‘Nếu ai cũng viết code thì ai chơi đàn?’

0
1438

Trong gần 50 năm tham gia Olympic Toán Quốc tế, Việt Nam chỉ có 11 nữ sinh đoạt giải. Nữ sinh Nguyễn Phi Lê, đến từ trường chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, là một trong số đó khi cô giành huy chương Bạc tại kỳ thi lần thứ 41 ở Hàn Quốc năm 2000. Nữ sinh Nguyễn Phi Lê của 20 năm trước giờ đã trở thành Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Tiến sĩ Phi Lê dành thời gian ngồi xuống trò chuyện với Đặc san Bách khoa Hà Nội vào một buổi chiều đầu đông nắng ấm. Cuộc nói chuyện xoay quanh tình yêu với Toán học; về những khó khăn của người làm khoa học ở Việt Nam; về những định kiến vô thức của xã hội cản trở phụ nữ theo đuổi ước mơ; về phong trào học STEM (STEM là viết tắt tiếng Anh của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) và cả về niềm vui giản dị mỗi khi thấy trời Hà Nội xanh ngắt.

Phóng viên: Chắc hẳn chị phải yêu Toán học lắm?

Nguyễn Phi Lê: Tôi yêu Toán một cách bản năng. Tôi thấy ở Toán học có vẻ đẹp và sức hấp dẫn khó diễn tả. Hồi đi học, khi gặp bài Toán khó, tôi luôn cố gắng tìm lời giải bằng được. Với những bài Toán chưa giải được, tôi mang chúng vào cả trong giấc mơ. Nghĩa là kể cả khi ngủ, tâm trí tôi cũng không ngừng nghĩ về những bài Toán còn dang dở. Khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, tôi cố gắng nhớ lại giấc mơ đêm hôm trước để xem là trong lúc mơ mình đã giải bài Toán đó như thế nào. Tôi thấy vẻ đẹp của Toán nằm ở sự logic. Khi giải được một bài Toán khó, tôi vui vô cùng. Cảm giác đó rất hạnh phúc.

Thực ra, học Toán giúp chúng ta cải thiện tư duy rất nhiều. Toán thúc đẩy hình thành tư duy giải quyết vấn đề. Mà trong cuộc sống thì chúng ta luôn gặp thử thách dù lớn hay nhỏ. Tôi tin rằng những vấn đề xảy ra đều là những vấn đề mà bản thân chúng ta có thể giải quyết được. Toán học đã dạy cho tôi cách tư duy giải quyết vấn đề một cách tích cực và chủ động. Hơn nữa, việc mình đào sâu bất cứ môn học nào, không nhất thiết là Toán, sẽ rèn cho ta thói quen đi đến tận cùng, thái độ làm việc kiên trì, không dễ dàng từ bỏ khi đối mặt với khó khăn. 

Phóng viên: Gia đình hướng chị theo chuyên Toán từ nhỏ?

Nguyễn Phi Lê: Bố mẹ tôi đều là giáo viên. Theo nếp của gia đình, việc học luôn là quan trọng nhất. Nhưng ngoài việc khuyến khích các con đọc sách, bố mẹ tôi không tạo bất cứ áp lực nào lên con cái về việc học hành. 

Chắc nhiều người nghĩ tôi học chuyên từ nhỏ nhưng thực ra thời phổ thông, tôi không ưu tiên học lệch bất cứ môn nào. Tôi học đều tất cả các môn. Hồi cấp hai, tôi từng đi thi Văn cấp tỉnh và được giải khuyến khích; đó cũng là giải cao nhất của đội tuyển trường năm đó. Sau này, học lên cao, tôi mới dần dần nhận ra mình say mê Toán, thích Toán hơn các môn khác. 

Đúng là trường chuyên, lớp chọn tạo môi trường thuận lợi cho học sinh được học sâu theo đam mê của mình. Tuy nhiên, tất cả sự hỗ trợ đến từ thầy cô, bố mẹ đều chỉ mang tính gợi mở và dẫn dắt. Động lực học tập phải đến từ bên trong mỗi người. Động lực nội tại chính là động cơ bền vững nhất, ổn định nhất để một người không ngừng nỗ lực. Tôi học tốt môn Toán không phải vì những động lực bên ngoài như điểm số, giải thưởng hay huy chương. Tôi thích học chỉ bởi một lý do duy nhất đó ngay từ nhỏ tôi đã luôn tò mò về mọi thứ. Chính ham muốn tìm tòi cái mới khiến tôi bồn chồn thậm chí là bức bối khi chưa tìm ra được lời giải cho một bài Toán. Nếu chúng ta chỉ làm việc khi có động lực từ bên ngoài, chuyện gì sẽ xảy ra khi những động lực đó không còn?

