Sinh viên tránh dịch tại ký túc xá

0
1078

Nổi tiếng là trường đông sinh viên nhất, nhì Hà Nội, khuôn viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội mấy ngày nay lại vắng vẻ lạ thường. Ký túc xá có nhiều phòng đã đóng cửa bởi sinh viên được nghỉ, về quê tránh dịch. Ghi nhận của phóng viên Zing tại khu KTX ĐH Bách khoa Hà Nội trong kỳ nghỉ Tết kéo dài.

“Bắc ơi, trưa nay phòng mình ăn cơm sớm nhé, 12h30 tao có tiết học online rồi”, tiếng của Lộc gọi với lên cậu bạn cùng phòng.

Kỳ nghỉ tiếp tục kéo dài chưa có lịch học lại cụ thể, mọi hoạt động giảng dạy của trường được chuyển sang online vào các khung giờ giống như các tiết học trên lớp.

Tại Đại học Bách khoa, tiết học sớm nhất trong ngày sẽ bắt đầu vào lúc 6h45. Bình thường, Đặng Xuân Hoàn cũng như sinh viên khác sẽ thức dậy lúc 6h, chuẩn bị tài liệu rồi đến giảng đường.

Tuy nhiên, khoảng 2 tuần nay, cậu sinh viên năm 2 này đã thay đổi thói quen. 6h40 sáng, Hoàn thức dậy, dành 5 phút ngắn ngủi để vệ sinh cá nhân, bật laptop, cắm tai nghe rồi có mặt trước màn hình máy tính. Đúng 6h45, giọng thầy Tuệ cất lên, điểm danh học sinh mất khoảng 5 phút, sau đó tiết học online chính thức bắt đầu.

Hoàn chọn công việc chế tạo những máy công cụ bằng gỗ để giải trí vào những lúc rảnh tay. Máy cắt, máy khoan, máy tiện… được cậu thích thú lắp ghép rồi lại tháo ra để thử các cơ chế hoạt động khác nhau.

Chuyên ngành của Hoàn là Kỹ thuật Hoá học nhưng cậu có sự quan tâm đến thiết bị cơ học bởi những kiến thức cơ bản về máy móc sẽ giúp ích nhiều trong cuộc sống.

Căn phòng 410 rộng chừng 20 m2 là nơi ở của 10 cậu sinh viên Đại học Bách Khoa. Khi nhà trường ra thông báo nghỉ dịch, 4 người về quê, phòng chỉ còn lại 6 sinh viên. Đây có lẽ là phòng đông học sinh ở lại nhất của toà B5. Tất cả đã ở với nhau từ năm nhất nên lúc nào không khí trong phòng cũng vui vẻ, náo nhiệt đủ trò.

Một góc, Trần Hoàn và Trung cùng chơi game trên máy tính. Góc khác, Lộc đang cặm cụi tập bấm những phím đàn guitar với sự trợ giúp của Xuân Hoàn. Trong nhà vệ sinh, Bắc – trưởng phòng – đang dọn dẹp. Bên bàn học thì cậu bạn Sơn lại đeo tai nghe, học nghe tiếng Anh nhân lúc rảnh rỗi.

Ký túc xá cũng có thêm nhiều các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo sức khoẻ cho sinh viên. Nước rửa tay do nhà trường tự sản xuất luôn có sẵn tại các lối ra vào toà nhà. Mỗi khi ra ngoài sinh viên phải ghi vào giấy di trú và theo dõi thân nhiệt một cách cẩn thận.

Nhà trường khuyến cáo sinh viên nếu không có việc thì không nên ra ngoài, tạm dừng các công việc làm thêm, sinh hoạt bên ngoài trường. Cổng ký túc xá cũng mở muộn hơn và đóng lại sớm hơn từ khi có dịch (7h30 – 21h).

Cậu trưởng phòng kể ngày trước mỗi người học một giảng đường, ai tiện đâu thì dùng bữa tại căng tin gần đó. Từ ngày chuyển qua học online, cả phòng có cơ hội ăn chung nhiều bữa hơn.

“Tối nay mua cơm về phòng ăn chung mọi người nhỉ”, giọng Bắc cất lên rồi cùng Sơn cùng xuống căng tin xách 2 túi cơm, canh về phòng. Chiếc bàn nhỏ xếp vài ba món ăn là nơi mấy cậu sinh viên ngồi quây quần, vừa ăn cơm vừa vui chuyện.

Sơn, chàng trai ít nói nhất phòng, tâm sự quê tận Hà Tĩnh nên bố mẹ khó lên thăm nom thường xuyên. Sáng và tối, mẹ Sơn gọi điện hỏi thăm. Lo lắng vì Hà Nội đang có dịch, bố mẹ cậu tỏ rõ sự vui mừng khi thấy con khoẻ mạnh mỗi ngày.

“Vâng con đây, con vẫn khoẻ. Ở ký túc xá này quy định nghiêm lắm, bọn con chỉ ở trong phòng nên bố mẹ không phải lo bệnh đâu. Còn có bạn bè ở đây với con nữa”, Sơn nói trong điện thoại với gia đình.

Theo Duy Hiệu – Thạch Thảo (news zing.vn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here