Vũ Ngọc Việt Hoàng: Khi nghiên cứu là đam mê

0
1512

Vũ Ngọc Việt Hoàng, không xuất thân từ thành phố lớn, không học trường chuyên, gia cảnh bình thường nhưng thành tựu thật phi thường. 8 bài báo khoa học ISI được công bố, 3 trong số đó đứng tên đầu, là con số “đáng mơ ước” với nhiều nhà nghiên cứu trẻ, không nói đến một sinh viên sắp tốt nghiệp.

Năm 2020, Hoàng đạt giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ. ThS. Đinh Gia Ninh, giáo viên hướng dẫn của Hoàng, khẳng định Việt Hoàng là trường hợp “chưa từng có trong lịch sử Bách khoa Hà Nội”.  

 

Khi mới bắt đầu, mục tiêu mà Việt Hoàng đặt ra là viết được một bài báo khoa học trước khi ra trường. Theo thầy Ninh hơn hai năm, kết quả này vượt cả những gì chàng sinh viên Cơ khí mong đợi.

Hoàng nhớ lại, mối duyên gắn bó với nghiên cứu khoa học đến rất tự nhiên. Cậu sinh viên năm hai khi ấy bị thuyết phục bởi những trải nghiệm và câu chuyện trên lớp của chính người thầy giáo trẻ.

Việt Hoàng cùng các bạn trong nhóm nghiên cứu của ThS. Đinh Gia Ninh (thứ 2 từ trái qua) . Ảnh: Duy Thành

Thầy Ninh tâm sự, “tôi rất đam mê nghiên cứu. Tôi vẫn nói với các em, làm nghiên cứu cần đam mê, bởi các em sẽ gặp phải nhiều chướng ngại vật.” Có những lúc, bản thân thầy cũng cảm thấy rất nản khi sau hơn một tháng, đáp án của mình vẫn không khớp với kết quả đã công bố. “Nhưng thấy sông vượt sông, thấy núi vượt núi, thấy biển phải vượt biển”, thầy giáo quả quyết.

Cảm thấy hứng thú với nghiên cứu về vật liệu và kết cấu vì đây là chủ đề trực quan, gần gũi, Hoàng chủ động liên lạc với thầy và xin vào nhóm nghiên cứu thầy Ninh hướng dẫn.

Năm 2018, ThS. Đinh Gia Ninh từng giành giải Nhất giải thưởng “Khoa học Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các Cơ sở giáo dục Đại học”. Bản thân người thạc sĩ trẻ cũng học hỏi rất nhiều từ GS. Đào Huy Bích – người mà anh coi là “sư tổ của ngành Cơ học Vật rắn Biến dạng Việt Nam”. Đây là bước đà để anh tiếp tục nghiên cứu, đào tạo và truyền cảm hứng cho sinhviên của mình.

Theo anh, điều quan trọng nhất để thành công trên con đường học thuật là kỹ năng nền tảng về nghiên cứu. “Sinh viên của tôi đều được hướng dẫn các kỹ năng của một nghiên cứu sinh. Nhờ vậy, các em có thể tự bơi, tôi không cầm tay chỉ việc.”

Nhớ lại thời gian đầu khi mới tiếp xúc với nghiên cứu khoa học, cậu sinh viên mới chập chững “vào nghề” lại hoà nhập rất nhanh, thầy Ninh kể lại. Nếu các sinh viên khác mất ba, bốn tháng, Hoàng chỉ mất một, hai tháng.

Tôi bắt đi ngủ, Hoàng không chịu. Nhưng đúng chất nghiên cứu là phải thế! Đã vào guồng thì khó bỏ lắm.

– Ths. Đinh Gia Ninh –

Những khó khăn dường như chỉ khiến Hoàng thêm khát khao chinh phục. Thức đêm làm đề tài trở thành chuyện cơm bữa. Khi bận rộn nhất, nhà nghiên cứu trẻ làm việc say sưa, nhiều đêm không ngủ.

“Khi tôi đang học chương trình Tiến sỹ ở Mỹ, 3-4 giờ chiều là khoảng 3-4 giờ sáng ở Việt Nam, vẫn thấy Hoàng lọ mọ hỏi han thầy. Tôi bắt đi ngủ, Hoàng không chịu. Nhưng đúng chất nghiên cứu là phải thế! Đã vào guồng thì khó bỏ lắm.” – thầy Ninh như nhìn thấy chính mình trong cậu học trò nhỏ.

