THƯ VIỆN TẠ QUANG BỬU: Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả hoạt động 

    0
    232

    Thư viện luôn có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên tự học, tự nghiên cứu bởi ở đó có không gian học tập yên tĩnh, nguồn tài liệu phong phú, đa dạng. Những đặc điểm này chính là điều kiện lý tưởng giúp sinh viên học tập tốt nhất. Trong nhiều năm qua, Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐHBK Hà Nội đã tích cực ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ mới trong quản lý vận hành, khai thác và phát triển hoạt động của thư viện giúp sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, giảng viên học tập, nghiên cứu và giảng dạy hiệu quả nhất.

    TIÊN PHONG ỨNG DỤNG CNTT

    Là một trong những thư viện có bề dày truyền thống, Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐHBK Hà Nội mỗi ngày có hàng nghìn lượt độc giả tìm tới để đọc sách, tìm kiếm thông tin, nghiên cứu tài liệu. Để phục vụ tốt nhất cho độc giả, cũng như tối ưu hóa các hoạt động của cán bộ, Thư viện Tạ Quang Bửu đã và đang không ngừng đổi mới dịch vụ, dựa trên nền tảng công nghệ một cách hiệu quả nhất.

    ThS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu cho biết: “Thư viện Tạ Quang Bửu bắt đầu ứng dụng CNTT từ những năm đầu của thập kỷ 90. Từ năm 1997 trở đi, Thư viện đã áp dụng CNTT một cách mạnh mẽ hơn. Thư viện được trang bị thêm nhiều máy tính điện tử thế hệ mới có cấu hình mạnh giúp phần thúc đẩy quá trình tin học hoá công tác thư viện. Bạn đọc đã được tiếp cận với vốn tài liệu thông qua cơ sở dữ liệu thư mục. Chúng tôi cũng đã thay đổi phương pháp làm việc, tiếp cận với những tiêu chuẩn hiện đại trên thế giới để xử lý thông tin một cách chính xác và nhanh nhất đưa tài liệu đến bạn đọc. Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại hiệu quả to lớn đối với bạn đọc và cán bộ thư viện, đồng thời, góp phần nâng cao hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường.”

    Trong việc tin học hoá công tác thư viện, việc cần thiết và quan trọng là phải xây dựng hoặc lựa chọn một phần mềm thích hợp. Vì vậy, Thư viện đã đưa phần mềm CDS/ISIS vào sử dụng. Đây là phần mềm quản trị tư liệu do tổ chức Văn hoá Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) tài trợ cho các nước đang phát triển. CDS/ ISIS là hệ thống lưu trữ và tìm kiếm thông tin tổng hợp được thiết kế để quản trị CSDL dạng văn bản có cấu trúc. Người dùng có thể thao tác thuận tiện qua các menu (thực đơn). Với phần mềm CDS/ ISIS, người dùng tin đã được tiếp cận với các cơ sở dữ liệu và sử dụng máy tính để tra cứu. Thông qua phần mềm, thư viện đã áp dụng vào việc quản lý, lưu trữ, tìm kiếm thông tin và tạo ra các sản phẩm thông tin thư mục về tài liệu giúp người dùng tin dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tới vốn tài liệu.

    Xu thế phát triển của ngành thông tin – thư viện là chia sẻ thông tin trên phạm vi toàn cầu thông qua công nghệ mới, vì vậy để có thể truy nhập, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các thư viện cần phải có sự áp dụng các chuẩn trong hoạt động thông tin – thư viện. Nhằm áp dụng tốt nhất các tiêu chuẩn này, năm 2006 Trường ĐHBK Hà Nội đã quyết định mua và sử dụng phần mềm thư viện tích hợp Virtua của hãng VTLS (Visionary Technology in Library Solutions) thay thế cho phần mềm CDS/ ISIS vào quản lý các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Virtua có xuất xứ từ Hoa Kỳ được phát triển dựa trên các tiêu chuẩn tiên tiến trong lĩnh vực thư viện, độ tích hợp cao, linh hoạt. Virtua cung cấp các hỗ trợ đa ngôn ngữ và dựa trên nền tảng Oracle TM. Việc áp dụng phần mềm Virtua vào Thư viện đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xử lý thông tin, đặc biệt là việc chuẩn hoá và trao đổi dữ liệu thông qua cổng Z39.50.

    Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, năm 2016, Thư viện Tạ Quang Bửu đã đầu tư trang bị phần mềm mới là phần mềm Sierra của hãng Innovative (Mỹ). Phần mềm mới đáp ứng yêu cầu, xu thế, công nghệ của ngành thư viện. Các phần mềm LSP có đầy đủ tính năng của một phần mềm ILS, nhiều tính năng nổi bật tương tác với người dùng. Khả năng quản trị các luồng công việc đơn giản, dễ dàng hơn. Thư viện có thể dễ dàng phát triển thêm các ứng dụng để tích hợp vào phần mềm. Ví dụ: Công cụ đếm lượt người dùng tin, tích hợp với các tính năng khác như QR Code…Việc áp dụng cơ sở dữ liệu người dùng tin của thư viện cũng có những thay đổi lớn.

    ĐEM LẠI LỢI ÍCH TỐI ĐA CHO ĐỘC GIẢ

    Sách gắn chip, nhận dạng bằng vô tuyến RFID, hệ thống mượn trả sách tự động cho phép người đọc tự chọn, tự thao tác mượn trả. Công nghệ RFID không chỉ tạo điều kiện để thư viện tăng khả năng đáp ứng việc lưu thông tài liệu trong khoảng thời gian ngắn như vào đầu năm học mà còn kích thích nhu cầu tài liệu của bạn đọc. “Trước đây, mỗi lần mình phải trải qua một vài thủ tục rườm rà mất khá nhiều thời gian. Còn bây giờ chỉ cần quẹt thẻ mà không phải chờ. Tiết kiệm rất nhiều thời gian”. – sinh viên Phùng Văn Chiến (Viện Điện) nói.

    Cùng với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phần mềm tiện ích và lượng độc giả lớn lựa chọn việc đọc sách qua mạng ngày càng phổ biến, Thư viện Tạ Quang Bửu còn chủ động phát triển các dịch vụ không bị giới hạn về không gian và thời gian giúp độc giả có thể đọc tài liệu ở bất cứ nơi đâu.

    Thực tế cho thấy nguồn tài liệu luôn có vị trí quan trọng trong giáo dục ở bậc đại học bởi nguồn học liệu phong phú, sẽ giúp cho giảng viên chuẩn bị và cập nhật bài giảng được đầy đủ, sinh viên có thể khai thác tài nguyên đó một cách tối ưu. Do đó, sinh viên muốn học tốt thì cần tìm đến các nguồn học liệu do các giảng viên cung cấp, giới thiệu. Để làm được điều này, thư viện sẽ địa chỉ là nơi hữu ích, là môi trường giúp sinh viên tìm tài liệu học tập hiệu quả. ■

    Quỳnh Nguyễn – Ảnh: Kim Chi

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here