Nhóm nghiên cứu giúp Việt Nam làm chủ công nghệ xanh ngành dệt

0
693
PGS.TS. Vũ Thị Hồng Khanh

Để đáp ứng nhu cầu của người dân dùng khẩu trang để phòng dịch bệnh Covid-19, một số viện nghiên cứu, trường Đại học đã kết hợp với doanh nghiệp đưa những kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất khẩu trang từ vải kháng khuẩn. Giảng viên Viện Dệt may Da giày và Thời trang Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã giới thiệu loại vải bông 100% dệt thoi, sử dụng hoạt chất kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam có khả năng kháng khuẩn đến hơn 50% sau 15 lần giặt.

Hơn 10 năm nghiên cứu Là Tiến sĩ ngành Khoa học vật liệu dệt may tại Pháp, PGS. TS. Vũ Thị Hồng Khanh cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài nghiên cứu về vải kháng khuẩn từ những năm 2003, sau khi dịch SARS nổ ra. Sau hơn 10 năm, đến năm 2016, những kết quả của nghiên cứu này đã hoàn thành, sẵn sàng để chuyển giao cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phải đến thời gian gần đây, khi Covid-19 và những dịch bệnh có khả năng lây nhiễm cao bùng phát thì nhu cầu về vải kháng khuẩn nói chung và khẩu trang kháng khuẩn nói riêng mới tăng cao trong xã hội. Nghiên cứu này của PGS.TS. Vũ Thị Hồng Khanh đã chứng minh trong nước có thể tự chủ về công nghệ về khẩu trang vải kháng khuẩn.

PGS.TS. Vũ Thị Hồng Khanh cho biết, vải bông kháng khuẩn và các loại vải kháng khuẩn nói chung rất cần thiết trong lĩnh vực y tế và cũng thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Trong đời sống, người dân có nhu cầu cao về vải kháng khuẩn như quần áo mặc sát người, tất đi chân chống mùi hôi, quần áo của các bác sĩ, bệnh nhân, chăn – ga – gối đệm… đặc biệt trong lúc dịch bệnh, nhu cầu về vải kháng khuẩn lại càng cao.

Đầu tiên khi làm vải kháng khuẩn, PGS.TS. Vũ Thị Hồng Khanh và các cộng sự sử dụng những hoạt chất kháng khuẩn nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo đó có những công nghệ sản xuất vải kháng khuẩn sử dụng rất hiệu quả nhưng hoạt chất phải nhập khẩu nên giá thành rất đắt.

Vì vậy nhóm nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu, sử dụng chitosan sản xuất tại Việt Nam – một hoạt chất kháng khuẩn an toàn, thân thiện với môi trường và có thể sản xuất theo quy mô công nghiệp để làm hoá chất kháng khuẩn trong ngành dệt.

Hơn nữa, nhóm nghiên cứu đã chọn được loại chitosan có các đặc tính phù hợp với triển khai công nghiệp tại Việt Nam, giá thành rẻ hơn.

Công nghệ này sau đó đã được chuyển giao cho một doanh nghiệp dệt may để sản xuất ra vải kháng khuẩn và ứng dụng vào khẩu trang đạt được 3 yêu cầu: Lớp ngoài kháng được nước, phòng chống những giọt bắn từ người đối diện có thể mang virus; lớp thứ hai kháng khuẩn; lớp trong cùng là lớp vệ sinh để người sử dụng một cách an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế – diệt khuẩn được trên 90%. Và sau 15 lần giặt thì độ diệt khuẩn vẫn đạt trên 50%.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được nhà trường tặng khẩu trang kháng khuẩn

Mở hướng nghiên cứu mới cho Việt Nam và thế giới

Trong chặng đường nghiên cứu khoa học của mình, PGS. TS. Vũ Thị Hồng Khanh có niềm đam mê với nghiên cứu các loại vải đa chức năng như vải kháng khuẩn, vải chống cháy, vải kháng tia UV.

Mới đây nhất, PGS.TS. Vũ Thị Hồng Khanh và các cộng sự có một công trình nghiên cứu BBng dE1ng công nghệ plasma ứng dụng vào công nghệ dệt sợi.

Hiện nay, trên thế giới đã và đang sử dụng một số công nghệ mới trong sản xuất vải, trong đó có công nghệ plasma. Đây được coi là công nghệ xanh do không tạo ra những hóa chất gây ô nhiễm môi trường và có thể kích hoạt các vật liệu, tạo ra các liên kết hóa học mà không cần ra nhiệt.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ plasma trong sản xuất vải chậm cháy của PGS.TS. Vũ Thị Hồng Khanh là công trình trọng điểm cấp quốc gia. Đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này và cũng là một hướng nghiên cứu mới trên thế giới.

Trước đây khi ứng dụng công nghệ plasma thường làm ở nhiệt độ thấp, nhưng để ứng dụng trong công nghiệp, PGS. TS. Vũ Thị Hồng Khanh và các cộng sự phải tính đến phương án dùng trong nhiệt độ phòng. Khi nghiên cứu, nhóm luôn phải tính đến tính thương mại hóa, làm sao để ứng dụng không chỉ trong phòng thí nghiệm mà còn hướng đến đưa vào áp dụng trong công nghiệp.

Sau khi thử nghiệm, vải bông vẫn đảm bảo chậm cháy, vẫn giữ được độ bền sau nhiều lần giặt, đặc biệt, tính cơ lý của vải được tăng lên. Kết quả nghiên cứu này được đánh giá rất khả quan, có thể giới thiệu sản phẩm cụ thể ra thị trường trong thời gian tới.

Trong điều kiện hiện nay, việc nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất khẩu trang càng ngày càng khó khăn. Việc Việt Nam có thể tự chủ trong việc sản xuất vải kháng khuẩn nói chung và khẩu trang kháng khuẩn nói riêng đã mang lại ý nghĩa xã hội rất lớn.

Đời sống càng cao, những yêu cầu về vệ sinh, kháng khuẩn càng cần thiết. Trong thời gian tới, những chiếc khẩu trang làm từ loại vải kháng khuẩn này sẽ được sản xuất, hỗ trợ nhu cầu của người dân.

Hùng Phong. Ảnh: Phương Nam, Kim Nguyễn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here