Dấu ấn vị hiệu trưởng tài hoa của ĐH Bách khoa Hà Nội

0
1835
GS. Tạ Quang Bửu - "Người thầy của những người thầy"

GS. Tạ Quang Bửu là cái tên đã gắn liền với gần 7 thập kỷ hình thành và phát triển của trường đại học kỹ thuật đầu tiên của đất nước. Ông không chỉ là Hiệu trưởng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 1956-1961 mà còn được nhớ tới với tên gọi thân thương “Người thầy của những người thầy”.

 Bách khoa Hà Nội có Thư viện Tạ Quang Bửu

Thư viện Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội được thành lập từ năm 1956 (ngay sau ngày thành lập trường). Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Thư viện đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – khoa học – kỹ thuật của đất nước.

Năm 2006, tòa nhà Thư viện khánh thành và đi vào hoạt động, lấy tên là Thư viện Tạ Quang Bửu và là một trong những Thư viện lớn nhất trong hệ thống thư viện đại học ở Việt Nam, với vốn tài liệu khoa học kỹ thuật đa dạng về loại hình và lĩnh vực. “Thư viện là kho tàng chứa tất cả tinh thần và của cải của loài người”.

Thư viện Tạ Quang Bửu – ĐH Bách khoa Hà Nội

Đánh giá về tài năng, đức độ và sự cống hiến của GS. Tạ Quang Bửu, năm 2010 khi kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Tạ Quang Bửu (23/7/1910-23/7/2010) tại thư viện mang tên ông, giới nghiên cứu nước nhà đều khẳng định đó là: “Nhà khoa học, nhà Toán học xuất chúng”, “Nhà quản lý giáo dục có tầm nhìn chiến lược”, “Người có những cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực quân sự”, “người đi đầu trong cải cách dân chủ nước nhà”, “Nhà khoa học lớn, nhà trí thức tiêu biểu”… Đối với họ – lớp cán bộ giảng dạy đầu tiên của trường “GS. Tạ Quang Bửu, là Thủ trưởng, là người thầy của nhiều thế hệ thầy cô giáo, là người có công rất lớn trong việc xác định những định hướng ban đầu xây dựng và phát triển lâu dài của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sau này”.

Bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Tạ Quang Bửu. Ảnh: TTXVN

Hoài bão lớn

GS. Tạ Quang Bửu (1910-1986) sinh ra và lớn lên tại làng Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cha là cụ cử nhân nho học Tạ Quang Diễm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đào (tức nữ sĩ Sầm Phố). Năm 1929, chàng trai họ Tạ sau khi đỗ đầu tú tài bản xứ thì được nhận học bổng “Như Tây Du học” sang Pháp học, thi đậu vào trường Centrale (A) Paris. Ông học Toán ở các trường đại học ở Paris, Bordeaux (Pháp), Oxford (Anh) từ 1929 đến 1934.

Cho tới năm 1934 khi trở về nước, ông từ chối lời mời của Chính phủ Nam Triều ra làm quan, mà đi theo nghề dạy học. Ông dạy Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh và một số môn Khoa học tự nhiên khác nhờ việc tự mày mò tự nghiên cứu tại Trường tư thục Phú Xuân, sau đó là Trường Providance (Thiên Hựu) ở Huế.

Tháng 8/1945 ông cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng, giữ chức Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong chính phủ lâm thời. Sau đó chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1965 đến 1976 ông được giao làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Các đồng chí từ trái qua: Phan Anh, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiến, Tạ Quang Bửu tại Bảo Biên, Định Hóa, Thái Nguyên năm 1947.

“Cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam”

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi ông là “cây cầu nối khoa học Thế giới với Việt Nam”. Ngay trong mấy năm đầu chống Pháp, ông liên tiếp cho ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách như: Thống kê thường thức, Vật lý cương yếu, Nguyên tử – Hạt nhân – Vũ trụ tuyến, và Sống. Nhà báo Hàm Châu đã không tiếc lời khi viết về những cuốn sách độc đáo này:” Ngày 6/3/1948, giữa rừng xanh Việt Bắc đã phát hành cuốn sách của GS. Tạ Quang Bửu mang tên Sống.

