Sinh viên Viện Điện tốt nghiệp sớm nửa năm với bằng xuất sắc

0
1557

Nguyễn Anh Phương, sinh viên K61 Viện Điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã hoàn thành quãng thời gian học Đại học của mình với tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc và ra trường sớm hơn dự kiến một kỳ. Điểm trung bình tích lũy trong suốt quá trình học tập của Nguyễn Anh Phương là 3.75/4.

Chủ động lập kế hoạch cho việc học tập

Ra trường sớm nằm trong dự tính ban đầu của Phương. Trước khi Phương vào Đại học Bách khoa Hà Nội, cậu được một người anh khóa trên “truyền kinh nghiệm” rằng lượng kiến thức ở Trường rất lớn nên cần phân bố thời gian học để đỡ vất vả. Vì vậy, Phương quyết định lên kế hoạch học thêm kỳ hè để trong năm không phải “kham” quá nhiều môn học. Với lịch học “quanh năm” như vậy nhưng Phương cho rằng “không quá khó như mọi người tưởng tượng” và cũng khá “nhàn” nếu biết cách phân bổ thời gian.

Phương pháp học hiệu quả mà Phương tâm đắc nhất có tên “lâu đài ký ức”. Cậu lấy cảm hứng từ một bộ phim từng xem và áp dụng vào trong quá trình học tập của mình. Phương gắn những kiến thức, bài giảng của thầy cô vào những hình ảnh thực tế gần gũi và quen thuộc xung quanh mình để ghi nhớ một cách tối ưu nhất. 

Theo Phương, phương pháp này phù hợp nhất với những môn học nhiều lý thuyết và cần ghi nhớ. “Nhờ gắn những bài giảng và slide của thầy cô trên lớp vào những hình ảnh của ba mẹ và xóm làng ở quê mà tôi nhớ được tài liệu hơn 200 trang”, Phương tự hào nhớ lại.

Phương chia sẻ: “Động lực lớn nhất để tôi học tốt và vượt qua khó khăn là mẹ.” Ngày trước, khi biết tin cậu đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội, mẹ cậu đã rất vui và tự hào vì mẹ là người đã dồn hết tâm huyết và hy vọng vào cậu con trai này. Vậy nên, Phương luôn cố gắng học tập và trau dồi bản thân để mẹ vui lòng.

Là một người con của “quê hương năm tấn”, Nguyễn Anh Phương bỡ ngỡ nhiều trong những ngày đầu học ở môi trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “Khó khăn nhất là làm quen với môi trường đại học. Tôi phải tự học, tự tìm tài liệu và tự chủ động trong tất cả mọi việc.”

Dấu ấn của Đại học Bách khoa Hà Nội

Trong những giảng viên dạy môn chuyên ngành, Phương ấn tượng nhất với cô Lan Anh, bộ môn Điều khiển Tự động. “Cô có lối tư duy mở và cách giảng dạy lôi cuốn sinh viên. Cô truyền cho tôi rất nhiều năng lượng, thử thách và trải nghiệm, thúc đẩy tôi phải luôn luôn cố gắng hết sức để đạt được kết quả mình mong muốn”, Phương giải thích. 

Cũng nhờ cô mà lớp của Phương trở nên “đoàn kết và gắn bó với nhau hơn”. Phương cho rằng sau khi học cô Lan Anh, mỗi cá nhân trong lớp giúp đỡ nhau nhiều trong học tập, đặc biệt trong các hoạt động theo nhóm. Mọi người nhận ra tình cảm thân thiết dành cho nhau nên đã quyết định tổ chức một chuyến đi chơi Ba Vì. “Chúng tôi đã tạo nên những kỷ niệm vui và đáng nhớ nhất thời sinh viên tại Bách khoa Hà Nội”, Phương vui vẻ nói.

Bạn bè nhận xét là Phương là người “vui tính nhưng đôi lúc hơi oái oăm và lầm lì”. Phương lo sợ bản thân vì cái tính ấy mà không thành công như những người giỏi giao tiếp khác. Trong tương lai, cậu mong muốn có thể thay đổi, giao tiếp tốt hơn và bản thân cần có tính kỷ luật nhiều hơn. “Kết quả học tập tốt chỉ là một phần, để thành công, tôi cần học thêm nhiều hơn nữa từ đồng nghiệp và những người tôi tiếp xúc trong công việc”, Phương nói.

Hiện tại, Nguyễn Anh Phương đang làm việc tại Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Phương khẳng định: “Những kiến thức học từ Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng nền tảng vững chắc cho tôi áp dụng xử lý những vấn đề liên quan đến kỹ thuật.” Sau khi sắp xếp được công việc ổn hơn, cậu dự tính sẽ học thêm cao học tại Trường.

Nguyễn Anh Phương cho rằng công việc cậu đang làm là do “nghề chọn người”. Trước đây, cậu có đam mê với công nghệ thông tin nhưng sau khi theo chuyên ngành Điều khiển và Tự động hóa, cậu cảm thấy bản thân mình rất phù hợp. Phương nói: “Tôi thích cảm giác được nhìn thấy, cầm và nắm sản phẩm thật. Tôi không thể làm điều đó với các sản phẩm công nghệ thông tin.” 

Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ cho Phương những kiến thức chuyên ngành và học thuật mà còn giúp cậu trở nên năng động và chủ động hơn trong cuộc sống. “Tôi cảm thấy may mắn vì được học tập cùng nhiều người giỏi và xuất sắc. Đây là môi trường rất tốt để theo học”, Phương chia sẻ cảm nghĩ sau bốn năm rưỡi gắn bó với Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trần Trang. Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here