Kể chuyện khóa… 0

LTS: Trường ĐHBK Hà Nội vừa kỷ niệm 63 năm thành lập. Những cựu sinh viên khóa I năm 1956 ngày nào giờ râu tóc đã bạc màu thời gian, nhưng nghĩ về thời đi học, nghĩ về những người thầy đã dạy mình đều như sống lại quãng đời thanh xuân tinh nghịch và tự hào thấy các hạt giống gieo trồng từ vườn hoa Bách khoa đều đã đâm chồi, nảy lộc, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế của đất nước. Cùng ôn lại những kỷ niệm và một số thành tựu của sinh viên, giảng viên Trường ĐHBK Hà Nội – như những bông hoa đẹp và lời chúc chân thành nhất tri ân thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

0
216
Một buổi trao đổi chuyên môn của các thầy khóa 0 Bách khoa với các nhà khoa học hàng đầu trong nước. Từ trái sang phải: Thái Thanh Sơn, GS. Nguyễn Thúc Hào, GS. Nguyễn Cảnh Toàn, GS. Tạ Quang Bửu, Nguyễn Đình Trí. Người quay lưng: GS. Lê Văn Thiêm.

Ở Trường ĐHBK Hà Nội, từ những “Cụ SV” khóa 1, khóa 2 vào trường từ những năm 1956, 1957 đến các khóa cháu/chắt như khóa 61, 62 ,63, ai cũng mang một chữ K và con số. Thế nhưng ở ĐHBK HN còn có một lớp người đặc biệt: Các cụ khóa… – nghĩa là… không có khóa nào cả! Tại sao cho đến nay chỉ ở Trường ĐHBK Hà Nội mới có những “cụ” Thầy khóa 0 như thế?

Khởi nguồn nhân lực

Sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc năm 1954, cùng với việc củng cố xây dựng lại trường ĐH Y – Dược trên cơ sở những tổ chức đào tạo trong vùng kháng chiến cũ và những cơ sở mới tiếp quản ở vùng tạm chiếm, Nhà nước chủ trương thành lập một số trường ĐH của chế độ Dân chủ cộng hòa.

Tháng 3/1956, Bộ Giáo dục ra quyết định thành lập đồng thời 5 trường ĐH. Trong 5 trường này, 4 trường được phát triển trên cơ sở của các trường cũ, riêng Trường ĐHBK Hà Nội là hoàn toàn mới. “Cơ ngơi” ban đầu của trường ĐHBK gồm 3 tòa nhà cũ của khu Đông dương học xá thời Pháp, trong thời gian tạm chiếm sử dụng làm trại lính dù và nơi giam tù binh, cán bộ, chiến sĩ kháng chiến gồm: Nhà D, nhà E, nhà F. Khi chúng tôi về tiếp quản, dưới hầm nhà D vẫn còn những dụng cụ tra tấn đẫm vết máu, xung quanh khu nhà là bùn lầy, lau sậy…

Ngày 1/7/1956, Bộ Giáo dục quyết định cử 28 giảng viên đầu tiên về chuẩn bị thành lập 3 Bộ môn: Toán, Lý, Hóa. Những giảng viên này nằm trong số 103 SV mới tốt nghiệp năm 1955 trên toàn Miền Bắc mới giải phóng. Sau đó, Bộ bổ sung thêm 12 người. 8 người trong số 12 người này ở lại lâu dài cùng với 23 trong số 28 người ở các bộ môn Toán, Lý, Hóa lập thành đội ngũ cán bộ giảng dạy khóa 0 của Trường ĐHBK Hà Nội.

Tháng 8/1956, ngoại trừ Hiệu trưởng Trần Đại Nghĩa, tất cả cán bộ giảng dạy và công nhân viên khóa 0 đã đóng cửa niêm phong khu vực trường (gồm nhà D, E, F), chỉ để lại 1 bảo vệ trực, cơm đùm cơm nắm bắt tuyến xe điện leng keng lên tổ chức thi tuyển sinh khóa 1 tại trường Trung học Trưng Vương ở phố Hàng Bài.

Thầy Toán Khóa 0 (U 90) Thái Thanh Sơn và cô sinh viên Vô tuyến điện Khóa 12 (U 80) cùng nhau trở về thăm Trường ĐHBK Hà Nội (12/10/2019) – nơi 52 năm trước họ “tình cờ” gặp nhau…

Khóa 0 và những điều không tưởng

Với xuất phát điểm vô cùng khiêm tốn, không hề có một sự hỗ trợ, chỉ đạo nào như vậy mà ngay 3 tháng sau, Nhà trường đã quyết định tổ chức giảng dạy cho khóa 1 gồm trên 1.000 SV mới tuyển. Tưởng chừng là chuyện không tưởng, thế nhưng với quyết tâm, nhiệt tình và sự hăng say làm việc hồn nhiên vô điều kiện của tuổi trẻ, hơn 40 giảng viên khóa 0 đã từng bước xây dựng bản lĩnh cho mình để hoàn thành nhiệm vụ cao cả, khó khăn được lãnh đạo và nhân dân tin yêu giao cho.

