Cô giáo Future Internet Lab nghiện…“nâng cấp” bản thân

0
2312

Nếu đi trong sân trường Bách khoa, thấy một cô gái “mình hạc vóc mai”, diện đồ thời trang, đeo kính nom rất “xì tin” thì đừng nhầm là sinh viên nhé! Đó là PGS. Trương Thu Hương – Phó Giám đốc Chương trình EliTECH; Phó Trưởng bộ môn Kỹ thuật thông tin Viện Điện tử Viễn thông – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày đầu xuân, trò chuyện cùng PGS. Trương Thu Hương, lại thấy một góc nhìn rất khác về các nhà khoa học nữ. Họ rất thông minh, nhanh nhạy, quyết đoán nhưng không hề vơi đi sự “lấp lánh” về giới!

Khi bạn thích học Luật nhưng mẹ lại bảo bạn học Kỹ thuật!

Mở đầu câu chuyện, PGS. Trương Thu Hương bồi hồi nhớ lại thuở “cắp thau nhôm bơi lội mỗi mùa… lụt ở Bách khoa”!

– Mẹ tôi là GS ngành Công nghệ Sinh học Thực phẩm của Bách khoa Hà Nội, nên từ lúc còn bé xíu tôi đã gắn bó với trường. Tuổi thơ của tôi là chơi với chai lọ phòng thí nghiệm, mỗi mùa Bách khoa lũ lụt (khu vực đối diện D3, D5), bọn tôi toàn đem thau nhôm ra bơi lội. Mẹ tôi rất yêu nghề nên định hướng cho con gái vào Bách khoa Hà Nội  học kỹ thuật. Tôi còn nhớ mẹ nói với tôi: Kỹ thuật là cái gốc, đi đâu cũng không đói được.

Tôi là đứa học Văn cũng không tồi, nhưng được mẹ định hướng khối A, tôi theo học lớp chọn Lý tại PTTH Thăng Long. Thi ĐH tôi đỗ ĐH Bách khoa, sau 2 năm đại cương tôi chuyển ngành vào khoa Điện tử Viễn thông – ngành hot nhất, điểm cao nhất trường hồi đó.

Ngẫm lại một đứa rất bướng bỉnh lại rất nghe lời mẹ về hướng nghiệp, dù lúc đầu muốn theo học Luật, chắc vì …giỏi cãi. Nhưng giờ càng ngày càng thấy yêu nghề, gắn bó với nghề, yêu công việc mình đang làm.

* Điều yêu nhất ở công việc chị đang làm là gì?

– Công việc giảng viên hiện nay của tôi luôn tiếp xúc với giới trẻ, những con người đang phát triển, đang đi lên, nó khiến cho mình có nhiều động lực và cảm hứng làm việc.

Bên cạnh đó, Bách khoa Hà Nội tạo ra một không gian tự do để phát huy sáng tạo và phát triển trong cả nghiên cứu, giảng dạy và các công việc chuyên nghiệp khác.

“Tôi muốn sinh viên nhớ đến cô Trương Thu Hương là một con người truyền cảm hứng học tập không ngừng nghỉ và là con người đa di năng”. – PGS. Trương Thu Hương.

Tôi chọn nơi làm việc để mình không bị nam hóa!

* Ngành chị đang nghiên cứu rất hot, chị có nhiều cơ hội đón chờ vậy tại sao chị vẫn gắn bó với Bách khoa?

– Tôi nhận Học bổng chính phủ Đức nên sang Đức học về Hệ thống thông tin và truyền thông. Học Kỹ thuật thì ở đâu cũng bị tình trạng như Bách khoa, đó là tỷ lệ nữ vẫn còn thấp.

Có thời điểm tôi đi thực tập ở trụ sở Nghiên cứu triển khai của Siemens tại Munich-Đức, tôi làm ở bộ phận nghiên cứu về Truyền dẫn Quang, cả tòa nhà 4 tầng có mỗi mình tôi là nữ và tôi bắt đầu ngấm với vấn đề chênh lệch cán cân giới tính.

Nếu trong môi trường nam – nữ bằng nhau, thì nam – nữ phải nhìn nhau để tự hoàn thiện mình, bộ phận nữ có một tiếng nói nhất định. Nhưng khi mình thuộc tỷ lệ quá bé nhỏ trong bộ phận đó thì mình chỉ có con đường thích nghi cho giống như một nam giới.

Lúc đó tôi quyết định nếu về nước sẽ làm ở môi trường giáo dục và học thuật về kỹ thuật, môi trường đó sẽ vừa phù hợp với sở trường vừa có tỷ lệ nữ với nam cân bằng hơn.

* Hiện tại chị đang nghiên cứu gì?

– Hiện tại tôi có hai hướng nghiên cứu chính: Nghiên cứu tối ưu truyền dẫn video thực tế ảo (VR) để người dùng có thể xem video 360 độ chất lượng tốt, và đồng thời tối ưu tài nguyên của hạ tầng mạng truyền dẫn. Dự án đó hiện nay đang được tài trợ bởi quỹ VINIF của tập đoàn Vingroup.

Nghiên cứu thứ hai là về an ninh mạng và điện toán biên cho mạng IoT nhằm kiểm soát phát hiện nguồn tấn công đa dạng trong mạng IoT một cách nhanh và chính xác.

