Trong câu chuyện về nghề, về những kỷ niệm thời đi dạy, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương – Bộ môn tiếng Pháp Viện Ngoại ngữ, Giảng viên tiêu biểu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2019-2020 – có lúc mắt rưng rưng kể về lần được gặp gỡ bao thế hệ sinh viên kỹ sư chất lượng cao ở Pháp.
Đó là lần chị Hương đi học tập tại Pháp năm 2015. Hẹn gặp một sinh viên cũ, cô trò tính ngồi cà phê ôn lại chuyện xưa. Không ngờ đến chỗ hẹn, chị thấy một nhóm sinh viên cũ đang chờ mình. Có em đi từ các vùng lân cận Paris, đường sá xa xôi đến thăm cô. Không chỉ đi một mình, các sinh viên còn mang theo cả vợ/người yêu đến với cô giáo, đưa cô đi chơi, thăm thú đó đây, cùng nhau làm cơm mời cô về thăm gia đình…
“Với tôi đó là khoảng thời gian hạnh phúc vô bờ, chứng kiến sinh viên trưởng thành, học hành tấn tới, công việc ổn định và vẫn nhớ và tình cảm với cô giáo. Không lâu sau, khi đã yên bề gia thất, nhiều em đã cho cô lên chức “Bà trẻ”. Vậy là tôi có một đàn cháu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Pháp đấy!” Cô giáo dạy tiếng Pháp kể lại mà không khỏi nghẹn ngào xúc động.
Truyền tình yêu ngôn ngữ cho sinh viên
Chị Hương có hai ngoại ngữ là tiếng Nga và tiếng Pháp. Thời đi học ở Nga về năm 1996, bố chị – một cựu giảng viên Viện Điện Bách khoa Hà Nội – “chốt” một câu: “Bách khoa đang tuyển người đấy, nộp hồ sơ đi con!” Thế là tiếp bước truyền thống “gia đình”, chị vào Bách khoa dạy học. Đến cả ông chồng chị cũng đầu quân Viện Vật lý Kỹ thuật sau khi học ở Nga về. Con gái lớn cũng học ở ngôi trường kỹ thuật số 1 Việt Nam. Em gái chị cũng từng là giảng viên Bách khoa. Tình yêu Bách khoa cứ thế đâm chồi bén rễ trong gia đình chị.
Trong câu chuyện của chị có nhiều đoạn trùng xuống vì vị thế tiếng Pháp còn khá khiêm tốn; chạnh lòng vì môn tiếng Pháp lúc này lúc khác vẫn bị coi là môn phụ… Thế nhưng khi kể về các thành tích của sinh viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài, tinh thần của cô giáo tiếng Pháp lại xốc lên: “Tôi mừng vì được dạy những sinh viên Bách khoa thông minh và vì đã góp một phần giúp các em thực hiện được ước mơ du học của mình ! Hiện tại, có nhiều cựu sinh viên các lớp Pháp ngữ AUF sau khi hoàn thành luận án Tiến sĩ ở Pháp, đã quay về Việt Nam làm việc và trở thành các đồng nghiệp vô cùng yêu mến của tôi.”
Đồ nghề lên lớp của chị ngoài lỉnh kỉnh nào máy nào móc; nặng nhất, to nhất chính là… tình yêu nghề, yêu trò! Bí quyết trong giảng dạy của chị Hương là luôn nỗ lực khích lệ, động viên sinh viên yêu tiếng Pháp, truyền tải thông tin không chỉ là ngôn ngữ dạy trên lớp, mà còn liên quan đến văn hóa, văn minh, những câu chuyện hấp dẫn về nước Pháp, con người Pháp… để thông qua đó, sinh viên yêu thích, ngưỡng mộ nền văn hóa, vẻ đẹp của ngôn ngữ mình học, từ đó sẽ có ham mê học ngoại ngữ nhiều hơn. Trong công việc, lúc vui nhất là khi các sinh viên thể hiện sự say mê trong học tập. Khi sinh viên báo em có học bổng này học bổng kia là cả ngày hôm ấy cô giáo cứ lâng lâng sung sướng!
Hiểu đặc thù công việc là giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên kỹ thuật, chị Hương chăm chút cho bài giảng phù hợp hơn, không quá chuyên sâu. Nếu chỉ bám vào sách giáo khoa thì giờ học ngoại ngữ với sinh viên sẽ quá tải. Vậy là chị lên kế hoạch chi tiết để soạn lại giáo án: Xác định lại mục đích giảng dạy, thay thế nội dung học liệu để sinh viên dễ dàng cảm nhận; thường xuyên tổng hợp nội dung cho sinh viên để các em luôn được nhìn lại những gì đã học, tự đánh giá xem mình đã chắc đến đâu, thiếu hụt gì; tìm nguồn học liệu từ nơi khác để sinh viên có thể học thêm… Chị luôn tâm niệm phải làm nội dung dạy thú vị, súc tích, hấp dẫn sinh viên, khiến họ không thể rời mắt khỏi màn hình khi học online!
