.
Theo PGS. Trương Hoành Sơn, để Trường Cơ khí hoạt động hiệu quả, tập thể cán bộ, giảng viên ba đơn vị cấu thành là Viện Cơ khí, Cơ khí động lực và Nhiệt lạnh đã xác định chủ động xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất; chung sức xây dựng chương trình, chiến lược phát triển bền vững.
Ban Giám hiệu Trường Cơ khí, kể từ khi bắt đầu thành lập, đã cùng thảo luận, bàn bạc, cố gắng xây dựng bộ máy tập hợp những cán bộ, giảng viên có năng lực, có nhiệt huyết vào trong tập thể lãnh đạo, từ đó tạo ra sự liên kết giữa các cá nhân trong trường.
Trường xác định bước hội nhập đầu tiên sẽ là NCKH. Năm 2022, Trường sẽ xây dựng những nhóm nghiên cứu chuyên sâu về thiết bị năng lượng, chế tạo ô tô, cơ điện tử mở rộng…, tổng hợp sức mạnh trí tuệ giảng viên các đơn vị.
Sau hội nhập về NCKH, chuyển giao công nghệ, Trường Cơ khí sẽ tiến tới kết nối về đào tạo. Hiện các Viện tuyển sinh rất thành công, cho những kết quả tốt.
Tuy nhiên trường cần có thêm những chuyên ngành mang tính chất hữu cơ. Do đó Trường Cơ khí sẽ nghiên cứu xây dựng thêm các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay trong sản xuất công nghiệp. Ví dụ như hình thành các ngành về thiết bị năng lượng (Cơ khí với Nhiệt lạnh), ô tô điện và các phương tiện tự hành (Cơ khí và Ô tô)…” – Hiệu trưởng Trương Hoành Sơn phân tích.
Về sức trẻ, PGS. Trương Hoành Sơn tự tin: “Hiện nay,Trường Cơ khí xác định sẽ mở ra những hướng đi mới. Điều này thật sự hấp dẫn những cán bộ giảng viên của Trường với độ tuổi trung bình khoảng 40, có tiềm năng sáng tạo, khát khao cống hiến mạnh mẽ. Chúng tôi có thể “chạm” đến những hướng nghiên cứu như phát triển phương tiện tự hành, công nghệ nano…”
Trong thời gian vừa qua, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiện các bước quy trình bổ nhiệm lãnh đạo Đảng, chính quyền cho Trường Cơ khí cùng 2 Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Điện – Điện tử. Để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của các Trường mới thành lập, các Công đoàn bộ phận của các trường cũng đã được thành lập trên cơ sở giải thể và tổ chức lại các Công đoàn bộ phận các Viện.
Cán bộ quản lý cũng cần thay đổi trong nhận thức, hành động
Trong cuộc trò chuyện, PGS. Trương Hoành Sơn một vài lần nói nhầm Trường Cơ khí là Viện Cơ khí. Thầy cười giải thích: Thói quen đấy, bao năm nay nên nó ăn sâu rồi. Với cương vị Hiệu trưởng Trường Cơ khí, thầy thừa nhận cá nhân thầy cũng có nhiều thay đổi:
– Thực ra phải thay đổi nhiều trong suy nghĩ, trao đổi công việc trong tổ công tác thành lập trường Cơ khí. Trước kia, tôi tiếp nhận nhiệm vụ ở Viện Cơ Khí thì đã được kế thừa, phát triển thành quả thế hệ trước, giờ là lãnh đạo Trường Cơ khí đầu tiên, mô hình đầu tiên…chúng tôi là những người đi tiên phong nên vừa làm vừa học, vừa suy nghĩ để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Ấn tượng của thầy về thời gian chuẩn bị thành lập Trường Cơ khí là những cuộc họp với anh em theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến trong thời dịch bệnh. Họp rất nhiều, trao đổi, thảo luận nhiều để đi đến cái chung. Có lúc đồng thuận, có lúc cũng “căng” nhưng tựu trung nhất là vui khi anh em đều hiểu được xu thế và ủng hộ. Mọi người đều sẵn sàng bỏ những lợi ích cá nhân để vì tập thể, vì cái mới.
Hỏi PGS. Trương Hoành Sơn đi trên con đường mới, cá nhân thầy có bao giờ cảm thấy lo lắng gì không?
Thầy Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cơ khí – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trả lời rất thật: Lo chứ! Lo những nhiệm vụ đã hứa, đã đăng ký với Nhà trường liệu có làm được hay không! Chúng ta đổi mô hình quản trị mới, một mô hình mà trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chưa nơi nào có, nên xác định là vừa làm vừa học.
Nhưng PGS. Trương Hoành Sơn cũng luôn vững niềm tin. Hiện lực lượng cán bộ, giảng viên của Trường rất mạnh, tuổi đời còn trẻ, có kiến thức chuyên môn vững vàng, có khát khao cống hiến. Và ban lãnh đạo Trường Cơ khí sẽ luôn tạo điều kiện để các thầy, cô phát huy hết khả năng của mình.
Năm 2022, theo kế hoạch, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục thành lập 3 – 4 trường. Chia sẻ kinh nghiệm với các trường thành lập sau là thế nào, thầy Sơn nói rất đơn giản: “Các thầy cô chắc cũng tìm hiểu, chuẩn bị rất kỹ rồi. Cứ mạnh dạn đi lên thôi! Và tin tưởng vào sự hỗ trợ của lãnh đạo trường ĐHBKHN và các đơn vị cấp trên”.
Niềm tin, kỳ vọng, mạnh dạn tiến lên – Trường Cơ khí đang khởi động đón xuân mới tràn đầy sức trẻ như thế!
“Tết Nhâm Dần 2022, dù có thể không hoành tráng, sung túc, nhưng chúng tôi đã bàn với Công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác lên phương án quà Tết chung cho cán bộ, Trường Cơ khí xác định dù mới thành lập nhưng phải tổ chức một cái Tết đầu tiên sum vầy, có dấu ấn cho toàn thể 265 cán bộ, giảng viên” – PGS. Trương Hoành Sơn.
Mỹ Linh. Ảnh: Kim Chi