Mong ước của ông chủ nông dược – cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội   

0
1110

Các cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội khi tốt nghiệp nhiều người khởi nghiệp với doanh nghiệp riêng, làm cho các công ty nổi tiếng trong nước và nước ngoài… nhưng có lẽ làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Sinh dược thì có duy nhất anh Vũ Trung Đức – cựu sinh viên K51 Hóa dược và Bảo vệ Thực vật! Trò chuyện với “ông chủ nông dược Trung Đức”, lại càng khẳng định “Bách khoa đúng thật là bách khoa” – mang đến cho SV nhiều kiến thức hữu ích phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước!

Từ tình yêu cây thuốc Việt Nam

– Là cựu sinh viên ngành Hoá dược trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tại sao anh không chọn cho mình những ngành nghề “hot” như lọc hoá dầu hay hoá thực phẩm… mà anh lại chọn làm ông chủ “nông dược” – Chủ nhiệm HTX Sinh Dược?

– Tôi có tình yêu với các cây thuốc Việt Nam từ rất lâu. Không những thế tôi còn lớn lên trên mảnh đất của thảo dược – Sinh Dược (nơi có nhiều cây thuốc sinh sống, nay là xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Thuở bé mỗi khi 2 anh em bị ốm (cảm ho, chảy máu cam, đau bụng…) bố mẹ tôi thường ra vườn hái các cây thuốc mọc quanh nhà như nhọ nồi, tía tô, sả, hương nhu, cúc tần… cho chúng tôi uống. Gia đình tôi và hàng xóm xung quanh cũng thường xuyên dùng các cây thảo dược mỗi khi bị ốm bệnh… Từ đó, trong tôi cứ dần dần này nở sự quan tâm và tình yêu dành cho các cây thảo dược. Đến khi biết BKHN có bộ môn Hóa dược, tôi đã rất vui mừng, không đắn đo, suy nghĩ mà lựa chọn ngay khi thi đại học và phân khoa.

 – Anh từng tiết lộ rằng, nhiều con em của các xã viên HTX học tập và công tác tại Bách khoa. Vậy câu chuyện thời đi học anh hay chia sẻ với những con người Bách khoa là gì?

– Trong HTX Sinh Dược có một số thành viên trạc tuổi tôi từng học khoa Hóa, khoa Ngoại ngữ – ĐHBK Hà Nội. Tuy ngành học/thầy cô khác nhau, nhưng mỗi khi ôn lại kỉ niệm, chúng tôi đều có suy nghĩ chung rất vui về thầy cô và mái trường chung. Các thầy cô đều là những người có kiến thức siêu “khủng”, cá tính, rất thương học trò nhưng thường là kiểu “thương cho roi cho vọt” – giúp chúng tôi học những kiến thức rất khó, yêu cầu với sinh viên rất cao – và thà cho sinh viên “toang” (thi lại/ học lại) chứ không thỏa hiệp với tiêu cực. Chính những điều đó đã giúp chúng tôi rèn luyện tính trung thực, minh bạch, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ. Càng sau này chúng tôi càng thấm thía những bài học đó và càng thêm yêu công việc mình đã chọn.

Hợp tác xã Sinh Dược thành lập tháng 5/2014, tiền thân là nhóm 5 sinh viên với sở thích chung về nghiên cứu các sản phẩm thiên nhiên từ thảo dược Việt Nam

… đến công việc sản xuất dược liệu của HTX

– Được biết công việc hiện tại ở HTX của anh có nhiều khởi sắc và đã có sản phẩm Sinh dược được ứng dụng y tế. Anh có thể “bật mí” đôi chút về công việc của HTX? 

– Sau khi tốt nghiệp năm 2011, tôi có thời gian công tác tại Viện nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), làm việc thực tế tại các vùng dược liệu phong phú của nước nhà như: Sapa (Lào Cai), Quảng Bình, Quảng Trị… Thời gian đó đã giúp tôi hiểu rằng, tận dụng, khai thác phát triển chính thế mạnh của địa phương, là con đường bền vững nhất, có ý nghĩa nhất với quê hương.

Cùng với một thực tế là những năm gần đây, mối quan ngại về tác dụng tiêu cực lên sức khỏe con người, môi trường sống của các sản phẩm dùng nhiều chất hóa học độc hại, thực phẩm biến đổi gien, các căn bệnh, dịch bệnh mới do môi trường sống của động thực vật bị hủy hoại… Những điều đó đã thôi thúc tôi trở về quê hương, thành lập HTX Sinh Dược cùng với các cô, bác nông dân địa phương trồng, khôi phục lại các cây thảo dược, bài thuốc quý, truyền thống làm thuốc chữa bệnh của quê hương; đồng thời biến các cây dược liệu ấy thành những sản phẩm tiện dụng như: xà bông, muối ngâm chân, tinh dầu, cao thoa da, muối tắm bé, cao gội đầu, trà thảo mộc… cung cấp trên thị trường, giúp cho nhiều người Việt Nam có thể dùng những sản phẩm thiên nhiên an lành, tốt cho sức khỏe.

