Ông Ngô Quế Lâm – Tổng Giám đốc HABECO: Chúng tôi đều mong muốn trở về đóng góp cho Bách khoa

0
965

Khi trả lời Đặc san Bách khoa về mong muốn với ngôi trường đại học từng gắn bó 5 năm tuổi thanh xuân, ông Ngô Quế Lâm – Tổng Giám đốc Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO), thành viên Hội đồng trường Đại học Bách khoa khẳng định ngay: “Tôi và các bạn bè mỗi người đều có những hướng đi riêng, nhưng đều chung một mong muốn là được trở về đóng góp cho Bách khoa Hà Nội.

Cuộc trò chuyện cùng ông Ngô Quế Lâm đã diễn ra đúng với tinh thần ‘người Bách khoa”: Thẳng thắn với tư duy logic của những người học và làm về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.

– Được biết, ông là cựu sinh viên Viện Cơ khí – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Điều gì khiến chàng trai quê ở Bắc Ninh hồi đó chọn Bách khoa Hà Nội để theo học, thưa ông?

* Ở thế hệ của tôi, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là niềm mơ ước của nhiều nam sinh, bởi đây là ngôi trường đại học hàng đầu về kỹ thuật và công nghệ. Ngay từ nhỏ, được truyền cảm hứng từ gia đình, cùng với niềm đam mê với máy móc, thiết bị, công nghệ, nên tôi đặt quyết tâm nhất định phải trở thành sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

– Ông có thể chia sẻ kỷ niệm ông nhớ nhất khi còn là sinh viên của Bách khoa?

* Khi theo học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp với các thầy cô và bạn bè, trong đó tôi nhớ nhất thầy Dương – thầy giáo dạy môn tiếng Nga, bởi thầy có một phong cách rất trẻ trung, khiến sinh viên rất hào hứng sôi nổi khi tham gia các tiết học của thầy.

– Hiện ông nắm giữ chức vụ cao nhất tại HABECO. Tò mò xin hỏi, khởi điểm sau khi tốt nghiệp đại học, chàng tân kỹ sư Ngô Quế Lâm đã đi xin việc thế nào và công tác tại đâu? Tấm bằng tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có giúp ông được gì không trên bước đường lập nghiệp?

* Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi công tác một số doanh nghiệp trước khi về HABECO để trải nghiệm và có nhiều góc nhìn ở các lĩnh vực khác nhau. Trong quá trình học tập tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đã sớm xác định được mục tiêu phấn đấu, được đào tạo cả về chuyên môn và rèn luyện tính cách bền bỉ, kiên trì.

Các sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã kiểm chứng, sàng lọc từ lúc thi tuyển và quá trình học tập rèn luyện tại trường, bởi vậy tấm bằng tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ giúp chúng tôi có khởi đầu thuận lợi trong sự nghiệp mà còn đem đến nhiều thành công trong công việc và cuộc sống.

– Học Cơ khí Bách khoa gắn bó với máy móc, làm kỹ sư rồi công tác ở vị trí quản lý. Từ thực tiễn đã trải qua, theo ông, những kiến thức học trên giảng đường Bách khoa có hỗ trợ gì cho ông trông công tác quản trị một doanh nghiệp?

* Khi nhắc đến những “người Bách khoa” mọi người thường nghĩ ngay đến những kỹ sư với tư duy logic mạch lạc, phương pháp làm việc khoa học. Những phẩm chất đó cùng với những kiến thức học được trong quá trình học tập chắc chắn sẽ hỗ trợ rất tốt cho chúng ta trong quá trình tổ chức công việc, phân tích và ra quyết định.

Dù vậy, để thành công và phát triển bản thân thì các kỹ năng mềm, các kiến thức xã hội là điều rất cần thiết mà mỗi người cần phải học tập, tìm hiểu và trau dồi từ cấp trên, đồng nghiệp và các đối tác.

– Hiện không chỉ là một người hỗ trợ tích cực các hoạt động của Trường, hỗ trợ các sinh viên Bách khoa trong thực tập, nghề nghiệp, ông còn là thành viên trong Hội đồng Trường. Cảm xúc của ông thế nào khi được tham gia sâu hơn trong các công tác của ngôi trường ông từng theo học?

* Sau khi tốt nghiệp, trở thành cựu sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, không chỉ tôi mà rất nhiều những người bạn cùng khoá luôn nhớ về ngôi trường mình đã gắn bó theo học 5 năm. Chúng tôi mỗi người đều có những hướng đi riêng, nhưng đều chung một mong muốn là được trở về đóng góp cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Khi nhận được lời mời tham gia Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với tư cách là thành viên, tôi rất vui mừng và cảm động. Đây là cơ hội để góp phần thắt chặt tinh thần hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và HABECO, để chúng tôi được góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho HABECO nói riêng và cho xã hội nói chung, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục những thế hệ tương lai của đất nước.

– Người ta hay nhận xét “người Bách khoa” rất thẳng thắn, bộc trực. yêu/ghét rõ ràng. Với Tổng giám đốc HABECO Ngô Quế Lâm thì sao, thưa ông? Để có được ngày hôm nay, theo ông, bí quyết thành công của một cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội là gì?

* Đúng là “người Bách khoa” có tính cách rất thẳng thắn, bộc trực, điều đó đến từ cách tư duy logic của những người học và làm về những lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Theo tôi, để có thể phát triển sự nghiệp thì mỗi người cần luôn hoàn thiện mình không chỉ kiến thức học thuật mà cả những kỹ năng mềm, quan sát và tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực, khía cạnh khác của cuộc sống để áp dụng vào công việc một cách linh hoạt, hiệu quả.

– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ông Ngô Quế Lâm sinh ngày 7/9/1972

Tháng 11/2006, ông gia nhập Công ty Bia Hà Nội với chức danh Kỹ sư và từ tháng 8/2006 đến tháng 8/2009, ông là Phó trưởng phòng, Thường trực ban Dự án bia Vĩnh Phúc, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội.

Từ ngày 1/9/2009 đến 5/2018, ông Ngô Quế Lâm lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó giám đốc Thường trực nhà máy, Trưởng chi nhánh – Giám đốc Nhà máy, Nhà máy Bia Hà Nội – Mê Linh, Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Habeco kiêm Giám đốc nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh.

 Từ ngày 21/5/2018, ông được HĐQT giao thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc Tổng công ty.

Từ tháng 6/2018 đến nay, ông Ngô Quế Lâm là Người đại diện phần vốn Nhà nước tại HABECO, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc HABECO.

Hương Huyền (thực hiện). Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here