PV Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn về: Niềm tin, tình yêu, sự tự hào về Bách khoa Hà Nội

0
1809

Nhân dịp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội kỷ niệm 65 năm thành lập, Đặc san Bách khoa đã có buổi trò chuyện cùng PGS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường. Chia sẻ về ngôi trường đã gắn bó hơn 20 năm từ thời sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhiều lần đề cập đến niềm tin, tình yêu và sự tự hào về Bách khoa Hà Nội.

Mở đầu cuộc trò chuyện, PGS. Hoàng Minh Sơn chia sẻ:

* Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập từ năm 1956. Tôi rất vui và tự hào tiếp bước cha anh, các thầy – những người đi trước, đóng góp một phần tuổi trẻ của mình trong học tập và công tác tại Bách khoa. Đó là một niềm tự hào rất lớn không chỉ đối với tôi mà chắc chắn với rất nhiều thầy cô, cán bộ Bách khoa cũng như vậy.

– Ông còn nhớ lý do nào khiến ông gắn bó với Bách khoa Hà Nội không?

* Có rất nhiều trải nghiệm tại Bách khoa Hà Nội đã thực sự làm thay đổi con người và con đường sự nghiệp của tôi, nhưng điều làm tôi tự hào và gắn bó nhất là được học tập, làm việc với những con người trí tuệ, tâm huyết và giản dị. Ngay từ khi vào học năm thứ nhất, đám sinh viên chúng tôi đã được nghe và trực tiếp chứng kiến nhiều “huyền thoại” về những người thầy Bách khoa. Khi tôi rời Bách khoa Hà Nội năm 1986 đi du học, người thầy dạy Toán giải tích cực kỳ khó tính và nghiêm khắc đã nói với tôi một câu: Đồng chí đi thì nhớ quay về Bách khoa!

Trước khi trở về nước, tôi có dịp về Hà Nội tham dự và báo cáo tại một hội nghị khoa học của ngành, nhân tiện ghé qua thăm bộ môn nơi có một số anh chị thân quen đã làm nghiên cứu sinh cùng ngành, cùng trường bên Đức. Có lẽ cũng có điều gì đó là nghiệp, và tôi quay về Bách khoa như thế.

Trong mỗi hành trình, chúng ta luôn luôn tìm thấy cái mới và khám phá cái mới. Công việc giảng dạy đại học đã giúp tôi học được nhiều, trưởng thành nhiều trong nghề nghiệp. Mỗi người thầy đều rất hạnh phúc khi được giảng dạy, hướng dẫn những bạn trẻ tài năng, và nhất là khi cảm thấy mình đã giúp được các bạn thành công hơn cả trong học tập và phát triển nhân cách. Khi chuyển sang làm công tác quản lý, mặc dù có điều kiện để làm được nhiều việc hơn, có cơ hội để giúp được nhiều người hơn, tuy nhiên với tôi có thể nghề là quản lý nhưng nghiệp vẫn là dạy học!

– Khoảng thời gian ông làm công tác quản lý ở Đại học Bách khoa Hà Nội chính là lúc vấn đề tự chủ đại học đang rất được quan tâm. Ông nhớ nhất điều gì trong thời gian triển khai tự chủ đại học ở Bách khoa Hà Nội?

* Tôi ít khi nhớ thành công mà hay nhớ những khó khăn. Và khi vượt qua khó khăn thì cũng có thể coi là thành công rồi!

Tôi nhớ nhất giai đoạn cùng anh em trong các đơn vị dành cả những buổi tối và cuối tuần cùng ngồi bàn chiến lược, văn bản quy chế. Những định hướng, văn bản quy chế về tổ chức hoạt động, quy chế về tài chính… đã có tác động rất quan trọng đến đổi mới của nhà trường. Nhưng có những thời điểm rất khó khăn. Một số cán bộ, giảng viên chưa hẳn đồng thuận với những thay đổi. Có ý kiến đóng góp, ý kiến phản đối. Mọi người đã phối hợp với nhau, cùng lãnh đạo đơn vị chia sẻ, lắng nghe, trao đổi, điều chỉnh để thực hiện tốt nhưng với một sự kiên định.

