Nốt nhạc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp Bách khoa Hà Nội

0
658

Sứ mệnh của BK-Fund, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội, không chỉ đơn thuần là sinh lời, mà trên hết là đưa các phát minh, sáng chế, tài sản trí tuệ trong trường Đại học vào cuộc sống.

Ví dụ điển hình của Bách khoa Hà Nội trong tiên phong đổi mới sáng tạo

BK-Fund không bị bó buộc khi phải chọn giữa lợi nhuận và ảnh hưởng xã hội. Bởi trong đổi mới sáng tạo, câu chuyện không phải lúc nào cũng là chọn một trong hai. Muốn bền vững thì lợi nhuận phải đi liền với trách nhiệm.

– Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo BK-Holding.

Ý tưởng thành lập BK-Fund đến từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển. Theo NVCA, hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Quốc gia Hoa Kỳ, 22 tỉ USD được đổ vào 2.700 công ty mỗi năm, với 4 lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất đều thuộc khoa học kỹ thuật.

TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Mạng lưới cựu sinh viên – khẳng định “không dám đầu tư mạo hiểm thì không có sản phẩm đột phá”. Năm 2018, Nghị định số 38 ra đời quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ hơn hai năm, 5 đến 6 quỹ đang thành lập, một số trường Đại học và tổ chức khác đang rục rịch hình thành các quỹ tương tự.

“Đây là những minh chứng cụ thể cho một xu hướng tất yếu tại Việt Nam”, ông Hiệp cho biết. Là quỹ đầu tiên của trường Đại học công lập, BK-Fund gặp cả thách thức và triển vọng.

“Đây có thể coi là mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao mà tất cả chúng ta đều mong muốn có. Hoạt động của Quỹ sẽ góp phần vào sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội trong những năm sắp tới”, TS. Nguyễn Quân chia sẻ.

Pháp luật Việt Nam hiện nay đang quy định ba nhóm mô hình quỹ, BK-Fund chọn hình thức thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. “Sự lựa chọn này vừa đúng mục tiêu và sứ mệnh của quỹ, cũng là hướng đi thông thoáng nhất”, ông Hiệp nhận định khi được hỏi về các vướng mắc pháp lý.

Đến nay, BK-Fund đã hoàn tất thủ tục cần thiết và đang trong tiến trình đám phán với những dự án đầu tiên. “Với yếu tố ban đầu khả quan, chúng tôi cảm thấy rất tích cực”, Giám đốc ươm tạo nói.

Tại lễ ra mắt Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ngày 15/1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu: “BK-Fund là ví dụ điển hình để nói lên tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh của người Bách khoa Hà Nội. Đó là luôn đi đầu trong đổi mới sáng tạo.”

TS. Nguyễn Quân phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ BK-Fund (tối 15/1/2021)

Mang đậm ‘chất Bách khoa Hà Nội’

Quỹ BK-Fund đang có “ba yếu tố thuận lợi” nhờ Đại học Bách khoa Hà Nội: Nguồn tài chính từ cựu sinh viên, công ty quản lý quỹ do cựu sinh viên thành lập và sự quan tâm của ban lãnh đạo nhà trường.

Các nhà đầu tư – cũng là cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội – đều thống nhất, “để quỹ không bị lũng đoạn hay thâu tóm, không ai được đóng góp quá 15%, kể cả nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Nguyễn Quân cho biết.

Ông Hiệp nhấn mạnh người Bách khoa là một trong những ưu điểm vượt trội của BK-Fund, “Công ty quản lý quỹ mới thành lập nhưng có đội ngũ rất từng trải. Các nhà đầu tư của Quỹ đều là những người nhiều kinh nghiệm và uy tín trên thương trường”. Hiện nay, BK-Fund đã hoàn thiện giai đoạn huy động ban đầu với 16 nhà đầu tư, tất cả đều là người Bách khoa Hà Nội.

Đầu tư vào phát minh hay sáng chế là đầu tư vào tương lai, mang tính rủi ro cao. Đặc biệt là khi BK-Fund hiện nay đang tập trung đầu tư vào các sản phẩm ở giai đoạn đầu. Đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp cùng các chuyên gia, doanh nhân vốn nhiều trải nghiệm thương trường sẽ là yếu tố quan trọng giúp giảm sự định tính và rủi ro trong mỗi thương vụ đầu tư.

Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội cũng đồng thời đặt ra những tiêu chí nhất định khi đánh giá tiềm năng của dự án: Một là tính mới, hai là tính cần thiết, ba là tính khả thi để phát triển thành một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh. Đây đều là những tiêu chí quan trọng trên hai khía cạnh, có ‘ảnh hưởng’ tốt với xã hội, và có thể tạo ra ‘thu nhập’.

“BK-Fund không giỏi trong tất cả các lĩnh vực. Chúng tôi chỉ chọn những dự án trong lĩnh vực mà BK-Fund thực sự có năng lực”, ông Phạm Tuấn Hiệp cho rằng “hợp” cũng là yếu tố cần thiết khi cân nhắc đầu tư vào một dự án. Xét cho cùng, sứ mệnh của BK-Fund là phải đưa các sản phẩm có ích vào thực tiễn.

Ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc ươm tạo BK-Holding – phát biểu trong một hội thảo

Vậy, kế hoạch tiếp theo là gì?

Ông Tuấn Hiệp khẳng định COVID-19 mang đến nhiều cơ hội hơn thách thức, bởi “đồng tiền thông minh không bao giờ chịu bế tắc hay đông cứng ở một chỗ. Nó luôn chảy.”

Nhờ COVID-19, thị trường được định hình lại, xuất hiện tiềm năng kinh tế trong lĩnh vực edtech, thương mại điện tử, hay fintech… Với vai trò của một quỹ đầu tư, năng lực nhận biết xu hướng và dự đoán tương lai là vô cùng cần thiết, “ai có thể nắm bắt dòng chảy này mới tìm được cơ hội phát triển.”

Chỉ một tháng nữa, chương trình ươm tạo Lab to Market sẽ chính thức khởi động. Đây là dự án được thiết kế nhằm hướng tới các nhóm phát minh sáng chế trong trường Đại học – những nhà nghiên cứu còn thiếu nhân sự kinh doanh, tài chính khi thương mại hóa sản phẩm.

“Làm sao để hiểu thị trường, để chuyển hoá sản phẩm nghiên cứu thành sản phẩm thương mại là thách thức của không ít nhóm. Lab to Market sẽ hỗ trợ họ trong việc tìm mô hình kinh doanh phù hợp.”

Trong năm 2021, BK-Fund dự định sẽ đầu tư, ươm tạo cho 10 dự án tiềm năng. Về kế hoạch trung hạn, sau khi chứng minh về hiệu quả ban đầu, BK-Fund sẽ hướng tới các vòng gọi vốn mới với việc hình thành các quỹ chuyên đề như quỹ AI, IoT, quỹ thiết bị Điện tử Y sinh…, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư khác.

Đầu xuân năm 2020, TS. Nguyễn Quân chia sẻ với Đặc san Tết về mong muốn Bách khoa Hà Nội có Quỹ Đầu tư Đổi mới – Sáng tạo. Đến nay, BK-Fund đã xây được những viên gạch đầu tiên. Xuân Tân Sửu 2021, Chủ tịch mạng lưới Cựu sinh viên hi vọng BK-Fund sẽ nâng tổng vốn quỹ và nhìn thấy các sản phẩm thành công bước đầu.

Hà Kim. Ảnh: Kim Chi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here