Dấu ấn những người thầy

LTS: Trường ĐHBK Hà Nội vừa kỷ niệm 63 năm thành lập. Những cựu sinh viên khóa I năm 1956 ngày nào giờ râu tóc đã bạc màu thời gian, nhưng nghĩ về thời đi học, nghĩ về những người thầy đã dạy mình đều như sống lại quãng đời thanh xuân tinh nghịch và tự hào thấy các hạt giống gieo trồng từ vườn hoa Bách khoa đều đã đâm chồi, nảy lộc, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế của đất nước. Cùng ôn lại những kỷ niệm và một số thành tựu của sinh viên, giảng viên Trường ĐHBK Hà Nội – như những bông hoa đẹp và lời chúc chân thành nhất tri ân thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

0
138
PGS.TS Tôn Thất Đại

Trong những năm học ĐHBK Hà Nội, những người thầy và thế hệ đàn anh đã để lại cho PGS.TS Tôn Thất Đại không những kiến thức về kiến trúc mà còn là phong cách làm việc, nhân cách sống.

Cảm giác “sướng” khi đi vẽ điền dã

Vào năm 1956, Trường ĐHBK mở khóa đầu tiên, chưa có Khoa Kiến trúc mà chỉ có lớp học về kiến trúc độ khoảng hơn hai chục người, nằm trong Khoa Xây dựng. Sinh viên lúc đó thi vào Khoa Xây dựng, sau đó những người có năng khiếu vẽ mới thi chuyển sang lớp Kiến trúc này.

Chủ nhiệm lớp là GS. Ngô Huy Quỳnh – một người đã từng tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dưới thời Pháp, được cử sang học ĐH ở Liên Xô từ năm 1951 đến 1956. Đối với nhiều thế hệ thầy trò ngành Kiến trúc, GS. Ngô Huy Quỳnh luôn là một nhà giáo tài hoa và
mẫu mực.

PGS.TS Tôn Thất Đại chia sẻ: “GS. Ngô Huy Quỳnh dạy rất nhiều môn, dạy Vẽ kiến trúc, dạy Lịch sử kiến trúc…Thầy là người sát sao nhất, tất cả mọi việc học tập đều do thầy quán xuyến. Thầy đã đề nghị nhà trường trang bị cho chúng tôi đầy đủ giá vẽ, bảng vẽ, hộp màu,…” Cảm giác “sướng” mỗi buổi lục tục đồ đạc đi vẽ điền dã cùng thầy Quỳnh và bạn bè khắp các đình chùa, vẽ phong cảnh ở khắp nội ngoại thành Hà Nội không thể quên được.

Nói về tính cách của thầy mình, PGS. Tôn Thất Đại cho rằng: “Thầy là tấm gương cho chúng tôi, xứng đáng là một người thầy lớn. Ông là một người rất thoải mái, tính tình phóng khoáng đúng như một nghệ sĩ, lúc nào cũng vui vẻ và nói chuyện hài hước”.

Ngoài ra, PGS.TS Tôn Thất Đại cũng được học và được tiếp thu những bài học và kinh nghiệm của những kiến trúc sư kỳ cựu như thầy Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Cao Luyện. Hai thầy lại vốn là bạn thân của cụ Tôn Thất Bình – cha của ông. Họ đã từng có thời gian dạy học ở trường Thăng Long, nên sau này ông cũng nhận được sự ưu ái và quan tâm, chỉ bảo từ họ.

Cụ Nguyễn Cao Luyện dạy về Lịch sử kiến trúc, là một người hết sức cẩn thận, còn cụ Hoàng Như Tiếp thì dạy về Quy hoạch đô thị. Họ đều là những thầy giáo giỏi và được đào tạo bài bản dưới thời Pháp. Những điều hai thầy truyền dạy cho ông chính là những
kinh nghiệm sau này đều được ông truyền lại cho các thế hệ học trò của mình.

