Nhắc đến ngôi trường gắn bó suốt 4 năm học ĐH, doanh nhân Lữ Thành Long – cựu SV khóa 34, khoa Tin học (nay là Viện CNTT&TT) – Trường ĐHBK Hà Nội, Chủ tịch HĐQT CTCP MISA – đã kể nhiều câu chuyện tình cảm, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Trường ĐHBK Hà Nội với sự chuyển mình mạnh mẽ sẽ trở thành trường ĐH hàng đầu khu vực ASEAN. Chàng cựu sinh viên Bách khoa năm xưa – ông chủ doanh nghiệp nghìn tỷ hôm nay đã chia sẻ những lời “gan ruột” về bước đường đi học nhiều dấu ấn, kỷ niệm.
Bố tôi cũng là cựu sinh viên Bách khoa
Xin chào doanh nhân Lữ Thành Long! Xin phép được hỏi nhỏ anh: Công ty MISA anh đang là Chủ tịch HĐQT có dấu ấn gì của ngôi trường anh đã dành thanh xuân để học tập – Trường ĐHBK Hà Nội?
Có rất nhiều sinh viên Trường ĐHBK đã và đang làm việc tại MISA. Thành quả mà MISA có được như ngày hôm nay là nhờ một phần không nhỏ vào công sức đào tạo và dạy dỗ của nhà trường.
Ngược dòng thời gian, lý do nào khiến cậu học sinh lớp 12 Lữ Thành Long quyết định chọn khoa Tin học Trường ĐHBK Hà Nội chứ không phải một trường ĐH nào khác để học tập?
Có lẽ tôi chọn Trường ĐHBK Hà Nội là do ảnh hưởng từ bố tôi – ông Lữ Văn Thành, một cựu sinh viên Khóa 9A – Khoa Vô Tuyến Điện (1964-1968). Khi tôi còn nhỏ nhìn bố chữa ti vi, lắp ráp radio và kể những câu chuyện đầy đam mê về nghề điện tử mà “máu” làm công nghệ đã ngấm sâu vào con tim.
3T – “Chất” văn hóa dân kỹ thuật
Trong thời gian là SV của Trường ĐHBK Hà Nội, điều gì để lại ấn tượng nhất cho anh? Kiến thức từ những năm tháng đại học có giúp ích gì cho anh trong công việc?
Có 3 điều tôi không bao giờ quên: Đó là thầy cô giáo trong trường đều là những người rất thương yêu sinh viên, luôn tạo cho sinh viên khát vọng và cảm hứng cống hiến cho đất nước.
Có 3 người thầy để lại ấn tượng rất mạnh mẽ cho tôi là: Thầy Nguyễn Thanh Thủy đã cố vấn cho cả lớp tôi viết 2 cuốn sách bán khá chạy ngay từ khi chúng tôi mới học năm 3, năm 4. Thầy Bùi Quang Ngọc cho tôi biết làm việc ở công ty là thế nào. Thầy Tô Thành cho tôi cảm hứng để ước mơ làm một sản phẩm phần mềm hữu ích.
Tôi còn nhớ hồi đi học có 3 môn: Cơ khí đại cương, Vẽ Kỹ thuật và Cơ học, những tưởng không liên quan gì đến ngành CNTT mà mình học. Ấy vậy mà khi ra trường, tôi lại dùng nhiều nhất, đặc biệt là môn Cơ học do GS.TS Đinh Văn Phong giảng dạy.
Có lẽ các môn này tuy không liên quan tới chuyên môn CNTT nhưng lại liên quan tới kỹ năng sống. Và tôi luôn ấn tượng về ngôi trường ĐH đã tạo ra được “chất” văn hóa 3T của dân kỹ thuật: Thẳng thắn, Trung thực, Tự tin. Tố chất này là yếu tố quan trọng để tạo ra những con người luôn phụng sự và cống hiến cho sự phát triển tươi đẹp của xã hội.
Theo anh, lợi thế của sinh viên tốt nghiệp từ Trường ĐHBK Hà Nội trong mắt nhà tuyển dụng là gì?
Sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội có kiến thức cơ bản tốt, trung thực, cần mẫn trong công việc.
“Trường ta đang chuyển mình mạnh mẽ”
Năm 2019, Trường ĐHBK Hà Nội lần đầu tuyển sinh ngành học mới về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, thu hút sự quan tâm, “đầu quân” của rất nhiều sinh viên. Với con mắt của người trong nghề, anh có đánh giá gì về bước đi này của nhà trường?
Trước đây nhiệm vụ của ĐHBK Hà Nội là đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp và đơn vị của nhà nước, từ khi mở cửa phần lớn sinh viên ra trường là làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân. Do vậy việc dạy và học phải gắn liền với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Việc Trường mở ngành học mới về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo chứng tỏ Trường ta đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một ngôi trường có vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN.
Hiện tại anh đã có một công ty riêng, thành danh trong lĩnh vực phần mềm kế toán. Theo anh, điều công ty MISA với 2.000 nhân viên làm được cho xã hội là gì?
Chúng tôi luôn tâm nguyện phải xả thân làm việc để sáng tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ giúp thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Đối với chúng tôi điều này cũng có nghĩa là yêu nước và phụng sự cho sự phát triển của đất nước.
Hiện cơ chế trường ĐH tự chủ tạo nhiều thuận lợi cho các cựu sinh viên khi muốn đóng góp, chung tay với ngôi trường đã gắn bó. Với anh thì sao? Anh có dự định gì với ngôi trường ĐH năm xưa?
Chúng tôi mong muốn hợp tác với nhà trường để gia tang lợi ích của cả ba phía: Người dạy, người học và người sử dụng lao động.
Anh có lời khuyên gì gửi đến các em sinh viên chuyên ngành Tin học nói riêng, SV Trường ĐHBK Hà Nội nói chung nhằm rèn luyện bản thân để tìm được công việc mong muốn trong tương lai?
“Hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ” như lời của ông Steve Job – CEO của Apple đã nói thì vinh quang sẽ chờ các emphía trước!
Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
“Khởi nghiệp từ những người SV mới ra trường. Từ hai bàn tay trắng. Chỉ có ước mơ là to lớn. Những người khổng lồ công nghệ của thế kỷ này và thế kỷ trước, đều xuất phát như thế. Hai người ban đầu, ba người ban đầu và một nhà kho, hoặc một phòng ngủ. Không nghĩ nhiều đến khó khăn phía trước, sẽ đến trong tương lai, bởi vì chỉ khi đương đầu với khó khăn, khi nó hiện hữu ở trước mắt, thì chúng ta mới thông minh đặc biệt, suy nghĩ mới đột phá, năng lượng vũ trụ mới tràn về tiếp sức cho chúng ta. Chúng ta mới trở thành một người khác. Còn bây giờ, chỉ nên có một giấc mơ và bắt đầu làm việc. Hai chàng trai đồng sáng lập MISA Lữ Thành Long và Nguyễn Xuân Hoàng đã kể cho chúng ta một câu chuyện như vậy.” – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Công ty MISA.
Tuấn Phong (thực hiện)
Ảnh: NVCC