Câu chuyện xếp hạng đại học và chính sách đột phá đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam

0
112
PGS.TS Hoàng Minh Sơn và GS.TS Đinh Văn Phong - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội - tại sự kiện Kỷ niệm 60 năm Bộ KH&CN, tháng 11/2019

Sự kiện ĐHBK Hà Nội lọt top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE), riêng về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ đứng vào hàng 301-400 thế giới và đứng thứ 4 khu vực ASEAN được đánh giá là một trong những điểm sáng trong bức tranh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2019. Đây là nỗ lực rất lớn của các cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường qua nhiều thế hệ, trong bối cảnh mức đầu tư cho trường còn khiêm tốn.

Có được vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế đã khó, để giữ và tăng được vị trí xếp hạng càng khó hơn. Hãy cùng Đặc san Bách khoa trò chuyện cùng PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội – xung quanh nội dung này.

Thưa PGS, năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam có hai cơ sở giáo dục lọt top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng THE, ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Hai trường ĐH của Việt Nam, trong đó có ĐHBK Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới là niềm tự hào rất lớn của các trường cũng như của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Trong bảng xếp hạng quốc tế, các chỉ số liên quan tới nghiên cứu chiếm tỉ trọng rất lớn. Mà đầu tư nghiên cứu lại cần rất nhiều kinh phí, trong khi đó các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay được đầu tư rất ít kinh phí so với các trường ĐH trên thế giới không những về giá trị mà cũng rất thấp về tỉ lệ theo mức chi ngân sách Nhà nước hoặc theo thu nhập bình quân đầu người

Nếu được đầu tư lớn mà được lọt vào xếp hạng thế giới thì không có gì để nói! Nhưng một trường ĐH công lập không được Nhà nước cấp kinh phí chi thường xuyên, tổng nguồn thu hàng năm mới đạt xấp xỉ 40 triệu USD mà đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về Kỹ thuật và Công nghệ chứng tỏ ĐHBK Hà Nội không những đang cung cấp cho xã hội chất lượng đào tạo và nghiên cứu đẳng cấp thế giới, mà còn đang hoạt động cực kỳ hiệu quả.

Yếu tố nào giúp ĐHBK Hà Nội đạt được thành quả như hôm nay, thưa PGS?

Thành quả này có được là do quá trình nỗ lực rất lớn của các cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường qua nhiều thế hệ, kiên định thực hiện theo chiến lược phát triển thành một ĐH nghiên cứu, trên nền tảng 5 cặp giá trị cốt lõi trong đó chất lượng – hiệu quả được xếp đầu tiên. Phân tích các chỉ số của bảng xếp hạng, chỉ số cao nhất mà ĐHBK Hà Nội đạt được là ảnh hưởng tác động nghiên cứu thể hiện qua số lượng trích dẫn các công trình khoa học do cán bộ, giảng viên của Trường công bố. Có thể thấy, ảnh hưởng nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu đóng vai trò quyết định thành tích của ĐHBK Hà Nội trong các bảng xếp hạng uy tín này, chứ không phải số lượng kinh phí cho nghiên cứu hay số lượng bài báo công bố.

PGS. Hoàng Minh Sơn

Theo PGS, trong thời gian tới, để duy trì và nâng hạng, ĐHBK Hà Nội cần chiến lược như thế nào trong quá trình phát triển?

Trường ĐHBK Hà Nội đang triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025. Những kết quả đạt được đã chứng tỏ Trường đang đi đúng hướng, đặc biệt cơ chế quản trị ĐH đã được đổi mới rất thành công.

Trong thời gian tới, Trường cần tập trung vào chiến lược phát triển khuôn viên và hiện đại hoá CSVC, thu hút và phát triển tài năng, mở rộng đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu và tập trung phát triển bốn lĩnh vực khoa học – công nghệ ưu tiên. Tuy nhiên, chưa nói tới việc nâng hạng thì việc duy trì được thứ hạng như hiện nay cũng đã là một thách thức rất lớn đối với chúng ta khi rất nhiều trường ĐH trên thế giới quan tâm tới việc xếp hạng và có khả năng đầu tư mạnh cho việc này.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận việc xếp hạng không đơn giản chỉ là cuộc đua giữa các trường ĐH với nhau. Đây còn là cuộc cạnh tranh năng lực phát triển giữa các quốc gia, cạnh tranh về thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cạnh tranh phát triển năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ba trụ cột của một trường ĐH đẳng cấp thế giới bao gồm nhân tài hội tụ, quản trị tiên tiến và nguồn lực dồi dào – đều không thể có nếu thiếu sự đầu tư và ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước. Vì thế, rất nhiều quốc gia, đặc biệt những nước đang phát triển đều có chiến lược đặc biệt đầu tư cho giáo dục ĐH, để một số trường ĐH có thể ghi danh trong bảng xếp hạng uy tín, nâng cao vị trí nền giáo dục ĐH của quốc gia trên bản đồ giáo dục ĐH thế giới.