Nhưng gia đình mới là động lực mạnh mẽ nhất của chàng trai Thái Bình. Ban đầu, bố mẹ muốn Hoàng đi làm thay vì nghiên cứu. Trong gia đình cậu, chưa ai chọn theo đuổi học thuật. Cậu sinh viên đầy đam mê và kiên định ngày ấy khao khát muốn chứng minh bản thân.

Sinh viên Vũ Ngọc Việt Hoàng. Ảnh: Duy Thành

“Mùng bốn Tết, tôi giận bố mẹ, một mình lên Hà Nội. Tôi vẫn tiếp tục học và nghiên cứu.” Giải Nhất Sinh viên nghiên cứu cấp Trường và cấp Bộ đã khiến bố mẹ thêm tin tưởng vào con đường mà cậu con trai cả đã chọn.

Lắng nghe câu chuyện của học trò, thầy Đinh Gia Ninh tự hào nói, đây là “chất” của nhà nghiên cứu, nhà khoa học tương lai, “ngày hôm nay, tôi tin rằng những thành tích và công sức Hoàng đạt được là câu trả lời hoàn chỉnh và xứng đáng nhất dành cho tất cả mọi người.”

 

Thầy Ninh vẫn hay đùa, việc viết báo ISI bằng tiếng Anh với Hoàng bây giờ còn dễ hơn việc viết thuyết minh bằng tiếng Việt. Theo giảng viên trẻ, sinh viên Bách khoa Hà Nội rất giỏi, đặc biệt trong nghiên cứu. Chỉ ở đây, anh mới có nguồn lực sinh viên chất lượng và đam mê để cùng anh tìm đáp án cho những bài toán mới.

“Bách khoa Hà Nội đang có ‘Thiên thời – địa lợi – nhân hoà’.” Với thứ hạng cao trên thế giới, cùng vị thế địa lý thuận lợi và nguồn nhân lực tài năng, nhiệt huyết, “Trường chúng ta đang trong thời kỳ vàng để phát triển nghiên cứu”, thạc sĩ trẻ khẳng định.

Năm 2020, Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 801-1000 trường Đại học tốt nhất thế giới, với số điểm trích dẫn cao nhất trong các trường Đại học được xếp hạng tại Việt Nam, theo bảng xếp hạng uy tín thế giới Times Higher Education.

Chính môi trường học thuật, nghiên cứu hàng đầu là lý do Hoàng lựa chọn đăng ký vào Trường. Với đề tài về kết cấu vỏ từ vật liệu nano composite, Vũ Ngọc Việt Hoàng nhận định nghiên cứu của mình còn nhiều đất để ứng dụng thực tế, song cần được đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất để phát triển.

Sau khi có kết quả nhất định với các bài báo được công bố, Hoàng mạnh dạn đăng ký cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường và được đại diện đi thi cuộc thi cấp Bộ. Với Hoàng, đây là một trải nghiệm đáng nhớ.

Hoàng nhận giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

“Các giám khảo không tin kết quả và số lượng bài báo tôi đã viết”, Việt Hoàng kể lại. Hiểu bản chất của đề tài, quán quân cuộc thi kiên quyết bảo vệ thành quả của mình. Thật bất ngờ khi chính giám khảo phản biện gay gắt nhất đã chấm cậu 98/100 điểm – gần như tuyệt đối, số điểm cao nhất trong hội đồng hôm đấy.

Và đam mê nghiên cứu của Hoàng tiếp tục được truyền cho thế hệ khoá dưới. Nguyễn Hoàng Hà, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Anh Hoàng rất cống hiến cho nghiên cứu. Nhờ sự giúp đỡ của anh, một tháng nữa tôi sẽ công bố bài báo khoa học đầu tiên.”

Còn thầy Ninh vẫn dõi theo sự trưởng thành của cậu học trò yêu quý, ghi nhớ câu mà Hoàng từng quả quyết rằng, “một ngày, em sẽ thành công như những tiền bối Bách khoa”.

Công Đức

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here