Cho đến giờ, Lê Khánh Nam – K61 Viện Điện tử Viễn thông vẫn thấy hãnh diện, vui sướng nhớ lại cảm xúc khi nhận tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc (sớm 1 kỳ) của Đại học Bách khoa Hà Nội. Lúc được nhận bằng, Nam đã đi làm được 5 tháng rồi. Hỏi cậu kỹ sư mới toe kế hoạch sắp tới là gì, Nam cười hiền: Bách khoa ơi, đợi tôi nhé!
Nghề chọn người
– Bạn có bao giờ nhớ lại thời mới bước chân vào trường không? Tại sao bạn chọn Đại học Bách khoa Hà Nội để theo học? Điều gì làm bạn nhớ nhất khi học ở ngôi trường này?
* Đại học Bách khoa Hà Nội xưa nay vẫn thu hút sinh viên vì môi trường đào tạo tốt và chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Vào được Đại học Bách khoa Hà Nội là một điều may mắn với tôi. Còn học Điện tử viễn thông lại là cái duyên không ngờ.
Năm đó, tôi định hướng vào Công nghệ Thông tin nhưng không đủ điểm, tôi học nguyện vọng 2 là mã ngành CN2 – hệ cử nhân công nghệ.
Đến hôm nhập học, tôi được các thầy/cô ở phòng Đào tạo tư vấn cho chuyển sang học hệ kỹ sư Điện tử viễn thông vì tôi đạt điểm chuẩn. Thế là thành nghề chọn người như hôm nay.
Hôm nhận bằng được nhận lại hồ sơ gốc vẫn ghi lớp CN2.01 mà tôi thấy bồi hồi lắm!
– Có điều gì ở Bách khoa Hà Nội khiến bạn khi ra trường rồi vẫn còn tiếc nuối không?
* Điều tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là tôi đã không để tâm tới việc phải tích lũy kỹ năng mềm và kiến thức thực tế ngay từ khi vào trường. Điều này khiến tôi khó hòa nhập với môi trường làm việc năng động khi đi làm. Việc thiếu kinh nghiệm thực tế thực sự là rào cản khi đi phỏng vấn ở bất cứ đâu.
Cô “nâng cấp” bản thân, trò không ngừng học hỏi
– Thầy/cô nào ở Bách khoa Hà Nội có ảnh hưởng tới bạn nhất?
* Ảnh hưởng nhất tới tôi là PGS. Trương Thu Hương – Viện Điện tử Viễn thông. Cô là nữ trí thức tiêu biểu truyền cảm hứng học tập không ngừng nghỉ cho sinh viên và là con người “đa di năng”.
Tham gia Lab với cô khá muộn nhưng cách thức làm việc và cách mà cô luôn nâng cấp hoàn thiện bản thân khiến tôi và các bạn không ngừng học hỏi theo.
Một kỷ niệm mà chắc cả cô và tôi đều nhớ mãi, đó là ngày mà tôi nộp báo cáo tốt nghiệp, cô hỏi rằng định hướng tiếp theo mà tôi theo là gì? Tôi thật thà trả lời: “Chắc em đi làm một thời gian kiếm tiền cưới vợ cô ạ, vào một ngày mùa thu!” làm cả Lab đều cười theo.
Đến giờ lâu không gặp cô nhưng lần gần nhất nhắn tin hỏi thăm, câu đầu tiên mà cô hỏi là “Đến lúc quay lại học tiếp chắc em lấy vợ rồi nhỉ?”! (Cười)
– Điểm CPA của bạn khá cao: 3,63, bạn có thể chia sẻ bí quyết học tập đạt điểm cao ở Bách khoa?
* Điểm số và cả việc tốt nghiệp sớm đều không phải là dự tính ban đầu của tôi.
Năm nhất chủ yếu học kiến thức đại cương và còn bỡ ngỡ nhiều nên điểm số cũng chỉ lẹt đẹt thôi. Nhưng từ năm hai trở đi, được tiếp xúc với lĩnh vực chuyên ngành nhiều hơn, các môn học chuyên sâu dần mang lại hứng thú nhiều hơn, vì thế tôi đã vạch ra mục tiêu rõ ràng cho từng kỳ, từng môn học.
Do ở Bách khoa Hà Nội, khối lượng kiến thức mỗi môn học là rất nhiều, nên với mỗi môn học, việc lắng nghe để hiểu qua các ví dụ trên lớp rất quan trọng.
Như thế bạn sẽ không cần phải nhớ hay ghi chép nhiều, việc này rất hiệu quả khi đọc thêm các tài liệu chuyên ngành khác, hay nhất là khi đến kỳ thi, vì với kiến thức cơ bản đã có, việc tìm hiểu thêm hay ôn tập lại không tốn nhiều thời gian.
Và quan trọng nhất, với môn học nào cũng vậy hãy tìm hiểu xem bạn học môn này để làm gì, nó sẽ giúp bạn không cảm thấy chán nản khi học những con số hay công thức, vì chúng đều có ý nghĩa khi bạn đi làm và cần vận dụng đến.
Khi đạt mục tiêu rồi, hãy đặt ra mục tiêu cao hơn cho kỳ tiếp theo. Một lúc nào đó, bạn sẽ không nghĩ mục tiêu tôi vừa hoàn thành lại lớn lao đến như vậy.
Bật mí rằng mục tiêu tốt nghiệp và đi làm sớm của tôi chỉ mới được đặt ra vào cuối năm thứ tư, vì lúc đó tôi đã hoàn thành hết các mục tiêu khác.
Phỏng vấn xin việc gần 60 phút
– Hành trình xin việc của bạn như thế nào? Bạn có muốn tiếp tục học cao hơn?
* Hành trình xin việc của tôi khởi đầu bằng một buổi phỏng vấn vào vị trí thực tập sinh, vì là học nhanh hơn so với các bạn cùng khóa nên đi xin việc cũng không đúng đợt tuyển dụng.
Phỏng vấn gần một tiếng đồng hồ nhưng tôi thật sự không hài lòng về kết quả, vì những kiến thức mà tôi học và tích lũy được chỉ là phần nổi, chưa có kinh nghiệm thực tế.
Nhưng rất may mắn, tôi được anh trưởng nhóm đánh giá tốt về năng lực học hỏi và nhận thức. Thế mới thấy, khi xin việc quan trọng vẫn là năng lực và hiểu biết thực tế mà bạn có ở mức nào.
Hiện tôi là kỹ sư nghiên cứu và phát triển hạ tầng Công ty Cổ phần Viễn thông FPT – FPT Telecom
Về kế hoạch cho tương lai, tôi dự định sẽ học tiếp lên thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào một đợt gần nhất. Bách khoa ơi, đợi nhé!
“Các bạn sinh viên hãy xác định rõ mục tiêu học tập và con đường mình dự định sẽ đi theo sau này, càng sớm càng tốt, vì mục tiêu càng rõ ràng sẽ quyết định bạn sẽ cần học những gì. Và cũng đừng quên tích lũy những kinh nghiệm sát với thực tế nhất thông qua việc tham gia các phòng Lab hay đi thực tập” – Lê Khánh Nam, K61 Viện Điện tử Viễn thông