Hai chàng trai, một tình yêu Bách khoa Hà Nội

0
2347
Lê Tùng Ưng (thứ hai từ trái sang) và Nguyễn Văn Nhật (bên phải Lê Tùng Ưng) chụp ảnh cùng hội bạn thân trước tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Lê Tùng Ưng và Nguyễn Văn Nhật là hai sinh viên học chung lớp Vật lý kỹ thuật 02 K61 Viện vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai chàng trai tốt nghiệp với bằng xuất sắc, ra trường sớm một kỳ và được Nhà trường khen thưởng, có số điểm trung bình tích lũy môn học lần lượt là 3.75/4 và 3.64/4. Có hoàn cảnh và những chuyện riêng biệt, khác nhau nhưng cả hai đều chung một tình yêu với Bách khoa Hà Nội.

Yêu lại từ đầu

Lê Tùng Ưng là lớp trưởng, cán bộ Đoàn lớp Vật lý kỹ thuật 02 K61 Viện Vật lý kỹ thuật. Ưng chia sẻ cậu năng tham gia nghiên cứu khoa học, các hội nghị và hoạt động của lớp, trường. Có thành tích học tập xuất sắc, nhiều giải Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc và giấy khen nhưng khi nhắc đến học bổng, Tùng Ưng hơi chùng xuống, sau đó mới mở lòng và chia sẻ về câu chuyện bản thân.

Ưng đã từng là sinh viên K52 lớp kỹ sư tài năng Cơ điện tử, Bách khoa Hà Nội. Sau hơn 2 năm gắn bó, cậu quyết định nghỉ học và chuyển sang một hướng khác: đi làm ở một công ty về kỹ thuật. Rất lâu sau đó, nhờ gia đình và mọi người động viên, Tùng Ưng chọn thi lại vào Bách khoa Hà Nội.

Chia sẻ về việc quyết tâm đi học lần 2 sau nhiều năm dang dở, người con Hà Tĩnh bộc bạch: “Tôi thích học kỹ thuật, mà nếu mà nói về kỹ thuật thì tôi nghĩ Bách khoa Hà Nội vẫn là đứng đầu”. Trong lần trở lại này, cảm giác của Ưng “vẫn nguyên vẹn, tinh thần vẫn mới như lúc bắt đầu vào học.”

Trong mắt “xấp nhỏ” thì Tùng Ưng là đàn anh chín chắn và mẫu mực. Ưng thường giúp các bạn sinh viên năm nhất gặp khó khăn ở các môn đại cương “nắm lại được kiến thức, đồng thời, chỉ cách ôn cho đúng để các em ấy cải thiện ở các kỳ tới.” Tuy được đánh giá có kết quả học tập tốt, song, Ưng nhận thấy mình “không được nhanh nhẹn bằng các bạn sinh viên cùng khóa ít tuổi hơn.” Cậu thường tổ chức học nhóm với các bạn cùng lớp và liên lạc, trao đổi kiến thức bài học với các bạn ham học cùng Viện, giúp việc học tập trở nên hiệu quả hơn.

Ngoài việc học và tham gia các hoạt động ngoại khóa, Ưng còn đi làm thêm, gia sư các môn Toán, Lý, Hóa và đi thực tập. Từ những hoạt động này, Ưng có thu nhập để trang trải học phí và cả sinh hoạt phí thường ngày. 

Tuy nhiên, tự chủ kinh tế cũng là một lý do khiến Ưng “không muốn xin học bổng, đề dành cho các bạn khác trẻ hơn trong lớp”. Cậu nhớ lại: “Ngày xưa, mỗi khi có 1 thông tin học bổng, tôi sẽ bảo các bạn khác đi xin vì tôi nghĩ tôi vẫn tự kiếm được tiền” và niềm vui của anh bạn là được nhìn các bạn trẻ xin được học bổng.

Cho đến khi Ưng học lên năm 3, PGS. Phó Thị Nguyệt Hằng, cựu Viện Trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, đã “khai sáng” cho cậu. Tùng Ưng vẫn nhớ như in lời cô: “Em không nên làm vậy, bạn nào xin được học bổng thì đó là cơ hội của bạn ấy, mình muốn nhường cũng không nhường được”. Nghe lời cô, Ưng bắt đầu xin học bổng. Học bổng đầu tiên Ưng giành được là Odon Vallet năm 2019.

“Tôi thấy quyết định quay lại Bách khoa Hà Nội là đúng đắn!”, Lê Tùng Ưng khẳng định. Hiện tại, Ưng đã thực tập tại trung tâm Quang điện tử, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel được một năm.

Thời gian này, Ưng chưa lập gia đình vì muốn chú tâm vào việc học. Sau tốt nghiệp, cậu học tiếp Thạc sĩ tại Trường và hết dịch sẽ du học nước ngoài. Thầy cô trong trường là  những tấm gương Ưng cảm phục: “thầy cô Bách khoa không những giảng dạy giỏi mà còn giỏi những lĩnh vực khác nữa mà tôi muốn noi theo”, Ưng chia sẻ.

Nguyễn Văn Nhật (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm bạn và PGS.TS Nguyễn Thanh Phương (giữa), giảng viên hướng dẫn Nhật làm đồ án tốt nghiệp.

Mãi mãi một tình yêu

Giống như Ưng, Nguyễn Văn Nhật cũng có niềm đam mê Vật lý từ nhỏ. “Tôi yêu Vật lý từ khi học lớp 9 và duy trì sự đam mê đó lên Cấp 3. Lên đại học, tôi quyết định theo ngành Vật lý kỹ thuật của Bách khoa Hà Nội vì tôi biết đến Trường là Đại học khoa học kỹ thuật hàng đầu của nước mình nên tôi cũng muốn được trải nghiệm, học tập, rèn luyện bản thân trong môi trường này.”

