Gắn bó với ĐHBK Hà Nội 32 năm, coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình, TS. Nguyễn Quân rất tâm huyết đặt ra nhiều dự định, kế hoạch mong giúp Trường ngày càng phát triển. Bồi hồi chia sẻ về kỷ niệm cái Tết đầu tiên ở Bách khoa Hà Nội, TS. Nguyễn Quân không khỏi tự hào về những truyền thống quý báu mà Bách khoa luôn giữ gìn và phát huy đến ngày hôm nay.
Tôi nhớ nhất cái Tết đầu tiên là sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội năm 1972. Bọn sinh viên tỉnh lẻ chúng tôi Tết đến là háo hức về quê. Lúc đó đất nước còn khó khăn, nhân viên ga Hàng Cỏ vào trường bán vé tàu hỏa Tết trước cả tháng trời. Thế là cả thầy và trò ra xếp hàng mua vé, gần Tết thì lại dắt nhau rồng rắn xếp hàng dài từ cửa ga đến tận phố Yết Kiêu để lên tàu. Công an phải dắt từng tốp khoảng 40-50 người vào ga để tránh chen lấn và quá tải. Tầu Tết chỉ có một số toa khách có ghế ngồi, còn lại là toa chở hàng được huy
động chở khách, hành khách chen chúc đứng trong toa, thậm chí đu bám ngoài cửa toa và trèo lên nóc toa. Tầu chạy rất chậm, đầu máy hơi nước cổ lỗ xả bụi than mù mịt. Khổ nhưng mà vui, lạ thế! Thời đó, cứ đến Tết, căng tin trường lại bán nhu yếu phẩm cho SV, phân phối mấy người chung nhau một gói kẹo, một bao thuốc lá, mua về lại chia nhau làm quà về quê.
TS. NGUYỄN QUÂN – nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Mạng lưới Cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội
Học Bách khoa, làm thầy ở Bách khoa, tôi gắn bó với ngôi trường này tổng cộng 32 năm, giờ nghỉ hưu lại quay trở lại phục vụ cho Trường. Tôi rất tự hào khi Bách khoa vẫn giữ được truyền thống là địa chỉ hàng đầu của đất nước, đào tạo ra rất nhiều cán bộ khoa học – kỹ thuật, giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nhà trường đổi mới rất mạnh mẽ, phát triển đột phá. ĐHBK Hà Nội là một trong những Trường đầu tiên thí điểm cơ chế tự chủ, hiện đang bước đầu thí điểm không có bộ chủ quản, hứa hẹn sẽ giải phóng sức sáng tạo, tiềm năng của nhà trường. Hy vọng ĐHBK Hà Nội sẽ có thứ hạng cao hơn trong các bảng xếp hạng
của khu vực và thế giới, có nhiều thành tựu không chỉ trong GD-ĐT mà cả Khoa học – Công nghệ, đóng góp cho đất nước.
Để thúc đẩy NCKH và chuyển giao công nghệ, kết hợp với phong trào khởi nghiệp quốc gia hiện nay, tôi mong muốn trong năm mới Canh Tý 2020, ĐHBK Hà Nội sẽ có một Quỹ Đầu tư đổi mới sáng tạo với nòng cốt đóng góp là các cựu sinh viên Bách khoa ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Thực chất có thể hiểu đó là Quỹ Đầu tư mạo hiểm dành cho startup – các doanh nghiệp khởi nghiệp – của sinh viên và cán bộ trẻ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ của ĐHBK Hà Nội có rất nhiều người giỏi, có trình độ cao, nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng họ đang rất thiếu nguồn đầu tư để biến ý tưởng thành sản phẩm giúp ích cho xã hội. Nếu có nguồn đầu tư phù hợp, tôi tin nhà trường sẽ có rất nhiều sản phẩm công nghệ, để từ Bách
khoa sẽ ra đời hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp thành công.
Cùng đó, mong rằng trong năm mới, số lượng các công trình nghiên cứu, đặc biệt là đề
tài cấp quốc gia của ĐHBK Hà Nội sẽ tăng lên. Nhà trường huy động các thầy cô, các nhà khoa học, các sinh viên giỏi tham gia NCKH. Quan trọng là chuyển giao công nghệ các kết quả nghiên cứu cho xã hội, giúp cho tăng trưởng của đất nước.”
Mỹ Linh (ghi)
Ảnh: Kim Chi