Cộng đồng mạng đang rầm rộ chia sẻ đoạn video về một tiết học online của thầy giáo Nguyễn Hồng Phương – Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tiết học online mà sinh viên được xả stresss rất văn minh khi được thoải mái đánh đàn ghi-ta cover hàng loạt bản hit nổi đình nổi đám của thế hệ 8X-9X. Không ít HS, SV ao ước được một lần học với “thầy giáo triệu like” Nguyễn Hồng Phương, để được thầy phát hiện tài năng và “tạo đất” phát triển! Hỏi chuyện thầy Nguyễn Hồng Phương về lớp học online hấp dẫn, sinh động, thầy tâm huyết chia sẻ: Là một người thầy, tôi không bỏ lại sinh viên nào phía sau nếu em đó vào lớp và muốn học!
Thầy Nguyễn Hồng Phương đang dạy học online
– Xin chào thầy Hồng Phương! Sau các bài hát ngẫu hứng đậm chất lãng tử của SV trong giờ học online của thầy Phương, các SV đang háo hức truyền nhau về giờ dạy online rất hấp dẫn của thầy. Xin hỏi bí quyết gì để có giờ học online hấp dẫn SV, thưa thầy?
* Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi này. Thực ra, tôi không có bí quyết gì đặc biệt đâu. Trong quá khứ, tôi đã từng là sinh viên, như các bạn sinh viên bây giờ, tôi hiểu cảm giác và sự mong muốn, cũng như tâm sinh lý của các bạn SV. Tất nhiên, mỗi giai đoạn sẽ có những đặc điểm khác một chút. Sau này, khi ở vị trí giảng viên, tôi vẫn luôn đặt bản thân trên hai vị trí: vừa là người học, vừa là người dạy.
Giờ nghỉ thú vị trong một tiết học online của thầy Nguyễn Hồng Phương
Hình thức dạy và học online như hiện nay, còn gọi là dạy và học trực tuyến đồng bộ, có ưu và nhược điểm của nó. Ưu điểm, tất cả chúng ta đều đã thấy, đó là giúp cho việc học tập của cộng đồng không bị gián đoạn và trì hoãn bởi đại dịch, giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho cộng đồng. Về nhược điểm, hình thức dạy và học này phụ thuộc vào thiết bị, đường truyền, hệ thống phần mềm, và kỹ năng của người sử dụng hệ thống. Ngoài ra, nó làm hạn chế sự bao quát và cảm nhận của người dạy với người học, người dạy và người học không dễ tương tác với nhau, người dạy khó theo dõi hết tất cả người học – đây lại là ưu điểm của dạy và học trực diện truyền thống (face to face, viết tắt là F2F). Việc ngồi trước màn hình máy tính lâu dễ gây nhàm chán, uể oải, mệt mỏi và mất tập trung cho cả người dạy và người học. Do đó, người dạy cần chủ động dừng nghỉ thích hợp, cố gắng tăng tương tác và trao đổi với người học, xem người học tiếp thu được đến đâu. Thỉnh thoảng, thầy có thể tạo các tình huống thu hút, hấp dẫn, thay đổi bầu không khí, giúp lấy lại sự hào hứng cho học trò.
Trong quá trình giảng dạy trực tuyến này, tôi luôn cố gắng giữ nhịp độ giảng bài phù hợp, dừng nghỉ làm nhiều nhịp hơn, luôn hỏi sinh viên xem đã hiểu bài chưa, còn vấn đề nào chưa rõ không. Có sinh viên tiếp thu rất nhanh, muốn đẩy nhanh nhịp độ, nhưng cũng có sinh viên chậm hơn. Là một người thầy, tôi không bỏ lại sinh viên nào phía sau nếu em đó vào lớp và muốn học.
Học phần tôi đảm nhận có phần nội dung có thể minh họa trực tiếp cho sinh viên quan sát, để có thể tiếp thu bài giảng tốt hơn. Vì học trực tuyến, sinh viên thường được giao nhiều bài tập của nhiều môn và có khá nhiều deadline (thời hạn hoàn thành) trong một khoảng thời gian ngắn, nên tôi làm khác đi, giao ít bài tập, thường cùng sinh viên làm và chữa bài trong lúc giảng dạy, để giảm áp lực cho các em.