Ngoài ra, lab vẫn thực hiện một số nghiên cứu ứng dụng khác, và vì thế tôi đang hướng dẫn khoảng 28 sinh viên từ trình độ đại học, cao học và tiến sỹ.

* Những nghiên cứu này với dòng chảy CNTT thế giới có liên hệ gì không, thưa chị?

– Lĩnh vực nghiên cứu của bọn tôi là về mạng truyền thông và khoa học máy tính, do tính chất công nghệ thông tin thay đổi quá nhanh, và cạnh tranh vô cùng gay gắt, tôi – đồng nghiệp và sinh viên phải liên tục nhảy vào đào xới các xu hướng mới, khiến cho mình không thể ngừng vận động học tập. Bởi cứ dừng là sẽ nhanh chóng lạc hậu.

PGS. Trương Thu Hương “xì tin” bên các sinh viên

“Nghiện” nâng cấp bản thân

“Em luôn mong sẽ được như cô Trương Thu Hương, năng động và có thể xử lý nhiều việc một lúc. Cô Hương không chỉ quan tâm đến sinh viên trên Lab mà còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho sinh viên trong trường, trong Viện; phát triển chương trình đào tạo tinh hoa… – Hoàng Lê Diệu Hường – Cựu sinh viên K60

* Nhìn lại con đường đến với khoa học của chị có vẻ cái gì cũng may mắn. Liệu có khi nào chị bị gặp những cú vấp hoặc không suôn sẻ không?

– Không có con đường nào trải toàn hoa hồng, và thành công chỉ đến nếu mình nỗ lực bền bỉ kết hợp với một chút nhạy bén nắm bắt nhu cầu. Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi có năng lực gì xuất chúng, chỉ là mình làm các công việc đủ nghiêm túc và đều đặn, phối hợp làm việc nhóm tốt thì mình cũng sẽ đạt được thành tựu nhất định.

Trên con đường đó tôi cũng vướng nhiều cú vấp, nhiều thất bại lắm, trong mọi “địa bàn”! Nhưng mỗi lần thất bại, thì mình tự rút ra cho mình một bài học, vấp ở đâu, thì cần đứng dậy và đi tiếp ở đó.

Tôi vẫn luôn nhắc sinh viên tôi hướng dẫn là: cả khi thất bại hay thành công mình đều không được dừng lại.

*  Năm 2020-2021, chị được vinh danh là 1 trong 6 cán bộ tiêu biểu thu hút tài trợ và hợp tác nghiên cứu cho trường, giải thưởng này có tạo áp lực để năm tới chị sẽ chinh phục một hạng mục mới không?

– Được nhà trường vinh danh, tôi cũng rất vinh dự và tự hào, vì tại Bách khoa thực sự có rất nhiều đồng nghiệp giỏi giang.

Tôi không xác định nỗ lực để được vinh danh mà chỉ mong muốn năm sau sẽ làm tốt hơn năm nay. Năm 2021 tôi sẽ cố gắng cải thiện công tác giảng dạy, nghiên cứu; kéo dự án về trường và cả các công tác khác. Tức là tôi vẫn để mở tất cả mọi thứ để cần nâng cấp lên.

* Suốt ngày nâng cấp, có bao giờ chị cảm thấy  mệt mỏi?

– Tạm thời thì chưa, bởi việc nâng cấp giống như mình đang đi trồng và chăm cây, và được trải nghiệm các cảm xúc tích cực khi thấy cái cây non nớt lớn dần, càng ngày càng cao hơn, vững chãi hơn, toả thêm cành lá sau mỗi năm.

Tôi tự thấy, việc mình cải thiện các hạn chế trong giảng dạy và nghiên cứu ngoài cho bản thân thì nó còn giúp lan toả tới cả sinh viên của mình nữa. Những người trẻ tuổi có tài năng nhưng cần người có kinh nghiệm hơn định hướng và tạo đòn bẩy cho họ.

Những phút giây thư giãn của PGS. Trương Thu Hương

Nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ

* Thông thường người ta thấy các nhà khoa học thường đạo mạo cứng nhắc, nhưng cảm nhận của mọi người về PGS. Trương Thu Hương là rất “phụ nữ”: Thích mua sắm, cắm hoa, yêu mèo, chăm con, ăn mặc rất thời trang, phong cách… Vậy làm thế nào để vừa hết mình với khoa học, lại vẫn chăm chút cho cuộc sống, sở thích cá nhân rất đời thường như vậy?

– Khuôn mẫu là do con người tạo ra thì con người cũng có thể thay đổi được nó. Nghiêm túc làm nghề, nhưng bên cạnh đó tôi vẫn có những sở thích khác nên sắp xếp thời gian để  duy trì các thú vui như đọc truyện, xem phim, sưu tập tem và đồ lưu niệm nhỏ, chăm sóc con và các bạn bốn chân, nghe nhạc, học đàn…Tôi yêu cái đẹp nên thích thời trang, trang trí sắp xếp nhà cửa và đồ vật từ những thứ be bé.

Mình thích cái gì thì mình sẽ đặt quyền ưu tiên và dành thời gian và tâm trí cho nó được thôi. Mà hiện giờ tôi thấy những người phụ nữ Bách khoa ăn mặc rất đẹp, thời trang và có gu lắm đó. Giới nữ chúng tôi đang thay đổi các hình ảnh khuôn mẫu của các ông Đồ chăng ?! (cười).

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Gia Hân (thực hiện), Ảnh: NVCC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here