Đi qua những ngày giống bão, còn đó những bao dung!

    0
    67

    Cái giá phải trả để có một cuộc sống yên bình là bao nhiêu? Tôi chưa từng đặt câu hỏi đó cho mình bởi tuổi thanh xuân của tôi vừa chớm, bao dự định, ước mơ hoài bão đang chờ tôi chinh phục. Để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện của mình, từ ngày phát hiện ra mình đang bị suy thân giai đoạn 4, tôi mới thấy cái giá của cuộc đời rất đắt đỏ, đừng hoang phí nó!

    Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nghệ An đầy nắng và gió, một vùng quê thanh bình và yên ả. Nơi có những cánh đồng trải dài bạt ngàn, có từng cơn gió Lào bỏng rát, có kí ức tuổi thơ thương thuộc nhất. Tôi nhớ như in những năm tháng theo mẹ ra đồng dưới cái nắng hè oi ả, nhìn thấy từng giọt mồ hôi của mẹ chảy dài, nhớ những tháng ngày ôn thi cật lực với hi vọng đỗ vào một ngôi trường đại học thật tốt để ngày sau có thể san sẻ gánh nặng cho bố mẹ. Đơn giản bởi tôi thương họ, thương những vất vả, những nhọc nhằn, mưa nắng mà họ đã trải qua. Tôi nhất định phải cố gắng, phải mạnh mẽ và quyết tâm để chinh phục tương lai đang rất dài phía trước.

    Những ngày cuối tháng 8 năm 2016

    Cầm trên tay giấy báo trúng tuyển: Nguyễn Thị Phương Thảo, tân sinh viên K61 ngành Kỹ thuật Thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường ĐHBK Hà Nội, tôi hạnh phúc xen lẫn tự hào, đây chính là món quà mà tôi đã cố gắng và nỗ lực để dành tặng bố mẹ. Họ cười tươi khoe với họ hàng, làng xóm: “Nó đỗ đại học Bách Khoa đấy các cô các bác ạ!” Nhưng tôi biết đằng sau nụ cười là gánh nặng và lo âu về chi phí học hành của tôi trong những năm sắp tới. Tôi thấy những nếp nhăn, vết chân chim ngày một sâu trên hai khuôn mặt khắc khổ ấy và cả ánh nhìn đầy lo âu chất chứa nhiều ưu tư…

    Tháng 10 năm 2016

    Những ngày đầu vào đại học, vượt lên nỗi lo lắng học hành, qua môn, tôi bắt đầu tìm kiếm việc làm thêm: từ hỗ trợ khóa học, gia sư, phụ bán cháo, bán sim dạo đến nhân viên thu ngân ở nhà hàng… nhiều lúc đi làm thêm về cũng đã hơn 11 giờ, gần 12 giờ đêm. Dù mệt mỏi nhưng chỉ cần nghĩ về gia đình, về bố mẹ đang ngày ngày làm lụng vất vả, không quản nắng mưa, nguồn động lực lớn lao ấy lại khiến tôi tiếp tục chăm chỉ và nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên, cũng có lẽ do chỉ chú trọng vào việc học tập và làm thêm mà vô tình tôi quên đi việc lo lắng cho sức khỏe của bản thân.

    Mùa hè năm 2018 Đó là những ngày cuối hè năm thứ hai đại học, tôi thấy toàn thân có hiện tượng phù nề, nấc cụt nhiều rất mệt mỏi nhưng tôi vẫn chủ quan và nghĩ mình vẫn khỏe mạnh bình thường bởi sinh viên mà, ăn uống linh tinh là chuyện bình thường, bụng dạ kém thì uống thuốc là được. Cứ thế, sự mệt mỏi kéo dài khiến tôi không trụ được nữa. Lần cuối cùng tôi lả và ngất đi không biết gì nữa, được bạn bè cùng kí túc đưa vào bệnh viện, khi ấy tôi vẫn chỉ nghĩ “Lần này lại tốn thêm một khoản tiền tiền thuốc thang rồi”. Cho đến khi bác sĩ kết luận tôi bị suy thận giai đoạn 4, hội chứng suy thận tiến triển nhanh, tăng huyết áp vô căn; yêu cầu nhập viện ngay và gọi bố mẹ ở quê ra Hà Nội khẩn cấp. Mọi thứ dường như sụp đổ, mắt tôi hoa lên, tôi bật khóc tức tưởi vì bất lực. Càng nghĩ về bố mẹ tim tôi càng thắt lại, tôi sợ mình không vượt qua được, không thể chống chọi với căn bệnh này. Khi ấy tôi cô đơn, sợ hãi lắm. Khi mới nhìn thấy bố mẹ từ quê lên, tôi chỉ biết khóc, khóc thật to như thể muốn oán trách cuộc đời. Tại sao nhà thì nghèo mà còn tôi lại bị bệnh của “người giàu”? Sao chỉ mới hai mươi tuổi mà tôi lại phải từng ngày, từng giờ chống chọi với bệnh tật, phải bỏ lỡ tuổi thanh xuân để chôn mình trong bốn bức tường bệnh viện. Tôi không dám nghĩ đến tương lai, con đường phía trước quá khó khăn, quá mệt mỏi. Một thời gian dài sau đó, tôi không dám mở chiếc điện thoại lên, vì tôi sợ, sợ nhìn thấy những dòng chữ khi tìm kiếm thông tin về căn bệnh ấy, những con số thống kê, những câu chuyện đau thương. Tôi sống trong vô vọng, rồi tự cô lập mình và không có niềm tin vào cuộc sống.

