Hành trình vươn ra thế giới của thủ khoa Bách khoa Hà Nội năm 2020

0
8862
Nguyễn Tiến Hoàng là thủ khoa tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020. Ảnh: Hạnh Phạm.

Nguyễn Tiến Hoàng tốt nghiệp thủ khoa một trong những trường đại học tốt nhất Việt Nam dù trước cậu, không có ai trong gia đình từng học đại học. 

Chiều Chủ nhật đầu thu nắng vàng, một gia đình ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, quây quần bên mâm cỗ, rộn ràng trong tiếng cười nói và niềm hạnh phúc không thể che giấu. Cậu con cả của gia đình, Nguyễn Tiến Hoàng, vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm trung bình tích lũy gần tuyệt đối – 3,9 trên thang điểm 4. Đặc biệt hơn, Hoàng là người đầu tiên trong nhà học lên đến đại học. 

Nguyễn Tiến Hoàng, thủ khoa tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội năm 2020 (thứ hai từ phải sang), tại Lễ Bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Cậu con trai của những lời hứa

Cách đây 5 năm, trên đường chở con trai đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông – kỳ thi quyết định con đường vào đại học, cô Nguyễn Thị Thuận, một công nhân may mặc, không thể tưởng tượng một ngày con trai mình sẽ trở thành sinh viên xuất sắc nhất của một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam và có cơ hội nghiên cứu tiến sĩ ở nước ngoài. 

 “Thành công của Hoàng ngày hôm nay là một quá trình phấn đấu không ngừng”, mẹ Hoàng khẳng định con trai không phải là người thông minh xuất chúng từ nhỏ, càng không phải là học sinh có thành tích nổi bật khiến thầy cô chú ý hay bạn bè ngưỡng mộ. 

Khi vào cấp ba, Hoàng chỉ là một cậu bé “nhút nhát, rụt rè, ít nói và ngại va chạm”, theo miêu tả của mẹ. Tất cả thay đổi sau điểm hai kiểm tra miệng môn Tin học cuối kỳ một năm lớp 10. Hoàng nhớ như in cảm giác xấu hổ trước bạn bè nhưng hơn cả là cảm giác thất vọng về bản thân. “Điểm hai đó thay đổi tôi hoàn toàn. Tôi tự nhủ sẽ không để bản thân một lần nữa trải qua cảm giác hối hận vì mình đã không cố gắng hết sức,” Hoàng nói.

Từ đó, việc học trở thành một thử thách để cậu bé 15 tuổi chứng minh quan điểm sống “Người ta không hối tiếc về sai lầm mà chỉ hối tiếc về những thứ họ đã không làm”. Hoàng bắt đầu lên kế hoạch, đặt mục tiêu và tìm kiếm phương pháp học. Dù trầm tính và khép kín, trong học tập, Hoàng bỗng biến thành người “rất cá tính và quả quyết”, mẹ cậu chia sẻ con trai sẵn sàng bảo vệ ý kiến của bản thân, không lùi bước trước áp lực đám đông và không dễ dàng tuân phục theo “cái bóng” của thầy cô.  

Bố mẹ Hoàng quen dần với việc tỉnh dậy vào lúc 2-3h sáng để giục con đi nghỉ và chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Con làm xong bài mới ngủ”. Chia nhỏ mục tiêu và kiên trì hoàn thành từng mục tiêu là cách Hoàng cải thiện thành tích học tập. Từ một học sinh khá năm lớp 10, Hoàng hứa với mẹ sẽ vươn lên nhóm 5 người giỏi nhất lớp rồi lần lượt vượt qua ba người đứng đầu. Đến khi tốt nghiệp cấp ba, Hoàng là học sinh xuất sắc nhất lớp và đứng thứ 8 toàn trường.

Nguyễn Tiến Hoàng đứng tại quảng trường C1, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hạnh Phạm.

Tuy nhiên, hành trình mới chỉ bắt đầu. “Cả nhà vô cùng tự hào vì Hoàng là người đầu tiên trong gia đình vào đại học. Nhưng lúc đó, hai vợ chồng vừa mừng vừa lo”, cô Thuận nhớ lại. Tổng thu nhập mỗi tháng để nuôi cả gia đình 6 người chỉ khoảng 8 triệu. Học phí đại học thực sự trở thành một gánh nặng.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2018 của Oxfarm, đa số người dân Việt Nam với nền tảng kinh tế – xã hội khác nhau đều kỳ vọng đầu tư vào giáo dục có thể giúp con cái có cuộc sống tốt hơn bố mẹ. Thống kê quốc gia đã chứng minh trình độ học vấn là yếu tố hàng đầu giúp thúc đẩy dịch chuyển thu nhập. Trong giai đoạn 2010-2014, 23% hộ gia đình có chủ hộ tốt nghiệp giáo dục sau trung học phổ thông đã chuyển dịch từ nhóm 40% thu nhập thấp nhất lên các nhóm thu nhập cao hơn. Trong khi với hộ gia đình có chủ hộ tốt nghiệp tiểu học, tỷ lệ này chỉ là 8%.