Bạn sinh viên vừa đàn vừa hát hai bản nhạc đó là tôi có đề nghị từ buổi trước, để lên tinh thần cho tất cả sinh viên trước khi vào lớp học. Tôi vẫn ấn tượng bạn đó học tôi một môn khác từ kì trước, lên giảng đường thường cầm theo cây đàn ghi-ta (trông đàn xịn xò phết!). Sau mới biết là bạn còn đi dạy đánh đàn ở một trung tâm ở Hà Nội, và hình như đã từng thi BK’s Got Talent và giành được giải khá cao. Theo thói quen, tôi ghi hình lại buổi học, và đưa lên kênh youtube của mình, để chia sẻ cho bạn bè cùng nghe. Khá bất ngờ, clip đó lại lan tỏa nhanh thế! Cũng thú vị!
Ngoài ra, thỉnh thoảng, những giờ giải lao, tôi vẫn chia sẻ những đoạn clip âm nhạc trẻ cho sinh viên nghe, để cho các em thư giãn, đỡ mệt mỏi. Các em, đôi khi cũng hỏi tôi những vấn đề khác không liên quan đến môn học, và có khi thầy trò cùng bàn luận về một vấn đề trải nghiệm nào đó trong cuộc sống. Khá thoải mái!
– Thường giáo viên khi dạy trực tiếp, nhìn vào ánh mắt, phản ứng của học trò để có thêm cảm hứng dạy học. Vậy với một giờ dạy học online, cá nhân thầy lấy nguồn cảm hứng dạy học từ đâu khi SV ở cách xa mình và tản mát như vậy?
* Đó là từ trách nhiệm và công việc của người thầy. Đó là cái tâm muốn học trò nhanh chóng chiếm lĩnh tri thức, vượt xa hơn thầy, rút ngắn con đường tới thành công. Sự thành đạt của học trò chính là giá trị của người thầy.
Có người nói “Người thầy vĩ đại là người truyền được cảm hứng cho học trò”. Vậy, thầy phải tự biết cách tái tạo năng lượng, cảm hứng cho bản thân, thì mới truyền lửa cho trò được chứ?
Cũng không hẳn là, dạy và học trực tuyến giáo viên không nhìn thấy sinh viên. Tôi vẫn có thể gọi sinh viên lên màn hình để nhìn mà, trông chúng nó buồn cười lắm, lém lỉnh, hài hước. Có em không muốn “hiện hình”, kêu máy tính của em không có camera! (haha)
– Dạy học online hiện được coi là giải pháp tạm thời trong mùa dịch. Vậy có bài học kinh nghiệm nào từ giải pháp tạm thời mà đến khi hết dịch, dạy học bình thường thầy có thể áp dụng không?
* Dạy và học online không chỉ là giải pháp tạm thời mà còn là giải pháp duy nhất trong giai đoạn hiện nay. Hình thức dạy học này có ưu điểm là tính phân tán về thời gian và không gian (nôm na là mọi lúc, mọi nơi). Hệ thống phần mềm cho dạy học online có ưu điểm giao bài tập, làm bài kiểm tra nhanh, ghi hình buổi giảng bài.
Sau khi hết dịch, trở lại bình thường, tôi có thể tận dụng những ưu điểm này như có thể bổ trợ cho sinh viên một số giờ học, có thể giao bài tập và kiểm soát trên hệ thống. Đương nhiên, khi trở lại dạy học bình thường, tôi cũng cần rà soát lại việc học của sinh viên và có giải pháp phù hợp, vì chất lượng đầu ra là thứ không đánh đổi.
– Dạy học ở ngôi trường gần 65 năm tuổi như ĐH Bách khoa Hà Nội có gây áp lực cho thầy giáo trẻ như thầy?
* Trong cuộc sống, mỗi người luôn phải trải qua rất nhiều vấn đề, thử thách, niềm vui, nỗi buồn. Điều đó làm nên bản lĩnh và giá trị của mỗi người. Nếu bạn cứ nhìn nhận nó dưới góc nhìn bi quan, thì đó là áp lực. Tôi công tác ở trường, đến nay, cũng gần 14 năm rồi (vẫn được coi là thầy giáo trẻ, thật tuyệt, tôi thích điều này!).
Với tôi, tất nhiên, giai đoạn đầu khi mới làm việc, có cảm giác áp lực. Sau, quen dần, không cảm thấy áp lực, mà trái lại, còn cảm thấy tự hào và vui vẻ. Thử hình dung, bạn có một công việc, được trả lương, bạn được làm công việc mà bạn yêu thích, công việc đó mang lại lợi ích vô cùng lớn cho các thế hệ sau, cho cộng đồng, vậy, nên tự hào và hạnh phúc nhỉ?