Lần nghịch nhớ đời

Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là dấu ấn với GS. Nguyễn Sanh Dạn. Nhắc lại kỷ niệm về GS. Dạn, PGS. TS Tôn Thất Đại như được sống lại hồi còn là sinh viên. Ông cho biết, hồi đó, GS. Nguyễn Sanh Dạn là Phó Chủ nhiệm Khoa Xây dựng – một người được các sinh viên biết đến với tính cách cực kỳ nghiêm khắc.

Thầy Dạn mang phong cách của một thầy giáo trong quân đội, lúc nào cũng nghiêm nghị. Họ cho rằng thầy rất “hắc xì dầu”, vì thế sinh viên tất cả các khoa ở trường Bách khoa đều rất sợ thầy.

Ngày đó, sinh viên Tôn Thất Đại đã làm một việc rất nghịch ngợm mà bây giờ ông cho rằng hơi quá, đó là vẽ ký họa về thầy. Ông có sở thích vẽ ký họa và vẽ rất nhiều, vẽ những người bạn của mình, thậm chí ông còn nổi tiếng trong giới sinh viên và được lan truyền với biệt danh người vẽ ký họa bằng compa, từng vẽ GS. Phạm Ngọc Đăng – bạn cùng lớp với khuôn mặt cực “cong” và gầy.

Ông vẽ thầy Dạn của mình chỉ bằng những nét đơn giản nhưng rất giống, đó là “vầng trán cao, lỗ mũi to và nhân trung rất dài”. Ông chia sẻ rằng nó dường như không phải là bức ký họa mà vô tình như mang tính châm biếm nhiều hơn.

Ông nghịch đến nỗi thẻ sinh viên thì dán ảnh mình nhưng vẽ hình thầy Dạn lên đó. Một lần thi môn của thầy Dạn, Tôn Thất Đại lên rút đề thi và thầy hỏi thẻ sinh viên, ông đưa thẻ cho thầy và vô tư về chỗ làm bài. Trong lúc làm bài thi thì thấy thầy mở kiểm tra
các thẻ sinh viên và ngắm nghía một tấm thẻ, nhưng thầy không nói gì và ông cũng không nhận ra điều gì cả.

Mãi khi về khu tập thể Bách khoa, ông mới toát mồ hôi và nói với bạn bè rằng thầy Dạn đã xem được cái thẻ sinh viên của ông. Ông tưởng lần này mình sẽ bị thầy Dạn cho một trận tơi bời và đánh trượt môn thi. Nhưng không, vài ngày sau đó thầy Dạn có đến khu tập thể nội trú của SV và nói với những người bạn của ông rằng: “Cậu Đại nó học được đấy nhưng mà hơi bị… ba gai!”.

Lần đó ông vẫn được thầy Dạn cho 5 điểm (thang điểm 5/5) vì làm bài đúng hết. Ông mừng vì thoát được lần nghịch ngợm tai hại.

Từ đó về sau, PGS.TS Tôn Thất Đại rất quý và biết ơn thầy Nguyễn Sanh Dạn vì thầy là người rất giỏi và giàu tình thương. Hai vợ chồng ông sau khi ra trường thường xuyên đến thăm và trò chuyện với thầy giáo của mình.

Còn rất nhiều những người thầy khác không ở trong trường lớp nhưng PGS. Tôn Thất Đại cho rằng mình đã rất may mắn vì được học những thế hệ kiến trúc sư đầu tiên ở thế ký 20. Cùng với người bạn đời cũng là đồng môn, đồng khóa và đồng nghiệp của ông, dấu ấn về họ và sự tri ân đối với họ khiến kiến trúc với ông trở thành tình yêu vượt lên trên khái niệm nghề nghiệp trong cuộc đời mình.

Nguyễn Thanh Hóa

(Nguồn: Trung tâm Di sản Các nhà khoa học Việt Nam)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here