Và để có được “trình” như vậy, bản thân chị Hương luôn học tập, nâng cao kiến thức từng ngày, từng giờ. Chị tham gia các đợt tập huấn hàng năm của AUF; viết báo cho các tạp chí và hội thảo. Chị thường xuyên nhờ các cựu sinh viên, doanh nghiệp giảng giải cho mình về một số lĩnh vực chuyên ngành. “Phí nhất là không tận dụng được ông chồng về Vật lý kỹ thuật vì sinh viên của tôi không thuộc chuyên ngành Vật lý” – chị Hương hóm hỉnh nói. Và thế là cô giáo Hương dạy tiếng Pháp nhưng cũng biết không ít về Tin học, Cơ khí hàng không, về Kinh tế… để có thể giảng dạy những kiến thức cơ bản bằng tiếng Pháp cho các em.
Chị thích nghiên cứu lĩnh vực phương pháp giảng dạy nhằm cung cấp cách học hiệu quả và đạt được mục đích học tập của các sinh viên Bách khoa. Đề tài nghiên cứu sinh của chị là về hội nhập nghề nghiệp cho sinh viên, kết nối sinh viên với doanh nghiệp để tổ chức các buổi phỏng vấn tuyển dụng cho sinh viên năm thứ 5. Hoạt động này được duy trì từ năm 2009 đến nay. Năm nào chị và các đồng nghiệp cũng mời được doanh nghiệp về làm buổi mô phỏng phỏng vấn cho sinh viên. Đó là một kết nối thông qua ngoại ngữ rất hiệu quả.
Ăn, ngủ cùng dự án
Năm 2019, chị Thanh Hương là Trưởng Dự án Thiết kế các khóa học tiếng Pháp theo hình thức B-learning nhằm cải tiến chất lượng dạy và học tiếng Pháp và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn đầu ra của sinh viên các chương trình pháp ngữ thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự án do Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF tài trợ (18.000 euros).
Dự án có tính ứng dụng cao vì công tác thiết kế các khóa học B-learning rất phù hợp với định hướng phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF chọn lựa từ nhiều hồ sơ dự án trong khu vực để tài trợ thực hiện. Trong quá trình thực hiện giai đoạn 1, dự án đã đóng góp vào công tác đào tạo đội ngũ giáo viên không chỉ của bộ môn tiếng Pháp mà còn của cả Viện Ngoại ngữ trong hoạt động thiết kế thành công nhiều khóa học B-learning và rèn luyện kỹ năng hướng dẫn từ xa.
Trong quá trình thực hiện dự án nói trên, thông qua việc tổ chức các buổi Tọa đàm chuyên ngành, dự án đã góp phần kết nối chặt chẽ hơn với các đối tác Pháp ngữ (doanh nghiệp nước ngoài và đối tác hàn lâm từ trường đại học khác) trong hoạt động giảng dạy tiếng Pháp, nhằm phát triển 3 yếu tố: Cập nhật các xu thế phát triển về công nghệ và kỹ thuật trong thời đại mới; Nêu bật vai trò của kỹ năng mềm khi tham gia lao động; Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường.
Để dự án có thành công hôm nay, chị Hương và các đồng nghiệp đã “ăn, ngủ cùng dự án”. Chị kể nhiều hôm thức khuya, dậy sớm, chồng con xót xa, cứ bảo: Sao dạy ngoại ngữ Bách khoa mà lại bận bịu thế? Rồi: Người ta dự án tiền triệu, tiền tỷ thấy cũng không bận như dự án bé bé thế này… “Tôi phải trấn an ngay! Làm gì cũng phải tâm huyết. Đã làm thì làm đến cùng, làm thật tốt chứ!” – Chị Thanh Hương nói.
Và chị được Nhà trường vinh danh là Giảng viên tiêu biểu năm học 2019-2020 với những quả ngọt từ dự án. “Đang guồng quay dự án, nếu kết thúc là sẽ thấy hẫng hụt lắm. Chúng tôi sẽ nghĩ thêm những dự án nữa vì lợi ích của sinh viên!” – Chị Hương chia sẻ.
Hỏi chị về ước mong trong năm 2021, chị Hương trầm ngâm ít lâu rồi kể về tập thể bộ môn tiếng Pháp thân thương, chia sẻ của mình, về sự vượt khó, chăm chỉ, tâm huyết của các cô giáo với sinh viên. Mong muốn lớn nhất của chị Hương và các đồng nghiệp là được nhà trường ủng hộ việc duy trì các chương trình đào tạo tiếng Pháp, duy trì sự đa dạng về ngôn ngữ đào tạo trong trường. Để mỗi ngày lại được hạnh phúc lên lớp, vui tươi cùng sinh viên: Bonjour et bonne journée ! (Xin chào và chúc các bạn một ngày tốt lành !)
Gia Hân. Ảnh: Kim Chi, NVCC