Chúng tôi cho rằng cần có chính sách đột phá của Nhà nước đầu tư cho giáo dục ĐH Việt Nam. Rất mừng điều này đã được đưa vào các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Chúng tôi hy vọng các chính sách sẽ sớm được cụ thể hóa ở các văn bản, đề án và kế hoạch của Chính phủ và sớm được các bộ/ ngành liên quan thực thi để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Chỉ như vậy, các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh bình đẳng và nâng hạng cao trong các bảng xếp hạng thế giới, và quan trọng hơn là mới có khả năng đóng góp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng lực khoa học – công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước.

Nhưng trong khi ngân sách Nhà nước còn rất hạn hẹp, thì việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng để tăng cường nguồn lực. Xin PGS cho biết hiện ĐHBK Hà Nội triển khai việc việc kết hợp nhà trường doanh nghiệp như thế nào?

Kinh tế nước ta đang trong giai đoạn chuyển mình từ chủ yếu dựa trên một nền công nghiệp gia công và lắp ráp với nguồn nhân lực giá rẻ và trình độ thấp, từng bước sang một nền kinh tế sáng tạo dựa trên khoa học và công nghệ. Các doanh nghiệp – đặc biệt các tập đoàn lớn – đang dần nhận ra yếu tố cạnh tranh cốt lõi giờ đây chính là nhân lực chất lượng cao cùng với năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

ĐHBK Hà Nội là nơi tập trung đội ngũ tri thức khoa học – công nghệ, là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp, vì thế việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp đã được đặt ra là một nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển 2017-2015. Trong những năm qua, ĐHBK Hà Nội đã ký kết hàng loạt văn bản hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và trong nước đang hoạt động tại Việt Nam, triển khai các hoạt động hợp tác đào tạo, hỗ trợ sinh viên và hợp tác nghiên cứu. Trường đặc biệt quan tâm tới hợp tác đào tạo sau ĐH, gắn kết với các đề tài nghiên cứu đặt hàng từ doanh nghiệp nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt, cũng như phát triển những công nghệ tiềm năng cho tương lai; đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực R&D chất lượng cao cho doanh nghiệp. Trường còn có công ty BK-Holdings là đầu mối để hợp tác đầu tư, hỗ trợ ươm mầm và khởi nghiệp, trong thời gian tới sẽ thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo để gắn kết hệ thống từ nghiên cứu đến chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn tiếp Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đài Loan, tháng 12/2019.

Cần đầu tư như thế nào để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước trong thời kì 4.0, thưa PGS?

Với thế mạnh của một trường ĐH Kỹ thuật và Công nghệ hàng đầu khu vực, ĐHBK Hà Nội đang thúc đẩy phát triển các ngành cốt lõi của Cách mạng công nghệ lần thứ tư, đó là Công nghệ Thông tin, Điện – Điện tử, Tự động hóa, Cơ điện tử, Công nghệ Vật liệu, đồng thời ưu tiên đầu tư phát triển 4 lĩnh vực khoa học – công nghệ liên ngành, đó là Công nghệ dữ liệu và Hệ thống thông minh, Khoa học và Công nghệ sức khoẻ, Vật liệu tiên tiến, Năng lượng và Môi trường bền vững. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không có cách nào khác là mở những ngành đào tạo chất lượng cao, đầu tư cho đội ngũ cán bộ, đầu tư cho CSVC; đặc biệt gắn kết đào tạo trình độ cao với nghiên cứu. Nếu tách nghiên cứu và đào tạo riêng sẽ không đạt hiệu quả.

ĐHBK Hà Nội đặt quan điểm hàng đầu là đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp. Chỉ vận hành như thế, chúng ta mới cùng lúc tạo ra tri thức mới đóng góp phát triển khoa học – công nghệ của thế giới, tạo ra nguồn nhân lực chủ chốt dẫn dắt phát triển công nghiệp 4.0; đồng thời chuyển giao tri thức khoa học – công nghệ phục vụ trực tiếp nền kinh tế – xã hội của đất nước.

Vì vậy, chúng tôi mong Nhà nước sớm triển khai những chính sách đột phá, tập trung đầu tư nâng cao tiềm lực nghiên cứu cho các trường ĐH mạnh, hỗ trợ thu hút nhân tài từ nước ngoài kèm theo chính sách học bổng cho học viên sau ĐH gắn với giao các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Có như vậy, Việt Nam mới thu hút được đầu tư từ nước ngoài vào công nghệ cao và mới có thể tham gia phần đầu chuỗi giá trị là nghiên cứu và phát triển chứ không chỉ phần sau là gia công và lắp ráp như hiện nay. Nếu có bước đi đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một trung tâm R&D của khu vực và thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!

Với ĐHBK Hà Nội, việc ghi danh trên bảng xếp hạng quốc tế suy cho cùng là sự ghi nhận mang tính thời điểm, việc ghi danh trong lòng công chúng mới là chuyện lâu dài. Xếp hạng
quốc tế không phải mục đích, mà chỉ là một trong những chỉ số phấn đấu. Chiến lược của Trường chú trọng vào đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, chuyển giao hiệu quả tri thức và công nghệ, tác động quan trọng vào phát triển nền kinh tế tri thức, phục vụ xã hội và đất nước. Khi làm tốt việc này, việc duy trì hay thăng hạng sẽ trở thành kết quả tự nhiên!” – PGS. Hoàng Minh Sơn

Gia Hân (thực hiện)

Ảnh: Kim Chi – Duy Thành – Phương Nam

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here