Rồi khó khăn trong một thời gian không được Nhà nước cấp ngân sách trong khi Trường muốn ưu tiên dành kinh phí đầu tư vào cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo, vì vậy trong 3 năm không tăng được thu nhập cho cán bộ. Thật vui khi cán bộ, giảng viên toàn Trường đã đồng thuận, chia sẻ, mọi người đều quyết tâm vì nhìn thấy mục tiêu phát triển Trường. Vượt qua giai đoạn này, thì thấy đó chính là thành công.

– Khi nghe “người ngoài” nói về Trường, ông thường nhớ những nhận xét nào?

* Tôi nhớ nhất nhận xét rất khách quan của đoàn đánh giá, kiểm định HCERES năm 2017. Những nhận xét, đánh giá thực sự đã đi trúng những suy nghĩ, trăn trở bấy lâu nay của lãnh đạo Trường. Những khuyến cáo đưa ra trong bản báo cáo đã giúp nhiều cho Trường trong điều chỉnh định hướng chiến lược, tái cấu trúc các đơn vị, xác định các lĩnh vực ưu tiên.

Tôi cũng lắng nghe và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cựu cán bộ, cựu sinh viên ở những vị trí khác nhau. Họ không chỉ nhắc tới uy tín, danh tiếng của Trường trong quá khứ, mà quan trọng hơn nói dưới góc độ khách quan về những cơ hội, thách thức, mong đợi ngôi trường sẽ ra sao trong tương lai.

– Trong thời gian gần đây, điều gì khiến ông vui nhất khi đọc/nghe thông tin về Bách khoa Hà Nội?

* Rất nhiều tin vui. Bên cạnh việc Trường vẫn hoạt động tốt khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vui nhất có lẽ là những đóng góp của Bách khoa Hà Nội thời gian qua với những sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ góp phần ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đóng góp rất có ý nghĩa cho cộng đồng.

– Ông có thể chia sẻ xuất xứ và ý nghĩa của slogan: Bách khoa – Một tình yêu. Một tương lai?

* Có thể nói, xuất xứ của slogan này nằm trong chính nội dung của nó.

Với slogan này, mỗi người có thể có một cảm nhận, hiểu theo một cách khác nhau, nhưng có lẽ đều hướng tới chung một ý nghĩa, một mục tiêu. Với tôi, Bách khoa Hà Nội là ngôi trường sinh viên sẽ gắn bó 4-5 năm hoặc có thể nhiều hơn, giảng viên có thể gắn bó cả đời mình, một gia đình có khi mấy thế hệ gắn bó với Bách khoa. Sự gắn kết đó không chỉ vì công việc hay vì chất lượng, uy tín đào tạo mà đó là niềm tin và cao hơn nữa, đó là tình yêu với một ngôi trường. Chúng ta có chung một tình yêu Bách khoa, các thầy cô, tôi và các thế hệ sinh viên Bách khoa luôn có một tình yêu như vậy, không thay đổi. Bách khoa Hà Nội có được niềm tin, tình yêu của đông đảo sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên, cựu giảng viên… và của cộng đồng xã hội; đây là một giá trị rất lớn không gì sánh được.

Có tình yêu thôi không đủ, trên nền tảng tình yêu đó chúng ta phải có trách nhiệm tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ trẻ và cho xã hội. Giảng viên, sinh viên đến với Bách khoa Hà Nội vì tình yêu, và vì tương lai được đảm bảo bằng chất lượng, uy tín, bằng cơ hội phát triển. Xã hội có niềm tin với Bách khoa Hà Nội vì Bách khoa Hà Nội góp phần quan trọng xây dựng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, xây dựng tương lai của đất nước. Đó là trách nhiệm của chúng ta.

– Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

“Chúc tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thực hiện tốt tầm nhìn, chiến lược đã đề ra. Chúc các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên luôn luôn giữ được niềm tin, tình yêu với Bách khoa Hà Nội” – PGS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hùng Phong (thực hiện). Ảnh: Kim Chi

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here