Hiểu tầm quan trọng của việc con trai phải lên Hà Nội học đại học. Cô Thuận quyết tâm bằng mọi cách kiếm tiền nên tính đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Tuy nhiên, vào phút chót cô phải nhượng bộ vì một câu nói của con trai. “Em còn nhỏ nên cần sự chăm sóc của mẹ. Con sẽ có cách xoay sở,” Hoàng một lần nữa hứa với mẹ. 

Hiểu tình hình kinh tế của gia đình và thấm nỗi vất vả của bố mẹ, Hoàng chuẩn bị cho mình một kế hoạch rõ ràng ngay khi bước qua cổng Parabol của Đại học Bách khoa Hà Nội. Đó là cố gắng giành học bổng để bù vào học phí. Nhờ có học bổng suốt 5 năm học, cậu không những có thể tự đóng tiền học mà còn dư một chút để phụ giúp gia đình. 

Cô Thuận nói con trai mình chưa bao giờ thất hứa. 

‘Nếu học vì điểm thì không thể tốt nghiệp thủ khoa Bách khoa Hà Nội’

“Trong môi trường Bách khoa Hà Nội, chủ động tự học và tự nghiên cứu là rất quan trọng,” Hoàng nhận xét khối lượng kiến thức nhiều và sâu. Ngoài ra, nhằm khuyến kích tư duy độc lập ở sinh viên, giảng viên Bách khoa Hà Nội giữ vai trò hướng dẫn và gợi mở kiến thức. Điều đó thể hiện rất rõ trong các bài tập lớn. Theo đó, giảng viên giao đề tài cho các nhóm tự tìm tài liệu, tự nghiên cứu, tự giải quyết các vấn đề phát sinh. Hàng tuần, sinh viên chỉ gặp giảng viên một lần để báo cáo tiến độ, thảo luận, phản biện và nhận tư vấn. 

“Cách học ở Bách khoa Hà Nội khiến tôi trưởng thành lên từng ngày”, Hoàng thấy mình tự tin hơn, tư duy tốt hơn và tầm nhìn rộng hơn. Hoàng cho biết cậu luôn lên mục tiêu rõ ràng cho từng kỳ học và với từng môn học. Trước khi học, Hoàng thường tìm hiểu mục đích của môn học, ứng dụng thực tế của môn học đó và liên hệ kiến thức với các môn khác hoặc ngành khác. Theo Hoàng, học có nhiều mức, mức thấp nhấp là học nhớ, cao hơn là học hiểu, khi hiểu mới có thể vận dụng và cuối cùng mức cao nhất là sáng tạo. “Tôi luôn hướng tới mức học để có thể sáng tạo,” Hoàng nói.

Đại học Bách khoa Hà Nội đã dạy Hoàng cách vượt qua giới hạn của bản thân, phá vỡ vòng an toàn và dám nghĩ lớn. Cậu kể về bài tập nghiên cứu sử dụng mạng nơ-ron để nhận dạng đối tượng thay đổi theo thời gian. Công nghệ này có thể áp dụng để nhận dạng khuôn mặt con người. Dự án đầu tiên, Hoàng được làm từ đầu đến cuối, từ ý tưởng cho đến lúc hoàn thiện lý thuyết mà không dập khuôn hay bắt chước những cái mà người ta đã làm. Với một sinh viên “còn non yếu về kiến thức”, như Hoàng tự nhận, đó là một thành công có ý nghĩa lay chuyển đến tận gốc rễ thế giới quan. 

Hoàng nói sau 5 năm học ở Bách khoa, cậu rút ra kinh nghiệm: Con đường ngắn nhất để đến thành công là chấp nhận và đương đầu với khó khăn. Theo cậu, càng lảng tránh bằng cách chọn làm những thứ dễ dàng, con đường đi sẽ càng lòng vòng. Chi bằng hãy dũng cảm đối diện với thử thách. 

“Nếu học chỉ vì điểm thì tôi không thể tốt nghiệp thủ khoa Bách khoa Hà Nội,” Nguyễn Tiến Hoàng khẳng định điểm số không phải là đích đến mà những trải nghiệm ở Bách khoa mới là “điều đáng quý.”

Bách khoa Hà Nội – cánh cửa bước ra thế giới

“Hoàng là một người cực kỳ thông minh. Trong suốt hơn 10 năm đi dạy, tôi chưa từng gặp một sinh viên nào khiến tôi cảm thấy nể như vậy,” Tiến sĩ Vũ Thị Thúy Nga, giảng viên ngành Điều khiển Tự động, Viện Điện, Bách khoa Hà Nội, nói qua điện thoại. 

Hoàng nhiều lần được giao những vấn đề hóc búa mà “các sinh viên khóa trên không giải quyết được,” Tiến sĩ Nga, người đầu tiên hướng cho Hoàng theo con đường nghiên cứu khoa học, nhớ lại. “Vậy mà cậu ấy đã giải quyết vấn đề một cách gọn gàng, trong một thời gian ngắn.”