Có nhiều lý do để Nhật chọn Bách khoa Hà Nội, một trong số đó là bố cậu. Nhật chia sẻ: “Tôi đã nghe bố nói rất nhiều về Bách khoa. Những ngày bố ở độ tuổi 18, bố rất hay đạp xe đi bán rau quanh khu vực Bách khoa. Tình cờ, các bác nấu ăn trong Trường khi đó rất hay mua rau của bố. Sinh viên mua của bố cũng nhiều và hay trêu chọc bố vì lúc ấy bố cũng đang tầm tuổi họ nhưng lại đi bán rau.”

Tuy nhà cách Trường chỉ 10km nhưng Nhật mất hàng giờ đồng hồ cho việc đợi đò, đi lại. “Tôi phải dậy lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị đi học cho kịp tiết 1 bắt đầu từ 6 giờ 45 phút. Còn những hôm học tiết cuối buổi chiều, tan học lúc 5 rưỡi thì tôi thường về nhà lúc 7 giờ tối.”

“Đây cũng là lý do mà trong quãng thời gian sinh viên, tôi không thể cân bằng được quỹ thời gian của mình để tham gia các đội tình nguyện hay các phong trào khác”, Nhật ái ngại chia sẻ về “thiếu sót” của mình.

Nhật ý thức được “việc tham gia được các hoạt động có ý nghĩa cộng đồng cũng chính là cầu nối giúp cậu có thể mở rộng các mối quan hệ, cũng như phát triển bản thân hơn.” Vì vậy, cậu chọn tham gia chương trình hiến máu nhân đạo “Bách Khoa Nghìn giọt hy vọng” do Trường tổ chức để đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Ngay từ khi vào Bách khoa Hà Nội, biết tin Trường hàng năm buộc thôi học không ít sinh viên có kết quả học tập kém, Nhật xác định đặt việc học lên hàng đầu. Kết quả sau hơn 4 năm tại Trường, Văn Nhật không trượt bất cứ môn học nào. “Khi học các môn đại cương, tôi thực sự khá sốc. Thầy cô thường viết kín 6 mặt bảng, gần như tôi chỉ kịp ghi chép chứ không có thời gian để hiểu”, Nhật nhớ lại.

“Tuy nhiên, sau kỳ đầu tiên với kết quả GPA 3.27/4, tôi nghĩ học Bách khoa cũng không phải quá khó như lời đồn.” Nguyễn Văn Nhật cho rằng sinh viên Bách khoa chỉ cần chăm chỉ, không lơ là trong học tập đều có thể ra trường sớm với điểm cao vì “các bạn đều đã rất giỏi mới có thể đỗ vào Trường.”

Tấm bằng Xuất sắc nằm ngoài dự định của Nhật vì ban đầu, mục tiêu của cậu chỉ là trượt ít môn nhất có thể. Bí quyết học tập của cậu là đi học chăm chỉ để ghi chép lại kiến thức thầy cô giảng. Việc này rất có ích vì khi ôn thi, sinh viên có thể nắm được trọng tâm, trọng điểm chứ không phải học dàn trải. Đối với những kiến thức chưa hiểu được, Nhật học hỏi từ bạn bè, lên thư viện tìm tòi thêm các nguồn tài liệu để hiểu rõ, nắm sâu bản chất và ghi nhớ kiến thức lâu hơn. 

Đặc biệt, thời điểm Trường công bố lịch thi cũng là lúc Văn Nhật bắt đầu hệ thống lại kiến thức đã học từ đầu kỳ. Một điều quan trọng cậu không bao giờ bỏ qua là bước luyện đề. Khi luyện đề, Nhật hay đào sâu bản chất và bấm thời gian. “Đợt thi Giải Tích 2, hết có một nửa thời gian là tôi làm xong bài rồi, thời gian còn lại tôi ngồi soát lại chứ không bao giờ nộp bài sớm cả”, Nhật hồi tưởng lại.

Tuy nhiên, chàng sinh viên xuất sắc cũng có những môn khiến cậu “khó nhằn” như Triết. Cậu tính toán, phân bổ thời gian học để đạt điểm C, chứ không để trượt môn mặc dù “tôi không thể tiếp thu những môn học này.”

Mặc dù dành nhiều thời gian học để đảm bảo kỳ nào cũng giành được học bổng nhưng Nhật vẫn có những thú vui khác lúc rảnh rỗi. Cậu thường giúp đỡ bố mẹ công việc đồng áng và cũng hay đi chơi với nhóm bạn 10 người của mình. Bạn bè nhận xét cậu là người “khá nghiêm túc và trầm tính” nhưng sau khi chơi thân thì lại “vui vẻ và hòa đồng.”

Xuất thân từ gia đình thuần nông, không chỉ có tình yêu nồng cháy với Bách khoa Hà Nội, Nhật còn châm lửa tình yêu ấy với những người em của mình. “Ngoài hai cô em gái đang theo học tại Trường, tôi dự tính sẽ hướng cho cậu em trai đang học lớp 11 của mình cũng vào Trường luôn”, Nhật chia sẻ.

Dự định sau khi tiếp tục học Thạc sĩ ở Trường của Nhật là “được làm giảng viên Bách khoa Hà Nội vì tôi yêu Trường lắm! Tôi không biết lý do tại sao nhưng tôi cứ thích và yêu Trường, muốn cống hiến thật nhiều cho ngôi trường này.” Gửi gắm một điều đến Bách khoa Hà Nội, Nhật nói: “Chặng đường phía trước còn rất dài, hy vọng một ngày nào đó Bách Khoa không từ chối tôi!”

Trần Trang. Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here