ĐHBK Hà Nội là ngôi trường khoa học kỹ thuật hàng đầu quốc gia, có bề dày lịch sử và thành tích vẻ vang, nên mỗi cán bộ nhân viên nhà trường cũng cần nỗ lực phấn đấu, chuyển mình, để sánh bước với các trường có tiếng trên thế giới. Đừng coi đó là áp lực, mà hãy coi đó là việc phải làm.
– Điểm đặc biệt nào ở SV ĐH Bách khoa Hà Nội hấp dẫn thầy nhất? Thầy có thể chia sẻ một kỷ niệm thầy nhớ nhất với SV Bách khoa?
* Sinh viên vẫn luôn là sinh viên, bao năm qua vẫn vậy. Các em khá vô tư, hồn nhiên và lắm chiêu trò, đáng yêu. Xuất phát từ học sinh tốt nghiệp phổ thông được tuyển chọn đầu vào có chất lượng tốt so với mặt bằng chung, nên sinh viên Bách Khoa có tố chất tốt. Vì là trường kỹ thuật, nên số lượng nam sinh chiếm một tỉ lệ áp đảo so với nữ sinh, nhưng những năm gần đây, tỉ lệ nữ có cải thiện hơn.
Ngoài ra, phần đông các bạn sinh viên đến từ các vùng miền, nông thôn, nên vẫn mang những nét văn hóa đó theo khi học tại trường. Điều đó rất thú vị. Song, sinh viên cũng cần phải thay đổi một chút, để thích nghi với môi trường hiện đại và năng động sau này, vì các bạn sẽ tỏa đi khắp năm châu, gia nhập thị trường lao động toàn cầu. Thay đổi để thích nghi, để tồn tại, để cống hiến, để tận hưởng.
Gần 14 năm công tác, tôi có khá nhiều kỷ niệm với sinh viên. Khoảng năm 2009-2010, tôi từng tham gia công tác Đoàn ở Viện tôi công tác. Hồi đó, Liên chi Đoàn chương trình đào tạo Việt Nhật (Hedspi) sát nhập vào Liên chi Đoàn khoa CNTT, thành Liên chi Đoàn Viện CNTT&TT, và tôi được chỉ định làm Bí thư LCĐ. Được làm việc với khá nhiều em trong ban chấp hành Đoàn – Hội, tôi được trải nghiệm, cùng các em được là chủ thể của rất nhiều hoạt động mang lại lợi ích và rèn luyện kỹ năng.
Hoạt động LCĐ giai đoạn đó rất sôi nổi, có nhiều thành tích được các cấp ghi nhận, tạo tiền đề rất tốt cho giai đoạn sau này. Tôi còn nhớ, có hôm, tầm 2-3 giờ sáng, có cậu sinh viên trong BCH gọi điện cho thầy khóc nức nở, vì cảm thấy bế tắc, không rõ thực hư câu chuyện. Hoảng quá, lỡ cậu sinh viên nghĩ không ra, làm liều thì sao? Tôi trấn tĩnh lại, kiên nhẫn nghe bạn kể lể một thôi một hồi, rồi từ từ phân giải, gỡ nút thắt. Bây giờ cậu đó đã lập gia đình, làm chủ một công ty IT ở Nhật!
Rồi có những hôm, tối về muộn vì phải chuẩn bị cho sự kiện hôm sau, bị nhà xe kéo xe đi xích lại, hôm sau tới nộp phạt lấy lại xe (haha).
Kể thế thôi nhé! Gần 14 năm nên kỷ niệm nhiều lắm!
– Xin trân trọng cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
– Được biết thầy Phương còn là người truyền cảm hứng cho rất nhiều người trong các hoạt động từ thiện. Thầy nói gì về điều này?
* Thiện và Ác là hai mặt đối lập, nhưng vẫn song hành suốt chiều dài lịch sử loài người. Muốn duy trì và phát triển một xã hội tốt đẹp, phải kiểm soát và chế ngự được cái ác, đồng thời phải khuyến khích, tôn vinh và lan tỏa cái thiện. Tôi luôn quan niệm, làm việc thiện sẽ tạo ra những trường năng lượng tích cực cho bản thân và cho cộng đồng. Bạn làm việc từ thiện 1, bạn tạo ra giá trị 1 cho cộng đồng, nhưng nếu bạn truyền được cảm hứng làm từ thiện cho nhiều người, giá trị đó sẽ nhân lên bội phần.
Gia Hân (thực hiện). Ảnh: NVCC