    Thời gian đầu điều trị ở bệnh viện, tôi phải thực hiện lọc máu 3 lần/ tuần duy trì sự đào thải của cơ thể, nằm viện được 20 ngày, tôi chuyển viện những mong có chuyển biến tích cực. Một lần tôi tình cờ nghe được bố chia sẻ với các anh chị phóng viên trong cái nấc nghẹn ngào: “Thận của Thảo bây giờ bị nặng lắm rồi, chú hi vọng bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc, nhưng giờ thì chắc không được rồi, chạy thận cả đời như vậy thì làm sao đi học được”. Vừa nói, bố vừa lấy tay gạt vội những giọt nước mắt. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bố yếu đuối đến vậy, tim tôi thắt lại, một cỗ buồn tủi choán lấy tâm trí tôi. Tôi biết đang mang một quả bom vậy, nó có thể phát nổ bất cứ lúc nào. “Tôi không cô đơn, vì ngoài kia còn nhiều bao dung!”

    Tôi không cô đơn, vì ngoài kia còn nhiều bao dung!

    Từ khi tôi nhập viện, bố mẹ thay phiên nhau lên chăm sóc. Bố dạo này gầy đi nhiều quá, hai gò má nhô cao, tóc cũng bạc nhiều hơn, mẹ cũng gầy và hằn nhiều vết chân chim vì gánh gồng nhiều áp lực. Một lần, khi nằm trên trên giường bệnh, thấy mẹ ngồi khóc, tôi ôm mẹ, hai mẹ con cùng khóc. Tôi bừng tỉnh, tự nhủ phải lạc quan, tích cực và mạnh mẽ đương đầu với bệnh tật dù tôi biết chặng đường để chiến thắng còn rất dài.

    Một ngày, tôi nhận được điện thoại hỏi thăm từ những người chưa từng quen mặt, tài khoản ngân hàng của tôi bỗng nhiên có rất nhiều tin nhắn báo có tiền chuyển đến kèm những lời động viên phải mạnh mẽ, cố gắng. Tôi thật sự xúc động, chẳng ngờ có một ngày tôi lại nhận được sự quan tâm, san sẻ của nhiều người đến thế. Rồi tôi đọc được tin nhắn của bạn nói rằng Nhà trường đang phát động cộng đồng người Bách khoa hỗ trợ kinh phí để tôi có thể chữa bệnh. Tôi chẳng thể gửi đi lời cảm ơn tới từng người, chỉ biết tận đáy lòng mình tôi biết ơn mọi người nhiều lắm. Khoảng thời gian khó khăn nhất cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất khi tôi được nhận những quan tâm, động viên chân thành nhất từ những “người Bách khoa”.

    Nhiều người còn dành thời gian tới bệnh viện thăm, trong đó có thầy Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng, bằng dáng vẻ mộc mạc, giọng nói ấm áp thầy kể cho tôi rất nhiều câu chuyện cảm động về nghị lực sống, thầy nói “thầy tin rằng sẽ luôn có những phép màu trong cuộc sống này chỉ cần em luôn nỗ lực và sống hết mình đừng bao giờ từ bỏ”. Thầy thực sự đã cho tôi niềm tim và hi vọng trong khoảng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời mình.

    sinh viên Nguyễn Thị Phương Thảo

    Với tôi, được sống đã là đặc quyền vô giá

    Gần đây tôi được xuất viện rồi, được về với những người bạn cùng kí túc xá. Dù 3 lần/tuần vẫn phải vào viện chạy thận, dù mệt mỏi nhưng khi tôi nghĩ đến tình yêu thương, sự quan tâm của tất cả mọi người dành cho mình, rồi khi nghĩ đến bố mẹ thì tôi lại tự nhủ mình càng phải kiên cường, lạc quan và mỉm cười thật hạnh phúc hơn nữa. Một lần nữa cảm ơn tất cả. Tôi cũng hi vọng, dù bất cứ ai đang gặp bất cứ khó khăn gì thì hãy thật kiên cường và đừng quên mọi người luôn ở bên bạn trong lúc bạn khó khăn nhất. Hãy luôn lạc quan và mỉm cười trước cuộc sống như cách tôi đã đang và sẽ làm các bạn nhé! ■

    Thục Anh – Thúy Hường

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here