Tên sách thật ngắn song gợi lên bao suy nghĩ sâu xa. Hơn nửa thế kỷ sau, ngồi đọc lại cuốn sách mỏng in trên giấy dó đó, tôi ngạc nhiên nhận thấy, ngay từ dạo ấy, trên nhà sàn nơi bản vắng chiến khu, nhà thông thái của chúng ta đã có thể vận dụng những phát minh mới nhất trong vật lý lượng tử để giải thích sự sống, trình bày cấu trúc phân tử của gen, sự di truyền và biến dị, tính trội và tính lặn, các nhân tố gây đột biến như tia Rontgen, tia vũ trụ… Những ý tưởng của Plank, Dirac, Heisenberg, Schroedinger… về thế giới vi mô cũng đã được GS trình bày không đến nỗi quá sơ lược”.

Thời du học ở phương Tây, Tạ Quang Bửu không chỉ giỏi Toán mà còn giỏi Vật lý, Sinh học, Kỹ thuật điện và đặc biệt là giỏi ngoại ngữ. Thay vì chọn cách học để thi, ông chọn cách học để biết. Vì thế, ông thường bắt đầu “công phá” vào những tầng kiến thức cơ bản, hiện đại rồi từ đó bằng lối tự học thông minh và say mê, nhanh chóng phát triển sở học của mình và truyền bá kiến thức trong cộng đồng.

GS. Tạ Quang Bửu đã hoàn thành xuất sắc vai trò  Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa những năm đầu thành lập trường

Bậc thầy trên mọi lĩnh vực

Với nhãn quang chính trị sáng suốt, kiến thức văn hoá, khoa học sâu rộng, GS. Tạ Quang Bửu đã có những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp quốc phòng và ngoại giao bảo vệ Tổ quốc.

Cũng bằng tài năng và tâm huyết của mình, GS. Tạ Quang Bửu đã hoàn thành xuất sắc vai trò  Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa những năm đầu thành lập trường, người Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp có tầm nhìn xa, trông rộng, vị Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký đầu tiên của Uỷ ban Khoa học Nhà nước…

Ngày 23/7/2010, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS. Tạ Quang Bửu, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cố GS. Tạ Quang Bửu là người trợ lý đắc lực của Bác Hồ, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua khó khăn. Trong lĩnh vực giáo dục, ông là người đặt nền móng cho nền giáo dục thi cử nghiêm túc… Ông là tấm gương sáng của việc học tập suốt đời, là người thầy của nhiều nhà khoa học, là người cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung.

Nhà văn – nhà báo nổi tiếng Hàm Châu từng bày tỏ: “Tôi trân trọng ghi lại đôi điều về con người quá cố vô cùng đáng kính ấy, con người mà, khi ông còn sống, tôi đã may mắn có mối quan hệ chân tình gần gũi”. Còn GS Phan Đình Diệu đã viết tặng cố GS Tạ Quang Bửu những dòng thơ như một lời tri ân của nhiều người Việt Nam nói chung và  đặc biệt là những người con của ĐH Bách khoa Hà Nội nói riêng đối với người thầy lỗi lạc của mình: Một khối nghĩ suy, một khối tình/Nước non là đó, nọ là mình/Đã tròn một cuộc, bầu tâm huyết/Chưa thỏa đôi bề, lẽ tử sinh…

Năm 1972, Noam Chomsky – nhà bác học lớn nhất thế kỉ 20 đã sang thăm Việt Nam. Lần đầu tiên ông Chomsky nói chuyện về Toán – Ngôn ngữ, tuy nhiên hơn 10 người phiên dịch không dịch được vì nội dung quá khó.

Cuối cùng, sau một thời gian theo dõi, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu trực tiếp dịch. Ngoài ra bằng tư duy của người am hiểu Toán học, am hiểu ngôn ngữ và tinh thông ngoại ngữ, ông đích thân giảng giải cho người nghe những chỗ khó hiểu.

Khi trở về nước, ông Chomsky đã viết trên New York Times về chuyến đi Việt Nam và nhận xét: “Tôi đã đi nhiều nước, chưa ở đâu tôi gặp một Bộ trưởng thông thái đến thế”.

Hoàng Thị Hiếu (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here