Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội và khát vọng về quốc gia khởi nghiệp

0
745
Doanh nhân Nguyễn Thanh Tùng

Thường sinh viên ĐH sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ nghĩ đến việc đi làm cho các cơ quan, xí nghiệp, tập đoàn. Thế nhưng Nguyễn Thanh Tùng lại chọn một con đường khác hẳn: Tự khởi nghiệp! Hiện tại, Thanh Tùng đang là CEO của MindX – hệ thống đào tạo các kỹ năng về công nghệ – giáo dục. Hỏi cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội: Ý tưởng nào dẫn anh trên con đường khác biệt như vậy? Doanh nhân Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Tôi nung nấu trong tim khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ cao, quốc gia khởi nghiệp…

Doanh nhân Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ:

Thực ra tôi có đi làm cho các tập đoàn công nghệ ở Việt Nam, Mỹ, Đức trong vòng 5 năm trước khi khởi nghiệp. Kinh nghiệm trong thời gian đó đã giúp tôi có nhiều góc nhìn, hiểu biết và các mối quan hệ để sau này xây dựng công ty riêng của mình. Khi làm việc ở Đức, tôi có quen một đồng nghiệp tên là Timo, người Đức, bằng tuổi tôi. Thời điểm đó tôi khoảng 24 tuổi và mới chập chững bước vào nghề, còn lơ ngơ thì cậu bạn đó như một chuyên gia rất lâu năm trong ngành, từ khả năng kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, kiến thức hệ thống đều vượt tôi rất xa.

Sau này, khi quen thân, tôi mới biết cậu bạn đó học lập trình từ năm 10 tuổi, đi làm cho công ty phần mềm từ lúc 16 tuổi và bằng tuổi tôi, cậu ấy đã là trưởng nhóm công nghệ, có 14 năm kinh nghiệm rồi. Câu chuyện tương tự như Mark Zuckerberg, Bill Gates, họ đều có xuất phát điểm từ năm 18, 19 tuổi.

Nhưng đó không phải là sau một đêm xuất thần, họ lập trình ra những sản phẩm thay đổi thế giới. Mark hay Bill đều Lập trình từ những năm còn cấp 1, cấp 2, tạo ra những sản phẩm có thành tựu trước đó rồi. Họ tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm hàng chục nghìn giờ trước khi tạo ra Microsoft, Facebook.

Điều này khiến tôi trăn trở rất nhiều về tương lai của đất nước. Có cơ hội nào cho Việt Nam có thể nắm bắt được cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trên toàn cầu, bứt lên để dẫn đầu được không? Và tôi nghĩ rằng, điều đầu tiên cần làm là đầu tư và định hướng đúng đắn cho thế hệ trẻ Việt Nam từ sớm. Muốn Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ cao, quốc gia khởi nghiệp, thì cần thế hệ công nghệ cao, thế hệ khởi nghiệp. Tôi quyết định ở lại Việt Nam, và bắt tay xây dựng một hệ sinh thái công nghệ – giáo dục cho các bạn từ cấp tiểu học, THCS, THPT đến khi là SV, đi làm, học những công nghệ mới, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, tham gia môi trường khởi nghiệp để góp phần tạo ra những kỹ sư tài năng, nhà khoa học, doanh nhân trẻ sau 5, 10 năm nữa.

Ra trường, khởi nghiệp, có vị trí nhất định, anh vẫn tiếp tục gắn bó với ngôi trường qua những hoạt động hỗ trợ cụ thể? Tò mò muốn hỏi lý do tại sao anh lại “trở về nguồn cội” như vậy?

ĐHBK Hà Nội vẫn là cái nôi hàng đầu về Khoa học – Kỹ thuật của cả nước và khu vực ASEAN. MindX rất muốn đóng góp những hoạt động học tập, chương trình đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, kiến thức công nghệ mới, cơ hội làm việc, định hướng sớm cho các SV để giúp các em năng động hơn, có nhiều cơ hội toàn cầu hơn, đặc biệt, sau này có thể tham gia thành lập, xây dựng các dự án có ý nghĩa cho bản thân và xã hội. Tôi nghĩ rằng không gì tốt hơn bằng việc quay lại chính nơi mình đã bắt đầu, nơi mình hiểu rõ nhất và thực sự muốn đóng góp sức lực, trí tuệ của mình để cùng Trường hỗ trợ nhiều các bạn trẻ thành công hơn.

Ngoài tôi, MindX còn có một đồng sáng lập rất xuất sắc nữa cũng tốt nghiệp Trường ĐHBK Hà Nội, từ ngày đầu thành lập đã đặt văn phòng đối diện cổng trường, và có những thế hệ đầu tiên đều là SV Bách khoa. Các em đều rất cầu tiến, chăm chỉ, nỗ lực, giờ các bạn đều đã có những công việc rất tốt, nhiều em đang học tập và làm việc tại Mỹ, Canada, Nhật Bản…

Nếu các SV ĐHBK Hà Nội muốn ứng tuyển vào MindX, anh có dành cho họ sự ưu tiên nào không?

Tôi nghĩ rằng trong môi trường đào tạo, SV Bách khoa Hà Nội có nền tảng học thuật, tư duy tốt, sự nỗ lực, kiên trì cao, chất lượng “đầu ra” được đánh giá cao. Chính điều này sẽ giúp SV có lợi thế khi ứng tuyển ở các doanh nghiệp. MindX luôn đánh giá ứng viên bằng thực lực và sự phù hợp. Hiện 1/3 kỹ sư của MindX là SV Trường ĐHBK Hà Nội, có nhiều người còn đang là SV năm 3, 4 nhưng kỹ năng đã tương đối tốt.

Anh có cảm xúc gì khi Trường ĐHBK Hà Nội có những bước phát triển, xếp hạng quốc tế trong thời gian gần đây? Anh có dự định đóng góp gì cho ngôi trường của mình trong năm mới?

10 năm trước tôi làm việc ở nước ngoài, người ta chỉ nhớ đến Việt Nam với chiến tranh. Hiện giờ, người ta đã biết đến Việt Nam với nguồn nhân lực công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và cả châu Á. Họ nói rằng Việt Nam thực sự có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ cao và nhân lực chất lượng tiếp theo của thế giới.

Tháng 9/2019, tôi biết tin ĐHBK Hà Nội được xếp hạng trong danh sách trường ĐH tốt nhất thế giới, đây thực sự là tin mừng không chỉ cho nền Giáo dục Việt Nam nói riêng, mà cho cả sự phát triển công nghệ của đất nước nói chung. Bởi tôi tin tưởng sâu sắc rằng nếu Giáo dục có bước tiến, Kinh tế – Xã hội sẽ có bước tiến theo. Xin chúc mừng Trường, thầy cô, các sinh viên và chúc mừng Việt Nam!

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Cuộc đời sẽ có ý nghĩa khi một người tìm ra được đam mê, mơ ước của mình, không ngừng học hỏi, nỗ lực đến cùng để theo đuổi nó. Dù làm doanh nghiệp hay khởi nghiệp, tôi mong các bạn sẽ làm với hết trái tim của mình để cùng kiến tạo những thay đổi tích cực cho chính cuộc đời mình và cho xã hội” – Doanh nhân NGUYỄN THANH TÙNG CSV K49 – Khoa Công nghệ Hoá học (nay là Viện Kỹ thuật Hoá học).

Gia Hân (thực hiện)

Ảnh: NVCC

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here