Từ đó, HTX thực hiện canh tác, trồng trọt các cây thuốc theo phương pháp tự nhiên, không sử dụng các chất độc hại, hầu hết công việc được làm thủ công, có tác động tích cực đến môi trường thiên nhiên và người lao động, cũng như đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.

Gần đây có dịch bệnh Corona, HTX cũng không thể đứng ngoài cuộc, ban giám đốc đã rất nhanh chóng họp bàn và triển khai phương án sản xuất sản phẩm: Nước rửa tay, sát trùng khô bán cho cộng đồng với giá sản xuất, không lợi nhuận. Khi biết Nhà trường ta có chương trình sản xuất nước rửa tay khô, tôi đã hỗ trợ một phần nguyên liệu tinh dầu do HTX sản xuất được, góp phần chung tay với Nhà trường đẩy lùi dịch bệnh, tất cả vì một cộng đồng khỏe mạnh.

Một trong những công việc hàng ngày của Chủ nhiệm hợp tác xã nông dược Vũ Trung Đức

Mong ước sinh viên Bách khoa Hà Nội là những kỹ sư toàn cầu

–  Hiện có nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội muốn “đầu quân” vào HTX của anh không? Anh làm thế nào để thương hiệu HTX của mình có sức hấp dẫn với các bạn trẻ? 

Hiện HTX đang rất cần thêm lực lượng nhân sự trẻ ở cả cơ sở Hà Nội và Ninh Bình. Cũng đã có nhiều bạn trẻ tới “đầu quân” cho HTX và được hưởng mọi chế độ lương, thưởng hấp dẫn cũng như thời gian làm việc linh động… Đặc biệt, với các bạn trẻ tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội, HTX luôn được ưu tiên – vì người Bách khoa thường không những giỏi chuyên môn, có khả năng làm việc đa năng, học hỏi kiến thức và lĩnh vực mới rất nhanh.

– Anh quyết định cung cấp tinh dầu để ĐH Bách khoa Hà Nội sản xuất dung dịch sát khuẩn phục vụ các thầy cô giáo và hơn 35.000 sinh viên. Anh có thể chia sẻ quan điểm, cách nghĩ dẫn tới hành động này của mình? 

– Tôi là một học trò của ĐHBK Hà Nội, với tư cách là cựu sinh viên, tôi trở về trường nhiều lần mỗi khi có sự kiện hay công việc gì cần đến chúng tôi. Đây là lúc chúng ta cần chung tay, đoàn kết các nguồn lực lại, tất cả vì một cộng đồng khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh dịch. Hợp tác xã Sinh Dược phát triển tốt đẹp đến ngày hôm nay cũng là nhờ có cộng đồng – nhờ có khách hàng tin yêu, tin dùng sản phẩm Sinh Dược – nhờ có mái trường ĐHBK Hà Nội đã đào tạo nên tôi và các anh chị em – dù chỉ đóng góp được một phần nhỏ nhưng chúng tôi cũng không thể đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến chống phòng, chống dịch bệnh này

 Điều anh tâm đắc và kỳ vọng nhất vào ngôi trường thuở thanh xuân – ĐH Bách khoa Hà Nội hiện tại và tương lai?

– Với tôi, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội hiện tại và tương lai luôn là ngôi trường tốt nhất, đặc biệt nhất – môi trường giúp sinh viên rèn luyện, trưởng thành để khi bước vào đời là những kĩ sư, cử nhân giỏi, những người có ích cho xã hội. Tôi hi vọng ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích khoa học kĩ thuật, đăng kí học tập tại ĐHBK Hà Nội nhiều hơn. Hiện nay trường cũng có thêm nhiều ngành nghề để các bạn lựa chọn theo nguyện vọng của mình, nhưng với tôi “Khoa học và Kĩ thuật” vẫn luôn là điểm mạnh hàng đầu của ĐHBK Hà Nội.

  • Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Một điều thời “thanh xuân” tôi đã bỏ sót đó là học Ngoại Ngữ – sau này ra cuộc sống tôi mới thấy được tầm quan trọng lớn lao của ngoại ngữ với người kĩ sư. Nếu như thông thạo ngoại ngữ chúng ta có thể tiếp cận thêm rất nhiều kiến thức, thành tựu khoa học kĩ thuật của thế giới. Tôi hi vọng các bạn trẻ sau này có thể “sữa chữa” thiếu sót này, để giúp bản thân trở thành những “kĩ sư toàn cầu” – Anh Vũ Trung Đức.

Việt Nga (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here