Muốn giỏi, bạn không thể dễ dàng hài lòng và bó hẹp bản thân với những kiến thức trên lớp. Hãy coi những gì thầy cô truyền đạt như khung sườn để mình neo theo trong hành trình tự tìm tòi, khám phá, đào sâu và mở rộng kiến thức. Nhớ thời học chuyên Toán, chúng tôi phải tự học rất nhiều. Phần lớn những kiến thức thu nạp được là do mình tự nghiên cứu thêm. Năm 1997, Internet còn chưa vào Việt Nam nên việc tìm kiếm tài liệu tự học rất khó khăn, chủ yếu là sách cũ, vở chép tay truyền lại từ các khóa trên. Vậy nên mỗi khi xin được một tài liệu hay, tôi trân quý vô cùng, nâng niu như báu vật, học một cách ngấu nghiến. 

Phóng viên: Ở Việt Nam, ai cũng muốn con mình học giỏi Toán, Lý, Hóa. Hồi đi học, tôi nhớ bạn nào giỏi Toán thì nghiễm nhiên được coi là thông minh, giỏi giang hơn các bạn khác. Sự thiên lệch này khiến cho học sinh Việt Nam coi nhẹ các môn xã hội như Văn, Sử, Địa. Vậy quan điểm giáo dục của chị thế nào? 

Nguyễn Phi Lê: Không phải giỏi các môn tự nhiên mới là thông minh. Nhà văn, nhà thơ là những người sáng tạo với con chữ. Họ thông minh về ngôn ngữ. Văn thơ giúp ta phát triển sự thấu cảm, thông cảm với người khác. Đó chính là cái mà bây giờ chúng ta hay nói: Trí thông minh cảm xúc (EQ) trong thời đại của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của học máy. Máy móc có thể làm thay con người rất nhiều việc nhưng máy không thể thay con người yêu thương, kết nối cảm xúc với người khác, càng không thể giúp chúng ta kiểm soát và quản lý cảm xúc bản thân. Dù thành công và giàu có nhưng nếu chúng ta không biết quản lý cảm xúc của bản thân để sống cân bằng thì khó có thể hạnh phúc. 

Giáo dục toàn diện là phải giúp trẻ em phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy và vốn kiến thức xã hội cần thiết. Đọc sách rất quan trọng. Mình luôn khuyến khích hai con trai đọc sách. Văn chương, thơ ca ảnh hưởng đến nhân cách của con người, bồi đắp tâm hồn, định hình cách sống, cách nghĩ. Hồi còn nhỏ mình đọc sách rất nhiều. Những cuốn sách văn học như “Những người khốn khổ”, “Không gia đình” làm mình lay động. Đó là những câu chuyện chạm đến trái tim, chạm đến tâm hồn. Không chỉ những người làm nghề viết lách mới cần đọc nhiều. Làm bất cứ nghề nào cũng cần có kỹ năng diễn đạt mạch lạc. Nhà khoa học càng cần. Ngôn từ xuất phát từ những gì mình tích lũy và muốn tích lũy phải đọc. Không đọc sách thì khó có ngôn từ phong phú để giao tiếp, để nói và để viết.

Phóng viên: Hiện có phong trào học STEM, chị có cho các con theo học các chương trình như vậy không? Nhiều người sợ rằng nếu không cho con cái học công nghệ thông tin, sau này sẽ thất nghiệp. Chị có sợ như vậy không? 

Nguyễn Phi Lê: Tôi không giáo dục các con theo phong trào. Tôi luôn hướng con cái nương theo bản năng của chúng hơn là ép các con đi theo số đông. Nếu các con thích các môn tự nhiên, tôi sẽ hỗ trợ hết sức. Nếu con tôi thích chơi đàn, tôi cũng ủng hộ hết mình. Mỗi người nên làm công việc theo sở thích và khả năng của mình. Nếu ai cũng viết code thì ai sẽ chơi đàn?

Tôi không nghĩ là phải học cái gì đó để đảm bảo tương lai không thất nghiệp. Nếu rất giỏi một kỹ năng nào đó thì bạn khó thất nghiệp. Hơn thế nữa, thế giới đang thay đổi rất nhanh. Có những kiến thức bây giờ chúng ta học sẽ lỗi thời trong 10-20 năm nữa. Nhưng những thứ như tư duy giải quyết vấn đề, thái độ làm việc nghiêm túc và khả năng cân bằng cảm xúc thì sẽ không bao giờ cũ. 

