Ngành in ấn đang từng bước thay đổi trong mấy thập kỷ qua với hệ thống thiết bị tiên tiến, chất lượng cải thiện cùng nhiều công nghệ mới. Trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong ASEAN, nguồn nhân lực kỹ sư hiện nay không đủ để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Công nghệ số mang lại nhiều thách thức cùng cơ hội. Cùng với sự chuyển dịch chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong mùa dịch COVID-19 vừa qua, ông Hoàng Tuấn Minh, Tổng Giám đốc công ty In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam (cựu sinh viên K45 ngành Công nghệ in) cho biết các công ty trong ngành in ấn đang thiếu hụt nhân sự trình độ cao để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Theo ông, thu nhập hiện nay dành cho các kỹ sư ngành in rất cạnh tranh so với mức lương trong các ngành công nghiệp khác.
Ngành in có đang suy yếu?
Sự phát triển của công nghệ số đang thay đổi văn hoá tiêu dùng và sử dụng sản phẩm. Xu hướng chuyển đổi từ giấy lên mạng trong lĩnh vực truyền thông, báo chí đang gây khó khăn cho ngành in báo truyền thống. Theo TS. Phùng Anh Tuân, trưởng bộ môn Công nghệ in (Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐHBK Hà Nội), sản phẩm in bao bì và nhãn mác sẽ chiếm lĩnh thị trường trong thời gian gần.
Còn với góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực in giấy, báo, ông Hoàng Tuấn Minh cho biết mặc dù sản lượng báo giấy, tạp chí giảm, văn hoá đọc của người Việt đang được nâng cao, minh chứng bởi sự tăng trưởng 5-7% hàng năm của thị trường sách.
Bên cạnh đó, COVID-19 đầu năm nay gây nhiều ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp, trong đó có ngành in ấn. Tuy nhiên, làn sóng nhà máy nước ngoài chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam trong thời gian này tăng nguồn cung đối với các sản phẩm in phụ trợ (như cuốn hướng dẫn sử dụng, brochure…), tác động tích cực lớn đối với ngành in ấn trong nước.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông (năm 2020), ngành in có doanh thu năm 2019 vào khoảng 97 nghìn tỷ đồng (1% GDP của cả nước), lợi nhuận của ngành khoảng 11% với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng năm 5 – 6 %/năm.
Với vị thế thứ 12 ở Châu Á và thứ 6 ở Đông Nam Á, Việt Nam được coi là một mảnh đất màu mỡ cho ngành công nghiệp này. Đây là ngành còn rất nhiều tiềm năng phát triển và mang lại lợi nhuận cao.
TS. Phùng Anh Tuân cũng cho rằng bản thân ngành in trong nước cũng đang tự thân vận động để phù hợp và bắt kịp với xu hướng công nghệ. Công nghệ in kỹ thuật số (Digital Printing) xuất hiện bên cạnh những công nghệ in truyền thống trước đây. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện được các hợp đồng in gia công cho nước ngoài với chất lượng kỹ thuật in đa dạng, phức tạp, yêu cầu trình độ cao.
Theo trưởng bộ môn Công nghệ in của trường ĐHBK Hà Nội, các xưởng in, nhà máy in đang dần áp dụng quy trình in thông minh và tự động hoá sản xuất, thiết lập các quy trình sản xuất tự động với các hệ thống thiết bị tích hợp. Hiệu chỉnh và quản lý màu, chất lượng cũng sẽ hoạt động bằng hệ thống tiêu chuẩn tự động.
Nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao khan hiếm
Báo cáo của Cục Xuất bản đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực đào tạo của ngành in vào khoảng 2200-2500 người/năm, trong đó nhu cầu kỹ sư khoảng 200 người/năm. Số lượng kỹ sư công nghệ in được đào tạo hàng năm vẫn còn rất khiêm tốn.
Tổng Giám đốc Hoàng Tuấn Minh cho biết, trước kia một nhà máy chỉ cần 1-2 kỹ sư để vận hành, thì nay số lượng kỹ sư 15 người không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Trong khi đó, các khách hàng nước ngoài có yêu cầu chặt chẽ với quy trình quản lý máy móc và kiểm định chất lượng – công việc đòi hỏi kiến thức và chuyên môn nhất định.
Cũng theo ông Hoàng Tuấn Minh, mức lương cho kỹ sư của ngành công nghệ in là rất cạnh tranh, cao gấp 1,5 – 3 lần so với thu nhập bình quân. Một kỹ sư mới ra trường có thể nhận mức lương khởi điểm từ 8 – 10 triệu.
Hiện nay, trường ĐHBK Hà Nội là trường đại học duy nhất trên miền Bắc đào tạo Kỹ sư Công nghệ in, với chỉ tiêu hàng năm là 30 sinh viên. Trên thực tế, phần lớn lãnh đạo quản lý của các nhà máy, doanh nghiệp in tại phía Bắc đều là cựu sinh viên của Bộ môn Công nghệ in của Bách khoa Hà Nội.
Các sinh viên Công nghệ in sẽ được trang bị các kiến thức chuyên môn về màu sắc, thiết kế đồ hoạ, chế bản điện tử, các kỹ thuật in truyền thống, kỹ thuật in số, hoàn thiện sản phẩm, thiết kế và sản xuất bao bì, quản lý chất lượng sản phẩm in, cũng như các kỹ năng mềm cần thiết.
Trong quá trình học, sinh viên có 3 lần thực tập bao gồm thực tập nhập môn, thực tập kỹ thuật và thực tập tốt nghiệp. Ngoài ra, nếu sinh viên có nguyện vọng doanh nghiệp có thể hỗ trợ làm việc part time (có trả lương) từ năm thứ 4. Hiện tại bộ môn Công nghệ in, Viện Kỹ thuật Hoá học có hợp tác với nhiều trường cùng đào tạo ngành in ở nước ngoài như ĐH Hamburg (Đức), ĐH Chulalonkong (Thái lan), Viện công nghệ Rochester (RIT), hiệp hội doanh nghiệp in ở Nhật Bản. Sinh viên sau tốt nghiệp có thể tiếp tục học hoặc làm kỹ thuật viên ở nước ngoài. |
Thu Hà