Cuối năm 1956, các tài liệu cơ bản về xây dựng bộ môn và chuyên môn giảng dạy cho trường ĐH kỹ thuật đã được chuyển về từ 2 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu của Liên Xô. Những thầy giáo trẻ miệt mài tự học tiếng Nga với vài giáo trình học thông qua tiếng Pháp để có thể nhanh chóng tiếp cận kiến thức mới.

Đêm đêm, giữa khoảng tối âm u của đám lau sậy ven bờ sông Sét, luôn sáng bừng những ngọn đèn điện trên nhà F. Hồi đó khu vực trường rất hoang vu, khi đèn điện sáng, hàng đàn cà cuống lao đến. Buổi làm việc đêm khuya của các thầy giáo trẻ thường gián đoạn bởi những cuộc săn cà cuống. Nhờ thế, ngày ấy bữa ăn nào cũng có rau muống luộc chấm nước mắm cà cuống, nguyên bọc cay, nguyên con, ngày nay mà nghĩ đến thì thực là quá “sang”!

Phong trào học tập và nghiên cứu khoa học có một “cú hích” khi Thầy Tạ Quang Bửu – khi ấy vẫn đương nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – được cử về kiêm nhiệm Hiệu trưởng Nhà trường. Thầy là người đã xác định đúng đắn hướng nghiên cứu phát triển cho các chuyên ngành Toán học ứng dụng và Toán học Tính toán, Vật lý chất rắn và Vật lý hạt nhân, Cơ học, Sinh Hóa học và Tự động hóa ở ĐHBK HN.

Chỉ trong thời gian 5 – 10 năm, những giảng viên trẻ mới làm quen với bục giảng năm nào đã bắt đầu có những thành tựu đầu tiên. Năm 1962, Bộ môn Toán cùng với Bộ môn Cầu Đường ĐHBK Hà Nội đã được Nhà nước công nhận là 2 Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa đầu tiên (và cũng chỉ có 2) – của ngành Giáo dục – một vinh dự vô cùng lớn lao thời đó.

Nổi bật là trường hợp chỉ sau 1 năm thực tập ở Ukraina, sau đó hoàn toàn tự nghiên cứu trong nước, năm 1972, anh Tạ Văn Đĩnh là người đầu tiên bảo vệ luận án Tiến sĩ về Khoa học tính toán ở trong nước. Và còn tuyệt vời hơn nữa, trong chiến tranh chống Mỹ phá hoại Miền Bắc trước 1975, đề tài nghiên cứu rà phá thủy lôi do anh Vũ Đình Cự và một số giảng viên Bộ môn Vật lý chủ trì thành công đã làm ngỡ ngàng và nản lòng các chiến lược gia hàng đầu của Mỹ, mang lại cho Nhà Trường ĐHBK Hà Nội phần thưởng tấm Huân chương Quân công cao quý Chính phủ khen tặng.

Thấm thoát đã 63 năm, các Thầy khóa 0 năm xưa nay người còn, người mất. Nhưng thầy trò Trường ĐHBK Hà Nội vẫn mãi tri ân, trân trọng những “công thần mở lối” của trường. Các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên luôn kế thừa truyền thống sáng tạo, đoàn kết, phấn đấu vươn lên, xây dựng ngôi trường thân yêu vững bước đổi mới.

NHỮNG “CÔNG THẦN MỞ LỐI”

Các thầy Tổ Toán
Tạ Văn Đĩnh (tổ trưởng); Lê Minh Châu, Kim Cương, Tô Xuân Dũng, Phan Bá Ngọc, Nguyễn Mỹ Quý, Nguyễn Hồ Quỳnh, Thái Thanh 
Sơn, Hoàng Công Tín và Nguyễn Đình Trí.

Các thầy Tổ Vật lý
Lương Duyên Bình (tổ trưởng); Vũ Đình Cự, Nguyễn Xuân Chánh, Nguyễn Hữu Hồ, Vũ Thanh Liêm và Lê Băng Sương.

Các thầy Tổ Hóa
Nguyễn Trọng Biểu (tổ trưởng) – Đào Quý Chiệu, Lê Văn Nhương, Phạm Ngọc Thanh, Phạm Quốc Thăng và Trần Văn Sinh.

Các thầy đợt tăng cường
Nguyễn Sanh Dạn, Nguyễn Văn Chiển, Lê Tâm, Nguyễn Như Kim, Lê Bảo; Phạm Đồng Điện, Nguyễn Đức Thừa, Nguyễn Bá Hưng.

Các thầy khóa 0 chuyển công tác
Đinh Nho Chương, Trần Văn Hãn, Lê Thiện Phố, Bùi Ngọc Quỳnh, Dư Trí Công, Kiều Dinh; 4 cán bộ chính trị quân đội được chuyển 
ngành về.

Thái Thanh Sơn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here