Theo Hoàng, không phải sự thông minh mà lòng kiên trì mới là yếu tố quyết định. Năm đầu tiên làm dự án nghiên cứu với Tiến sĩ Nga, Hoàng kể rằng nhóm cậu thất bại liên tiếp. Nhiều sinh viên làm chung trong phòng thí nghiệm lần lượt bỏ cuộc. “Có những lúc nản đến mức cảm giác như chỉ cần thất bại thêm một lần nữa thôi, tôi sẽ từ bỏ,” Hoàng kể. Nhưng cậu đã kiên trì qua hết thất bại này đến thất bại khác để cùng cả nhóm đi đến thành công cuối cùng là một bài báo đăng trên Tạp chí Tự động hóa Ngày nay

Bách khoa Hà Nội luôn khuyến khích sinh viên tự do phát triển, như một giá trị cốt lõi mà Nhà trường tuyên bố với công chúng. Tại Bách khoa Hà Nội, một sinh viên ngành kỹ thuật vật liệu hoàn toàn có thể tham gia nghiên cứu về cơ khí hay một sinh viên ngành Toán ứng dụng dễ dàng tìm thấy cơ hội làm dự án với giảng viên ngành công nghệ thông tin nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo hoặc xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Trong môi trường học thuật và nghiên cứu đa ngành cởi mở này, Hoàng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội học hỏi từ các thầy cô. Tiến sĩ Nga hiểu điều đó và đánh giá cao sự thành thật của Hoàng khi cậu xin dừng làm việc với mình để theo một giảng viên khác. “Ngoài tố chất thông minh, Hoàng là người khiêm tốn, lao động với thái độ nghiêm túc và sống rất chân thành với mọi người xung quanh,” Tiến sĩ Nga nhận xét. 

Nguyễn Tiến Hoàng (thứ nhất từ trái sang) tham dự chương trình KAIST EE Camp ở Hàn Quốc, tháng 8/2019. Ảnh: NVCC.

Năm 2019, Hoàng giành giải ba “Science Hackathon” tại Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 7 tổ chức ở Quy Nhơn. “Khi trở về, có điều gì đó rất khác ở bạn ấy”, Nguyễn Trọng Tuấn, bạn cùng khóa, nhận xét. Đó là lần đầu tiên Hoàng bước ra khỏi Bách khoa Hà Nội để gặp gỡ những người cùng niềm đam mê khoa học. 

Chỉ một tháng sau, Hoàng tiếp tục nhận được suất tham dự trại hè tại KAIST, trường đại học đầu tiên của Hàn Quốc chuyên sâu về nghiên cứu khoa học ở bậc sau đại học. Trải nghiệm tại một quốc gia hàng đầu về khoa học, kỹ thuật ở châu Á ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan của Hoàng. “Tôi như một con ếch vừa nhảy ra khỏi miệng giếng được tận mắt thấy thế giới đã đi trước và đi xa thế nào,” cậu sinh viên năm cuối bắt đầu nuôi ước mơ đi ra thế giới. 

Sau tốt nghiệp, hiện Hoàng chuẩn bị ra nước ngoài nghiên cứu về hệ thống điện lưới thông minh. “Hồi nhỏ, mỗi lần xưởng may ngừng hoạt động do bị cắt điện luân phiên, bố tôi mất một ngày lương, gia đình mất thu nhập,” Hoàng nói về lý do cá nhân khi lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu. Sản lượng điện thiếu hụt của Việt Nam đến năm 2023 có thể lên đến 15 tỉ kWh tương ứng 5% nhu cầu của cả nước, theo tính toán của Bộ Công thương. Hệ thống điện lưới thông minh là một giải pháp giúp Việt Nam bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

Ngoài ra, Hoàng cho rằng hiện nay Việt Nam còn thiếu các nhà khoa học. Theo thống kê trong giai đoạn 1996-2019 của SCImago Journal Rank, Việt Nam đứng thứ 58 thế giới, xếp sau các nước trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, về năng suất làm việc của các nhà khoa học và sức ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu đến cộng đồng khoa học quốc tế. “Được làm việc trong môi trường quốc tế là cách nhanh nhất để những nhà khoa học trẻ mở rộng tầm nhìn và kiến thức,” Hoàng nói về kế hoạch “bơi ra biển lớn”.

Cách đây 5 năm, trên đường đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Tiến Hoàng, ngồi sau xe mẹ, thủ thỉ: “Mai này, nhất định con sẽ thay bố mẹ nuôi em học đại học.” Giờ đây, lời hứa năm nào đã trở thành điều nằm trong tầm tay của cựu sinh viên Bách khoa vừa được một trường đại học Hàn Quốc đề nghị trao học bổng học thạc sĩ và tiến sĩ. 

Hạnh Phạm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here