Phóng viên: Nhiều người giỏi Toán và nhờ sự thông minh Toán học, họ đi theo con đường kinh doanh để làm giàu. Vậy tại sao chị lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học khó khăn nhưng khó… giàu? 

Nguyễn Phi Lê: Tôi không đặt nặng việc làm giàu cho bản thân. Với tôi, tài sản quý giá nhất là kiến thức. Vật chất là vật ngoài thân, khi có khi không, nhưng kiến thức ở trong đầu mỗi người chính là sức mạnh nội tại của mình. Khi có kiến thức thì mình không thể chết đói được. Hơn nữa, tôi không có đam mê kiếm tiền mãnh liệt. Mình không cần quá giàu chỉ cần vừa đủ. Trong khi đó, từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ ao ước làm trong ngành kỹ thuật và phấn đấu để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mình nghiên cứu. 

Có lẽ tính cách cũng quyết định hướng phát triển sự nghiệp. Tính cách của người kinh doanh khác người làm khoa học. Trong khi kinh doanh cần động thì làm khoa học cần tĩnh nhiều hơn. Nghiên cứu khoa học không chỉ cho phép tôi thỏa mãn tính tò mò và ham muốn tìm tòi những cái mới. Việc nghiên cứu còn hợp với tính cách của tôi. Làm khoa học đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì. Nhiều vấn đề không thể tìm lời giải ngay lập tức, mình phải thử đi thử lại rất nhiều lần, có khi phải thử hàng trăm lần, thậm chí có những bài toán nghiên cứu kéo dài cả năm thậm chí nhiều năm mà vẫn thất bại. Nhưng do bản tính thích đi đến tận cùng vấn đề nên tôi tìm được niềm vui trong việc nghiên cứu. 

Tôi nghĩ cái gì thuộc về bản chất con người mình thì mình không thể chối bỏ. Thật ra, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Công nghệ Thông tin ở Nhật Bản, tôi trở về Việt Nam và không chọn con đường nghiên cứu khoa học ngay. Lúc đó, tôi thấy thời gian mình đi học đã quá dài rồi. Tính đến khi lấy xong bằng thạc sĩ, quãng thời gian tôi miệt mài và tập trung cao độ cho việc học hơn 10 năm. Thời đi học tôi toàn tâm cho việc học đến mức suốt mấy năm cấp ba chỉ mong được một giấc ngủ thật thoải mái. Vì vậy, sau khi về nước, tôi đã đi làm ở doanh nghiệp. Lúc đó tôi nghĩ mình thích đi làm hơn. Nhưng đúng là cái gì thuộc về bản năng của mình, không sớm thì muộn, mình sẽ nhận ra thôi. Chỉ sau 6 tháng, tôi nhận ra là mình không hợp với môi trường kinh doanh. Khi làm trong môi trường doanh nghiệp, mình bị ràng buộc và chịu áp lực bởi lợi nhuận. Trong khi đó, làm nghiên cứu thì không như thế. Nghiên cứu thường đi trước thị trường tầm 10 năm. Những thứ mình nghiên cứu bây giờ không tạo ra lợi nhuận ngay lập tức. Kết quả vì vậy không cân đong đo đếm trực tiếp bằng giá trị tiền bạc. 

Tôi về Bách khoa Hà Nội làm giảng viên và nghiên cứu khoa học từ đó đến giờ. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc với công việc hiện tại của mình. Ngoài nghiên cứu, tôi còn giảng dạy. Sinh viên Bách khoa không những giỏi mà thái độ học tập rất nghiêm túc. Còn gì tuyệt vời bằng việc được truyền cảm hứng và kiến thức cho những con người sáng dạ và yêu thích học hành. Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đại học khoa học, kỹ thuật có quy mô đào tạo lớn nhất Việt Nam nên tôi có cơ hội tiếp cận và tác động đến một số lượng lớn người trẻ. Niềm vui của nghề giáo là thấy học trò của mình tiến bộ và trưởng thành từng ngày. Đây không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn truyền cho sinh viên niềm đam mê học thuật, năng lực khám phá tìm tòi, thái độ làm việc nghiêm túc và ý chí kiên trì theo đuổi mục tiêu. 

Phóng viên: Chị có thể kể về lĩnh vực mà chị nghiên cứu chuyên sâu được không? Hiện chị đang theo đuổi dự án nào?

Nguyễn Phi Lê: Tôi nghiên cứu các giao thức ở trong mạng, cụ thể là mạng cảm biến không dây. Ngoài ứng dụng trong nhà thông minh, công nghệ mạng cảm biến không dây còn có  rất nhiều ứng dụng như xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai cháy rừng hoặc động đất, sóng thần. Ví dụ để theo dõi cháy rừng, ta rải các con cảm biến đo nhiệt độ và độ ẩm. Các con cảm biến sau đó truyền thông tin về trạm xử lý trung tâm để phân tích và phán đoán khả năng xảy ra cháy rừng ở từng điểm cục bộ.

Trong lĩnh vực hẹp của tôi, hiện chưa có nghiên cứu nào của Việt Nam tạo được tiếng vang trên thế giới nên tôi luôn ấp ủ xây dựng được một nhóm nghiên cứu mạnh với những nghiên cứu được công bố trên các tạp chí uy tín, hội thảo lớn thế giới. Làm sao để người ta khi nói đến lĩnh vực này, nhóm chúng tôi cũng được nhắc đến như là một trong những nhóm nghiên cứu có tầm ảnh hưởng trên thế giới. 

Tôi luôn nung nấu thực hiện dự án kết hợp giữa lý thuyết và thực nghiệm. Từ trước đến giờ, tôi chưa có điều kiện để tiến hành thực nghiệm nhiều chủ yếu vì lý do tài chính. Nhưng tôi và các cộng sự vừa nhận tài trợ từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup để xây dựng Hệ thống di động quan trắc và dự đoán chất lượng không khí ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo. Đây là cơ hội để chúng tôi có thể triển khai và hoàn thiện một hệ thống toàn diện từ phần cứng đến phần mềm. Chúng tôi sẽ dùng các con cảm biến đo các thông số như chỉ số bụi mịn PM 2.5, nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ khí NO2, CO2. Thông tin sau đó sẽ được gửi về hệ thống server để xử lý. Trong dự án này, chúng tôi không chỉ nghiên cứu các giao thức truyền tin sao cho hiệu quả nhất mà còn dùng công nghệ AI để phân tích và đưa ra dự đoán chất lượng không khí trong một tuần ở nội đô Hà Nội và những vùng lân cận. 

Phóng viên: Hiện có nhiều tổ chức đo lường và cập nhật nhanh chóng về tình hình không khí theo từng khu vực. Vậy dự án của nhóm chị có điểm gì khác biệt?

Nguyễn Phi Lê: Chất lượng không khí ở Hà Nội hiện được đo qua các trạm quan trắc môi trường cố định. Hà Nội có khoảng 50 trạm như vậy. Nhược điểm của những trạm này là chỉ đo được chính xác chất lượng không khí ở những nơi nhất định do bị hạn chế bởi phạm vi và mật độ đặt các trạm. Chưa kể mỗi trạm như thế ngốn nhiều chi phí lắp đặt và vận hành. Dự án của nhóm chúng tôi khắc phục vấn đề đó bằng cách đặt các cảm biến nhỏ gọn, chi phí thấp trên xe bus. Ví dụ khi một chiếc xe bus di chuyển từ ga Hà Nội xuống Hà Đông thì hệ thống sẽ thu thập được số liệu về chất lượng không khí trên một diện rộng từ ga Hà Nội đến Hà Đông. Chúng tôi dự tính đặt 30 con cảm biến trên 30 tuyến xe bus để thu thập thông tin về chất lượng không khí trong toàn thành phố Hà Nội. Đối với những vùng lân cận Hà Nội, chúng tôi dựa vào số liệu thu thập được ở những nơi có xe bus đi qua và dùng AI để phán đoán. 

Chưa có một quốc gia nào trên thế giới xây dựng một hệ thống như vậy. Chúng tôi là nhóm đầu tiên đề xuất một hệ thống tổng thể và vạch ra các bài toán chi tiết trong hệ thống tổng thể đó. Trong dự án này, chúng tôi sẽ giải quyết hàng loạt bài toán con bao gồm làm sao xây dựng mạng truyền tin hiệu quả và ổn định; hiệu chỉnh dữ liệu như thế nào cho chính xác nhất bởi khi xe bus di chuyển sẽ gây ra nhiều thông tin nhiễu; dùng AI để dự đoán cho các vùng lân cận thế nào.  

Phóng viên: Tại sao chị lại chọn đề tài này?

Nguyễn Phi Lê: Hồi tôi nghiên cứu ở Nhật Bản, điều tôi thích nhất là môi trường sống ở đó, bầu trời lúc nào cũng xanh ngắt và trong lành. Đến khi về Hà Nội, tôi thấy số ngày trời Hà Nội trong xanh không nhiều. Hôm nào ngẩng mặt lên thấy trời xanh, mình cảm thấy rất vui. Biết mẹ yêu màu trời xanh, con trai hôm nào thấy trời xanh cũng reo lên: “Mẹ nhìn trời kìa!” Trước khi thực hiện dự án này, tôi đã ngẫm nghĩ rất kỹ và liệt kê tất cả các vấn đề hiện nay ở Việt Nam rồi xem khả năng của mình có thể giải quyết được gì. Cuối cùng tôi chọn vấn đề khiến mình luôn trăn trở bấy lâu nay. 

Phóng viên: Chị kỳ vọng dự án sẽ có tác động như thế nào?

Nguyễn Phi Lê: Việc mình làm chỉ là bước đầu và có tính chất cung cấp thông tin cho người dân. Người dân có quyền tiếp cận thông tin và biết chất lượng không khí nơi họ đang sống thế nào. Điều đó như là hồi chuông cảnh tỉnh với mỗi cá nhân, với các cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách. Từ đó chúng ta nâng cao ý thức và biện pháp bảo vệ môi trường. 

Dự án sẽ cung cấp một ứng dụng trên di động và một trang web để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng một thư viện các công cụ phân tích dữ liệu để cho các nhà nghiên cứu hay các cơ quan quản lý môi trường như Cục Khí tượng Thủy văn sử dụng và làm việc với dữ liệu của họ. Thực ra các công nghệ mà chúng tôi đề xuất trong dự án này không chỉ được áp dụng trong hệ thống quan trắc không khí mà còn có thể dùng trong nhiều bài toán khác như cảnh báo lũ lụt sạt lở. 

Phóng viên: Theo chị, người làm khoa học ở Việt Nam gặp những khó khăn gì?

Nguyễn Phi Lê: Môi trường nghiên cứu của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Cái khó là làm sao giữ được nhiệt huyết, đam mê; đồng thời làm sao tìm và tập hợp được những người cùng chí hướng và đam mê với mình. Không ai có thể làm nghiên cứu một mình. Nghiên cứu cần cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau. Người làm khoa học cần môi trường để phát triển như cá cần nước vậy.

Sau khi hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ, tôi được giáo sư Nhật giới thiệu làm giảng viên tại một trường đại học ở Osaka. Tôi đã từ chối và quay về Bách khoa Hà Nội chủ yếu vì lý do gia đình. Nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định đó. Môi trường làm việc và nghiên cứu ở Bách khoa Hà Nội ngày càng tốt lên. Đặc biệt lĩnh vực của tôi còn mới mẻ ở Việt Nam, nghĩa là tôi còn nhiều đất để vùng vẫy, nhiều cơ hội để thử cái mới. Ngành của tôi không đòi hỏi đầu tư quá nhiều vào máy móc hiện đại. Chỉ cần máy tính, dù ở bất cứ đâu, tôi vẫn có thể làm việc được, nghiên cứu được. Hơn nữa, tôi vẫn kết nối với các nhà khoa học cùng ngành trên khắp thế giới để cập nhật kiến thức nên không bị đứt quãng trong nghiên cứu sau khi trở về Việt Nam.

Phóng viên: Tính cho đến nay, chị vẫn là nữ sinh duy nhất của trường chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa từng đoạt huy chương Olympic Toán Quốc tế. Thống kê cho thấy số lượng phụ nữ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ thấp hơn nhiều so với nam giới. Có nhiều nguyên nhân nhưng các nghiên cứu đều chỉ ra một nguyên nhân do định kiến xã hội về giới. Chị có thấy sự bất bình đẳng này không? Nếu có, chúng ta cần làm gì để thay đổi? 

Nguyễn Phi Lê: Chồng tôi luôn ủng hộ tôi phát triển sự nghiệp. Hồi tôi quay lại Nhật làm tiến sĩ, chồng tôi đã ở nhà chăm sóc, đưa đón và dạy các con học. Hiện chồng tôi vẫn tiếp tục cáng đáng hầu hết việc chăm sóc các con do công việc của tôi quá bận. Còn trong môi trường làm việc tại Bách khoa Hà Nội, tôi không thấy có sự phân biệt giữa nam và nữ. Tuy nhiên, đúng là trên thực tế, có một định kiến ngầm trong xã hội chúng ta là đàn ông đương nhiên được ưu tiên hơn phụ nữ trong việc phát triển sự nghiệp. Nếp nghĩ đó ăn sâu đến mức bản thân phụ nữ cũng mặc định rằng với đàn ông, sự nghiệp quan trọng hơn, còn phụ nữ có cũng được, không cũng không sao. Ví dụ một người phụ nữ sẵn sàng bỏ việc ở nhà chăm con để chồng đi học hoặc làm việc ở nước ngoài 5-7 năm. Xã hội không thấy có vấn đề gì. Nhưng nếu ngược lại, nó lại trở thành vấn đề. Ví dụ khi tôi quay lại Nhật nghiên cứu tiến sĩ, trong ba năm đó, chồng tôi ở nhà và chăm sóc các con. Tất cả mọi người, từ họ hàng đến bạn bè, đều ồ lên trong thán phục, tán dương và ngưỡng mộ. Trong khi đó, có hàng nghìn người phụ nữ sẵn sàng làm điều tương tự thì ai cũng coi đó là điều hiển nhiên. Thực ra bất bình đẳng giới không phải cứ thể hiện ra bằng hành động cụ thể như hạn chế tuyển sinh viên nữ hoặc ưu tiên cho lao động nam. Mà bất bình đẳng giới thể hiện trong lối suy nghĩ của chúng ta một cách tinh vi, thậm chí chính chúng ta không nhận thức được.

Phóng viên: Vậy làm thế nào để tăng số lượng sinh viên nữ trong ngành khoa học, kỹ thuật nhắm đến một tương lai có nhiều nhà khoa học nữ hơn?

Nguyễn Phi Lê: Dù nam hay nữ, làm khoa học đều được mà. Tại sao chúng ta phải chạy đua về số lượng? Có những sinh viên nữ, mà theo quan sát của tôi, rất có tố chất làm nghiên cứu khoa học, nếu đi theo con đường khoa học thì khả năng thành công sẽ cao. Nhưng tôi chỉ hướng dẫn và đưa ra lời khuyên mang tính tham khảo. Tôi không ép buộc vì tôi hiểu rằng kể cả mình thuyết phục được sinh viên nữ đó theo khoa học thì bạn đó sẽ luôn băn khoăn về những lựa chọn khác, khó toàn tâm toàn ý với việc nghiên cứu. Tôi nghĩ cách tốt nhất để giúp một người là hỗ trợ họ đạt được mong ước của họ chứ không phải là uốn họ theo mong muốn của ta.

Tùy vào khả năng mỗi người, không phải ai cũng mơ những giấc mơ lớn. Có người thích công việc ổn định. Có người lại thích nghiên cứu. Có người muốn làm start-up. Nhưng tôi luôn khuyến khích sinh viên nếu có thể, hãy đi học tiếp, đi du học để mở rộng tầm nhìn, để có trải nghiệm phong phú. Không ngừng học hỏi giúp chúng ta đào sâu kiến thức và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Lúc đó, cơ hội sẽ rộng mở hơn và bạn sẽ có tự do để lựa chọn cuộc sống mà bạn muốn. 

Phóng viên: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê là giảng viên tại bộ môn Công nghệ Phần mềm, viện Công nghệ thông tin và truyền thông. TS. Lê nhận bằng Kỹ sư và Thạc sỹ Công nghệ thông tin tại trường Đại học Tokyo, Nhật Bản vào các năm 2007, 2010. TS Lê tốt nghiệp Tiến sỹ nghành Tin học tại Viện Tin học Nhật Bản, năm 2019. Lĩnh vực nghiên cứu của TS. Lê bao gồm các vấn đề trong mạng internet vạn vật, mạng cảm biến, mạng MEC, Tối ưu hoá giao thức mạng, Tối ưu hoá việc triển khai mạng, Quản lý tài nguyên mạng.

Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê từng là sinh viên xuất sắc nhất viện Tin học Nhật Bản năm học 2018 đồng thời giành giải thưởng tại cuộc thi sáng tạo ý tưởng cho mạng SINET Nhật Bản năm 2018. Tiến sĩ có bài báo xuất sắc nhất tại hội nghị ISSINP 2015 và bài báo xuất sắc nhất tại hội nghị SoICT 2015.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here